«Nghệ Tĩnh và Nam Nghĩa» từ phái văn học đến phái Cần Vương nghĩa hội thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong trào Tân Học cải cách cùng Đông học cán dùi trống một nhịp với nhau» . Nhận xét của Huỳnh Thúc Kháng rất đúng. Vì phần lớn dân Nam Nghĩa (Quảng Nam, Quảng Ngãi) là hậu duệ của Nghệ Tĩnh di cư vào, trong huyết quản còn nhảy những nhịp máu quen chịu đựng và phấn đấu. Rồi sau này, vì những liên quan lịch sử, lại ở vào một khu vực cần phải liên tục phấn đấu nên giòng máu ấy chưa loãng mà chỉ gia tăng những sắc thái mới do các cửa biển cung cấp. Phan sào Nam vào Quảng Nam, Phan Châu Trinh ra Nghệ Tĩnh sau này cũng là tiếp tục cái mạch câu thông truyền thống đó.

Song trước khi tung ra miền Nghệ Tĩnh và Bắc, các lãnh tụ của Phong Trào đi vào Nam là vì một duyên do : Người Quảng Nam đối với các tỉnh trong vẫn có liên lạc mật thiết vì con cháu họ hễ lớn lên, một số không nhỏ thường tìm cách lần lượt dẫn nhau vào Nam hoặc để kiếm việc làm, để buôn bán và một số khác những nhà nho, sẽ giữ một vai trò đặc biệt. Họ nhờ biết chữ nghĩa, nhưng chả đậu bằng cấp gì cao hơn cái tú tài, thường hoặc đi làm văn nghệ nhà nghề, hoặc làm thầy giáo. Làm văn nghệ có khi chẳng cần học hành gì, như đi nói vè. Còn làm thầy giáo thì khá đông và có một địa vị tinh thần rất lớn. Nghề này nguyên trước chỉ có những người Bắc và người Nghệ làm thôi, chính ở Quảng Nam, thầy Bắc  thầy Nghệ cũng rất nổi tiếng. Nhưng từ khi việc học hưng thịnh, Quảng Nam bắt đầu «xuất cảng» thầy học bên cạnh đường bát, lãnh đen… Ông thầy Quảng cùng thầy Bắc, thầy Nghệ đến Bình Định thì thường dừng lại rồi từ đấy họ nhường chỗ cho ông thầy Quảng tự do thao túng thị trường Chữ nghĩa. Mới đây nhà văn Võ Phiến có bảo tôi : «Ở Bình Định nổi tiếng nhất là những ông thầy Quảng, thầy Bắc. Thầy Bắc là thầy Bắc Kỳ hay Nghệ, Tĩnh mà dân địa phương không phân biệt được. Chưa có một ông thầy nào người Bình Định nổi tiếng bằng những ông thầy này cả». Ấy, Bình Đình lừng lẫy thời Tây Sơn và gần kinh đô, lại có trường thi, thế mà việc học còn chưa thật mở mang rộng khắp, chưa tự cung cấp đủ giáo sư trong thời gần đây thì các tỉnh từ Phú Yên trở vào nhu cầu ông thầy, nhất là thầy giỏi cấp thiếp tới đâu. Muốn học thầy Quảng, thường có hai cách : đón những ông thầy Quảng về tại làng, tại tỉnh để học. Nhưng số giáo sư đó giỏi lắm chỉ đậu đến tú tài và không phải ai cũng lỗi lạc. Còn muốn tìm thầy học rộng, kinh nghiệm nhiều trong việc học để có thể thi đỗ trung khoa, đại khoa, phải vượt núi, băng ngàn ra tại Quảng Nam như trường hợp các học sinh trong Nam ra học với Trần Quý Cáp. Còn trong Nam Kỳ (xưa gọi Nam Trung) thì số thầy Quảng lưu lạc trong đó chắc khá đông. Hồ hữu Tường vẫn nhắc đến ông thầy Quảng trong các tác phẩm của ông, rồi ông lấy ba chữ ấy đặt tên cho một bộ tiểu thuyết. Điều này chứng minh việc học chữ Hán trong Nam xưa thật khó khăn và sĩ phu Quảng Nam đã cống hiến một phần hết sức lớn lao vậy.

Vậy, chắc chắn «Nam Du» (các tỉnh cuối Trung Việt và cả Nam Kỳ) là một mục tiêu rất đúng, không chỉ vì Duy Tân mà còn vì cái ẩn ý chính trị bao hàm trong đó. Từ xưa nay, các tỉnh miền Nam đều có liên lạc nhiều phương diện với Quảng Nam như đã nói trên mà đất đai trong đó đều do nhà Nguyễn khai thác nên còn có những liên hệ với Miền Trung về tình cảm. Người Nam chất phác, thường dám vị nghĩa mà hoạt động, mà hy sinh nên chắc vào đó thì thế nào cũng gây được cơ sở vững vàng, rộng rãi và tương đối dễ dàng.

