Như chúng ta biết phong trào Duy Tân phát xuất từ Thừa Thiên, nhưng không sống nổi. Nguyễn Lộ Trạch đã thất bại ngay trên quê hương của mình rồi cả những nơi ông đi qua không nơi nào Phong trào bừng dậy được

Cho đến khi Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng muốn thừa kế lại đại sự nghiệp của ông, sau những va chạm với các quan lại, sĩ phu, biết rằng đế đô không dung nổi những thay đổi lớn lao có thể đến tậng gốc rể về mọi phương diện, họ phải chọn một địa bàn khác để hoạt động. Họ đưa về Quảng Nam, tỉnh nhà

Quảng Nam xưa kia là Thừa Tuyên, là dinh đã có khi ăn vào tới Bình Định và ảnh hưởng đến cực Nam Trung Việt, và cái tên ấy cũng thường dùng để chỉ cả Miền Nam Việt Nam hiện nay : nước Quảng Nam (Nam Hà) như Miền Bắc hay ngoại quốc thường gọi. Cho tới khi rút gọn vào trong một tỉnh thì nó vẫn còn khá rộng, gồm cả hai phần như hiện nay đã chia : Quảng Nam và Quảng Tín. Hai phần này nhiều người vẫn lầm lộn là cùng chiếm của Chiêm Thành một lần. Sự thật, Quảng Nam chiếm trước, là một phần cống hiến trong thỏa hiệp đổi Công Chúa Huyền Trân và trở thành một bộ phận của Thuận Hóa. Sau đó, một thời gian khá lâu, cho tới lúc lực lượng Việt Nam theo đường biển đổ bộ cửa Đại Chiếm mới tiến vào Quảng Tín qua ngã Đồng Tràm. Tướng chỉ huy thời kỳ này là Phạm nhữ Dật (con thứ năm của Phạm ngũ Lão) và một quan văn nguyên Thừa tướng Thượng tể đời Hồng Thuận nhà Lê : Nguyễn văn Lang. Cả các vị này rồi sẽ lấy đất Đồng Tràm làm chỗ nghỉ ngàn thu của mình.

Quảng Nam có một địa thế lạ, ít nơi nào trên đất Việt đã có : gồm một lúc hai cửa bể cực kỳ quan trọng : Hội An và cửa Hàn (Đà Nẵng). Theo nhận xét của tôi, cửa Hội An chắc chắn là một thừa kế của Chiêm Thành chứ không phải là một phát hiện của Việt Nam. Nghĩa là nó có đâu nhiều thế kỷ trước khi chúng ta đổ vào đấy. Trong khi đó, cửa Hàn cũng đã là nơi tới lui của những tàu buồm ngoại quốc ; Lê thánh Tôn khi nghỉ quân trên đèo Hải Vân, đã thấy Lộ hạc Thuyền trên Vũng Thùng Đà Nẵng rồi. Nhưng suốt thời Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn đang thịnh, Hội An đóng vai trò Hải Cảng số một của Đàng Trong : đó là nơi giao thông quốc tế.

