Tư duy, tư tưởng quân sự trong cuộc chiến tranh giữ nước đầu tiên

Do nhu cầu sống, tồn tại và phát triển, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm từ rất sớm và rất nhiều lần. Không kể những cuộc chiến đấu mang tính huyền thoại thời Hùng Vương, cuộc chiến tranh cứu nước, chống xâm lược đầu tiên, mà sử sách lưu lại cho biết là cuộc kháng chiến chống Tần vào cuối thế kỷ III Tr.CN.

Sách Hoài Nam Tử của Lưu An viết: Nhà Tần lại ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc châu và ngọc cơ của đất Việt, bèn sai úy Đồ Thư phát 50 vạn binh, chia làm năm đạo quân: một đạo đóng ở đèo Đàm Thành, một đạo đóng giữ ở ải Cửu Nghi, một đạo đóng ở Phiên Ngung, một đạo giữ miền Nam Dã, một đạo đóng ở sông Dư Can.

Trong 3 năm quân Tần không cởi giáp, dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương, để đánh nhau với người Việt. Giết được quận trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết chết Đồ Thư. Quân Tần thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người8.

Mặc dù sử sách còn lại chỉ cho biết sơ lược như vậy, nhưng có thể thấy rằng, ngay từ cuộc đụng đầu lịch sử lớn đầu tiên với kẻ thù từ phương Bắc xuống, tổ tiên ta trước sự sống còn của dân tộc đã phải suy tính, lựa chọn khi quyết định cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, rồi vừa đánh vừa rút kinh nghiệm kịp thời, để cuối cùng giành chiến thắng. Từ thực tiễn cuộc chiến đấu đó, đã nảy nở những mầm mống đầu tiên của tư duy, tư tưởng quân sự, mà biểu thị tập trung ở một số nội dung cốt lõi sau:

Quyết tâm chiến đấu để bảo vệ cộng đồng bảo vệ quê hương, đất nước

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần diễn ra trong bối cảnh, người Việt do nhu cầu cố kết trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm đã dựng nên được nhà nước đầu tiên của mình - Nhà nước Văn Lang. Trên cương vực của nhà nước ấy, tổ tiên ta vào cuối thời Hùng Vương An Dương Vương đã sáng tạo nên một nền văn minh cổ đại nền văn minh sông Hồng với đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn rực rỡ, mà nền tảng kinh tế, xã hội của nó là nghề nông trồng lúa nước cùng với cộng đồng làng xóm của những cư dân nông nghiệp. Trên nền tảng kinh tế, xã hội ấy, đã hình thành một đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đậm tính bản địa và bản sắc riêng, mà biểu hiện tập trung nhất ở sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với quê hương, đất nước và với cộng đồng người Việt. Sự gắn bó, yêu thương của con người với quê hương, đất nước ngày càng thêm keo sơn trong quá trình đấu tranh chống thiên tai, địch họa dài hàng nghìn năm.

Đồng thời, cũng do sớm hòa hợp, chung sức trong công cuộc dựng nước và giữ nước, cho nên, dân tộc ta sớm có ý thức cố kết cộng đồng, ý thức độc lập, tự chủ mạnh mẽ. Câu chuyện về việc Việt vương Câu Tiễn có lần sai sứ giả xuống dụ Vua Hùng thần phục nhưng bị cự tuyệt, mà sách Việt sử lược chép, là một minh chứng về tinh thần tự lập tự cường của tổ tiên ta thời ấy.

Bởi vậy, ngay khi quân Tần kéo vào nước ta, tổ tiên ta, cả người Âu Việt và Lạc Việt đã chiến đấu rất ngoan cường để bảo vệ quê hương, đất nước. Mặc dù lúc ấy, có một số nhóm người Việt thuộc tộc Bánh Việt ở Nam Trường Giang hoặc đã bị thôn tính hoặc bỏ đất ra đi vì họa xâm lược của giặc Tần, nhưng tổ tiên ta đã chọn con đường ở lại, bám trụ làng xóm, bám trụ ruộng vườn, sông núi, quê hương, kiên quyết chiến đấu chống quân xâm lược. Họ thà chạy vào rừng sống cùng các loài cầm thú chứ quyết không chịu khuất phục, không chịu kiếp sống nô lệ. Họ liên kết nhau lại, đồng lòng, chung sức, cử người tài giỏi ra chỉ huy đánh giặc. Quân xâm lược đi đến đâu cũng vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của nhân dân các địa phương. Cuộc chiến đấu bảo vệ làng xóm, quê hương gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước.

