Khái quát tình hình đất nước thời Hùng Vương - An Dương Vương; cuộc kháng chiến chống Tần và Triệu Đà xâm lược

Sự hình thành Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

Cách đây khoảng 4.000 năm, nghĩa là vào khoảng 2.000 năm Tr.CN, các bộ lạc người Việt cổ từ lưu vực sông Hồng cho đến miền Bắc Trung Bộ, đã bước vào thời đại đồng thau; họ chiếm lĩnh, khai phá những vùng ven sông biển, tập trung chủ yếu ở các con sông lớn. Họ mở rộng diện tích canh tác, trồng lúa nước nên đời sống đỡ bấp bênh và bắt đầu sống ổn định trong các điểm tụ cư là các làng xóm cổ. Trải qua quá trình lao động bền bỉ và lâu dài, người Việt cổ từng bước biến đổi vùng đồng bằng đầm lầy thành những cánh đồng màu mỡ, dựng nên nhiều làng xóm với dân cư ngày càng đông đúc thêm.

Do những yêu cầu về thủy lợi, về tự vệ chống ngoại xâm và do việc trao đổi về kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc Lạc Việt sinh sống gần nhau có xu hướng tập hợp lại và thống nhất với nhau. Trong số các bộ lạc đó, bộ lạc Văn Lang cư trú trên địa bàn trải rộng hai bên bờ sông Hồng từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo, là hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang và tự xưng là Hùng Vương.

Về sự thành lập nước Văn Lang, sách Việt sử lược, cuốn sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, chép rằng: "Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-681 Tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương".

Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng ra đời là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài của người Việt cổ đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng của lịch sử đất nước và mở ra thời đại dựng nước, giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Cùng thời, trên phạm vi lãnh thổ của nước Văn Lang, có nhiều bộ lạc chung sống, trong đó có bộ lạc Âu Việt (Tây Âu) cư trú tập trung ở vùng rừng núi và trung du phía Bắc, tức vùng Việt Bắc nước ta ngày nay. Người Âu Việt sống gần gũi, nhiều nơi xen kẽ và có mối quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hóa với các bộ lạc Lạc Việt. Mối quan hệ đoàn kết đó ngày càng được thắt chặt, củng cố hơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Tần (214-208 Tr.CN). Sau khi kháng chiến thành công, Thục Phán thủ lĩnh của bộ lạc Âu Việt, tiến hành sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt, lập nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Nước Âu Lạc ra đời là bước phát triển mới, kế tiếp và cao hơn nước Văn Lang và trên một phạm vi rộng lớn hơn của cả người Lạc Việt và Âu Việt. Mặc dù tồn tại không lâu chỉ trong khoảng thời gian gần 30 năm (208-179 Tr.CN), nước Âu Lạc cũng có nhiều đóng góp to lớn vào thời đại dựng nước, giữ nước đầu tiên của dân tộc ta, thời đại Hùng Vương An Dương Vương.

Cương vực nước Văn Lang khá rộng lớn, tương ứng với vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ của nước ta ngày nay và một phần phía Nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, nước Văn Lang đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn (tức Chiêm Thành)l. Khi An Dương Vương lập nước Âu Lạc vào thế kỷ III Tr. CN, về cơ bản lãnh thổ nước Âu Lạc cũng chính là lãnh thổ của nước Văn Lang từ thời các Vua Hùng.

Nước Văn Lang Âu Lạc có lãnh thổ trải dài từ miền rừng núi, trung du xuống đồng bằng và ra đến biển cả với một địa hình đa dạng, nhiều hình lắm vẻ. Núi non, sông ngòi, thung lũng, rừng cây, cao nguyên, đầm lầy, ao hồ... xen kẽ nhau, lại có bờ biển dài, nhiều chỗ khúc khuỷu với vách đá dựng đứng, vũng sâu thăm thẳm ven bờ, tạo ra địa thế rất hiểm trở, như Nguyễn Trãi từng nói: "quan hà bách nhị" (sông núi hiểm trở khiến hai người có thể chống được trăm người). Đặc điểm địa lý đó có ảnh hưởng lớn đến tư duy tư tưởng quân sự, nhất là về nghệ thuật lợi dụng địa hình, địa thế đất nước để đánh giặc, giữ nước của tổ tiên ta.

