Sau thất bại của An Dương Vương (179 Tr.CN), nước Âu Lạc bị nhà Triệu thôn tính và sáp nhập vào đất Nam Việt của Triệu Đà. Từ đấy cho đến thế kỷ VI, các triều đại phong kiến phương Bắc như Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, kế tiếp nhau cất quân xâm lược, đặt quan cai trị, biến Âu Lạc thành quận huyện, rắp tâm xoá bỏ độc lập, chủ quyền dân tộc, vơ vét, bóc lột tàn bạo nhân dân ta. Dân tộc ta sống đày đọa trong những đêm dài lệ thuộc bọn phong kiến nước ngoài.

Trước nguy cơ bị đồng hóa, ý thức dân tộc, lòng yêu nước của người Việt đã trỗi dậy mạnh mẽ, ngoan cường. Trong những thế kỷ đó, không thế kỷ nào không nổ ra một vài cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn, có những cuộc khởi nghĩa đã chuyển thành chiến tranh giải phóng lâu dài, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248), Lý Bí (542-548). Trong quá trình đấu tranh chống xâm lược, chống đô hộ, chống đồng hóa đó, đã nảy nở và xuất hiện tư tưởng khởi nghĩa và chiến tranh toàn dân một đặc trưng nổi bật của tư tưởng quân sự Việt Nam ở giai đoạn này.

Tư tưởng khởi nghĩa và chiến tranh toàn dân chống xâm lược hình thành như một tất yếu của lịch sử trong điều kiện khách quan về so sánh lực lượng giữa dân tộc ta với thế lực xâm lược, đô hộ. Đó là lúc dân tộc ta đã mất độc lập phải đứng lên đập tan ách nô lệ mà kẻ thù áp đặt lên mình, nên cuộc đấu tranh tất nhiên phải đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn để giành lại toàn bộ chủ quyền từ tay kẻ thù. Mặt khác, kẻ thù của ta là thế lực xâm lược của một nước lớn nằm sát liền biên giới với nước ta, lại đã tổ chức được bộ máy đô hộ trên đất nước ta, nên nhân dân ta một khi nổi dậy đấu tranh giành quyền tự chủ tất yếu sẽ vấp phải sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù. Đó là sự trấn áp dữ dội bằng bạo lực của bộ máy đô hộ đã giăng sẵn ở khắp các quận huyện nước ta, bằng các cuộc phản công quyết liệt của các đạo viện binh lớn được nhanh chóng điều động từ chính quốc sang. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh của nhân dân ta muốn giành được thắng lợi, tất nhiên không thể chỉ dựa vào một hoặc một vài thành phần xã hội nhỏ bé nào đấy, không chỉ có dân chúng ở một hoặc một vài địa phương riêng lẻ, mà phải thu hút, lôi cuốn được cả cộng đồng, được dân chúng cả nước tham gia

Thực tiễn chiến đấu đó đã làm cho các thế hệ người Việt, hơn ai hết, hiểu thấu một thực tế hiển nhiên là, chỉ có lực lượng của toàn dân, của cả cộng đồng mới có đủ sức mạnh đánh đuổi kẻ thù xâm lược to lớn và tàn bạo đang thống trị trên đất nước ta, cũng như chống lại các cuộc phản kích của chúng sau khi khởi nghĩa giành được thắng lợi. Quan niệm khởi nghĩa và chiến tranh toàn dân chống xâm lược của dân tộc ta đã được hình thành, đúc kết nên từ thực tiễn đấu tranh lâu dài đó.

Tư tưởng khởi nghĩa và chiến tranh toàn dân chống xâm lược của dân tộc ta ở giai đoạn này được thể hiện khá rõ rệt, tập trung nhất ở những điểm cốt lõi có tính quy luật của khởi nghĩa và chiến tranh, từ mục tiêu đến lực lượng và phương thức đấu tranh.

Về mục tiêu đấu tranh

Trong bối cảnh dân tộc bị mất nước, đất nước có nguy cơ bị đồng hóa vĩnh viễn, ý thức về cộng đồng người Việt, về chủ quyền quốc gia vốn đã hình thành từ thời dựng nước, đến nay càng được củng cố và nuôi dưỡng. Mối quan tâm thường xuyên và cấp bách của cả cộng đồng, của mọi người dân Việt lúc này là độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước, là làm sao đánh đuổi được kẻ xâm lược, cứu được nước. Những yêu cầu đó đã tạo ra cho các tầng lớp nhân dân ta, từ các lạc dân cho đến các lạc tướng, cừ súy (sau này chuyển dần là các hào trưởng địa phương) đều có một nguyện vọng chung là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Nó trở thành mục tiêu chiến đấu, là ngọn cờ đoàn kết để tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng, đồng thời làm cho những cuộc đấu tranh đó mang tính nhân dân sâu sắc.

Phải nói rằng, ngay từ đầu Công nguyên, các cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của giặc Hán, giặc Ngô của nhân dân ta đã phản ánh được nguyện vọng chung ấy và hành động quật khởi chung theo mục tiêu ấy. Sách Thiên Nam ngữ lục ở thế kỷ XVII đã khái quát tài tình về tôn chỉ, mục đích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng:

Một xin rửa sạch nước thù,

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,

Ba kẻo oan ức lòng chồng,

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này!

Mục tiêu đó cũng được cô đúc xong câu nói nổi tiếng đầy khí phách, tương truyền là của Bà Triệu: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.

Đấu tranh giành độc lập dân tộc là ý chí của mỗi người dân yêu nước, đồng thời cũng là điểm chung để đoàn kết, gắn bó mọi người với nhau thành một khối. Vì vậy, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, 65 huyện, thành trong cả nước lập tức hưởng ứng nổi dậy, khi Bà Triệu cưỡi voi, gióng trống thì toàn thể Châu Giao chấn động, Thứ sử Giao Châu mất tích.

Rõ ràng là, trong giai đoạn đầu Bắc thuộc, mục tiêu giành lại nước, khôi phục chế độ của Vua Hùng là một sự cổ vũ lớn đối với nhân dân ta bấy giờ và là một động lực to lớn của công cuộc cứu nước, như sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay"

Nếu các cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn đầu Bắc thuộc, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có mục tiêu là nhằm khôi phục chế độ thời Hùng Vương, thì đến thế kỷ VI với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đã đánh dấu một bước phát triển mới về mục tiêu đấu tranh. Sau khi đánh đuổi nhà Lương, Lý Bí đã chủ trương xây dựng nền độc lập, ngang hàng với phương Bắc. Sử của ta chép rằng: "Vua (Lý Bí - TG) dấy binh đánh đuổi được (giặc Lương TG), xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên"25. "Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Xuân làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ"26. Đồng thời, ông lấy niên hiệu riêng là Thiên Đức, xây chùa lớn ở Kinh đô, đặt tên chùa là Khai Quốc (mở nước), đúc đồng tiền riêng để tiêu dùng trong xứ... Những việc làm trên cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của ý thức dân tộc, của lòng tự tin vào khả năng vươn lên làm chủ đất nước và đánh dấu một bước phát triển của phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta thời Bắc thuộc.

Nhìn chung, các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của nhân dân ta ở giai đoạn này đều có mục tiêu chung là đánh đuổi bọn quan lại đô hộ, giành lại độc lập cho dân tộc. Mục tiêu cứu nước đó luôn là nguồn cổ vũ, động viên cực kỳ to lớn đối với các tầng lớp nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, vì độc lập, tự do của đất nước.

Về lực lượng đấu tranh

Sự thống trị tàn bạo của bọn phong kiến phương Bắc khiến người Việt hơn bao giờ hết, thấy rất rõ rằng mất nước là mất tất cả. Họ không chịu khuất phục, quyết vùng dậy đấu tranh để giành lại độc lập, tự do. Bất chấp kẻ thù có một bộ máy chính quyền đô hộ và một lực lượng quân sự chiếm đóng trên cả nước ta, các thế hệ người Việt liên tục đứng lên đấu tranh, đánh đuổi quân cướp nước.

Từ trong những thế kỷ căm hờn và đấu tranh đó, nhân dân ta càng ngày càng thấy rằng, chỉ có nổi dậy mãnh liệt và đấu tranh kiên quyết mới giành lại được quyền sống, giành lại được độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh đó phải có sự tham gia của quảng đại quần chúng nhân dân, của mọi tầng lớp xã hội mới có đủ sức mạnh tiêu diệt lực lượng quân sự địch và đập tan bộ máy đô hộ của chúng. Cho nên, trong phong trào đấu tranh chống Bắc thuộc, người Việt bị áp bức ở nước ta luôn biết tạo lập nên sức mạnh đấu tranh của mình bằng cách động viên, tập hợp lực lượng nhân dân cả nước tham gia đánh giặc, cứu nước.

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên là điển hình đầu tiên về một cuộc khởi nghĩa toàn dân chống xâm lược. Khi cờ nghĩa dấy lên ở đất Hát Môn, lập tức các lực lượng yêu nước ở khắp các miền của Tổ quốc từ miền xuôi đến miền ngược đều hưởng ứng kéo về, chung sức đánh giặc. Tham gia nghĩa quân không chỉ có những chàng trai khỏe mạnh, yêu nước mà còn có rất nhiều thủ lĩnh địa phương như ông Đống, ông Nà, ông Cai, Đỗ Năng Tế, Hoàng Đạo, Đông Bảng, Đô Chinh, Đô Dương, Chu Bá, v.v..Đặc biệt là trong hàng ngũ nghĩa quân có đông đảo các nữ tướng tài năng, dũng cảm như Lê Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Xuân Nương, Liễu Giáp, Việt Huy, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Thị Hoa, Ả Di, Ả Lã, Nàng Đê... Đó là những con người đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng nhanh chóng vượt qua tư tưởng địa phương, vùng miền để đứng dưới cờ của hai vị nữ anh hùng kiệt xuất, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự chủ.

Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã được phản ánh trong nhiều sử sách và truyền thuyết. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Lúc bấy giờ Thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lị. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Các thứ sử, Thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi". Với sức mạnh của nhân dân, của dân chúng cả nước, chỉ trong hơn một tháng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đập tan ách đô hộ của nhà Đông Hán, khôi phục nền độc lập, tự chủ của đất nước và giữ được chính quyền trong ba năm.

Khởi nghĩa Lý Bí cũng là một điển hình về mức độ tham gia của nhân dân, như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: "Vua (Lý Bí TG) vốn nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh. Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diễn phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về"

Từ một số sử liệu ít ỏi đó có thể thấy rằng, tham gia vào việc lãnh đạo và tổ chức cuộc khởi nghĩa, ngoài Lý Bí vốn xuất thân từ một hào trưởng địa phương, còn có nhiều đại biểu yêu nước thuộc các tầng lớp khác nhau, như Tinh Thiều, một người có học thức nhưng không được trọng dụng; Triệu Túc, thủ lĩnh đất Chu Diên (mạn Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Nội) và con trai là Triệu Quang Phục; Phạm Tu, tướng tài người làng Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)... Cuộc khởi nghĩa còn được nhân dân và hào kiệt ở nhiều nơi nổi dậy hưởng ứng. Chính bằng sức mạnh nổi dậy của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên hầu khắp các châu huyện đất nước, nghĩa quân không những nhanh chóng quét sạch bọn quan lại đô hộ nhà Lương về nước mà còn nhanh chóng đánh bại các cuộc phản kích của chúng.

Kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh đã nói lên rất rõ rằng, ở nước ta, các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược, chống đô hộ muốn giành được thắng lợi phải nhất thiết do nhân dân tiến hành và các cuộc đấu tranh đó bao giờ cũng có khả năng động viên, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Điều đó khiến cho các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta luôn có tính nhân dân sâu sắc và đó cũng là một nội dung có tính quy luật của mọi cuộc chiến tranh yêu nước ở Việt Nam.

Về phương thức đấu tranh

Các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của nhân dân ta diễn ra trong tình thế quân xâm lược đã áp đặt được ách thống trị, đã dàn quân chiếm đóng trên cả nước ta, do đó, chúng không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn tàn bạo nào để đàn áp, khủng bố. Mặt khác, dân tộc ta tiến hành khởi nghĩa trong điều kiện khi khởi sự thường chỉ có một lực lượng quân sự (nghĩa quân) mới được tổ chức đến một mức độ nhất định, phần lớn vũ khí còn ít ỏi và thô sơ, nên quân khởi nghĩa phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển lực lượng, đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh.

Xuất phát từ điều kiện cụ thể của nước ta lúc đó, tổ tiên ta đã vận dụng phương thức đấu tranh thích hợp để giành chiến thắng. Đó là phương thức kết hợp tác chiến của nghĩa quân với nổi dậy của dân chúng để tiêu diệt địch, đập tan ách thống trị của chúng, giành lại chủ quyền trên toàn bộ đất nước. Phương thức đấu tranh đó vừa khai thác, phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, cả già trẻ, gái, trai, thực hiện cả nước đánh giặc, vừa tạo ra điều kiện để thực hành những cuộc tiến công quân 

sự, giáng cho địch những đòn thật đau, thật mạnh, làm tan rã ý chí xâm lược của chúng.

Trong hoàn cảnh mất nước, phải lấy nhỏ đánh lớn thì sự phối hợp giữa tiến công quân sự của nghĩa quân với nổi dậy của nhân dân đã trở thành phương thức đấu tranh chủ yếu, quan trọng để dân tộc ta lật đổ ách đô hộ của địch, giành lại độc lập, tự chủ.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là điển hình đầu tiên về một cuộc khởi nghĩa toàn dân, đồng thời cũng là một kiểu mẫu thành công của sự phối hợp giữa tác chiến của nghĩa quân với nổi dậy của nhân dân trên cả nước. Để tiến hành khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã tổ chức tại căn cứ Mê Linh một đội quân làm lực lượng nòng cốt và kêu gọi hào kiệt cùng dân chúng các nơi tham gia. Sách Thiên Nam ngữ lục và nhiều thần tích ghi chép rằng, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, chỉ trong 10 ngày, trên những huyện, thành chủ yếu của nước ta thời đó đã có tới 10 vạn người - chiếm 10% số dân nước ta lúc đó nổi dậy, đánh chiếm các phủ thành, tiêu diệt bọn quan lại đô hộ và các đồn binh địch. Đồng thời từ Mê Linh, Hai Bà Trưng dẫn đạo quân chủ lực tiến công địch ở Tây Vu, Cổ Loa, rồi Luy Lâu, Liên Châu - Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh - thủ phủ chính quyền đô hộ địch. Nghĩa quân liên tiếp tiêu diệt các vị trí địch với một khí thế mãnh liệt như truyền thuyết kể rằng, quân của Hai Bà Trưng "Voi đi nườm nượp trên bộ, thuyền bè tấp nập dưới sông, hoặc như sách Đại Nam quốc sử diễn ca mô tả:

Ngàn Tây nổi áng phong trần.

Ào ào binh mã xuống gần Long Biên.

Bằng những đòn tiến công mạnh mẽ, dồn dập, nghĩa quân đã tiêu diệt đạo quân chủ lực của địch, đập tan bộ máy chính quyền đô hộ cao nhất của đế chế Hán trên đất nước ta, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở các địa phương còn lại, kể cả Nhật Nam ở mặt Nam, Hợp Phố ở mặt Bắc. Chỉ trong hơn một tháng nhân dân ta đã giành lại quyền làm chủ trên cả 65 huyện, thành, tức là toàn bộ đất nước ta thời đó.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành được thắng lợi nhanh chóng là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự của quân khởi nghĩa với nổi dậy đồng loạt của dân chúng vũ trang ở khắp các địa phương trong cả nước. Từ đây trở đi, sự kết hợp giữa tác chiến của nghĩa quân với nổi dậy của nhân dân trở thành phương thức đấu tranh cơ bản để dân tộc ta lật đổ ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc.

Đến thế kỷ VI, phương thức đấu tranh đó được vận dụng một cách sáng tạo và đã giành được thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa chống Lương do Lý Bí lãnh đạo. Lý Bí cũng tổ chức được một lực lượng khởi nghĩa làm nòng cốt, đồng thời ông liên kết với các hào trưởng, thủ lĩnh ở nhiều châu, huyện nước ta để tổ chức, phát động nhân dân các địa phương cùng nổi dậy đấu tranh lật đổ ách đô hộ của giặc Lương. Dưới những đòn tiến công quân sự mãnh liệt của quân khởi nghĩa cùng với sự nổi dậy rộng khắp của dân chứng trên hầu khắp các châu, huyện nước ta thời đó, ách thống trị của địch trong thời gian chưa đầy ba tháng đã bị đập tan. Một lần nữa, sự kết hợp tác chiến của nghĩa quân với nổi dậy của nhân dân đã làm nên chiến thắng, mở đường cho sự thành lập Nhà nước Vạn Xuân độc lập.

Thực tế của khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đầu Công nguyên và khởi nghĩa Lý Bí ở thế kỷ VI - hai cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc có quy mô rộng lớn và đều giành được thắng lợi - cho thấy, dân tộc ta từ rất sớm đã xác định được phương thức đấu tranh thích hợp để chống lại ách thống trị của ngoại bang. Trong cả hai cuộc khởi nghĩa đó, đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa những đòn tiến công quân sự dồn dập, mãnh liệt, những trận đánh lớn của nghĩa quân nhằm vào thủ phủ địch, vào các đạo quân chủ lực địch với những cuộc nổi dậy đồng loạt, rầm rộ của nhân dân, buộc quân địch 

phải bị động, phân tán lực lượng đối phó ở khắp mọi nơi, nên ta nhanh chóng giành thắng lợi.

Cũng cần thấy rằng, sở dĩ nhân dân ta có thể nhanh chóng nổi dậy đồng loạt dưới cờ đại nghĩa của Hai Bà Trưng hay của Lý Bí, cùng nhiều vị anh hùng dân tộc khác và cùng nghĩa quân đánh giặc, là vì trong những đêm dài nô lệ, nhân dân ta vẫn giữ được quyền làm chủ ở các làng xã, vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình, không để bị đồng hóa. Đó là nền móng, cơ sở vững chắc, để hình thành nên phương thức đấu tranh giải phóng rất hiệu quả, giành chiến thắng vẻ vang.

Khởi nghĩa và chiến tranh toàn dân với mục tiêu giành độc lập, có sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa tác chiến với nổi dậy của nghĩa quân và nhân dân, đó là những quan điểm quân sự nổi bật mà dân tộc ta sớm đúc kết, vận dụng trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VI, nhất là trong hai cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lý Bí. Những quan điểm đó được duy trì, tiếp tục phát triển và biểu hiện phong phú hơn ở giai đoạn đấu tranh sau.