Vả chăng, miền ngoài có đủ nhân tài, họ có thể cung cấp những người hướng dẫn rồi tự chủ trương, tự tổ chức lấy được. Chứ trong Nam, nhân tài còn ít, phải đi đến tận nơi gây một nhận thức sâu sắc, chỉ dẫn cách tổ chức tỉ mỉ mới mong có kết quả chắc chắn, lâu dài.

Đoàn cổ động tiền phong của phong trào, ngoài các nhân vật kể trên, có lẽ còn nhiều người. Nhưng tới nay tôi phải kiếm trên nhiều tài liệu khác nhau mới thấy có hai tên : Huỳnh thượng Trung, ông Ích Đường (con ông Ích Khiêm). Ích Đường lúc ấy còn nhỏ lắm, sau này sẽ theo Phan Châu Trinh ra Bắc rồi trở thành lãnh tụ của Phong Trào chống thuế 1908.

Lên đường tháng hai năm 1905 (kỷ tỵ), ta chắc lúc ấy họ đã phải hoàn thành công cuộc thức tỉnh sĩ phu tỉnh nhà và đã có một lực lượng vững mạnh rồi. Vì chẳng lẽ đi tới xứ người đánh trống động chuông khi chính mình chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng ? Tôi tiếc là chưa nắm được một tài liệu cụ thể nào về các cơ sở Duy Tân được thiết lập trước tháng hai năm 1905 ngoài việc các nhà lãnh tụ đi truyền bá tân thư, tư tưởng Dân Quyền rất nhiệt thành mà có khi lẫn lộn cả công tác của Quang Phục như đã thấy trên kia, đã lên tới tận Tý, Sé, kẽm mà có lẽ đến trên 95 % người Quảng Nam chưa bao giờ đặt chân tới ! Một công cuộc cổ động qui mô sâu rộng như ít khi thấy từ trước tới nay ngoại trừ tổ chức Cần Vương. Ý hướng Quang Phục còn rất mạnh thời ấy. Nhưng kể từ bắt đầu cuộc Nam Du này thì ý hướng Đông Du gần như nhường cho ý hướng Duy Tân. Nhất là nhờ tài hoạt động, cách xử sự linh hoạt, lời ăn nói hấp dẫn của Phan Châu Trinh đã ảnh hưởng tới rất nhiều giới, vừa thức tỉnh, vừa đẩy họ đứng lên thực hiện các công tác của Phong trào từ Nam Nghĩa trở vào. Cả ba lên đường như các chàng Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi sau khi kết nghĩa Đào viên. Thiếu mấy con ngựa và thanh kiếm để chúng ta viết nên một tập truyện lịch sử hay những trang kiếm hiệp. Họ đi với tâm trạng nào ? Với tin tưởng nhiệt thành nào ? Với những cuộc đối thoại ra sao ? Ôi ! thật là thú vị và khá hiếu kỳ khi chúng ta quay nhìn lại đoàn tiền phong cổ động Phong trào Duy Tân trong một xã hội chưa biết mùi xà phòng, chưa dùng hộp quẹt, trai gái tóc bới, răng đen, ông già, bà lão chỉ tin ở Thần quyền, ở Đế quyền, ở Ma quỉ và chẳng bao giờ hiểu con người dám có cái quyền gì ngoài cái quyền sinh, lão, bệnh, tử.

Thật lạ lùng và thật can đảm khi đoàn người đó tới đâu thì gieo rắc những tư tưởng kỳ quái gần như điên khùng tới đó. Nhưng họ đâu có điên, trái lại họ rất tỉnh. Họ đâu có ngu dốt, trái lại họ là những nhà học thức cao. Họ đâu phải bọn vô danh, tiểu tốt ; trái lại, họ dám bỏ những bằng cấp, những địa vị mà các sĩ phu thèm rỏ dãi. Họ đâu có nói chuyện nước Tàu cổ với Khổng Mạnh, họ nói về nước Tàu mới với Tân Thư và những Lư Thoa cùng mạnh Đức Tư Cưu, những ông Thánh của bọn Tây cướp nước. Thế thì họ đang xu phụng bọn xâm lăng ? Trái lại, họ đang muốn đuổi bọn xâm lăng. Họ còn dám lớn tiếng bài xích Thần quyền và Đế quyền để đề cao Dân quyền. Họ dám công kích những bộ tóc dài, bộ răng đen mà họ cho là hết hợp thời và thanh niên mới cần gọn gàng để học lối Âu Tây mà tiến bộ và phấn đấu. Họ nói như thế đấy. Vậy mà những nhà nho chân chính vẫn kính cẩn, thận trọng nghe lời họ, không kể những kẻ dám cởi mở tán thưởng ngay từ phút đầu… Rồi thì những chữ Duy Tân, Dân Quyền, hợp thương, quốc ngữ… những chữ lạ tai khó nghe được có dịp tung ra, được nhắc nhở, được cắt nghĩa, được thảo luận, được phê phán, có kẻ khen, có người chê, có kẻ tôn thờ, có người phỉ báng. Rốt cuộc, nó ở lại trên miệng lưỡi và đi vào trong ngôn ngữ dân tộc.