Cư dân sinh sống trên lãnh thổ Văn Lang Âu Lạc bấy giờ, chủ yếu là hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt. Hai bộ tộc này sống xen kẽ ở nhiều nơi, nhưng người Lạc Việt cư trú chủ yếu ở đồng bằng châu thổ các con sông lớn, như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả..., cư dân Âu Việt sống tập trung ở vùng trung du và rừng núi phía bắc của đất nước.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, dân số nước ta thời Hùng Vương An Dương Vương cũng đông đúc thêm. Sách Tiền Hán thư biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ I Tr.CN cho biết, vào buổi đầu thời Bắc thuộc, trên đất nước ta có khoảng 128.183 hộ, 912.250 khẩu. Số liệu đó chưa hẳn là đúng với sự thật, song cho phép ước đoán số dân nước Văn Lang Âu Lạc có khoảng trên dưới 1 triệu người.

Tình hình dân cư cùng với những đặc điểm của địa hình lãnh thổ là những yếu tố thường xuyên tác động đến tư duy, tư tưởng của người Văn Lang Âu Lạc trong việc khai thác, phát huy sức mạnh của đất nước, của con người, để tổ chức lực lượng chống giặc, giữ nước.

Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa thời Hùng Vương - An Dương Vương

Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc gắn liền với sự phát triển của nền văn minh sông Hồng, đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn.

Về chính trị: Nhà nước Văn Lang Âu Lạc là nhà nước kiểu công xã thị tộc bộ lạc, đứng đầu là nhà vua, theo chế độ cha truyền con nối. Nhà vua đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới vua và giúp việc cho nhà vua có các lạc hầu. Cả nước chia làm 15 bộ, đứng đầu là các lạc tướng (phụ đạo), cũng thế tập cha truyền con nối. Dưới bộ là các công xã nông thôn (làng, chạ), đứng đầu là các bồ chính (già làng). Nhà nước ra đời khi sự phân hóa giai cấp chưa thật rõ rệt, cho nên tinh thần dân chủ, ý thức cộng đồng còn nổi trội, được bảo lưu khá mạnh mẽ trong các công xã nông thôn.

Về kinh tế: Sự tiến bộ của các công cụ sản xuất đã thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển, đạt đến một trình độ khá cao. Cư dân Văn Lang Âu Lạc biết trồng lúa nước, biết thuần dưỡng trâu bò để làm sức kéo trong nông nghiệp dùng cày. Ngoài cây lương thực chính là lúa, họ còn biết trồng các loại cây lấy quả, củ, trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông lấy sợi. Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh cá khá phát triển. Các ngành nghề thủ công, như nghề dệt, nghề gốm, nghề mộc, nghề đan lát, luyện kim (đồng, sắt)..., sản xuất đồ dùng, công cụ lao động, đồ trang sức ngày càng tinh xảo. Sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp ngày càng nhiều lên, đã thúc đẩy việc giao lưu, buôn bán giữa các vùng và mở mang thêm mạng đường giao thông, nhất là đường thủy.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế gồm nhiều ngành nghề, trong đó nông nghiệp trồng lúa nước chiếm vị trí chủ đạo là cơ sở cho việc xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc gia, chống lại các thế lực xâm lược. Mặt khác, cũng chính sự phát triển của nền kinh tế với sản lượng lúa cao, nhiều đồ đồng quý, Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc từ rất sớm đã trở thành mục tiêu bành trướng, xâm lược của các nước khác.

Về xã hội: Nhờ sự phát triển của sức sản xuất, nhất là việc sử dụng các công cụ bằng kim loại có năng suất lao động cao, vai trò của người đàn ông trong gia đình bà xã hội ngày càng được nâng lên. Xã hội chuyển dần từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, tuy nhiên tàn dư của mẫu hệ vẫn còn đậm nét. Các gia đình nhỏ được xác lập ngày càng phổ biến và trở thành đơn vị kinh tế, tế bào của xã hội. Công xã thị tộc từng bước tan rã và nhường chỗ cho công xã nông thôn. Mỗi công xã nông thôn gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định, trong đó bên cạnh quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn.

Xã hội Văn Lang - Âu Lạc bao gồm ba tầng lớp: quý tộc (gồm có tộc trưởng, tù trưởng bộ lạc và những người giàu có); nô lệ, chủ yếu là nô lệ gia đình; thành viên công xã nông thôn, là tầng lớp đông đảo nhất và giữ vai trò là lực lượng sản xuất chủ yếu. Xã hội bước đầu có sự phân hóa giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhưng còn khá mờ nhạt.