Sau nhiều năm chiến đấu anh dũng và bền bỉ, nhân dân ta đã đánh bại được cuộc xâm lược của quân Tần. Thắng lợi đó càng làm tăng thêm niềm tự hào, ý thức cố kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Phát huy sức mạnh cố kết của cộng đồng để chống giặc

Chống giặc ngoại xâm, hơn nữa lại là những thế lực xâm lược to lớn, luôn đòi hỏi phải có sự cố kết và tham gia của cả cộng đồng, không loại trừ bất cừ thành viên nào. Nó cũng đòi hỏi mỗi thành viên tinh thần tự giác gắn kết với cộng đồng, ý thức trách nhiệm, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả lao động chung, bảo vệ quê hương, đất nước. Điều đó đối với người Việt như là một lẽ tự nhiên, một đòi hỏi tự thân và khách quan để tồn tại và phát triển. Câu truyện Thánh Gióng phá giặc Ân tuy đượm màu thần thoại, nhưng đã phản ánh phần nào về sự cố kết của cộng đồng trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, như việc Vua Hùng sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tàigiỏi ra đánh giặc cứu nước; hoặc cùng với quân đội của nhà vua, đội quân của ông Gióng đi đánh giặc có cả người dân cày cầm vồ đập đất, có người câu cá, có người đi săn, có đoàn trẻ chăn trâu,v.v., nhờ đó mà có đủ sức mạnh phá tan được quân giặc dữ. Vào cuối thế kỷ III Tr.CN, 50 vạn quân Tần do Hiệu úy Đồ Thư cầm đầu, đánh xuống phía Nam Trường Giang, chinh phục các bộ tộc Bách Việt, rồi thừa thắng, một bộ phận quân Tần tràn vào nước ta. Chúng ra sức đốt phá, cướp bóc, tàn sát dân lành và gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta.

Để đương đầu với thế lực xâm lược to lớn mà số quân của chúng đông tới hàng vạn tên, (tổng số dân nước ta lúc đó có khoảng 1 triệu người), các thủ lĩnh Âu Việt và Lạc Việt đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, của cộng đồng để chống giặc. Điều đó đã được kể trong một bức thư của Lưu An gửi Hán Võ đế, chép lại trong sách Tiền Hán Thư: "Thần nghe các cụ phụ lão nói rằng, thời Tần từng sai úy Đồ Thư đánh đất Việt, lại sai giám Lộc đào cừ mở đường. Người Việt trốn vào núi sâu, rừng rậm, không thể đánh được. {Nhà Tần} lưu quân ở lại đóng giữ đất không, lâu ngày sĩ tốt mệt mỏi. Người Việt bèn ra đánh, quân Tần đại bại"9.

Rõ ràng là, trước họa ngoại xâm, người Âu Việt và người Lạc Việt đã tham gia đánh giặc một cách hết sức kiên trì, bền bỉ và rộng khắp. Người thì trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; người thì rút bỏ vào rừng, làm vườn không nhà trống, cất giấu thóc lúa, của cải, gây nhiều khó khăn cho giặc về tiếp tế, hậu cần. Lực lượng kháng chiến không chỉ có các đội thân binh của các thủ lĩnh quân sự Âu Việt, các lạc tướng và các đội dân binh làng xã mà còn có đông đảo dân chúng tham gia, bất kể lứa tuổi, nam nữ, địa vị xã hội. Quân giặc bị đánh đuổi ở khắp nơi, liên tục phải đối phó với cuộc chiến đấu của người Việt, nên quân dẫu đông mà vẫn thiếu, càng đánh càng lâm vào tình thế khó khăn, tuyệt vọng, cuối cùng phải chịu thất bại.