Nhưng những cuộc vận động tuyên truyền rỉ rả ấy chỉ làm cho người ta sửng sốt lẻ tẻ mà không gây được một tiếng nổ mạnh với âm hưởng lâu dài. Cần phải tạo ra tiếng nổ ấy. Cơ hội thuận lợi nhất đã tới rồi ! Trong Phan tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huỳnh Thúc Kháng viết: «…đi qua tỉnh Bình Định (bỏ ông nghè Trần (quí Cáp) có quen một cậu ấm «kỳ xuyên công tử» người Nam Trung, nhà ở Bình Thuận, muốn rủ cùng đi Nam) ; xảy gặp ngày tỉnh hạch học trò, người hội hạch đông có năm bảy trăm, tiên sinh (Phan Châu Trinhnghĩ rằng : cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ, mà sĩ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến ; giấc mộng mê say này, không cho một gậy ngang đầu, không thể nào thức dậy được, bèn mượn đề mục bài hạch đó, làm một bài thi, một bài phú (Thi «chí thành thông thánh» phú «Danh Sơn Lương ngọc» (nói việc thời thế cùng tệ sĩ phu mình, xen lẫn vào trong quyển hạch học trò cho dễ truyền bá. Một tiếng sét đánh vang lừng cả nước. Học giới nước ta trong hai mươi năm nay, lấy văn tự mở mang phong khí, thì bài thi, bài phú đó, cũng là một bài có ảnh hưởng trong lúc đầu tiên vậy». (G.N.K.N. trang 4)

Sự thật những bài thi, bài phú đó ai làm ? Tôi có nhiều tài liệu trong tay và thấy lẫn lộn nhau. Nhưng không có tài liệu nào bảo là của Huỳnh Thúc Kháng, dù trong Tự truyện, trang 27 ông viết : «chúng tôi mượn đề mục…» Vậy chỉ còn hai người là tác giả. Trong Tây Hồ và Santé thi tập, Phan Châu Trinh mặc nhiên tự nhận mình là tác giả bài thi (vì ông có chép lại trong tác phẩm ấy) thế thì bài phú kia đúng là của Trần Quý Cáp. Trong thời văn học, ủy mị, hình thức, nặng giáo điều khô khan của ta xưa, bỗng đột xuất hai bài văn của những sĩ phu có chân tài, có nhiệt huyết, dám nói thẳng sự thật, một điều mà mấy ai dám, bằng những lời vô cùng điêu luyện của bậc đại khoa và lòng nhiệt thành, căm hờn, hùng tráng của nhà cách mạng thì ta có thể tưởng tượng sự sửng sốt đến cao độ của thầy trò ở Bình Định ra sao ! Mà thiết tưởng không cần giỏi chữ Hán như người xưa, bọn chúng ta ngày nay, sống sau các vị ấy trên nửa thế kỷ (64 năm) mà đọc lại ít câu còn thấy rung động đến tận đáy hồn.

… … …

Giang sơn vô lụy khốc anh hùng !

Vạn dân no lệ cường quyền hạ ;

Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Trường thử bách niên cam thóa mạ,

Bất tri hà nhật xuất lao lung !

(Chí thành thông thánh)

Bài phú cũng tuyệt hay, nhưng tôi ngại nếu chép lại bằng Hán văn, người đọc ngày nay sẽ nản. Tôi chỉ xin chép lại hai bài chính Trần Quý Cáp tự dịch lấy sau này khi ở Nam về rồi ủy cho ông Hồ thanh Vân đem ra Bắc Hà giao cho cụ Nguyễn hải Thần để cổ động quan sĩ ngoài Bắc (tiểu sử TQC trang 11). Tôi nhận thấy bài thi dịch rất tầm thường, bài phú dịch hay hơn nhiều. Đáng lẽ tôi thay bằng một bản dịch bài thi như của Đào trinh Nhất, nhưng chợt nghĩ là những tài liệu này có tính chất lịch sử nên để nguyên như thế.

Dịch bài thi :

Ngoảnh lại giang sơn luống lẩng lơ (lửng lơ)

Anh hùng rầu rĩ khóc người sơ.

Muôn dân tôi tớ phường quyền mạnh

Tám vế văn chương giấc ngủ mơ.

Dày mặt mỉa ai đành chịu mãi.

Thoát thân trói buộc biết bao giờ.

Người ta ai cũng tâm càn ấy,

Nghĩ đến vận này đã thấy chưa ?

Dịch bài phú :

Kìa Châu Á trong vòng hoàn hải,

Khi đồng bào vác nỗi mây tuông,

Ngắm xem một cõi dinh hoàn,

Đều trông thấy kẻ lo buồn xiết bao,

Việc thế sự xôn xao sóng bể,

Mặt anh hùng rầu rĩ non sông,

Nói ra ai chẳng thẹn thuồng.