«Ngành ngoại thương đã phát triển ở Hội An, mà người Âu gọi là Faifo kể từ cuối thế kỉ 16. Nguyên nhân chính yếu của sự phát triển ấy là đạo dụ năm 1567 Minh Mục Tông, cho phép thường dân Trung Quốc xuất dương buôn bán với các quốc gia Đông Nam Á, nhưng sự giao thông với Nhật Bản vẫn bị nghiêm cấm. Vì lẽ ấy, thương thuyền Nhật Bản phải tới Hội An, một thương cảng của Chúa Nguyễn để giao dịch với các thương thuyền Trung Quốc năm nào cũng từ đại lục tới đây buôn bán. Hội An biến thành một địa điểm chuyên khẩu hoặc trung gian cho cuộc mậu dịch giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Từ 1604 đến 1634, 86 chiếc thuyền Nhật đã tới Hội An thông thương, nghĩa là 1/4 tổng số thương thuyền Nhật (331 chiếc) đã tới các thương cảng Đông Nam Á trong 30 năm đó. Sự kiện này chứng tỏ rằng Hội An chiếm một địa vị đặc biệt trong thương nghiệp Viễn đông trong tiền bán thế kỉ XVI. Do những lẽ ấy mà «ngọn gió ngoại thương ngày càng mang thêm về (…) nhiều loại hóa phẩm ngoại lai quí lạ, (…) do những thương thuyền từ các xứ Âu Châu, hoặc từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, hay từ Phi luật Tân, Malacca đổ về Hội An một mã đầu lớn vào thời đó. Tơ lụa, gấm, vóc, sa đoạn, đồ sành, đồ sứ, đồ đồng, họa phẩm, đao kiếm, giày, bít tất, các loại rượu và hào soạn, thuốc men cùng các chất bổ dưỡng hiếm lạ. Cũng vào lúc bấy giờ, một vài thứ công nghệ trong xứ đã bắt đầu phát triển, đáng lưu ý nhất là nghề dệt các thứ hàng quí như : thái đoan, sa lăng, cẩm trừu, cùng các loại hàng có hoa. Viễn tổ của các phường dệt nổi tiếng thuở đó là người phủ Thăng Hoa, thuộc Quảng Nam dinh » . Hội An, như vừa nói, là một mã đầu lớn, có sức quyến rũ khá mạnh đối với bọn thương nhân tới. Mà sức quyến rũ của Hội An chính là sức quyến rũ của nguồn thổ sản sung thiệm ở Quảng Nam dinh. Một vùng mà Lê quí Đôn đã từng cho là «một xứ phì nhiêu bậc nhất trong thiên hạ», và một thương khách họ Trần, người Quảng Đông, từ Trung Quốc qua đã phải nhìn nhận rằng : «…buôn bán ở Quảng Nam thì trăm thứ chẳng thiếu hàng gì, các Phiên bang chẳng nơi nào sánh kịp» . Của núi, của rừng cống hiến thì có : trầm hương, tốc hương, sáp ong, mật ong, dầu sơn, cây gỗ, sừng tê, ngà tượng, của sông, của bể cung cấp thì có : lúa, kê, đường, chè, hạt cau, hồ tiêu (…). Nhờ có sự tiếp xúc chung đụng sớm sủa như thế với đám người Thiên triều, mà một số người địa phương ở Quảng Nam dinh, đã học được nghề dệt các thứ hàng quí nói trên, Vì sẵn óc thông minh, sẵn có xảo tư, lại giàu tính cần cù chịu khổ công tìm tòi cái khéo của người, nên «người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt các thứ the đoạn, lụa là, hoa hòe, chẳng kém gì hàng Quảng Đông ». 

Nơi đó, không chỉ các Chúa Nguyễn thâu được rất nhiều thuế giúp cho sự thịnh vượng của xứ sở do tàu bè ngoại quốc mang tới mà còn là nơi dân chúng thâu nhận được rất nhiều luồng tư tưởng Âu Tây và Trung Hoa. Âu Tây với Thiên Chúa Giáo, với các y sĩ, nhà khoa học, nhà kinh tế… Ảnh hưởng Trung Hoa cũng khác Miền Bắc Việt : không phải những tư tưởng Khổng Mạnh cũ, văn nghệ cũ Tống, Đường, Nguyên do những quan lại từ các kinh đô Miền Bắc truyền sang đã Việt Nam hóa qua thời gian. Ở đây là những tư tưởng Nho, Phật, những bộ môn văn nghệ do người Trung Hoa Miền Nam mang thẳng sang, tuy chưa tinh luyện, chưa tế nhị như Trung Hoa Miền Bắc, nhưng rất thích hợp với vùng đất mới, đời sống và văn hóa còn đơn sơ, giống phần nào với chính nhân dân Miền Nam Trung Hoa ở bên này sông Dương Tử Giang nơi mà Sử Tàu cũ thường cho là vùng chưa khai hóa. Hội An có nhiều phố xá buôn bán phồn thịnh do nhiều người ngoại quốc, quốc tịch khác nhau điều khiển : Nhật, Bồ Đào Nha, Trung Hoa v.v… nhưng rồi, người Tàu với những khôn ngoan tế nhị đứng hàng đầu vai trò trung gian thế giới nhất là ở Đông Á, đến nay còn chứng tỏ, người Tàu đã hất cẳng lần các thương gia của những nước Văn minh để lên hàng số một rồi Duy nhất. Hội An mất lần địa vị ưu đẳng khi người ta khám phá lần ra rằng Đà Nẵng thuận lợi cho các tàu buôn ngoại quốc càng ngày càng kềnh càng hơn. Kể từ 1843 rồi 1858, khi liên quân Pháp, Y Pha Nho bắn vào cửa Hàn thì địa vị Hải Cảng Hội An xuống nhiều. Nhưng thực tế, cho tới đầu thế kỷ này, nơi đó việc buôn bán với người Trung Hoa đã tiến tới mức phồn thịnh tột điểm, dù người Pháp tìm hết cách để mở mang Đà Nẵng vừa thuận lợi việc nhập cảng qui mô của họ, vừa để dễ khống chế kinh đô Huế. Hội An đã biến thành một thành phố Tàu đặt ngay trước một tòa sứ Pháp với những Chùa Bà Mụ. Chùa Âm Bổn, Chùa Ông, Hội quán… đồ sộ, lộng lẫy như chưa hề có một công trình nào qui mô hơn ở nhiều tỉnh Trung Việt. Có chùa Quảng Triệu – người Tàu đã «khiêng» hẳn từ Trung Hoa sang bằng thuyền, đồ sộ bên cạnh Lai Viễn Kiều (chùa Cầu, do Nhật Bản kiến trúc) khiến du khách có cảm tưởng mình lạc vào thế giới nào không phải đất nước Việt Nam ! Người Trung Hoa ở Hội An tổ chức đời sống của họ rất vững vàng, phong phú, gương mẫu. Họ được người bản địa trọng nể. Họ hoàn toàn nắm mọi công cuộc buôn bán ngoài và trong xứ và tự do thao túng thị trường với một bộ mặt khả ái, cử chỉ thân thiện, thông cảm, niềm tin cẩn giản dị mà chưa một thương gia ngoại quốc nào – dù văn minh đến đâu – bì kịp. Người Việt gọi người Âu Châu là ông, là thằng một cách xa lạ hay kinh thị thì gọi là chú, thím, cương vị dành cho em của cha mình một cách ngon lành mà còn tin cậy họ có khi hơn cả người trong gia tộc. Lối buôn bán của người Trung Hoa, bên trong thì róc cả xương thịt chúng ta, nhưng bên ngoài thật hợp đạo Khổng Mạnh : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chính họ góp phần rất lớn trong việc đưa Khổng Giáo và Phật Giáo vào Nam Hà kể cả các Cao Tăng rồi một số Cao Tăng ở hẳn lại đây… Nhưng họ chỉ giúp ta học, ta thi, ta tu hành mà không bao giờ giúp chúng ta những kiến thức và phương tiện kinh doanh (như các nước ngoài hiện nay không bao giờ viện trợ cho ta máy móc và các phương tiện để tự cường !) Mà cái đạo Khổng Mạnh và Đạo Phật cao quí ấy không phải để ta tiến bộ đâu ! Rõ ràng là để thuần hóa ta cho tiện việc buôn bán của họ và để mở đường cho những sản phẩm công nghệ của họ tràn nghập thị trường của ta ! Ta đừng quên thời ấy, Công giáo cũng đang tràn sang ta mạnh mẽ và nếu Công giáo ưu thắng thì sự thờ cúng sẽ suy sụp. Do đó đổ tứ thư, ngũ kinh, tiểu thuyết lịch sử anh hùng, tiết nghĩa vào viện trợ những cao tăng Trung Hoa tới tu ở Huế, Quảng Nam, Bình Định là những phương pháp thương gia Trung Hoa, bề ngoài, muốn giúp ta xây dựng tôn giáo, nhưng bên trong là một kế hoạch của gian thương nhằm hai mục đích :

