Chúng ta đã có một bối cảnh lịch sử của Việt Nam đen tối, nhưng không muốn tự đắm mình trong bóng đêm. Trái lại, các sĩ phu kiệt liệt tự nhiệm vai trò lãnh đạo của thời ấy luôn luôn mưu toan những cuộc vận động lớn để cứu quốc. Phan Châu Trinh là một trong hai sĩ phu vĩ đại, đang nuôi chí Duy Tân để tự cường, vượt những phương pháp khởi nghĩa theo cổ truyền. Chúng ta cũng đã dừng lại giây lát để biết qua một khu vực đặc biệt mở rộng cả đôi mắt nhìn ra biển cả với nhiều tầng lớp dân chúng đang có những nhu cầu Duy Tân. Bởi thế, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Phan Châu Trinh hô hào chưa dứt tiếng, đã có những đồng chí đứng lên sát cánh với ông để hành động.

Phan Châu Trinh đã truyền cái hơi nóng ngùn ngụt trong huyết quản của ông có lẽ ngay từ năm 1903, sau khi lãnh hội Thiên Hạ Đại Thế Luận, cho Lê Cơ người bà con cô cậu với ông. Kể từ năm này (1903) thì Lê Cơ khẳng khái ra nhậm chức Lý Trưởng làng Phú Lâm để gây «những cải cách từ việc xâu thuế cho đến tế tự, canh phòng trăm điều chấn chỉnh, bọn cường hào kia không thể thi thủ đoạn ích kỷ như trước mà dân trong làng đều tâm phục cả» . Ông đã dọn sẵn con đường để phát động Phong Trào Duy Tân. Và rồi Phú Lâm sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tỉnh cũng như toàn quốc.

Về phần Lê Cơ, tôi sẽ dành cả một chương để nói tới ông, người có công rất lớn, người đã cụ thể hóa giấc mộng Duy Tân của Phan Châu Trinh trong vùng Tiên Phước sớm hơn hết.

Ở đây, tôi muốn giới thiệu hai đồng chí lớn tên tuổi lưu truyền hậu thế, đã chung đèn, chung sách, chung chí hướng với ông để đẩy Duy Tân đi tới thành một đại phong trào : Huỳnh Thúc KhángTrần Quý Cáp

Đây cũng là một gặp gỡ ngẫu nhiên của lịch sử đáng quan tâm. Thật vậy, Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876) và Trần Quý Cáp (1870) đều là những tay học giỏi cùng với Phạm Liệu thời ấy là một bộ ba khét tiếng. Thế mà Phạm Liệu đỗ từ khoa Ngũ Phụng tức là khoa đặc biệt Quảng Nam có năm người đỗ đại khoa năm 1898. Còn cả hai ông đều lận đận. Huỳnh Thúc Kháng đỗ giải nguyên từ năm 1900, đến đúng năm 1904 đỗ hội nguyên rồi vào Đình thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ. Còn Trần Quý Cáp, thì lạ lùng : ông dạy học trò thi đỗ cử nhân dễ dàng ở trường Huế cũng như trường Bình Định. Nhưng ông thi thì hỏng luôn cử nhân ba khoa. Thế mà vào thi hội đỗ ngay tiến sĩ rồi vào Đình đậu thứ hai. Nếu có ai tin ở vận số của chính Phong Trào sẽ đặt câu hỏi : Tại sao cả hai ông Huỳnh và Trần cùng đỗ với nhau một lần mà không đỗ trước đi. Hạng đỗ nơi Hội Nguyên, đỗ nhì ở Đình há không đỗ nổi một cái phó bảng là tiến sĩ rớt hay sao ? Và nếu đỗ phó bảng rồi, chả lẽ đi học lại để đi thi lại ư ? Thế thì ít cũng đã có một ông ra làm quan. Mà đã làm quan, đã dính chặt vào công danh rồi dễ gì rút chân ra ! Trường hợp Phan Châu Trinh là hy hữu ! Và kể từ khi Phan Châu Trinh từ quan, hai ông Huỳnh Thúc KhángTrần Quý Cáp không chịu ra làm quan, theo đuổi tân học, thì tân học đã trở nên một vật quí, đáng cho các hàng sĩ phu có nhiệt tâm tìm hiểu. Đối với thời còn quá trọng bằng cấp ấy thật là một vận may của Phong Trào Duy Tân, của Tư Tưởng Dân Quyền : có mỗi một lúc cả ba bậc đại khoa danh tiếng dám đứng lên vứt bỏ cái quá trọng kia để theo đuổi một chí hướng mới, một hoạt động mới mà các sĩ phu thời ấy đang nhìn bằng cặp mắt ngỡ ngàng, lo ngại, nếu không khinh thị, chống đối. Có thể nói thời kỳ này là Áp hội nguyên ư đình, áp đình nguyên ư hội, vinh vinh qui qui, hà tất khôi khoa ? thời kỳ xôn xao nhất của tỉnh Quảng Nam. Cùng một lúc, cả tỉnh chỉ bàn về chính trị và cùng một lúc hai tổ chức lớn nhất của quốc gia phát ra bồng bột. Phái Nguyễn Thành – Phan Sào Nam tuy dè dặt hơn nhưng cũng không thể tránh được những luồng dư luận của những kẻ hiếu kỳ khi luôn luôn thấy sự hiện diện của Cường Để cùng nhiều đồng chí khác ở Nam Thình Sơn trang (chỗ ở của Nguyễn Thành). Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập ngay tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành rồi đây sẽ tung những đợt sóng thanh niên ra hải ngoại để làm mới chí hướng võ trang khởi nghĩa của những người cựu Cần Vương. Phái Phan Châu TrinhHuỳnh Thúc KhángTrần Quý Cáp thì công khai hoạt động, dựng cây cờ Dân Quyền, hô hào Duy Tân, cổ động Tân Văn Hóa rồi đây sẽ tung ra những phương thức hoàn toàn mới để hiện đại hóa đất nước từ tư tưởng đến mọi ngành, mọi nghề