Sao ta cứ một cái lòng thế thôi ?

Sực thấy chữ tương lai mà sợ,

Còn mơ màng giấc ngủ như không

Ai ôi đứng dậy mà trông

Nước ta một góc Á Đông kém gì !

Trên Hồng lạc dưới thì Trần Lý

Kẻ nhơn tâm sĩ khí ai bì

Kìa xem Lãnh Biểu xưa kia

Mã Nhi thuở nọ còn bia đành rành

Một trận đánh Chiêm Thành đã khiếp

Mấy nhiêu năm Chơn Lạp mở cương

Nước ta xưa vẫn phú cường

Những điều hay lạ có nhường chi ai

Bởi vì thuở những người thất sách

Đến thế này có trách ai đâu.

Ngũ ngôn bát cổ đôi câu,

Đường khoa mục bắc lắm cầu cùng nơi

Giữ một lời nghe hơi văn sách

Bia đội đường nghiêu Chích khen chê

Lời văn rặt giọng Tàu bè,

Vài câu tứ lục cung nghề từ chương.

Chỉ lấm lét thấy vàng giữa chợ

Rủ nhau ra cướp của ăn không

Một đời mấy mặt anh hùng

Ngọc dâng vua Sở, ai dùng làm chi ?

Ôi những kẻ than vì tài lợi.

Còn nghĩ gì đến cái thân danh

Lại xô một lũ thơ sanh

Trói vào một cái hư danh thế nào !

Nghĩ như thế cớ sao nên thế ?

Còn mong gì mỗi vẻ mỗi hay

Đau đớn thay nỗi nước này,

Bởi ai gây dựng đến rày tại ai ?

Đều trông thấy đắng cay khôn xiết

Lại một ngày một siết ruột da,

Tính trong cái thuế dân nhà,

Thôi đà hết sạch rồi ra còn gì !

Coi như thế trăm bề chịu khuất,

Lại lọc lừa cất đặt trăm quan.

Mình thì lạy lạy, van van,

Nó coi như thế một đàn nó nuôi.

Cơ sự thế dại rồi đã vậy

Tai họa này khôn chạy cho mau !

Nào ai nghĩ thảm lo sầu,

Thì theo lối nghĩa chớ cầu đường danh.

Lại thốt những thơ sanh quan lại,

Rủ nhau ra theo mái nhung hiên

Hơi còn mạnh, sức còn bền

May ra đập phủ chìm thuyền có khi.

Sống vô ích, sướng gì cái sống

Chết nên công chết cũng nên đời,

Cớ sao ngày tháng dông dài,

Cầm như cái chuyện ở ngoài không nghe.

Lại vẫn giữ lấy nghề hủ liệt

Đành say mê sống chết với thân,

Khác nào như kẻ phụ nhân

Đã cam sỉ nhục muôn phần thế thôi !

Lại chẳng khác chi đời lính lệ,

Đằng bôn xu như thể tôi đòi,

Than ôi ! cũng một giống người,

Ruột gan máu mủ cũng người giống ta !

Nghĩ trời đất sanh ra còn tủi,

Chớ một mình thẹn với non sông,

Tôi nay thề quyết một lòng

Thề rằng việc ấy cho xong mới rồi.

Việc nhơn thế thử coi mà gẫm

Vận tang thương một bóng xanh xanh

Trời Nam bể Sở mông mênh

Cái thân chích địa nghĩ mình xót xa.

Nhìn thu lạnh sương sa lác đác,

Cửa thần môn lén bước, bước ra

Ngắt trời một dải xa xa,

Thuyền tiên trông đã vượt ra non thần.

Bến Dịch thủy chần ngần đứng nghỉ

Tiễn đưa người giọt lụy chứa chan.

Một lời như khóc, như than,

Thôi còn Lương Ngọc, Danh Sơn làm gì ?

Cả hai bài thi và phú đều ký bằng một tên giả : Đào mộng Giác. Vì số học sinh thi có đến năm bảy trăm theo lệ khảo mỗi tháng mà viên đốc học người Quảng Nam nhà có tang xin nghỉ, quan tỉnh chủ trương ngày khảo phúc nên sự hiện diện của các thí sinh mới không ai chú ý. Thế là những anh chàng Đào mộng Giác sau vụ ấy lẹ lẹ rút lui.