Cuộc chiến đấu của người Việt thời đó thật kiên cường, diễn ra chủ yếu là ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Bắc, song theo sử sách thì đã có nhiều người thuộc vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng tham gia đánh giặc. Tiêu biểu là Cao Lỗ (ông Nỏ), người ở đất Vũ Ninh (Bắc Ninh), là Lý Ông Trọng người làng Chèm, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III Tr.CN là chiến công chung của cộng đồng cư dân Việt cả người Âu Việt và Lạc Việt. Chiến công đó đã thể hiện sự manh nha của tư tưởng chiến tranh nhân dân Việt Nam, tạo nên niềm tin to lớn về truyền thống yêu nước tất thắng của các thế hệ người Việt trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Sử dụng nhiều cách đánh giặc mưu trí, sáng tạo

Trong cuộc kháng chiến chống Tần, tổ tiên ta không chỉ có quyết tâm chiến đấu rất cao, mà còn biết vận dụng nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo để giành chiến thắng. Sử sách Trung Quốc xưa đều ít nhiều đã nói đến lối đánh của người Việt, như khi giặc còn mạnh thì "rút vào rừng", "đêm công ngày lánh", khiến cho địch chiếm "mảnh đất không", thủy thổ bất phục, "tiến không được, thoái không xong", khi thời cơ đến thì "đại phá quân Tần", tiêu diệt hàng chục vạn tên, buộc nhà Tần phải bãi binh. Những điều ghi chép trên cho thấy, tư duy về cách đánh giặc của tổ tiên ta đã nảy sinh và phát huy tác dụng từ cuộc chiến đấu không cân sức này.

Trước thế mạnh ban đầu của quân Tần, người Việt đã không dàn trận chặn địch, mà phân tán lực lượng, chạy vào rừng để bảo toàn lực lượng. Họ rút vào rừng nhưng không phải là bỏ đất cho địch, mà trái lại là tích lũy lực lượng, tìm người tài giỏi chỉ huy tiếp tục cuộc chiến đấu, ngày ẩn, đêm ra đánh phá quân Tần. Bám chắc vào các làng bản, chiềng chạ, tận dụng địa thế hiểm trở của quê hương, đất nước, họ vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt như: đánh đêm, đánh úp, đánh lén, đánh tỉa, đánh bền bỉ, dẻo dai, chống lại quân xâm lược.

Với lối đánh đó, tổ tiên ta vừa phát huy được khả năng đánh giặc của cả cộng đồng, của mỗi người, vừa tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ để thực hiện đánh địch ở khắp mọi nơi, buộc quân giặc phải phân tán lực lượng đối phó và làm cho chúng không những bị tiêu hao sinh lực, bị triệt hạ lương thực mà còn bị mệt mỏi tinh thần. Chính sách Sử ký của Tư Mã Thiên cũng ghi nhận là cuộc chiến đấu mưu trí, bền bỉ của người Việt đã khiến cho quân Tần "lương thực bị tuyệt và thiếu", "đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong". Quân Tần càng ngày càng bị dồn vào tình thế khốn quẫn, tuyệt vọng: "Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta tự thắt cổ trên cây dọc đường, người chết trông nhau"

Khi tình thế cho phép, tổ tiên ta mới tập trung lực lượng, chuyển sang phản công, thực hiện đánh lớn, đánh tiêu diệt sinh lực giặc, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần. Kết quả là, người Việt đã đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư. Quân Tần thây phơi, máu chảy hàng mấy chục vạn người, cuối cùng buộc phải bãi binh.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tần chứng tỏ ngay từ cuộc đụng đầu lịch sử lớn đầu tiên với kẻ thù đến từ phương Bắc, tổ tiên ta đã biết tìm ra cách đánh thích hợp với địa hình, hoàn cảnh của đất nước, một mặt biết khai thác lợi thế của ta, mặt khác ra sức hạn chế ưu thế của quân giặc để phát triển cuộc chiến đấu và cuối cùng đã đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Thắng lợi đó đã thể hiện mầm mống đầu tiên của tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam, "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều", tạo nên sức mạnh và thế trận hơn hẳn đối phương để giành thắng lợi trên chiến trường