Vậy, trước khi đi sâu vào Phong trào, thiết tưởng ta cũng nên biết qua cá tính, chí hướng từng nhân vật lãnh đạo để tiện theo dõi về sau. Vì khi Phan Châu Trinh tự tách làm lãnh tụ của Phong trào toàn quốc thì Huỳnh Thúc Kháng trở thành lãnh tụ của khu vực nay là Quảng Tín, Trần Quý Cáp của khu vực nay là Quảng Nam. Lãnh tụ mặc nhiên, chứ không phải có hệ thống có quy định rõ ràng như bên Việt Nam Quang Phục Hội (tức Duy Tân Hội theo Phan Bội Châu)

Phan Châu Trinh là người chúng ta đã biết nhiều : giàu kiến thức, giàu nghị lực, có khả năng văn nghệ, óc tân tiến, ít bảo thủ. Ông là người hoàn toàn tin ở Dân Quyền, ở Tân Văn Hóa và hăng say nồng nhiệt đến độ có thể khẳng khái : «Thằng Phan Châu Trinh thà chết thì nó xách cái đầu của nó, nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng chịu làm trâu ngựa cho người ta cỡi trên đầu, trên cổ nó đâu !… Tôi thề tai giữa buồng giấy quan lớn, tôi thề lấy máu tôi mà bôi đầy đầu, đầy mặt, đầy cổ, đầy mình quan lớn, tôi bôi cho đỏ cả buồng giấy gian dối, tối tăm hôi thúi của quan lớn, tôi chẳng chịu chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm ở cái buồng giam 6-21 đâu» (thơ số 4 ngày 02-5-1915) gởi cho thẩm phán quân sự Pháp khi ở ngục Santé. Muốn theo dõi mọi lối hoạt động, biện luận, chống đối, tin tưởng của ông, nên luôn luôn có hình ảnh bức thư này trước mắt để hình dung cách nói năng, xử sự của ông trước mọi người, nhất là trước cường quyền. Ta biết ông nói thật chứ không nói chơi