Chúng ta có thể đoán sự sửng sốt, hãi hùng của bọn quan lại chuyên cúi đầu, khom lưng khi đọc những bản văn trầm hung ấy đã có phản ứng ra sao ? Thật khó mà tưởng tượng ra cho hết. Họ chỉ còn biết «một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nã tên Đào mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định là tộc của cụ Đào phan Duân và Đào Tấn để tra hỏi (…). Ban quan lại tỉnh ấy lấy làm hổ thẹn nên không tư sứ và bỏ qua việc ấy». (Tiểu sử T.Q.C trang 11)

Đó là các quan, còn phản ứng của giới nho sĩ ra sao ? Tuy không có bản văn nào ghi lại cho rõ, nhưng ta có thể đoán ra dễ dàng. Lẽ tất nhiên là khi bản nháp do bọn các ông Nguyễn quý Anh lúc ấy còn học tại Trường Bình Định lộ ra là các thí sinh chỉ còn há mồm, há miệng, ghi ghi, chép chép, một truyền mười, mười truyền trăm… Không kể những bài chữ Hán mà sau những bài này dịch văn nôm nhất là bản dịch Danh Sơn Lương Ngọc Phú sức truyền bá trong dân chúng rất mạnh. Bảo làm sao người ưu thời mẫn thế có thể đọc tới những câu :

Một lời như khóc như than,

Thôi còn Như Ngọc, Danh San làm gì !

mà có thể cầm được sự cảm động bồi hồi. Thật đúng như Huỳnh Thúc Kháng nhận xét, đó là «một tiếng sét vang lừng cả nước» vậy.

Lúc các quan lại Bình Định xôn xao bắt bớ thì các ông đã vào tới Phú Yên. Bộ ba kiếm hiệp tân thời ấy cùng các đệ tử lại hăng hái tiến trên con đường khai triển Duy Tân với lòng nồng nhiệt. Lúc đi ngang Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bộ ba kiếm khách liền nổi tò mò, muốn xem cho thỏa. Họ liền mua trứng gà cùng các thứ trái cây rồi giả làm khách buôn, thuê một chiếc thuyền đánh cá để leo lên coi cho khoái mắt. Huỳnh Thúc Kháng nhận xét : «Đấy chẳng qua vì tính thiếu niên háo kỳ chớ không có gì» (tự truyện 27-28). Nhưng chắc chắn chữ háo kỳ ấy còn có nghĩa so sánh, nhận định. Thời bấy giờ, hạm đội Nga lừng lẫy trong Thế giới. Nước Nhật Bản mới nở mũi kia đánh cho nó những vố kinh thiên động địa thì chắc chắn nó phải gây rất nhiều cảm tưởng sâu xa trong tâm hồn những chàng thanh niên đang tôn thờ tôn giáo Duy Tân kia đến đâu ! Chỉ mới ba mươi năm, chưa tới nửa đời người, Nhật đã bước một bước vĩ đại như thế, nếu chúng ta cũng dám Duy Tân, chả lẽ ba mươi năm sau, không làm nên nổi một tiếng vang khiêm nhượng nào hay sao ? Cuộc xem tàu ngoại quốc «rất khoái» (theo H.T.K) ấy đã gây cho họ những nhận định chắc chắn là rất thực tế cũng như với óc thực tế, Phan Châu Trinh đã lên tàu Nga đang đánh với Nhật rồi qua luôn tận xứ sở nước đã chiến thắng (Nhật Bản) kia để quan sát, để nhận định nữa. Và hình như ông không bị lóa mắt trước sự Duy Tân nặng về hình thức… Với ông, Duy Tân trước hết là nội dung, là Dân quyền. Không có dân quyền làm căn bản, không thể tự cường, không thể có Duy Tân đúng, hợp lòng người, đạo trời được. Và nay, ông đang đi, như một nhà truyền giáo, truyền bá cái chủ nghĩa Dân Quyền…

Rời Cam Ranh, họ vào Bình Thuận giữa tháng năm. Ba kiếm khách vừa vào tới nơi thì Phan Châu Trinh thọ bệnh Huỳnh Thúc KhángTrần Quý Cáp đi tìm người thanh khí, những cái tên được nhắc lại cũng không khác những cái tên mà xưa kia Nguyễn lộ Trạch đã từng gặp : Trương gia Mô, Nguyễn trọng Lợi (Huỳnh Thúc Kháng gọi Nguyễn trọng Lôi, anh ruột của Quý Anh sau sáng lập hội Liên Thành) và thêm Hồ tá Bang. Huỳnh Thúc Kháng có bài làm thơ để mô tả tỉnh Bình Thuận lúc mới đặt chân tới.

Bình Thuận xứ này mới trải qua,

Nửa thời Hời mọi, nửa dân ta.

Gái lo trang điểm màu son phấn,

Trai lại trau tria cuộc ngựa gà.

Thanh khí rán bòn năm bảy kẻ.

Văn chương cằn sảy một đôi nhà.

Ai về đất Quảng ta xin nhắn,

Bình Thuận xứ này mới trải qua.