Tư duy, tư tưởng phòng thủ đất nước thời An Dương Vương

Điểm xuất phát của tư duy, tư tưởng quốc phòng trong buổi đầu dựng nước nói chung, ở thời An Dương Vương nói riêng là ý thức về lãnh thổ và bảo vệ lãnh thổ của cộng đồng người Việt trước mối đe dọa của các thế lực xâm lược bên ngoài. Ý thức đó càng ngày càng lớn lên, được nâng cao cùng với sự phát triển của công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ở thời An Dương Vương, việc Nhà nước Âu Lạc ra đời với đất đai rộng lớn hơn, dân cư đông đúc hơn, là sự phát triển lên một mức cao hơn so với Nhà nước Văn Lang, đánh dấu một bước trưởng thành của ý thức dân tộc, của tinh thần đoàn kết và quyết tâm giữ nước của nhân dân ta. Mặt khác, Nhà nước Âu Lạc vẫn thường xuyên phải đối phó với nguy cơ xâm lược của nhiều kẻ thù, như giặc Xích Quỷ, giặc Triệu... Truyền thuyết thôn Hà Phương (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) còn nhắc đến việc nước Âu Lạc của An Dương Vương đánh bại giặc Xích Quỷ ở khu vực này. Điều đó khiến cho cư dân Âu Lạc sớm ý thức được yêu cầu phải giữ nước, bảo vệ lãnh thổ và cuộc sống của mình. Việc xây dựng lực lượng quân sự, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước được chú trọng hơn các mặt khác. Bởi vậy, tuy chỉ tồn tại khoảng 30 năm, nhưng nước Âu Lạc vẫn tiếp tục phát triển về các mặt trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được thời Văn Lang, nhất là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Theo sử sách, lực lượng quân sự của nước Âu Lạc lúc bấy giờ khá hùng mạnh. Quân đội thường trực được tăng cường về số lượng, được luyện tập chiến đấu lâu hơn, kỹ hơn. Sách Việt sử lược cho biết, quân đội thường trực của An Dương Vương có đến hơn một vạn lính, gồm hai lực lượng chính là quân thủy và quân bộ, lại có thêm "thần nỗ binh" tức là binh nỏ thần. Truyền thuyết Cổ Loa kể nhiều về hoạt động luyện quân, tập đánh thủy, đánh bộ, luyện bắn cung nỏ... của quân đội Âu Lạc, hoặc An Dương Vương thường cưỡi thuyền duyệt thủy quân. Chỉ huy quân đội bấy giờ là những vị tướng giỏi thao lược như Cao Lỗ, Nồi Hầu... Ngoài ra, nước Âu Lạc còn có lực lượng dân binh của các làng chạ ở khắp nơi, đồng bằng và rừng núi, ven sông và ven biển. Truyền thuyết Cổ Loa cũng cho biết sự có mặt của các đội dân binh do ông Đống, ông Vực chỉ huy trong nhiều trận chiến đấu chống quân xâm lược Triệu.

Quân đội Âu Lạc được trang bị khá tốt. Vũ khí ở giai đoạn này không chỉ tăng về số lượng mà còn rất phong phú, đa dạng về loại hình, gồm cả vũ khí tấn công, cả vũ khí phòng thủ. Tài liệu khảo cổ học cho biết, vào lúc bấy giờ, giáo, lao, rìu, cung tên, là những loại vũ khí thông dụng, được đa số binh lính sử dụng. Nhờ có kỹ thuật chế tác đồ đồng phát triển, các loại vũ khí càng trở nên tiện lợi, sắc bén và đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, thời Âu Lạc đã sáng chế ra loại nỏ bắn một lần được nhiều phát tên, mà truyền thuyết gọi là "nỏ thần". Đầu tên có ba cạnh với một chuôi dài để cắm vào thân. Thân nỏ dài và lớn, có thể đặt trên bệ cố định, do nhiều người trương dây để có thể đặt nhiều phát tên bắn đi cùng một lúc.

Truyền thuyết cho biết, An Dương Vương rất coi trọng việc chế tạo loại nỏ này. Sách Lĩnh Nam chích quái kể chuyện thần Kim Quy tháo chiếc vuốt đưa cho An Dương Vương và dặn "đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa"; hoặc sách Việt sử lược chép: "Lúc bấy giờ An Dương Vương có người thần tên là Cao Lỗ, làm được nỏ Liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên" Thư tịch cổ của Trung Quốc cũng ghi nhận, thậm chí còn phóng đại hơn về hiệu quả của loại vũ khí này, như: "mỗi phát giết được ba trăm người" (Giao Châu ngoại vực ký), "bắn một phát giết quân (Nam Việt) hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn người" (Nam Việt chí) "mỗi phát tên đồng xuyên qua hàng chục người" (Việt kiệu thư).