Huỳnh Thúc Kháng là một nhà học giả uyên thâm, thờ chủ nghĩa Dân quyền đến mức độ triệt để, nhưng thiếu sự nồng nhiệt, hăng hái, phát lộ bên ngoài như Phan Châu Trinh. Ông cũng không phải là diễn giả lôi cuốn được người nghe mà chỉ lôi cuốn được bằng văn tự cho những độc giả thích suy tư. Có thể nói nếu Phan Châu Trinh là hoạt động là hò, là hét, thì ông là âm thầm là nhẫn nại, uyển chuyển. Phan Châu Trinh có thể bạo động (dù chưa có việc ấy). Nhưng Huỳnh Thúc Kháng là bất bạo động. Phan Châu Trinh có thể lập đảng chính trị, nhưng Huỳnh Thúc Kháng chỉ ưa những việc về văn hóa, báo giới, nghiên cứu. Tôi có cảm tưởng nếu không có Phan Châu Trinh chắc không có Huỳnh Thúc Kháng cách mạng. Nhưng vì có Huỳnh Thúc Kháng cho nên địa vị, giá trị Phan Châu Trinh lên cao, gây được nhều tín nhiệm nhất là với sĩ phu ở các miền khác. Nhờ có ông – điều rất hiển nhiên – mà sự nghiệp Phan Châu Trinh cùng các đồng chí, các cuộc chính biến xin xâu, sinh hoạt của các nhà ái quốc do vụ Dân quyền mà phải tù đày, nghĩa là những biến cố quan trọng của một đoạn lịch sử 1903-1908, 1908-1921 (?) được sống lại, được lưu truyền. Tôi có thể nói chắc chắn ông là sử gia lớn của Phong Trào Duy Tân sau khi là chiến sĩ. Sau này ông còn có công lớn khác là ra báo Tiếng Dân để nuôi dưỡng mãi tư tưởng Duy Tân đứng đắn, thiết thực dù không thu hút được thế hệ trẻ.

Ông đã hoạt động những năm từ 1903 đến 1905. Trong tiểu sử của ông, ít thấy nói tới các chi tiết đầy đủ. Do tính khiêm nhượng của nhà Nho, ông chỉ nhắc mấy điều cốt yếu rồi từ đó ta suy luận tự biến chuyển của tư tưởng ông. Năm 1890 Phan Châu Trinh nghe tiếng tới tìm ông. Năm 1892 kết giao với Phan Châu Trinh. Năm 1899 kết giao với Trần Quý Cáp. Năm 1900 đỗ giải nguyên, được cho ra Huế học chữ Pháp nhưng không đi (Phan Châu Trinh cũng từ chối học chữ Pháp). Suốt thời kỳ này không biết chút gì về những việc xảy ra trên thế giới, cả ở lân quốc Trung Hoa dù ở đó đang có những biến cố trọng đại. Đến năm 1903 mới đọc Thiên Hạ Đại Thế Luận của Nguyễn lộ Trạch. Năm 1904 đỗ tiến sĩ và nhiệt liệt hoan nghênh tân thư. Cũng năm ấy gặp Phan Sào Nam, đọc Lưu Cầu huyết lệ Tâm thư và kết giao với Nguyễn Thành.

Nói tóm lại, ông chỉ để ý đến cái mới sau năm 1903 rồi vùi đầu đọc tân thư và tìm bạn kết giao chớ cũng chưa có hoạt động nào đáng kể.

Trần Quý Cáp không có cái hăng hái kỳ lạ của Phan Châu Trinh, cũng không có cái bình tĩnh lặng lẽ của Huỳnh Thúc Kháng. Ông vốn con nhà nghèo, phải đi dạy học để giúp gánh nặng gia đình cho mẹ. Lúc trẻ còn đi học cho tới khi lớn lên, ông vẫn hay chống đối những điều mà ông cho là một sĩ phu có huyết tính không thể làm ngơ :

«Lúc bấy giờ có ông Nguyễn Mại, đương chức bổ chính tỉnh Quảng Nam, ra mời Tiên Sinh về dinh dạy con được hai tháng. Thường ngày Tiên Sinh thấy trống đánh ba hồi xong, quan ta ngồi chễm chệ giữa công đường. Xã dân đến hầu thì mỗi người bưng một mâm lễ đặt ở dưới đất đứng ngoài sân cho quan ngó thấy rồi sắp hàng lạy. Đối với dân thì quan hầm hét : nào giăng nọc đánh, nào hăm chặt đầu, gông cổ v.v… Đã thế, nhưng điều đáng buồn là khi nghe có Tây nào đến thì ôi thôi ! áo không kịp gài, giày không kip mang, chỉ biết đứng nghe. Tên thông ngôn nói chi thì dạ nấy.