Chắc công cuộc kiếm bạn đồng hành không được dễ dàng và nhiều qua câu : «Thanh khí rán bòn năm bảy kẻ», còn văn học thì chưa lấy gì làm mở mang qua câu : «cằn sảy một đôi nhà». Trong khi ấy thì gái điểm tô son phấn, trai lo đánh ngựa, đá gà. Thật đáng thất vọng ! Nhưng từ mảnh đất thất vọng đó, một nguồn sinh lực mới, dồi dào bắt đầu nẩy nở cùng với bước chân của ba hiệp sĩ. Sau đó hơn một tháng (theo Huỳnh Thúc Kháng trong tự truyện, chứ không phải đôi ba hôm như Châu hải Kỳ) hai ông Huỳnh Thúc KhángTrần Quý Cáp về Quảng Nam. Còn Phan Châu Trinh ở lại.

Phan Châu Trinh bị bệnh, không hiểu vì phải phấn đấu quá nhiều, nói không hở miệng, đi không hở chân hay vì những năm ở núi non lao lực, lại chắc chắn không tránh được bệnh sốt rét, nay sau buổi trèo non, vượt suối đã tác hại ông ? Nhưng ta cũng biết : dầu đau ốm gì, cái miệng ông đâu có chịu đau ! Ông vẫn nói bằng miệng, viết bằng tay. Và đây là một bàn Cờ Tướng để ông có cơ hội trình bày – hình như thế – thực trạng của Triều đình Việt Nam (Nam triều) thưở ấy :

Một ông tướng lác đứng trong cung,

Sĩ tượng khoanh tay chẳng vẫy vùng.

Pháo giở hai cây nằm dưới góc,

Tốt đâu năm chú đứng bên sông.

Lờ khờ cặp ngựa đi tam cố,

Lạc xạc đôi xe chạy tứ tung.

Đương cuộc ai xui mê đến thế,

Họa là tiên xuống giúp cho cùng.

Đó, là những lý lẽ để phải Duy Tân : Nếu không gấp tự cường thì lực lượng kia phải chỉ còn biết vĩnh kiếp đầu hàng, chịu nhục trừ phi… tiên xuống giúp. Nhưng tiên làm gì có trong ảnh «cảm tác» này :

Gió, tố, dông, mưa đổ lộn phèo,

Trời già khi nở thắt khi eo.

Giảm mùi trung hiếu nên cay đắng,

Dở túi văn chương đã mốc meo.

Bọn điếm lăng xăng lo chợ cháy,

Con hoang lơ lững khóc cha nghèo.

Hai câu luận này Phan Châu Trinh rất đắc ý. Trong một số báo Tiếng Dân có đăng bài «Lối học khoa cử» Huỳnh Thúc Kháng có viết :

« Cụ Tây Hồ (…) bình sanh phản đối Tống nho, và Tây học lại có con mắt đặc biệt phát kiến nhiều chỗ tinh túy (chữ «Dân quyền» ở xứ ta cụ hô hào trước nhất) trong một bài thi cảm tác tả cái hiện tượng nước ta trong khoảng quá độ này có câu :

Bợm điếm lăng xăng lo chợ cháy,

Con hoang lơ lửng khóc cha nghèo.

(…) Cái độc Tống nho cùng khoa cử mà còn đeo ở cái não của người mình thì bề ngoài dầu Âu hóa, dầu Tây học rầm rộ thế nào, mà bề trong không khỏi phạm vào câu thơ cụ Tây Hồ nói trên : cha đã nghèo mà con lại hoang thì trừ bọn «bợm điếm lo chợ cháy» ra, không còn mong có công việc gì là thực tế ».

Nhưng dù thực trạng có đau lòng mà tác giả vẫn không thất vọng. Ông hô hào đập cái túi văn chương mốc meo đó đi để :

Non cao, bể rộng mênh mông cả,

Mặc sức bơi chơi, mặc sức trèo.

Những lúc rỗi rảnh khác, ông cũng họa thi các bạn. Còn lại một bài họa với Ông Trương gia Mô :

Mưa giầm ai gội, nắng ai dang ?

Sự nhớ ông Chi khóc dạo đàng.

Rắn mắt dò chơi then tạo hóa,

Sẵn vai nhắc thử gánh giang sơn :

Gió đông, nước cũ lòng nhưng (vẫn) bận,

Cây cỏ non tiên dạ vẫn màng.

… … …

Ông Chi là Cao Sơn Chánh Chi, người Đảng Duy Tân bên Nhật. Rủ nhau nhắc gánh giang sơn lên vai và có một niềm tin lớn lao ở Duy Tân : ở đó vẽ ra không phải một nước Việt Nam ủ rũ, héo hon trong cảnh gió đông mà là rực rỡ «cây cỏ non tiên» huyền diệu, xanh tươi ! Ôi ! những tưởng tượng thuở ban đầu !

Đó là những công cuộc vận động Duy Tân bằng thi ca. Còn những cuộc vận động khác quan trọng, hăng hái, tích cực diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1905 như sau :

« - Lập một «thơ xã» mệnh danh là nhà giảng sách tại đình Phú Tại để giảng những sách báo của Hồ Thích, Lương khải Siêu… nhằm việc phổ biến những tư tưởng mới về dân chủ, tự cường. Cụ (P.C.T) là diễn giả chính. Số người đến nghe chưa được bao lăm. Tuy vậy, những cuộc nói chuyện thường hào hứng, vì cụ giảng rõ ràng, dễ hiểu, làm chuyển được lòng người nghe.