Cùng với việc tăng cường lực lượng vũ trang, chế tạo vũ khí, An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa kiên cố để phòng thủ đất nước. Truyền thuyết và thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái đã miêu tả: "Thành (Cổ Loa) rộng hơn nghìn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành". Hiện tại, cấu trúc thành Cổ Loa chỉ còn ba vòng, gồm: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại.

Thành Ngoại (thành ngoài), là một vòng thành khép kín được đắp nối những gò đồi tự nhiên lại, nên không có hình dáng rõ ràng. Độ dài của vòng thành khoảng 8.000m, có độ cao trung bình từ 3 đến 4m, chỗ cao nhất là gò Cột Cờ ở phía đông nam, cao tới 8m. Bề mặt của tường thành rộng khoảng 12 đến 15m, chân thành rộng từ 12 đến 20m.

Thành Trung (thành giữa), cũng là một vòng tròn khép kín nằm phía trong thành Ngoại. Tường thành Trung cũng giống như thành Ngoại, được đắp theo kiểu nối các gò đồi tự nhiên và đầm ao, có độ dài khoảng 6.500m. Tường thành cao từ 6 đến 12m, mặt thành rộng trung bình làm, chân thành rộng từ 20 đến 22m. Trong ba vòng thành, tường thành Trung còn khá nguyên vẹn, phía ngoài dốc đứng, rất khó có thể trèo lên được; phía bên trong lại thoai thoải có thể lên xuống dễ dàng. Với cấu trúc như vậy, kẻ thù bên ngoài rất khó leo vào, nhưng quân giữ thành lại dễ dàng vận động lên mặt thành để đánh địch.

Thành Nội (thành trong), hình chữ nhật, có chu vi 1.650m, cao khoảng 5m. Mặt thành rộng từ 6 đến 12m, chân thành rộng từ 20 đến 30m. Chung quanh tường thành có 12 ụ đất nhô ra ngoài để làm vọng gác gọi là "hỏa hồi". Các hỏa hồi được đắp khá cân xứng. Hai cạnh dài của thành, mỗi cạnh có 4 ụ đất; hai cạnh ngắn, mỗi cạnh có 2 ụ đất. Nhìn chung, những hỏa hồi này được đắp cao hơn mặt thành từ 1 đến 2m, nhô ra từ 10 đến 12m.

Cả ba vòng tường thành đều mở ra các hướng, có cửa đường bộ và có cửa đường sông, nhưng số lượng cửa mở ra ở các vòng tường thành lại khác nhau. Thành Nội chỉ mở một cửa quay về hướng Nam. Thành Trung mở bốn cửa: cửa Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc và cửa Tây Nam. Ở đây cũng có một số ụ đất được đắp cao hơn để làm vọng gác. Thành Ngoại tuy dài và rộng cũng chỉ mở ba cửa: cửa Nam, cửa Bắc và cửa Tây Nam. Tuy một số cửa thành Trung và thành Ngoại mở cùng một hướng, nhưng do chu vi khác nhau nên các cửa thành thường lệch chéo nhau, lại có thêm các ụ đất phòng vệ, càng làm tăng thêm độ vững chắc, cẩn mật của tòa thành.

Dưới chân ba vòng thành đều có hào nước ở phía ngoài để ngăn cản quân địch, đồng thời là đường giao thông thủy quan trọng nối liền các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra ngoài khi có nguy biến. Hào nước có chiều rộng từ 20 đến 30m nên thuyền bè từ sông Hoàng có thể ra vào thành dễ dàng. Cả ba hào này được nối liền với nhau và với sông Hoàng để bảo đảm quanh năm, ba hào đều có nước, càng làm tăng thêm sự hiểm yếu của kinh thành Cổ Loa.

Giữa các vòng thành và phía ngoài thành Ngoại có nhiều ụ đất và lũy chắc chắn. Các lũy đất được xây dựng khá công phu, nhất là ở hướng bắc, vì đây là hướng xung yếu của tòa thành, lại là cánh đồng bằng phẳng, không có chướng ngại thiên nhiên. Các thành lũy đó được kết hợp chặt chẽ với hệ thống hào và mương lạch nối liền với sông Hoàng đã tăng cường thêm khả năng phòng vệ của tòa thành.