Về văn hóa: Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt cổ sống quần tụ trong các cộng đồng làng xã, tạo ra một nền văn hóa có nhiều nét đặc sắc riêng. Nền văn hóa đó mang tính bản địa đậm nét, kết tinh trong đó nhiều giá trị truyền thống như: ý thức cộng đồng, gắn bó máu thịt với quê hương; chung lưng đấu cật, đoàn kết, gắn bó với nhau trong lao động và đấu tranh; tinh thần nhân ái, tôn trọng người già và phụ nữ, biết ơn và tôn thờ tổ tiên, tôn vinh những người có công với làng, với nước... Qua thực tiễn sản xuất cũng như đấu tranh xã hội, cư dân thời đó tích lũy được nhiều tri thức phong phú, đa dạng như: kỹ thuật trồng lúa nước và hoa màu, kỹ thuật luyện kim và chế tác các đồ đồng, đồ sắt, những tri thức về thiên văn, triết học nguyên thủy, về tín ngưỡng bản địa,... Những tri thức đó được thể hiện trong các hoa văn trống đồng, thạp đồng, trên đồ gốm, cũng như trong các truyện thần thoại, truyền thuyết.

Nền văn hóa sớm được hình thành từ thời Hùng Vương An Dương Vương đã tạo cho người Việt bản lĩnh vững vàng, nên dù phải trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn trụ vững, không những không bị đồng hóa, mà trái lại còn tích lũy lực lượng, cuối cùng vùng lên giành lại được nền độc lập.

Về xây dựng tiềm lực quân sự: Vừa mới dựng nước thì nhân dân ta đã phải đương đầu với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài. Truyền thuyết dân gian kể nhiều đến các cuộc chiến đấu chống nhiều loại "giặc", như "giặc Man", "giặc Mũi Đỏ", "giặc Ân"... Đặc biệt là truyền thuyết Thánh Gióng, kể về cậu bé làng Phù Đồng vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân, đã phản ánh và ca ngợi cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta lúc bấy giờ. Vì thế, ngay từ thời Hùng Vương, việc xây dựng tiềm lực quân sự của đất nước đã được chú trọng. Vua và các lạc hầu, lạc tướng đều có những đơn vị thân binh để bảo vệ, làm nòng cốt trong các cuộc chiến tranh, tuy nhiên số lượng đội quân ấy không nhiều. Mỗi lần có chiến tranh, Nhà nước phải dựa vào dân binh và nguồn cung cấp hậu cần của nhân dân các làng xã.

Sang thời Âu Lạc, do yêu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa để phòng thủ, chế nỏ Liên Châu để chống giặc, giữ thành. Nhà nước Âu Lạc đã xây dựng được một đạo quân khá mạnh, đông tới hàng vạn người, được rèn luyện chu đáo và giỏi bắn cung tên. Điều đó cho thấy ngay từ buổi đầu dựng nước, tổ tiên ta không những sớm nhận thức được yêu cầu giữ nước mà còn tích cực chăm lo xây dựng lực lượng quân sự của đất nước để chống giặc ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến chống Tần (214-208 Tr.CN)

Cuộc chiến tranh giữ nước chống xâm lược đầu tiên diễn ra trên đất nước ta mà sử sách còn lại cho biết là cuộc kháng chiến chống Tần cuối thế kỷ III Tr.CN. Sau khi thống nhất được Trung Quốc năm 221 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng đã sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân tiến xuống thôn tính các bộ tộc người Việt (Bách Việt) ở phía Nam Trường Giang. Năm 214 Tr.CN, hàng vạn quân Tần đã vượt biên giới tràn vào lãnh thổ nước Văn Lang.

Trước sức mạnh của giặc, người Việt bỏ trốn vào rừng, tôn người tài giỏi làm chủ tướng, tiến hành kháng chiến, đánh tập kích, phục kích, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Cuộc chiến đấu của người Việt kéo dài 6, 7 năm trời (214-208 Tr.CN), làm cho quân Tần ngày càng lâm vào tình thế khốn quẫn, tiến thoái lưỡng nan. Nhân cơ hội đó, người Việt tập hợp lực lượng, tổ chức phản công tiêu diệt giặc, giết chết tướng giặc Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh.