Thấy thế, tiên sinh phát tức mà nổi nóng, mắng chửi tàn tệ, làm cho ông bố phải ra lịnh nghỉ dạy rồi đem lòng căm tức tiên sinh ngay từ đấy ». (Tiểu sử Trần Quý Cáp trang 2)

Nhưng, những sự nổi nóng như thế cũng ít khi xảy ra, ông thường có tính nghiêm nghị, thận trọng, hoạt bát mà đôi khi cũng có lẫn những lối ăn nói chua cay. Lúc còn đi học, ông nổi tiếng là có văn chương hùng hồn, khẳng khái và bất khuất. Lúc học ở trường tỉnh, ông kết giao với những bậc anh tài, ngoài Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng còn những tay lỗi lạc như Phạm Liệu, Nguyễn đình Hiến, Nguyễn bá Trác, Mai Dị, Phan Khôi, Trương trọng Hoàng… Phần lớn những người này đều có liên quan với các công cuộc Duy Tân và Đông Du sau này…Vì phải dạy học «để có thể hôm sớm phụng dưỡng mẹ già. Nhà nghèo, mấy sào ruộng công điền của làng cấp không đủ chi phí trong gia đình nên phải bút canh (dạy thuê). Bình nhật, tiên sinh háo khách. Hễ có khách đến thì dọn cơm, nhưng đồ ăn đãi khách rất đơn sơ, những món ăn ngon ngọt đều để phụng mẹ già (…). Trong thời gian ba năm tiên sinh dạy tại nhà, không những học trò trong tỉnh như các ông : Phan bá Cảnh, Trần thúc Tịnh, Lê Huân, Trần tử Kính, đều thành tài, mà các nhân sĩ ở miền sông Cầu, Nha Trang như các ông : Huỳnh thường Trung, Trương trọng Cầu, Huỳnh Thường v.v… không nề đường sá xa xôi, nghe tiếng tiên sinh cũng ra thọ giáo, đều thành đạt cả ». (Tiểu sử Trần Quý Cáp trang 3)

Điều này rất quan hệ đối với công cuộc Nam du về sau. Vì nhờ đó mà Trần Quý Cáp bắt được liên lạc với những nhà tri thức trong khắp Miền Nam Trung Việt, rồi từ đó, những cuộc tiếp xúc trở nên dễ dàng và có kết quả mau chóng. Có thể nói là nếu không có Trần Quý Cáp chưa ắt hẳn đã có Nam Du vận động Duy Tân.

Nhưng ông khác hai nhà lãnh đạo Duy Tân trên. Nếu hai ông Phan Châu TrinhHuỳnh Thúc Kháng chỉ biết và rồi đây chỉ biết có Duy Tân thì Trần Quý Cáp không hẳn như thế. Ít ra, trong giai đoạn đầu, ông đã có một thời kỳ làm việc trong bí mật cho Quang Phục Hội (tức phái Đông Du sau này) rồi sau theo Duy Tân, hoạt động hẳn cho Duy Tân mà những lúc phẫn uất, chán nản ông vẫn muốn bỏ xứ sang Nhật Bổn. Trong các sách viết về ông, tôi thấy có lời thuật lại sau đây của Huỳnh Thúc Khángcụ Tiểu La Nguyễn Thành, một cựu đảng Cần Vương có tiếng (…) trước mắt không người, sau ngày gặp tiên sinh, có nói với cụ Sào Nam : «Được một người tốt có đảm thức, hỏi ai ? » Chỉ có Thái Xuyên. Cùng cộng sự trong mấy năm, lại nói với cụ Tây Hồ : «Nếu được đôi người như Thái Xuyên có việc gì chả làm xong» Sau này, trong một bài thơ điếu Trần Quý Cáp lúc bị chém, Huỳnh Thúc Kháng cũng có câu : Bồng Đảo xuân phong huyền viễn mộng (Bồng Đảo gió chưa đưa giấc mộng), ý nói ông muốn sang Nhật mà chưa đi được.

Vậy thì trong tiểu sử Trần Quý Cáp có viết : «Ông chịu ảnh hưởng hai cụ Phan» rất đúng : Phan Châu Trinh Dân Quyền và tự cường : Phan Bội Châu Quang Phục. Tuy nhiên có lẽ ảnh hưởng của Phan Bội Châu chỉ mạnh vào các năm 1903, 1904, 1905 (ông biết Phan Bội Châu trước Phan Châu TrinhHuỳnh Thúc Kháng). Còn từ Nam Du về sau, hình như ông đã đổi thay nhiều. Kể từ năm 1904, 1905 theo tài liệu còn để lại khác nhau tôi thấy Huỳnh Thúc KhángPhan Châu Trinh cũng vẫn có những hoạt động mật thiết với Tiểu La Nguyễn Thành chứ không riêng gì Trần quý Cáp. Nhưng chỉ có Trần quý Cáp có nhận lãnh những nhiệm vụ bí mật mà thôi :