 

  • Đẩy Công giáo là một tôn giáo có thể dẫn dắt nhiều nhà thương mãi ngoại quốc với óc kinh doanh, tài buôn bán qui mô, có thể hất cẳng thương gia Trung Hoa.
  • Lợi dụng Phật Giáo, Khổng Giáo để bày ra nhiều lễ nghi, tập tục, do đó họ sẽ bán được rất nhiều sản phẩm của họ.

Đây không phải là một chuyện do tôi sáng tạo để gây sự nghi ngờ tôn giáo, các tôn giáo mà tôi đang nhiệt thành thắp hương học hỏi. Tôi chỉ muốn trình bày một sự thật và đi tới nhận định ai cũng thừa biết : cái gì do thực dân, thương gia, nhà truyền giáo ngoại quốc mang lại cũng đều có mang ẩn ý xấu xa kể cả những việc ích lợi. Phật giáo do Thầy Huyền Trang băng ngàn lội suối sang Tây Trúc rước về Trung quốc không thể là Phật giáo do gian thương Trung quốc mang sang ta. Điều chứng minh cụ thể nhất là Thích Đại Sán sang Việt Nam không phải để truyền giáo mà là để xin rất nhiều vàng của Chúa Nguyễn phúc Chu về dựng chùa, dựng miếu bên Tàu dưới danh nghĩa… cúng dường. Và Sán theo truyền thuyết là một nhà sư xấu xa, biết vẽ cả «Một tập hình tố nữ với kiểu chơi bí mật rất khéo để dua mị các quý nhân, việc đó chưa biết chừng cũng có» kiểu chơi bí mật nào ? Mà với nhà sư mà dám có sự nghi ngờ đến thế thì thiết tưởng cần gì phải nói, cần gì phải nói cuộc vân du sang Nam Hà chỉ là cuộc buôn lậu khỏi thuế với số tăng chúng mang hàng hóa những 50 người.