Cuộc kháng chiến thắng lợi để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến tranh giữ nước của một dân tộc nhỏ chống lại kẻ thù xâm lược lớn mạnh, trong đó nổi bật là bài học về sức mạnh đoàn kết, về lối đánh du kích, về tận dụng địa hình, địa thế đất nước để chiến đấu lâu dài, cuối cùng tiến lên đánh thắng giặc ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến chổng Triệu Đà xâm lược (184- 179 Tr. CN)

Cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi chưa được bao lâu thì nguy cơ xâm lược của nhà Triệu, một thế lực phong kiến cát cứ mới trỗi dậy ở Nam Trung Quốc, lại ập tới. Triệu Đà, một viên tướng nhà Tần, lợi dụng lúc nhà Tần sụp đổ, nhà Hán mới lên, đã xưng đế, lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu) và tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.

Theo sử sách, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược nước Âu Lạc, nhưng do Âu Lạc có lực lượng quân sự mạnh, có thành lũy kiên cố và có vũ khí tốt, đặc biệt là nỏ Liên Châu, nên các cuộc tiến công của quân Triệu đều bị thất bại. Biết không thể chinh phục được bằng vũ lực, Triệu Đà thay đổi thủ đoạn, xin giảng hòa với Âu Lạc, xin cầu hôn Công chúa Mỵ Châu, con gái của An Dương Vương cho con trai mình là Trọng Thủy và xin cho Trọng Thủy được ở rể tại kinh đô Cổ Loa để dò xét tình hình, chia rẽ nội bộ và lung lạc tinh thần chiến đấu của triều đình Âu Lạc. Sau khi đã nắm được những bí mật về quân sự và quốc phòng của Âu Lạc, Triệu Đà bất ngờ mở cuộc tiến công, đánh chiếm Cổ Loa.

Do chủ quan mất cảnh giác, An Dương Vương đã mắc mưu Triệu Đà, để đất nước rơi vào tay giặc. Cuộc kháng chiến thất bại đó, để lại bài học mất nước đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Từ đây, đất nước của các Vua Hùng, vua Thục rơi vào thảm họa hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Nước ta thời Bắc thuộc (từ năm 179 Tr.CN đến đầu thế kỷ X)

Kể từ khi Triệu Đà chiếm được nước Âu Lạc (năm 179 Tr.CN) cho đến cuộc nổi dậy giành quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ (905), các triều đại phong kiến phương Bắc, từ nhà Triệu, Hán (Tây Hán và Đông Hán), Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường, thay nhau thống trị nước ta. Chính sách đô hộ của mỗi triều đại tuy có biểu hiện khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích biến Âu Lạc thành quận, huyện của Trung Quốc, đồng hóa dân tộc và bóc lột triệt để nhân dân ta.

Trước hết, chúng xoá bỏ chủ quyền quốc gia, xoá bỏ thể chế Nhà nước Âu Lạc, thay vào đó là bộ máy cai trị của người Hán, chia đất nước ta thành châu, quận lệ thuộc, đứng đầu là các quan thứ sử, Thái thú. Càng về sau, chúng tổ chức bộ máy thống trị ở nước ta càng chặt chẽ hơn, nhất là sau khi Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, như cử quan lại người Trung Quốc sang cai trị tới cấp huyện, xây thêm thành lũy và bổ sung quân đội chiếm đóng.

Đồng thời, các triều đại phong kiến phương Bắc cũng ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân ta thậm tệ bằng mọi cách như thu cống phẩm, tô thuế và lao dịch, nhất là bắt cống nạp nhiều của quý vật lạ phương Nam, bắt thợ thủ công giỏi đưa sang Trung Quốc. Sử của Trung Quốc cho biết, Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ (187-226), hằng năm dâng cho nhà Ngô nhiều hương liệu, minh châu, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi, các loại quả lạ, hàng nghìn tấm vải cát bá loại mịn, hàng trăm ngựa,... hoặc Tôn Tư cũng là Thái thú Giao Chỉ ở thời Ngô, vốn tham lam, bạo ngược, bắt hàng nghìn thợ khéo ở nước ta sang xây dựng Kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh - Trung Quốc)l. Cùng với chính sách nô dịch về chính trị, bóc lột về kinh tế, các triều đại phong kiến phương Bắc còn thi hành chính sách đồng hóa, áp đặt mô hình bộ máy tổ chức và sinh hoạt xã hội của người Hán trên đất Việt. Chúng di dân, lập đồn điền, cho người Hán đến ở lẫn với người Việt, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán, theo pháp luật và lễ giáo phong kiến phương Bắc.