«Tháng mười năm Giáp Thìn (1904) Tiên sinh cùng hai cụ Phan, Huỳnh đi thức tỉnh miền thượng du tỉnh nhà, vận động tài chánh cho việc Đông du. Lên nguồn Phước Sơn rồi trở xuống Thạnh Mỹ đặng gặp cụ tiểu Tiểu La. Lúc đi đường tiên sinh có tức cảnh một câu :

Lúc lắc đò đưa : Tí, Sé, kẽm

Gập ghềnh chân bước : Gành, Truông, Đèo.

Câu ấy tuy tiên sinh tả cảnh mà còn ngụ ý sự vận động duy tân trong lúc ban đầu cũng gian nan, hiểm trở như vậy. Hai cụ Phan, Huỳnh phẩm bình hai câu ấy rằng : không những cảnh tình đầy đủ mà ba chữ trắc đối với ba chữ bình đã khó lại hay. Trong quyển Vong quốc sử, cụ Sào Nam cũng cho câu ấy là danh ngôn.

Lúc đến nhà cụ Tiểu La, gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và ông Tăng Bạt Hổ, các cụ cũng bàn với nhau : cụ Sào Nam lo việc Đông Du, còn tiên sinh (Trần Quý Cáp) ở lại trong nước vận động mưu đồ ». (Tiểu sử Trần Quý Cáp trang 14).

Sự kiện này cho chúng ta thấy lúc bấy giờ cả ba ông Phan, Huỳnh, Trần đều cùng hợp tác khá chặt chẽ với Tiểu La Nguyễn Thành và họ giúp nhiều cho Phan Sào Nam trong việc Đông độ. Nhưng kiểm các tài liệu, tôi chỉ thấy Trần Quý Cáp là liên lạc chặt chẽ với Tiểu La. Trong bài mộ chí, Huỳnh Thúc Kháng có viết (bằng Hán văn, dịch ra Việt Văn) :

«Cụ Sào Nam Phan Bội Châu nuôi chí quốc sự ngoài mười năm, thông giao toàn quốc sĩ phu, nhưng ẩn mình trong trường văn, vào học trường Quốc Tử Giám nghe tiếng tiên sinh, qua lại giao du và tặng bài thi có câu :

Túy sinh ngã bối song tiền nhãn

Đắc sáng nhân gian nhất cuộc kỳ

(Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt.

Cờ thế hơn thua một cuộc xoay).

Cách năm sau, cụ Phan xuất dương, đến tiên sinh từ giã, duy có Phật thấu lòng Phật, chỗ ẩn tâm người ngoài không làm gì thấu rõ ». (N.H.S chí sĩ trang 38)

Vậy Trần Quý Cáp đã là nhân viên của Quang phục Hội chăng ? Trong danh sách những nhân vật nhập hội ấy do Cường Để ghi lại, chỉ thấy tên những người ở Huế, còn ở Quảng Nam tuyệt nhiên tôi không thấy Phan Sào Nam nhắc đến tên Trần Quý Cáp trong số hội viên của Hội. Tôi ngờ cả Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng đều ít lưu tâm tới cái hội này. Nhưng trong thời kỳ 1903-1905, giao tình của hai ông Phan, Huỳnh với Tiểu La còn nặng, vì ngoài việc giúp vận động tài chánh cho Đông Du, sau này năm 1905 khi ở Nam về, Phan Châu Trinh «được tin Phan Sào Nam đi Nhật Bản đã về tiên sinh thẳng về Quảng Nam, cùng ống nghè Trần (Trần Quý Cáp), ông ấm Thạnh Mỹ (Nguyễn Thành) bàn về việc đi Bắc. Khi ấy là tháng chạp năm 1905». Vậy thì, trước tháng chạp năm 1905, còn có những cuộc gặp gỡ giữa các ông, nhưng sau đó, nhất là khi Phan Châu Trinh đã qua Nhật về, Duy Tân và Quang Phục là hai phe tách biệt hẳn, lý thuyết lẫn thực hành

Còn vào thời kỳ này 1903-1905, hai tư tưởng ấy vẫn gặp nhau nhiều lắm. Bằng cớ là ở đoạn văn trên của Trần huỳnh Sách, ông đã nhắc tới sự vận động Duy Tân trong lúc ban đầu và Cụ Sào Nam lo việc Đông du còn tiên sinh… thì ta thấy những Duy Tân, Đông Du gần như một khối mà Đông Du chỉ là một phần của Duy Tân. Sự thật, thời kỳ ấy cả hai phe Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu, Nguyễn Thành chưa có sự xung đột ý kiến đến chỗ quyết liệt. Huống chi ở giữa còn có Trần Quý Cáp con người có đủ uy tín, đủ tài năng, đức độ để duy trì sự hòa hợp.