Tôi trình bày thế cốt để bạn đọc thấy rõ thêm địa vị cực kỳ quan hệ của Hội An, nơi tiếp nhận bốn phương nhân vật, cửa ngõ quốc tế của Hội An, sức mạnh phi thường vô song của thương gia Trung Hoa với những mưu toan kỳ dị của họ để độc chiếm những cửa ngõ trên nhiều quốc gia mà Nam Hà, với Hội An, là một chứng minh hết sức hùng hồn. Vậy thì một phần văn minh Nam Hà, văn hóa Nam Hà, Tôn giáo Nam Hà, khi ly khai miền Bắc chính là một cống hiến, không phải của chính trị gia Trung Hoa mà là của thương gia Trung Hoa. Họ thao túng mọi phương diện ở Nam Hà mà riêng Quảng Nam, phải chịu cái ảnh hưởng sâu xa nhất. Ngoài nho, y, lý, số, ngoài bình hương, thỏi trầm, ngoài tấm hàng, chén thuốc, đôi dép, cái khăn… (nghĩa là tất cả nhu cầu của thời ấy sau gạo và cá thịt do dân bản xứ tự cung cấp), người Quảng Nam còn chịu theo cả những tục lệ của họ : khắp Trung Việt, không nơi nào trên bàn thờ ngày Tết có cái bánh tổ thì những bàn thờ ở Quảng Nam đều có. Nếu không có, không thành Tết !

Nhưng nếu bị thương gia Trung Hoa róc thịt xương thì lại có hai mối lợi rất lớn mà chắc người Trung Hoa không ngờ đã giúp cho dân tỉnh Quảng Nam học hỏi nhiều để tự canh tân cải tiến và phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, ươm tơ, dệt lụa, khai mỏ… Đất đai Quảng Nam được khai thác đến tận núi rừng và những đại điền chủ có từ một đến vài nghìn mẫu ruộng đã xuất hiện như Cai Nghi, Thất Sáu… Nhiều nhất là những tư sản nhỏ mỗi ngày một xuất hiện khắp nơi. Miệt trong (Quảng Tín) thì các lâm sản mà vườn quế là một mối lợi đáng kể. Trong Tự truyện, Huỳnh Thúc Kháng viết : «Năm 1903 Gia Nghiêm trồng vườn quế theo thời giá được ba bốn trăm đồng đều bỏ ra sửa lại cảnh nhà cũ». Năm 1903 mà có đến một lần những ba bốn trăm đồng thì rõ là một cái vốn khá lớn. Không dám ví với người Nam Kỳ, chứ so với các vùng khác, món tiền ấy thật đáng chú ý trong số thâu của một chủ vườn. Thế mà gia đình Huỳnh Thúc Kháng không phải hạng giàu mà chỉ thường thường bậc trung. Đó cũng là nhờ sự giao thiệp buôn bán với người Trung Hoa. Họ có những đoàn phu, do một đội trưởng tự bầu ra, vượt núi băng ngàn để chuyên chở những tấn quế ấy xuống bến đò, bày ra một lối hoạt động thương mãi náo nhiệt đến tận rừng xanh. Đó là chưa kể các mỏ vàng, những suối đá vàng đã được Lê quí Đôn nhắc nhở cũng là mối lợi cực kỳ quan trọng mà ai cũng muốn nhìn vào. Ở miệt ngoài (Quảng Nam) thì các ngành, các nghề ươm dệt, mía đường cũng tạo ra một cảnh sống rộn rịp, khác hẳn đời sống nông nghiệp thuần túy chỉ biết có cây lúa, củ khoai. Các sông đào như sông Câu Nhí được khai thông khiến cho ghe thuyền càng ngày càng tấp nập và những cuộc buôn bán bằng ghe bầu vượt biển cả vào Nam, ra Bắc càng ngày càng mở mang để tranh thương với Trung Hoa, ít nhất là trong nội địa và đã mang lại những kết quả lớn lao.

Đó là cái lợi thứ nhất. Có thể nói là thương gia Trung Hoa đã mang tới cho tỉnh Quảng Nam một nhu cầu Duy Tân sau khi các dân Hòa Lan, Bồ đào Nha, Anh, Pháp, Nhật, Tây ban Nha đã mở ra cho người Quảng Nam thấy thế nào là văn minh tân tiến trước đó hằng thế kỷ. Nhưng công cuộc Duy Tân này chỉ theo phương thức cổ của một nước Á Châu tiểu công nghệ, tiểu thương mãi và sự phát triển chỉ theo một nhịp điệu chậm chạp gần như khó thấy.

Cái lợi thứ hai cũng nằm ngay trong cái lợi thứ nhất : hơn bất kỳ một tỉnh nào ở Trung Việt, kể cả Huế, người Quảng Nam được tiếp xúc với đủ hạng người ở cả hai cửa bể nên họ sớm quen với nền văn minh Âu Châu hơn hết. Ở Trung kỳ xưa có câu tục ngữ nhiều người biết «Quảng Nam hay cãi». Đó là một đặc tính của người Quảng Nam. Tại sao ? Tôi nghĩ một phần đặc tính ấy mà có, duyên do là tại họ được tiếp xúc lâu đời quá với đủ các bộ mặt ngoại quốc, các nền văn minh các tôn giáo, các hàng hóa, các thói tục, các khả năng… Nó giúp cho họ có một trí phán đoán khác lối phán đoán quen thuộc của tiền nhân trong sách vở. Do đó họ cũng thiếu niềm tin tuyệt đối ở một sự kiện, một luận lý nào tuyệt đối. Vì không có chân lý nào có tính cách độc tôn trước mắt và trong tầm suy nghĩ của họ. Văn minh Trung Hoa nhất ư ? Cổ nhân là vô địch ? Tây Phương là quỷ trắng ? Phật Giáo là vô song ? Thiên chúa giáo là tà đạo ? Khoa học là nói láo ? Súng ta, kể cả thần công là toàn thiện ?… Những câu hỏi đó là những khẳng định của sĩ phu, của vua quan. Nhưng trước mắt người Quảng Nam, dù cả những kẻ cúi đầu để nghe, vẫn không có gì nhất thiết là thế, tuyệt đối là thế mà bao giờ cũng có một nhận xét nào khác để chứng minh nó chưa hẳn Chân lý. Thuyền buồm Tàu thì có tàu đồng của Tây, Phật Giáo, Nho Giáo thì có Công Giáo, người Tàu giỏi nhất thì người Âu Tây cũng giỏi nhất. Hàng hóa của Tàu có gấm, nhiễu cho văn quan thì vua chúa cũng nhập cảng vải hồng mao, hàng nhung cho võ quan, chén dĩa Giang Tây tuyệt hảo, thì chén dĩa Fontainebleau cũng hảo tuyệt và vua cũng vẫn xài như xài thuốc Bắc cùng lúc dùng ngự y Tây Phương. Thuốc súng Tàu là nhạy nhất thì vua quan vẫn mua thêm thuốc súng Tây ở Tân Gia Ba hay của tàu ngoại quốc buôn lậu… Và những loại ấy đều diễn qua dưới con mắt hiếu kỳ của người Quảng Nam trên cửa Hội An.

Hóa cho nên, từ mới thành lập về sau, Quảng Nam chỉ nhan nhản những người quen cãi, quen chống đối. Đầu tiên, có lẽ chính những người hay cãi, hay chống đối là bị… đày vào chốn biên thùy xa xôi, hẻo lánh ấy đã, như nay công chức, quân nhân nào thiếu kỷ luật là đày đi nước độc hay mặt trận cho biết mùi ! Một trong những nhân vật kiệt hiệt là Nguyễn văn Lang, ông người Nghệ An, huyện Nghi Xuân, xã Tiên Bào, làm quan đến Thừa Tướng Thượng Tể, chị làm cung phi đời vua Tương Dực (Hồng Thuận) nhà Lê. Ông biết Mạc đăng Dung sắp cướp ngôi vua, nhân vua mời vào Triều, ông không đi, lại dâng điều trần bình trị gồm 14 điểm, trong đó có những điều triều thần cho là muốn «dạy vua» nên khuyên vua đừng nghe : tự răn mình, sửa lỗi để tránh mọi tai hại cho dân, lánh xa thanh sắc để chỉnh lòng người và can gián nhiều điểm khác về quân đội, hiệu lệnh… Lẽ tất nhiên, ông biết mình không nên sống ở Bắc, phải xin vua cho di dân vào Nam khai thác biên thùy. Ông lập xã Hương Ly ở Quảng Nam rồi ở luôn tại đó.

Với những loại (thủy tổ) có thành tích cãi vua cỡ đó thì có lẽ trong bản chất người Quảng Nam đã có máu cãi. Vị Tướng lừng lẫy của Tây Sơn là Nguyễn văn Nhậm cũng người Quảng Nam (theo Hoa Bằng Hoàng thúc Trâm) mà bị các tướng tá ghét, dẫn tới việc Nguyễn Huệ phải hạ sát cũng một phần do tính hay cãi, tính chống đối, không tin có gì là tuyệt đối… kể cả thần tượng Nguyễn Huệ. Người ta còn kể là khi Nguyễn Huệ giết Nguyễn văn Nhậm, có bảo : «Ta giết ngươi vì ngươi giỏi hơn ta.» Nhưng đàn ông hay cãi, hay chống đối còn dễ hiểu. Đến cả đàn bà cũng mang tính ấy một cách rất tự nhiên. Trong văn học miềm Nam của Phạm việt Tuyền có chép lại cả đoạn về nữ sĩ hay cãi ấy như sau :