Chính sách nô dịch, bóc lột và đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc khiến nhân dân ta ngày càng cực khổ, điêu đứng năm bề. Đất nước ta, dân tộc ta lâm vào thảm họa diệt vong, đứng trước thử thách của sự mất còn.

Nhưng bất chấp hơn một nghìn năm dưới ách kìm kẹp của chính quyền đô hộ, nhân dân ta vẫn duy trì được sức sống kỳ diệu, dẻo dai, vẫn không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng làng xã và dựa vào làng xã để đấu tranh quyết liệt chống lại chính sách nô dịch và đồng hóa của kẻ thù. Bởi vậy, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, không một triều đại phong kiến Trung Quốc nào nắm được làng xã và can thiệp, làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của nhân dân ta. Làng xã vẫn là bầu trời riêng của người Việt, ở đó nhân dân ta vẫn giữ được cốt cách làm ăn và phong tục, tập quán riêng, không chỉ bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn biết tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa ngoại nhập phù hợp với cuộc sống của mình để phát triển sản xuất và văn hóa. Chính các làng xã này là nơi nuôi dưỡng truyền thống văn hóa Việt, nơi ấp ủ mối căm thù quân cướp nước, là nơi tích lũy lực lượng và là nơi gieo mầm dẫn đến những cuộc nổi dậy thường xuyên và liên tục của nhân dân ta chống lại chính quyền đô hộ phương Bắc.

Biên niên sự kiện quân sự nước ta cho biết, cuộc nổi dậy chống Bắc thuộc đầu tiên của nhân dân ta là cuộc khởi nghĩa Tây Vu Vương năm 111 Tr.CN. Đó là cuộc khởi nghĩa của một bộ phận nhân dân Âu Lạc do một thủ lĩnh thuộc dòng họ quý tộc Âu Lạc cũ lãnh đạo nhằm giành lại nền độc lập cho đất nước. Song, Tây Vu Vương bị viên tả tướng nhà Triệu sát hại. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng nó đã mở ra một sang sử mới trong phong trào đấu tranh chống đô hộ của nhân dân ta.

Sang đầu Công nguyên, năm 40, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhân dân Âu Lạc lại nhất tề nổi dậy chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ từ đất Mê Linh, sau đó nhanh chóng lan ra các huyện thuộc Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh). Được sự ủng hộ mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, giành được quyền làm chủ ở 65 huyện, thành và đánh đổ toàn bộ chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán. Phong trào khởi nghĩa cũng lan rộng ra cả các quận Nhật Nam (Bình Trị Thiên, Quảng Nam) và quận Hợp Phố (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi sau hơn 150 năm nô lệ. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi là một sự kiện tiêu biểu nhất về sức mạnh quật khởi của toàn dân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự chủ.

Đất nước giải phóng được hơn hai năm thì nhà Đông Hán lại kéo quân sang quyết dùng vũ lực đàn áp lực lượng kháng chiến và áp đặt lại ách đô hộ tàn bạo của chúng.

Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân ta từ sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, tuy có lắng xuống một thời gian, nhưng rồi lại trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là ở quận Nhật Nam. Nhân dân ở đây đó liên tục nổi dậy chống chính quyền đô hộ trong các năm 100, 136, 137, như sử Trung Quốc chép: "Man Di ở ngoài cõi Tượng Lâm, quận Nhật Nam là bọn Khu Liên mấy ngàn người đánh huyện Tượng Lâm, đốt thành, chùa, giết trưởng lại"5. phong trào đấu tranh chống áp bức ở Nhật Nam phát triển mạnh mẽ khiến cho bọn quan lại đô hộ rất lo lắng. Triều đình nhà Hán nhiều lần phải sai quân đi đàn áp và mãi đến năm 160 mới tạm dẹp yên phong trào ở đây.

Đến nửa sau thế kỷ II, phong trào đấu tranh nổ ra trên cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Với khí thế đấu tranh quyết liệt nghĩa quân đốt phá các thành ấp, đồn trại, giết chết bọn quan lại đô hộ người Hán từ huyện lệnh đến Thái thú. Có những cuộc nổi dậy đã liên kết được nhiều địa phương và kéo dài được ba, bốn năm. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Chu Đạt ở các quận Cửu Chân và Nhật Nam những năm 157 160; của Lương Long ở hàng loạt quận, huyện từ Giao Chỉ cho tới Nhật Nam những năm 178  -181. Binh lính người Việt trong quân đội đô hộ Hán được nhân dân thức tỉnh cũng nhiều lần nổi dậy đấu tranh.