Cũng thời kỳ này, thơ văn và các cuộc giao du của Trần Quý Cáp còn nặng về thiết huyết. (Thiết huyết là sắt và máu tức vũ lực là danh từ các nhà chính trị vẫn dùng để gọi phái Phan Bội Châu Nguyễn Thành, cho đến nay, vẫn còn gọi như thế). Tôi chép thêm một đoạn trong Tiểu sử Trần Quý Cáp để bạn đọc theo dõi rõ hơn một nhân vật phức tạp, cái dấu nối giữa Duy Tân và Đông Du đó :

« Sau khi thi đỗ : tiên sinh lấy sự bài xích khoa cử, đề xướng tân học làm nhiệm vụ của mình. Phái cựu học thấy thế cho tiên sinh là qua cầu dứt cầu, nhưng tiên sinh cũng không lấy thế làm điều. Tại kinh phục mạng xong tiên sinh hồi quan sĩ chỉ. Lúc về, ngang qua đèo Hải Vân, tiên sinh có vịnh một bài thơ :

Tôi ngôi vạn nhẫn cố hùng quan.

Kỳ độ đăng lâm phủ ngưỡng quan.

Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại.

Nộ quyền hủy phá bạch vân đoan.

Cô Châu phản trao hoàng thôn mộ ;

Quyên diếu dần lâm cổ mộc hàn.

Thất lý oanh hồi xuyên phá hậu

Uất thông giai khí Ngũ Hành sơn

Dịch :

Quan ải ngày xưa núi chập chùng

Đi về mấy độ ngẩn ngơ trông

Mắt nhìn bể bạc tròng rưng lụy,

Tay khoát mây xanh khí lông hồng.

Thuyền bóng xóm chài e sắp tối,

Chim về rừng cũ liệng đầy không.

Quanh co bảy dặm vừa ra khỏi.

Đoái thấy Hành Sơn tốt đẹp hung.

Về đến Đà Nẵng tiên sinh có bài cảm hoài :

Thử địa do hà động chiến phong,

Chí kim đáo xứ thỉ xà tung.

Thuyền lâm nội phụ tạm tài điếm,

Xa sứ trung quan nhứt lộ thông.

Cố quôc sơn hà lâm địch lý,

Thùy gia lầu các tích dương trung.

An năng tái khởi Trần hưng Đạo.

Cọng vản Đằng Giang vĩ đại công.

Dịch :

Chinh chiến vì đâu nẩy họa tai,

Mà nay thấy những dấu lang sài.

Cờ ba sắc nhoáng tàu vô cửa ;

Xe một đường thông ải suốt dài.

Tiếng địch gọi hồn non nước cũ,

Bóng chiều chói rạng phố lầu ai ?

Ước chi nay có Trần hưng Đạo,

Lập lại Đằng Giang trận thứ hai.

Đến Đà Nẵng, tiên sinh tìm nhà ông Châu Chế, Châu Chế tức Châu Thành, người làng Nại Hiên, huyện Hòa Vang, một nhà cựu học, tính cương trực và liêm khiết, lại hiếu hữu ít ai bì. Khi Pháp đóng tòa đại sứ tại Đà Nẵng nhiều lần mời ông ra giúp việc, nhưng ông cố từ để ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Ông lại là bạn thân với ông chủ tiệm đĩ Nhựt Bản. Tiên sinh muốn nhờ ông này giới thiệu với ông chủ người Nhật ấy để tìm kế hoạch Đông du.

Khi tiên sinh gặp được ông chủ ấy, hai người bút đàm ý hiệp tâm đầu. Tiên sinh có tặng ông ấy mấy câu đối : Quốc dân trách nhiệm, nhơn các tận nhất phân, hoàn vất thất phu, thất phụ ? Thế giới phong trào, thiên tảo khai tam đảo, ninh vong đồng chủng, đồng văn.