«Chiến cổ đường thi tập» của nữ sĩ Lam Anh và chồng bà là Nguyễn dưỡng Hiệu. Nữ sĩ Lam Anh là người Quảng Nam, con ông Phạm hữu Kính đã từng làm cai bạ ở Quảng Nam (khoảng 1751) về sau khi mất được tặng Tán trị công thần, (…) Nàng, tiểu tự là Khuê, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hay ngâm vịnh, tự đặt cho mình cái tên là «ngâm si» tức là si thơ ! Nàng được cha yêu quí, đón một thầy đồ tên là Nguyễn dưỡng Hiệu về ở trong nhà để dạy học thêm. Hiệu cũng có tiếng hay thơ, nguyên người Duy Xuyên cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, biệt hiệu Phục Am. Trong lúc cha phải phụng mệnh đi tuần sát các hạt đến hai ba tháng thì cô cậu ở nhà từ xướng, họa thơ văn đi đến chỗ vụng trộm ái tình ! Khi cha trở về, câu chuyện vỡ lở, nàng suýt bị đưa đi dìm sông. Nhờ có bà con bạn hữu khuyên can, ông mới tha thứ cho đôi trẻ và lại cho kết duyên với nhau. Sau khi Lam Anh được Dưỡng Hiệu cưới về nhà chàng, trai tài gái sắc cùng nhau xướng họa thành ra có tập thơ trên. Về tập thơ này, Đại Nam liệt truyện tiền biên, trong đoạn nói về Phạm hữu Kính và con cháu, có ghi : «Trong tập toàn là những câu bắt bẻ cổ nhân ! Nhất là lời thơ Lam Anh thì lại nhiều câu cổ kính. Tỉ như vịnh Khuất Nguyên có hai câu rằng : Cơ phẫn khi thành thiên khả vấn. Độc tinh nhân khứ quốc cơ không» (nghĩa là : khối hận kết riêng trời thử hỏi. Một người tỉnh vắng, nước hầu quang). Hai câu này được đời truyền tụng và cho là hay nhất ! »

Đàn bà mà còn chuyên bắt bẻ cổ nhân thì đàn ông chắc còn chuyên hơn. Và đó là tiền bối giữa thế kỷ XVIII huống gì các thế kỷ sau ! Mà không phải họ chống đối, cãi nhau một đời đâu. Tôi đã từng biết một gia đình cãi nhau những ba đời. Đó là gia đình ông Phan Khôi. Cha ông Phan Khôi, một bậc đại khoa (đậu phó bảng) tên là Phan Trân (con án sát Phan Nhu) – tôi không rõ giữa ông Phan Nhu và ông Phan Trân có hay cãi nhau như thế nào không – nhưng giữa ông Phan Trân và Phan Khôi, các cụ vẫn còn kể lại những vụ cãi nhau rất kinh động. Rốt cuộc, cha thường vác roi đuổi con chạy tơi bời. Điều ấy dễ hiểu : ông Phó Bảng Phan Trân bênh vực cổ nhân như các bậc đại khoa thời ấy ; ông Phan Khôi chống lại vì ông đọc tân thư, tin ở Dân Quyền. Mà tính ông Khôi, đã cãi thì hay cãi đã, quên hết người đối thoại kể cả cha mình. Rồi khi ông Phan Khôi lớn lên, ông càng tin ở tân học, ông cưới cả nàng Lô Gích già khọm ở Tây Phương làm vợ, ngày đêm nỉ non ân ái, đến nỗi trên văn đàn có thành ngữ (hay tục ngữ) «Lý luận Phan Khôi». Khi ông có con, con lớn lên, phần lớn lại say mê Mác xít. Mà ông thì không tin chút nào ở Mát xít như từng chứng tỏ trong các cuộc bút chiến với Hải Triều. Thế là cha con cứ cãi nhau. Không chỉ cãi ở Quảng Nam. Ra đến Hà Nội sau 1954, họ càng cãi hăng hơn, đến nỗi, theo Trúc Sĩ trên Bách Khoa nó đã thành những giai thoại của thành phố ấy và rất nhiều người biết.

Có thể nói chắc đó là gia đình tiêu biểu cho sự phát biểu của các luồng tư tưởng của quốc gia ta ở thế kỷ XX này. Và điều rõ ràng là họ cãi nhau không phải vì miếng cơm, đồng bạc mà chính vì lòng nhiệt thành đi tìm một chân lý mà ai cũng có ảo tưởng mình đang nắm chắc. Chính đó là động cơ thúc đẩy cho sự tiến bộ và luyện cho người Quảng Nam dễ quen nghị luận, yêu thuật hùng biện, thích thảo luận để tìm cái mới, cái đúng và do đó, rất ít định kiến và ít cố chấp.

Cũng do sự quen thảo luận, tiếng Quảng Nam một ngày một tinh luyện, giọng nói không hay nhưng rõ ràng và được chấp nhận làm tiếng chính thức của Triều đình Nguyễn (Đại Nam nhất thống chí. Tỉnh Quảng Nam) và mặc nhiên thành tiếng chính thức của văn học hát bộ (tức là những thổ âm răng, rứa, mô, tê trong các bản hát bộ từ Bắc chí Nam đều dùng) là nền văn học chủ yếu của miền Nam.

Do những cái lợi thu nhận được về kiến thức, kinh tế, thương mãi mà giới tiểu tư sản, trí thức càng ngày càng thêm đông và càng đặt ra những câu hỏi về hiện trạng và tương lai của họ. Nhất là từ thời người Pháp sang, Đà Nẵng đã mở mang hải cảng, có nhiều tàu buôn vào ra, các ngành giáo dục, kinh doanh, kể cả xuất cảng, nhập cảng, đổi mới, «thành phố này giết lần thành phố kia» như nhận xét của Jean Marquet sau này trong Les cinq fleurs (Ngũ hoa) thì chính người Trung Hoa ở Hội An cũng rúng động và muốn chuyển ra Đà Nẵng.

Các nông gia, các nhà trồng cây công nghệ (quế, mía) các nhà chăn tằm, dệt vải các nhà buôn đều nhận thấy một cách rõ ràng là họ không thể theo phương thức cũ để phát triển trong một xã hội có nhiều thay đổi lớn. Phải thay đổi, nhưng thay đổi ra sao ? Thay đổi những gì ? Ai đứng ra để thay đổi ? Đó là những câu hỏi vốn tự nhiên xuất ra từ bản năng cạnh tranh và sinh tồn chứ chưa kịp nâng thành lý luận. Nhất là giới sĩ phu, đa số là con những nhà có tư sản, có sản xuất (như Huỳnh Thúc Kháng nói trên) là những kẻ, trước những va chạm lớn của lịch sử và xã hội, lại ở trong một khu vực quen lý luận, càng nhận thấy tha thiết hơn ai hết là phải có những thay đổi lớn. Họ cũng nhận thấy vai trò của họ là phải lãnh đạo công cuộc thay đổi ấy dù bây giờ họ chưa thấy rõ nó sẽ theo phương thức nào. Chỉ có thay đổi mới mong tiến bộ, giải phóng tình trạng của giới sản xuất bị Tàu, Tây chèn ép đủ mặt và do đó mới mong gia nhập vào xã hội mới để tự cứu mình rồi sau đó mới cứu nước, hoặc cứu nước để cứu mình.

Cho nên khi những Tân thư Trung Hoa đưa sang họ chụp lấy ngay !

Không phải họ không đọc nổi tiếng Pháp hay quốc ngữ nên chẳng biết gì về những tiến bộ, khoa học Âu Tây. Nếu họ không đọc được, sẽ có người đọc cho họ nghe. Nhưng theo truyền thống, họ không tin gì những tờ báo quốc ngữ ở Sàigòn, những ông cố đạo, hoặc những người Công giáo hiểu biết giảng giải cho họ. Nghĩa là nhất định văn minh Âu Tây không thể truyền thẳng bằng tày thủy từ Sàigòn tới hay Mác Xây qua. Nó phải vòng vo qua Thượng Hải được các sĩ phu Trung Hoa đọc, tán thưởng, viết lại bằng chữ Tàu rồi lại theo thuyền buồm Tàu chuyển sang cùng hàng hóa của Tàu mới được sĩ phu Việt Nam tin cậy !

Và nó lan man như cỏ gú gặp mưa rào.

Vậy phong trào Duy Tân căn bản là một Phong Trào Vận động của tư sản muốn tự giải phóng và gia nhập vào xã hội mới. Tư tưởng Tư sản dân quyền, đối với thời đó là tư tưởng tiến bộ nhất so với toàn thể các tư tưởng đang du nhập vào Á Châu. Nhưng không ai muốn chỉ thấy giá trị vật chất trong đó. Nhất là tiến tới mục đích vật chất lại càng đáng cho sĩ phu ái quốc phỉ nhổ. Vậy, không thể hướng nó đơn thuần về kinh tế, tài chánh mà bản tâm sĩ phu cũng không muốn. Vì nếu muốn thế thì chỉ cần một cuộc Duy Tân hóa, tự nó trước sau gì cũng đến kia mà ! Duy Tân hóa khác với phong trào Duy Tân. Duy Tân hóa là noi theo tư bản Âu Tây trong sự khống chế của thực dân để tiến bộ theo họ. Vật chất sẽ đẻ ra những nhà đại kinh doanh, đại tư sản mại bản và tinh thần sẽ đẻ ra Tôn thọ Tường, Phạm Quỳnh còn phong trào Duy Tân là một cuộc vận động lớn về chính trị, chủ yếu là thuyết dân quyền làm cơ sở cho mọi phát xuất và phát triển về cơ cấu. Phong trào Duy Tân sẽ đẻ ra Phan Châu Trinh, Lương văn Can, Huỳnh Thúc Kháng… Duy Tân hóa chỉ cần một bọn thực dân, tư bản tới để bày dạy để « truyền giáo» người bản xứ thụ động tuân theo. Phong trào Duy Tân do chính người bản xứ giác ngộ, chủ động đi tìm hiểu, đi tra gạn đến nguồn gốc nó từ chỗ căn nguyên. Do đó, Duy Tân hóa chịu ảnh hưởng tới các từng lớp tư sản, còn Phong trào Duy Tân, vì là phong trào ái quốc, Duy Tân để cứu nước nên không chỉ các tầng lớp tư sản mà cả nhân dân đều hưởng ứng. Sàigòn đã Duy Tân hóa nên không gây ảnh hưởng sâu mạnh nào. Còn Quảng Nam xướng Phong trào Duy Tân nên phát ra tiếng vang toàn quốc và chính sau này Sàigòn – qua con đường Hà Nội – sẽ làm theo cái mà họ đã làm, đã biết, nhưng thiếu nội dung tư tưởng.

Hiểu như thế, chúng ta đã hiểu tại sao căn cứ địa của nó phải đặt ở Quảng Nam. Vì Nghệ Tĩnh có nhiều sĩ phu anh hùng nhưng không có cửa biển nào để dân chúng mở rộng đôi mắt. Thừa Thiên tuy đào tạo nổi một Nguyễn lộ Trạch mà không đủ quần chúng sĩ phu tân tiến, không đủ những nhà tư sản, sản xuất thương mãi, đòi hòi Duy Tân, lại bị chế độ phong kiến bóp nghẹt. Hà Nội có những sĩ phu giác ngộ, nhưng đã lâu, dưới sự cưỡng chế của Triều Nguyễn, sĩ phu Hà Nội bị gạt ra khỏi « tập đoàn» lãnh đạo, nên nay trở nên bỡ ngỡ. Quảng Nam có những điều kiện về cửa biển, về nguồn lợi và nhất là sĩ phu có óc cầu tiến và quần chúng ít thành kiến cho nên Duy Tân là một nhu cầu chính trong sinh kế, trong phát triển và cả trong dự phóng cứu nước một cách hữu hiệu.

Chính vì thế mà khi Phan Châu Trinh xướng lên Phong trào Duy Tân với học thuyết Dân quyền là nhiều sĩ phu và quần chúng ùa theo ngay. Như đã nói trên, nếu Dân quyền đi bằng tàu Tây tới, họ đã ghẽ lạnh. Nhưng nó đi từ xứ Khổng Tử Viết tới, với sách chữ nho rành rành giấy trắng mực đen thì có «điều chi nữa mà ngờ» ! Xứ của Thánh – Thánh địa – còn Duy Tân, huống hồ nữa là ta. Nói thế không phải không có những phản động lực cản trở khác nhiều là khác. Nhưng ai cản nổi cái chí hăng hái nhiệt thành của quần chúng đang lăn trên bánh xe tiến hóa.

Nghiên cứu Phong trào Duy Tân mà không tìm thấy những lý do chính trị – chống thực dân, phong kiến – lý do kinh tế, thoát khỏi chèn ép thương gia Tàu, phát triển các ngành sản xuất để cung ứng những đòi hỏi của thị trường mới mà chỉ đi lướt bên trên, xem nó như một ngẫu nhiên của lịch sử là một lầm lẫn đáng kể. Tưởng cũng nên nhắc : hai khu vực mà Phong trào Duy Tân lớn mạnh nhất đã phát xuất các lãnh tụ tiếng tăm đều là khu vực mà nền sản xuất và thương mãi phồn thịnh nhất : Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ : quế, Trần quí Cáp, Phan thúc Diện, Phan thành Tài : mía, đường, dệt, tơ lụa, ghe bầu đi biển. Tôi muốn nhắc đến hai cơ sở lừng lẫy nhất : Phú Lâm và Phong Thử ở hai đầu của tỉnh Quảng Nam như hai ngọn Tháp Ếp phên (EIFFEL) cao sừng sững để quảng cáo cho chất sắt, chất thép, Duy Tân với những khả năng vô địch.

Nguồn bài viết: Phong Trào Duy Tân - Nguyễn Văn Xuân