- Chủ xướng hội «Thanh niên thể dục» lấy tên là «Dục Thanh» mà người đứng lập là ông Nguyễn trọng Lợi cốt để dạy học theo tinh thần mới. Trường mở tại nhà cụ Nguyễn Thông.

(Nguyễn Thông theo Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Kỳ Xuyên, chống sách Tiết yếu của Bùi huy Bích và có dâng sớ xin cải cách việc học, việc thi. Ông là nhân sĩ rất nổi tiếng như Nguyễn Siêu (Thần Siêu Thánh Quát), Nguyễn bá Nghi. Lúc bấy giờ chắc ông đã chết).

Ông Lương thúc Kỳ (cha vợ ông Phan Khôi) đứng làm giáo viên. Ông chỉ dạy được một tuần thì có «lệnh ngoài» đánh vào bắt một lần với Ông Trương gia Hội, con của nhà chí sĩ cách mạng Trương gia Mô. Trường Dục Thanh do đó cũng bị đóng cửa.

Chủ xướng vấn đề tổ chức những hội kinh tài cốt lấy huê lợi nuôi học sinh mà năm 1906, hội Liên Thành một công ty thương mãi (cá, nước mắm) cũng do Ông Nguyễn trọng Lợi (người đầu tiên đứng ra khuyếch trương thương nghiệp tại Bình Thuận) thành lập ra đời. Công Ty Liên Thành là một Công Ty lớn nhất và được thành lập trước tiên ở nước nhà ».

Những tài liệu trên (in nghiêng) do chính bà Lương thức Kỳ giúp cho ông Châu hải Kỳ. Tôi kiểm lại thì chỉ sai vài điểm so với các tài liệu khác. Ông Châu hải Kỳ nhận xét rất đúng : « Nhờ cụ Phan Châu Trinh chủ xướng, khuyến khích, giáo dục công, thương hội mà phong trào truyền bá canh tân, mở mang thương nghiệp, chấn hưng công nghệ đã được khởi phát và thực hiện tại Bình Thuận sớm hơn ở Bắc phần và Nam phần ».

Tháng 9 năm 1905 có một thanh niên họ Trương con nhà thế gia ở Nam Kỳ ra ở Phan Rí chịu cáng đáng công việc Nam Du của Phan Châu Trinh. Ông ở lại chờ rồi được thơ của họ Trương gởi ra cho biết cậu không thể trở lại và giục ông vào gấp. Cũng cùng lúc ấy, được thư anh em giục ra Bắc, ông liền viết thư đáp lời họ Trương, cho biết dự định mới của mình rồi trở về.

Tuy trên đường về nôn nả là thế mà Phan Châu Trinh không bao giờ bỏ một cơ hội thuận lợi nào để thực hiện chí hướng của mình. Có người sẽ hỏi : thì giờ gấp rút như thế, đâu có đủ để thuyết phục kẻ này, người nọ ; nội mỗi việc làm quen với họ cũng đã mất biết bao nhiêu thời gian rồi.

Hiểu như thế là chưa rõ cái liên hệ của sĩ phu thời ấy. Họ sẵn sàng để quen nhau, chỉ cần một cái bằng, một người bạn, một cái tên giáo sư nào đó, vài câu thơ, một điển tích… Có khi khéo vận dụng những «khí cụ» ấy người ta có thể quen nhau, thân nhau trong giây lát, dù chưa hề biết chút nào về nhau. Và Phan Châu Trinh đã tận dụng trí khôn để tiếp xúc và thuyết phục. Và tùy hạng người, tùy trình độ, học vấn, tâm tính mà ông có một lối để kết giao và tuyên truyền không ai giống ai.

Chẳng hạn khi ở Phan Rang nghe nói đến Quản Đạo là người Nam Kỳ, hơi thông chữ Hán có tánh tự phụ, khinh người. Ông Phan chưa hề quen biết, song vẫn nghe tiếng. Nhân đi ngang qua đấy, thấy viên Quản Đạo, liền đi thẳng vào, ngồi đối diện nói chuyện. Viên Quản Đạo (một chức quan cao cấp) lấy làm lạ, Phan Châu Trinh bảo : « Ông quên tôi sao ? Sao không có ký tánh (tính nhớ) thế ? »

Quản Đạo ngồi nghĩ mãi không ra. Ông Phan bảo : « Thong thả ông sẽ nhớ lại, xin cứ ngồi nói chuyện đã ».

Ông Phan thuật chuyện Nam Du và nói : « Trước nghĩ rằng Nam Trung (Nam Kỳ) là đất Yên Triệu nước ta, chắc nhiều người bi ca khảng khái. Nay xem lại thì chỗ thấy không được như chỗ nghe. Nói xong, Ông Phan lấy bức thư định gởi cho họ Trương nói trên và đọc cho Quản Đạo nghe. Đại khái nói thời cuộc cạnh tranh cùng nước nhà suy sút, nói giống tiêu mòn, người có huyết tánh không lẽ ngồi yên được v.v… »

Quản Đạo biết ông khách lạ nói khích mình, liền khen : « Như ông thật là người có đại chí ».

Phan Châu Trinh đáp : « Sinh trong nước Nam ta ngày nay, mà không có lòng lo đến chủng tộc thì không phải là người nữa, có gì là đại chí. Quản Đạo biết ông Phan là người khác thường, đãi một cách kính trọng. Đến bây giờ, ông mới nói tên họ mình rồi ra đi ».

Với các quan lại trong chỗ thâm tình, ông lại đối xử một cách khác. Lúc về tới Bình Định, vào thăm ông huyện Phù Cát, Nguyễn quí Long, ông ấy tuy làm quan mà óc khoáng đảng chỉ thích nghe những chuyện Duy Tân, Dân Quyền. Lúc lên đường còn dùng dằng mãi chưa chịu rời tay và sách câu lưu dẫn. Phan Châu Trinh liền đọc : « Lòng nhọc chánh thì ươn, một cái đờn ca nghe đất dậy. Kẻ đi người ở lại, hai ta tâm sự phú trời soi ».

Ông huyện vô cùng hỉ hả như được của báu. Vả chăng làm sao khỏi đắc ý khi có người bảo : hai ta tâm sự phú trời soi ? Thế thì họ đã tâm sự những gì chắc phải bí mật và cần giữ kỹ trong thời gian đen tối nhất của lịch sử đấy ư ?

Có lẽ thú nhất, lạ lùng và cảm động nhất là lần thuyết phục ông An Ba lúc về qua Quảng Ngãi. Ông tên là Lê Khiết, bố chánh hưu, ở làng An Ba, trước là môn hạ Thạch Trì Nguyễn Thân, một vị quan đã từng dẹp Cần Vương, oai danh chấn động Nam Bắc, vào loại Việt gian đầu sỏ. Nguyễn Thân có ý lãnh đạm đối với ông và ông cũng có óc mới ít nhiều. Trong lúc nói chuyện, Phan Châu Trinh muốn dẫn tới con đường mới nên bàn nhân vật hiện thời và môn hạ Nguyễn Thân rồi nói khích :

- Môn hạ Thạch Trì không có người.

- Sao ông biết ?

- Tài học, oai vọng như Thạch Trì và cầm quyền nước đã lâu, mà không làm được công danh sự nghiệp lớn lao, chỉ rút cuộc đời đến phú quý một mình mà thôi, môn hạ có người sao lại như thế ?

- Ông có chỗ chưa rõ, sao lại không người ?

- Dầu có thì Thạch Trì lại không dung được.

Lê Khiết nghe đến câu ấy toàn thân rúng động, hai tay vỗ mạnh lên bàn, đứng dậy cả cười mà nói : « Thật có như lời ông nói đó ! »

Khích người đã khéo mà tôn người càng khéo hơn. Kể từ câu nói đó Lê Khiết trở thành một nhân vật Mới. Một người ít xúc động như Huỳnh Thúc Kháng mà nhắc đến chuyện này cũng phải kết luận bùi ngùi : «Than ôi ! Chỉ vì vài câu nói mà ông An Ba (Lê Khiết) trở nên một Tân nhân vật, chết về việc dân biến năm 1908. Nghe nói từ lúc gặp tiên sinh về sau, tới đâu cũng nói chuyện tiên sinh mà xưng tụng luôn ». (GNKN, LXX)

Thật chẳng khác chi đọc truyện trong Đông Châu Liệt Quốc !

Lạ nhất là một người trẻ tuổi, mới trên ba mươi mà thuyết phục dễ dàng một vị quan hưu, gây những xúc động sâu xa mãnh liệt đến thế, biến một kẻ có nợ máu với dân (môn hạ đắc lực của Nguyễn Thân) thành một tân nhân vật với kết cuộc hùng dũng đến thế (bị xử tử vì dân biến), thì ta đủ biết thuật hùng biện, tài thâu phục người của Phan Châu Trinh kỳ diệu tới đâu.

Biết bao nhiêu sách vở ở Việt Nam chuyên kể tài của các tay sách sĩ ngoại quốc mà không bao giờ nhắc giai thoại này thì quả «bụt nhà không thiêng»…

Sau khi về Quảng Nam (nhân biết việc Phan Bội Châu đi Nhật Bản đã về khi còn ở Phú Yên) Phan Châu Trinh liền tìm gặp Nguyễn Thành và Trần Quý Cáp bàn việc đi Bắc.

Khi ấy là tháng chạp năm 1905.

Nguồn bài viết: Phong Trào Duy Tân - Nguyễn Văn Xuân