Với cấu trúc nói trên, thành Cổ Loa thực sự là một công trình quân sự kiện cố, không chỉ về mặt quy mô mà còn thể hiện tư duy quân sự, trình độ nghệ thuật quân sự và kỹ thuật đắp thành tài giỏi của ông cha ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Việc xây thành để phòng thủ, luyện quân và chế nỏ để giữ thành thể hiện quyết tâm giữ nước và tư duy quốc phòng sáng tạo của An Dương Vương, như sử gia Ngô Thì Sĩ ca ngợi: "Việc dựng nước đóng đô xây thành, đặt chỗ hiểm, trị kẻ địch, chống kẻ khinh nhờn giặc, lo phòng hoạn nạn khiến cho hơn 40 năm không phải lo việc canh phòng giặc, trong nước vô sự, có thể nói là bậc có mưu lược dựng nước và giữ nước đấy". Tư duy đó là tiền đề xuất phát cho tư tưởng quốc phòng ở thời kỳ sau, thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước.

Tư duy, tư tưởng phòng ngự của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu

Trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược, do có lực lượng quốc phòng khá hùng mạnh, nhất là có thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần lợi hại, do thực tiễn đánh bại cuộc xâm lược của quân Tần và nhiều lần đập tan các cuộc tiến công của quân Triệu, nên đã có sự chuyển hóa trong nhận thức của An Dương Vương về các yếu tố giành chiến thắng trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Sự chuyển hóa đó đã đưa đến sự thay đổi trong quan niệm chỉ đạo chiến tranh của An Dương Vương, từ chỗ dựa vào nhân dân, chủ động tiến công địch để giữ thành, giữ nước, sang xa rời nhân dân, ỷ vào thành trì, vũ khí mà phòng thủ một cách thụ động. Quan điểm đó được thể hiện rõ trong câu nói của An Dương Vương: "Đà không sợ nỏ thần của ta sao?" mà sử sách đã ghi.

Sử cũ cho biết, vào năm 210 Tr.CN, Nhâm Ngao và Triệu Đà phát binh xâm lược nước Âu Lạc. Quân giặc đóng trải ra trên một vùng khá rộng từ ven sông Cầu (Nguyệt Đức), vùng Tiên Du (Từ Sơn) đến núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh). Quân và dân Âu Lạc do An Dương Vương lãnh đạo đã chủ động tiến công địch trên vùng đồi Tiên Du, làm cho quân thù gặp nhiều khốn đốn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang, đánh nhau với vua (An Dương Vương TG). Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy... Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh". Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép: "Triệu Đà biết vua Thục có cái nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh, sai sứ sang xin hòa... cho con là Trọng Thủy sang làm con tin, nhân tiện cầu hôn. ..". Các truyền thuyết dân gian cũng kể rằng, khi quân của Triệu Đà tiến đến gần Cổ Loa, thì "Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn cầm cự với nhà vua, không dám đối chiến"

Như vậy là trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Triệu, thực hiện cách đánh chủ động, quân và dân Âu Lạc đã nhiều lần chặn đứng, đẩy lùi cuộc xâm lược dai dẳng của Triệu Đà. Thắng lợi đó đã khiến An Dương Vương về sau nảy sinh tâm lý chủ quan, khinh địch, ỷ vào vũ khí nên không còn chủ động tiến công mà giữ thành đợi giặc. Bởi vậy, khi Triệu Đà thực hiện mưu kế xin "giảng hòa", An Dương Vương đã bất chấp sự can gián của quần thần, chấp thuận cho con trai của Triệu Đà là Trọng Thủy làm rể. "Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng".

Tiếp đó, An Dương Vương còn phạm nhiều sai lầm như nghe lời gièm pha mà bạc đãi công thần, khiến cha con Nồi Hầu phải từ quan, Tướng quân Cao Lỗ bị phế truất, nội bộ triều đình bất hòa, nhân dân oán trách. Cho nên, vua càng xa dân, chỉ biết ỷ vào thành cao hào sâu, vũ khí lợi hại để giữ nước. Tư tưởng phòng thủ thụ động ấy đã đưa tới hậu quả là mất nước, như sử sách của ta chép: "Đà đem quân đến đánh vua (An Dương Vương TG), vua không biết lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười mà bảo: "Đà không sợ nỏ thần của ta sao?". Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi nên ngựa, cùng chạy về phía nam"