Dịch : Quốc dân gánh vác, ai cũng có một phần kể chi là trai gái. Thế giới mở mang, trời đã khai ba đảo, nở quên một giống, một giòng.

Ông chủ ấy khen thưởng và gởi câu đối ấy về nước để làm kỷ niệm. Tiên sinh tới lui thân mật, nên trong sự Đông độ, ông chủ ấy là tay đắc lực.

Sau đó, tiên sinh đi tìm ông Lê bá Trinh để làm việc. Cụ Lê bá Trinh người làng Hải Châu (Đà Nẵng) đậu cử nhân khoa canh tý (1900). Thi hội chỉ được đủ phân số bổ dụng, nhưng cụ không muốn xuất sĩ, làm cái nhà nhỏ ở chân núi Hành Sơn (Non nước), tát nước, cày ruộng để sanh nhai. Vì là bạn thân của tiên sinh, nên khi đến nhà, hai người đàm bạc tương tao, hàn huyên lịch sự. Tiên sinh tặng cụ cử một câu đối :

Hoàn hải sơ khai thiên cổ nhan,

Cố nhân do ngọa Ngũ hành Sơn.

Dịch :

Trời mới đã ra mới thế giới

Bạn xưa còn núp núi Hành sơn,

Cụ Lê bá Trinh tỉnh ngộ, bèn ra dạy học tại nhà ông Thương Liên ở Đà Nẵng để cùng anh em gặp gỡ chung lo việc nước. Từ đây về sau, các nhà ái quốc trong Nam ra, ngoài Bắc vào đều lấy chỗ nhà ông Châu Thành và cụ Lê bá Trinh làm căn cứ ». (Tiểu sử Trần Quý Cáp trang 8, 9)

Qua các tài liệu dẫn trên của cả người trong phe thuần túy Duy Tân Huỳnh Thúc Kháng, ta thấy Trần Quý Cáp là người nhiệt thành của Duy Tân và cả Đông Du. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu. Ông vốn là người khỏe mạnh, can cường, hiếu động hơn Huỳnh Thúc Kháng, chưa từng nếm qua sự thất bại đau xót và sự tàn nhẫn của phe Cần Vương như Phan Châu Trinh lại thuộc thế hệ mới, thế hệ trẻ khác xa Nguyễn Thành ; còn may mắn ở vào một tỉnh có hai cửa bể ngay trước mặt chứ không bị «bao vây» như Phan Sào Nam cho nên ông dễ chấp nhận cả hai : Duy Tân để tự cường mà không đủ, còn phải đông độ nhờ bạn đồng chủ, đồng văn giúp ta đuổi gấp bọn thực dân choán ngay trên những địa điểm cuống họng của xứ sở, sừng sững ngay trước mũi và, lúc nào ông cũng có thể chạm phải. Đối với ông, lý tưởng Duy Tân cũng do đó mà rất mạnh : vì phải lo nghĩ chuyện đánh Tây, nhưng hàng ngày, thấy sức mạnh kinh khủng của Tây về mọi phương diện thì không thể nào tin là chỉ với súng ống hay một số người đào luyện ở ngoại quốc là đủ. Cần phải tự làm mạnh, làm mới những khối sĩ phu và quần chúng đông đảo đã ! Không tự làm mạnh, làm mới quần chúng, đất nước thì chuyện đánh Tây chỉ là chuyện gây lại những thất bại thảm thương !

Đó, ông chính là con người phức tạp ấy. Sự phức tạp đã khiến ông gắn liền vào cả hai ông Phan một lúc. Và khi ông Phan Sào Nam đông độ thì nhân có một người học trò của ông, ông Huỳnh thượng Trung ở trong Nam ra mời, cả ba vị lãnh tụ của phái Duy Tân : Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cùng lên đường vào Nam cổ động cho Dân quyền, tân văn hóa, tân sinh hoạt.

Tôi gọi ba lãnh tụ vì kể từ đây, ba bậc đại khoa danh tiếng lừng lẫy ấy sẽ được mặc nhiên chấp nhận như những lãnh tụ lớn của Phong Trào Duy Tân, vượt ra khỏi tỉnh nhà.

Cùng theo bước chân của ba ông tới đâu thì những đóa hoa tươi đẹp và hùng tráng của Duy Tân nở ra tới đó để hiện đại hóa đất nước.

Nguồn bài viết: Phong Trào Duy Tân - Nguyễn Văn Xuân