Từ thế kỷ III trở đi, nhân dân ta liên tục nổi dậy đấu tranh, khiến bọn quan lại đô hộ phương Bắc không sao đối phó nổi. Thái thú Giao Chỉ lúc đó là Tiết Tổng dâng sớ cho Tôn Quyền nói rằng: "Giao Châu đất rộng người đông, hiểm trở độc hại, dân xứ ấy rất dễ làm loạn, rất khó cai trị"

Cuộc nổi dậy gây chấn động Giao Châu bấy giờ là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 ở Cửu Chân (Thanh Hóa). Bà Triệu lập căn cứ ở núi Nưa, phát triển lực lượng, quân số có tới hàng vạn người. Nghĩa quân đánh thắng quân Ngô nhiều trận, giải phóng nhiều huyện thành. Bọn quan lại nhà Ngô, từ Thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết, kẻ bị bắt, hoặc chạy trốn trong cơn hoảng loạn.

Nhà Ngô lo sợ phải cử Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, đem 8.000 quân sang đàn áp. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy bị thất bại, nhưng đã đánh dấu một bước trưởng thành của cuộc đấu tranh tự giải phóng của nhân dân ta lúc bấy giờ.

Tiếp nối tinh thần quật khởi của Bà Triệu, phong trào chống đô hộ của nhân dân ta vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, lúc âm ỉ, lúc bộc phát, lan động cả miền xuôi và miền ngược, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Lý Trường Nhân (468 485).

Khi Thứ sử Giao Châu bị giết, Lý Trường Nhân, một hào trưởng địa phương, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, giết hết bọn quan lại đô hộ cùng những người lưu ngụ từ phương Bắc sang, tự xưng là thứ sử. Các thứ sử do nhà Tống cử sang cai trị nước ta đều bị Lý Trường Nhân đánh đuổi. Lý Trường Nhân chết, người em họ là Lý Thúc Hiến lên thay, cũng kiên quyết không chấp nhận thứ sử từ phương Bắc sang. Triều đình nhà Tề phải đem quân sang đàn áp để chiếm lại Giao Châu.

Bước sang thế kỷ VI, phong trào giải phóng của nhân dân ta chuyển lên giai đoạn mới mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa thành công dưới sự lãnh đạo của Lý Bí (542-543) đưa đến việc thành lập Nhà nước Vạn Xuân (544).

Nhân lòng oán giận của nhân dân ta với chính quyền đô hộ, Lý Bí đã liên kết với hào kiệt ở các châu, huyện nước ta cùng nổi dậy chống nhà Lương. Chưa đầy 3 tháng, bè lũ đô hộ nhà Lương đã bị quét sạch. Nghĩa quân chiếm được châu thành Long Biên. Nhà Lương hai lần đem quân sang đánh chiếm lại Giao Châu, nhưng đều bị quân khởi nghĩa đánh tan.

Trên đà chiến thắng, Lý Bí tuyên bố độc lập, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế (Hoàng đế nước Nam), đặt niên hiệu riêng là Thiên Đức, tổ chức một triều đình riêng có hai ban văn võ. Ông còn cho dựng điện Vạn Xuân7 để làm nơi văn võ bá quan triều hội, xây chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước), đúc tiền Thiên Đức.

Việc dựng nước Vạn Xuân, một Nhà nước kiểu mới của người Việt, nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, của lòng tự tin vững chắc vào khả năng làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước của nhân dân ta.

Năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem gần 10 vạn quân sang cướp lại nước ta. Lúc đầu, Lý Nam Đế chỉ chủ trương dựa vào quân đội chủ lực và thành lũy cố định, dàn trận chống giặc, nhưng không địch nổi quân Lương rất đông và mạnh, nên phải rút lui về động Khuất Lão (Phú Thọ), rồi giao binh quyền cho Triệu Quang Phục.

Tướng Triệu Quang Phục lui về lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch, thực hiện đánh lâu dài, lấy đánh tiêu hao, phục kích, đánh úp làm phương thức tác chiến chủ yếu. Nhờ có cách đánh phù hợp, lực lượng nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, gây cho quân địch nhiều thiệt hại. Năm 550, nhân nhà Lương có loạn, Triệu Quang Phục tổ chức phản công, giành thắng lợi.

Nước Vạn Xuân giữ được độc lập hơn nửa thế kỷ thì nhà Tùy lại đem quân sang xâm lược. Lý Phật Tử tổ chức kháng chiến nhưng thất bại, đất nước ta lại bị rơi vào ách thống trị của nhà Tùy.

Dưới ách thống trị của nhà Tùy rồi nhà Đường, phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của nhân dân ta tiếp tục diễn ra quyết liệt. Liên tiếp trong 3 thế kỷ VII, VIII, IX, thế kỷ nào cũng có những cuộc nổi dậy của nhân dân ta đánh đuổi chính quyền đô hộ. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), của Mai Thúc Loan (713 720), của Phùng Hưng (766 791), của Dương Thanh (819 820)... Các phong trào đó chính là những trận tập dượt cho việc giành quyền độc lập thực sự của dân tộc ta vào đầu thế kỷ X.

Cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự chủ đầu thế kỷ X

Vào đầu thế kỷ X, nhân lúc triều đình nhà Đường (618 907) ở Trung Quốc rối loạn và chính quyền đô hộ nhà Đường trên đất nước ta suy yếu, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ đã dấy binh khởi nghĩa (905) đánh chiếm phủ Tống Bình, tự xưng là Tiết độ sứ. Nhà Đường đành phải công nhận chính quyền của Khúc Thừa Dụ và phong ông làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ tước Đồng bình chương sự. Tuy còn mang danh hiệu một chức quan của nhà Đường, nhưng thực chất Khúc Thừa Dụ đã dựng nên một chính quyền tự chủ, kết thúc về cơ bản ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc.

Sau khi Khúc Thừa Dụ qua đời (907), con cháu ông là Khúc Hạo (907-917) và Khúc Thừa Mỹ (917-930) nối nghiệp, tiến hành cải cách xã hội chính trị, để củng cố nền tự chủ của nước nhà. Khúc Hạo chia đất nước thành các cấp hành chính là lộ, phủ, châu, giáp, xã; tổ chức hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Ông cho sửa lại chế độ tô thuế, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, thực hiện chính sách ngoại giao mềm mỏng, hòa hảo với phong kiến phương Bắc; chú ý giữ gìn biên cương...

Những cải cách của Khúc Hạo có tác dụng và ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng một chính quyền tự chủ, một quốc gia độc lập, thống nhất, thoát khỏi ảnh hưởng của chính quyền phong kiến phương Bắc. Dưới thời họ Khúc đất nước thái bình, dân chúng sống yên vui, kinh tế phát triển. Những thành quả đó càng làm tăng thêm lòng tin vào tương lai dân tộc, nâng cao quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Song, mới giành lại được quyền tự chủ một phần tư thế kỷ, thì vương triều Nam Hán, một thế lực phong kiến mới trỗi dậy cát cứ ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc) lại âm mưu đánh chiếm nước ta.

Mùa thu năm 930, Vua Nam Hán sai các tướng Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Dung đem quân sang xâm lược nước ta. Do thế giặc mạnh, Khúc Thừa Mỹ không chống nổi, bị quân Nam Hán bắt đưa về Quảng Châu. Nước ta lại rơi vào tay nhà Nam Hán.

Vua Nam Hán cử Lý Tiến làm Thứ sử Giao Châu cùng Lương Khắc Trinh giữ thành Đại La (Hà Nội). Nhưng chính quyền đô hộ nhà Nam Hán dựng nên chỉ kiểm soát được phủ thành Đại La và một số vùng chung quanh, quyền làm chủ ở các châu, quận trên thực tế vẫn do các quan lại cũ của họ Khúc nắm giữ. Nhân dân ta ở các địa phương dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng bí mật tổ chức lực lượng, mưu giành lại quyền độc lập, tự chủ cho đất nước.

Tháng 3 năm 931, một danh tướng họ Khúc là Dương Đình Nghệ từ Châu Ái (Thanh Hóa) đưa quân ra vây đánh thành Đại La. Vua Nam Hán sai Trình Bảo đem quân cứu viện, nhưng quân viện chưa kịp đến thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành. Quân Nam Hán tan vỡ, tướng giặc Lương Khắc Trinh bị giết chết, Thứ sử Lý Tiến chạy thoát về nước. Dương Đình Nghệ đem quân ra ngoài thành đánh tan quân cứu viện, giết chết Trình Bảo, rồi nhân đà thắng lợi đó, tiến lên quét sạch quân Nam Hán ra khỏi nước ta, giành lại nền độc lập tự chủ. Dương Đình Nghệ vẫn tự xưng là Tiết độ sứ như họ Khúc.

Mặc dù bị thất bại, nhưng nhà Nam Hán vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Lợi dụng việc Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ và sang cầu cứu, nhà Nam Hán phát binh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Cuối năm 938, vua Nam Hán sai con là Hoằng Tháo đem một đạo binh thuyền lớn sang đánh chiếm nước ta, đồng thời tự mình dẫn một đạo quân đóng ở cửa biển sẵn sàng tiếp ứng. Đoàn thuyền giặc vừa mới vượt biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng đã bị quân và dân ta do Ngô Quyền chỉ huy chặn đánh và tiêu diệt đại bộ phận. Chủ tướng giặc là Hoằng Tháo bị giết tại trận. Vua Nam Hán phải bãi binh và từ đó vĩnh viễn bỏ mộng xâm lược nước ta.

Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cột mốc lớn đánh dấu chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thật sự và lâu dài của dân tộc ta.

Như vậy, lịch sử Việt Nam từ thế kỷ III Tr.CN đến năm 938 có đặc điểm nổi bật là, trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc ta đã phải liên tục chống giặc ngoại xâm, chống ách đô hộ, thống trị của các thế lực phong kiến nước ngoài.

Ngay từ thời các Vua Hùng, vua Thục, nhân dân ta vừa mới dựng nước đã phải lo đánh giặc giữ nước, đã phải chiến đấu chống nhiều thứ giặc, tiêu biểu là hai cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III Tr. CN) và chống Triệu (thế kỷ thứ II Tr.CN). 

Thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu (năm 179 Tr.CN) đã dẫn đến thời kỳ nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ.

Từ đấy đến đầu thế kỷ X, trong hơn 10 thế kỷ, nhân dân ta, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, liên tục vùng lên khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc. Phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi, mãnh liệt với hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn, nhỏ bùng nổ trên khắp các địa phương. Cuộc khởi nghĩa này bị thất bại, bị dìm trong máu lửa thì cuộc khởi nghĩa khác lại bùng lên, mạnh mẽ và rộng lớn hơn.

Trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược và ách đô hộ nước ngoài, dân tộc ta lại thường xuyên phải đương đầu với nhiều đế chế lớn mạnh bậc nhất phương Đông bấy giờ, như các đế chế Tần (221-206 Tr.CN), Hán (206 Tr.CN-220), Tùy (581-618), Đường (618-907). Những thế lực xâm lược này chẳng những to lớn, có nhiều của, đông dân và đông quân hơn ta gấp nhiều lần mà lại còn ở sát liền phía Bắc nước ta. Vì thế, phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân ta diễn ra hết sức ác liệt, không chỉ khởi nghĩa lật đổ chính quyền đô hộ mà còn phải tiếp tục kháng chiến, tiến hành chiến tranh giải phóng chống lại những đạo quân xâm lược lớn của kẻ thù.

Cuộc đấu tranh và giữ nền độc lập dân tộc với những đặc điểm nêu trên diễn đi diễn lại từ đời này sang đời khác, đã tác động sâu sắc đến sự phát triển đất nước và đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân người Việt. Cả dân tộc dường như dồn hết sức lực, cả vật chất lẫn tinh thần vào cuộc chiến đấu vì sự sống còn của mình. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được tôi luyện và phát huy, đồng thời nhiều bài học đấu tranh, cả thành công và thất bại, được tổng kết, rút kinh nghiệm. Nhận thức của các thế hệ người Việt về những vấn đề quân sự, trước hết là việc xác định mục tiêu, lực lượng, phương thức đấu tranh để giành chiến thắng ngày càng được nâng cao, đúc kết thành tư duy, tư tưởng, lưu truyền và không ngừng được bổ sung qua nhiều năm tháng đánh giặc, cứu nước.

Như vậy, thực tiễn đấu tranh chống xâm lược và ách đô hộ, thống trị của phong kiến phương Bắc cùng với những đặc điểm về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của dân tộc là điểm xuất phát, là tiền đề đưa đến sự hình thành và phát triển tư duy, tư tưởng quân sự Việt Nam thời đó.