Sử cũ của Trung Quốc cũng chép về sự kiện này như sau: "Nam Việt Vương (Triệu Đà) biết là không thể đánh nổi, phải lui quân đóng ở Vũ Nghi (Vũ Ninh)... Việt Vương sai thái tử tên là Thủy hàng phục An Dương Vương, xưng thần để thờ. An Dương Vương không biết Thông (tức là Cao Thông hay Cao Lỗ) là người thần, đối đãi vô đạo. Thông bèn bỏ đi và nói với vua rằng: giữ được nỏ này thì làm vua thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ. Thông bỏ đi. An Dương Vương có con gái là Mỵ Châu, thấy Thủy là người đoan chính, cùng Thủy giao thông với nhau. Thủy hỏi Châu cho xem cái nỏ của cha. Thủy thấy nỏ bèn trộm cưa gẫy nỏ, rồi trốn về báo với Việt Vương (Triệu Đà). Việt Vương tiến binh đánh. An Dương Vương đem nỏ ra bắn. Nỏ gẫy nên bị thua. An Dương Vương xuống thuyền chạy ra biển".

Cuộc kháng chiến chống Triệu, cuối cùng đã bị thất bại bởi tư tưởng chỉ đạo chiến tranh sai lầm của An Dương Vương. Nếu giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, ông nắm vững tư tưởng chủ động tiến công, kiên quyết đánh tan những đạo quân xâm lược của nhà Triệu, không để chúng xâm phạm đến kinh thành Cổ Loa, thì về sau do chủ quan khinh địch, do không thấy được âm mưu thâm độc của kẻ thù, nên ông từng bước mắc mưu địch, để cho chúng phá vỡ khối đoàn kết nội bộ, khoét sâu mâu thuẫn Âu Việt, loại bỏ người hiền tài và đánh cắp bí mật quân sự. Nếu như trước đây, ông biết dựa vào nhân dân mà tổ chức kháng chiến, nên đã đẩy lui giặc Triệu, thì nay ỷ vào thành lũy, nỏ thần bách phát bách trúng, mà tách rời nhân dân, tiến hành cuộc kháng chiến đơn độc và bị động, lấy phòng thủ làm chính, cho nên ông không giữ được nước.

Những sai lầm của An Dương Vương đã bị sử gia Ngô Thì Sĩ phê phán rằng: "Xét về hình tích thắng bại khi lẫy nỏ còn thì quân xâm lược phương Bắc phải tan; lẫy nỏ gãy thì hết đường, chạy về phía nam. Ngoài cái móng rùa (ý chỉ vũ khí, thần linh) thì việc người đều không dự đến... Nước địch ở bên cạnh, đáng ra phải có quy mô luyện binh tuyển tướng, phải có kế hoạch dẹp loạn mưu sự sinh tồn, sao lại dám yên lặng vui chơi, dẫn cừu thù vào nơi cung khuyết, đặt mưu kế giữ biên giới vào cuộc an nhàn? Chỉ vì có móng rùa. Vì trận thắng nhỏ mà lòng kiêu căng lớn lên, để đến nỗi lứa đôi thành thù địch, nước non Âu Lạc như đẩy bàn cờ ra là hết" và "An Dương Vương chỉ cậy sức mạnh của nỏ thần, không sang sửa chính sự có đạo đức, biên giới không đề phòng, quân giặc vào sát cõi mà chưa từng sai một quan tướng, ra một đạo quân. Đợi đến lúc giặc vào tới quốc đô, vẫn còn muốn giải quyết cơ mưu trong chốc lát, khác nào lửa cháy đến mái nhà mà vẫn cứ ngồi yên. Mê muội đến thế. Giả sử có thiên tướng thần binh cũng chẳng thể nào đuổi giúp được giặc, huống chi một cái móng rùa".

Thất bại của cuộc kháng chiến chống Triệu do An Dương Vương lãnh đạo đã để lại cho nhân dân ta một bài học lịch sử sâu sắc. Đó là, bất cứ một cuộc chiến đấu nào chỉ dựa vào thành lũy, vũ khí mà không dựa vào nhân dân thì trước sau đều thất bại. Lịch sử của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước hay cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ xưa đến nay đều minh chứng cho nhận định trên. Rõ ràng là không có một thành cao hào sâu nào, không có một thứ vũ khí nào mạnh hơn sức mạnh của toàn dân đánh giặc, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân.