Phan Châu Trinh từ sau Nam du, liên tiếp đó đọc những sách của Phan Sào Nam ở Nhật gửi về, có nhiều chỗ đồng ý mà cũng có nhiều chỗ phản đối. Ông thấy cần phải gặp lại Sào Nam để thương xác cho rõ. Chúng ta cũng có thể đoán là ông có thể tán thành việc đưa học sinh ra ngoài để khai hóa nhưng không tán thành việc bạo động mà ông cho là chưa đến lúc. Nhất là ông có nhiều mối nghi ngờ đối với một nước Nhật hùng cường, nhưng cũng đi vào đúng con đường của đế quốc Tư Bản Tây Phương như Nguyễn lộ Trạch tiên liệu mà còn tệ hại hơn là thiếu một chủ nghĩa Dân Quyền. Vậy chuyến đi Nhật là cốt để khảo sát và xác nhận tận nơi, tận chỗ cái văn mình, cái hùng cường của Nhật và cả cái lý tưởng thực sự của họ là có mộng đế quốc tư bản hay muốn tìm ra một lối thoái nào khác cho những trang sử mới của nhân loại trong đó có các nước thuộc địa của tư bản Âu Mỹ.

Cùng với ông Ích Đường, hai thày trò đi ra Hà Nội gặp sĩ phu ngoài ấy : Lương văn Can, Đào nguyên Phổ, Võ Hoành để bàn kế Duy Tân rồi vào trong Nghệ Tĩnh. Lần này hiển nhiên ông lại hội kiến với Ngô đức Kế cùng các sĩ phu Duy Tân (nghĩa là chủ trương khác với phe thiết huyết của Phan Bội Châu) để bàn một chương trình hành động. Người ta thường nhắc tới tổ chức Minh xã, theo Hoàng thúc Trâm, một người am hiểu tình hình thời ấy, có ghi trong Hán Việt Tân từ điển (Vĩnh Bảo Sàigòn năm 1951) thì Minh xã : «Khoảng đầu thế kỷ 20, một nhóm chí sĩ Việt Nam, như Phan Châu Trinh, Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng có liên lạc nhau làm như một đoàn thể, mục đích cốt lay tỉnh đồng bào, cổ động Duy Tân, bài trừ những cái không thích hợp với hoàn cảnh và thời đại. Đoàn thể ấy được mệnh danh không chính thức, không công khai là Minh Xã». Đã có Minh Xã, tất có Ám xã. Hoàng thúc Trâm định nghĩa : «Một xã hội bí mật ở hồi Pháp thuộc do một số chí sĩ Việt Nam tổ chức, chủ trương dùng vũ lực để dành độc lập, đối với Minh xã. Phan Bội Châu là người Ám xã».

Thời đó, phong trào Duy Tân của Nghệ Tĩnh đã có lãnh tụ mặc nhiên là Ngô đức Kế, có tổ chức mệnh danh (chứ không có danh xưng) là Minh xã và dự bị lập các cơ sở thiết yếu của Phong trào mà hợp thương Triều dương là một. Như thế, ta sẽ không ngạc nhiên khi ngọn trào cúp tóc xin xâu phát ra ở Quảng Nam, Nghệ Tĩnh đáp ứng rất mạnh mẽ vì đã đi sâu vào quần chúng. Sau khi rời Nghệ Tĩnh, Phan Châu Trinh đi thẳng ra tỉnh Lạng vào đồn Hoàng hoa Thám, vị anh hùng lừng lẫy cuối cùng của lực lượng Văn Thân Cần Vương cổ (để phân biệt với tân Văn Thân Cần Vương của Phan Bội Châu). Huỳnh thúc Kháng ghi : «Ông Đề Thám cứ đất Phồn Xương, hơn hai mươi năm tiếng lừng cả nước, những người tới đó, ai cũng khiếp oai ông ta, chỉ tán dương nhảm mà không dám khả phủ gì, và có kẻ dua hót nữa. Tiên sinh (Phan Châu Trinh) tới ngồi ngay nói chuyện, biện chiết rành rẽ, nói ngay rằng : phải mở mang cơ cuộc ra thế nào, chớ cái thế thì không tồn tại được. Môn hạ Đề Thám nhiều người không bằng lòng, mà ông ta thì kính trọng tiên sinh lắm, muốn cầm ở lại giúp việc, tiên sinh từ đi. Sau ông ta nghe tiên sinh bị bắt ở Hà Nội, bảo bọn môn hạ rằng : nếu ông ấy nghe lời ta ở đây, đã khỏi bị nạn. Không dè tiên sinh đi được vài năm mà đồn Phồn Xương cũng tan, hẳn như lời tiên sinh đã liệu trước ». (GNKN LXX)

Tôi chép lại đoạn cuối, việc xảy ra về sau, cốt ý để bạn đọc thấy rằng điều tiên kiến của một nhà cách mạng mới về lối khởi nghĩa cũ là đúng. Lẽ tất nhiên Phan Châu Trinh cũng đã bị bắt, tổ chức bị diệt, nhưng chủ nghĩa dân quyền vẫn sống mà Hoàng hoa Thám bị diệt là chủ trương Văn Thân Cần Vương lối cổ thực sự bị diệt hẳn. Phan Bội Châu sau này nếu không kịp thời theo dân chủ thì lý tưởng Văn Thân Cần Vương đổi mới ấy cũng chấm dứt cùng với cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong nội địa của Thái Phiên và Trần cao Vân năm 1916.

Sau khi từ giã Hoàng hoa Thám, ông xuống Hải Phòng, sang Tàu, đến Hồng Kông gặp Cường Để rồi dẫn nhau sang Quảng Châu thăm Tán Thuật tức Nguyễn thiện Thuật, vị tướng oai danh của «giặc Bãi Sậy chống Pháp». Được ít lâu thì Phan Bội Châu từ Nhật về Hồng Kông đón Cường Để và Phan Châu Trinh sang Nhật, tháng 4 năm Bính Ngọ (1906). Về cuộc gặp gỡ lại Phan Châu Trinh, Sào Nam viết trong Tự Phán :

«Hạ tuần tháng hai, cụ Tây Hồ tới Hương Cảng, Cụ cũng qua ngay thăm ông Lưu (Vĩnh Phúc) ông Nguyễn (Thiện Thuật) áo cụt, giày rách, đầu tóc bồm xồm, trông cụ như phường lao động nước ta, bởi vì cụ thay lốt làm một tên nấu bếp ở dưới tàu, mà cũng nhờ thủ đoạn ông Lý Tuệ chỉ lối. Cụ vào nhà Lưu, thấy chúng tôi, chưa chào đã cười, tôi dậy bắt tay cụ, vui không thể nói được.

Sau mấy câu chuyện thường, tôi đem bài khuyến Du học cho Cụ xem, Cụ khen hay. Đến xem tới Duy Tân hội Chương Trình Cụ lặng thinh, không trả lời, chỉ nói : «Tôi rất muốn qua Nhật Bản một lần rồi liền về nước». Thương tâm nhân biệt hữu hoài bão! Chính là ý tứ Cụ từ lúc đó.

Tôi với Cụ ríu rít với nhau ở Quảng Đông hơn 10 ngày, hằng ngày khi bàn đến việc nước, cụ hết sức công kích những tội ác của dân tộc độc phu mà nói đến hiện triều quân chủ, họa quốc ương dân càng tỏ ra ý nghiến răng rách mắt, hình như Cụ nghĩ rằng cái tệ quân chủ chuyên chế không trừ thì tuy phục quốc cũng chưa phải là hạnh phúc».

Lúc qua Nhật Bản, Sào Nam ghi :

«Hồi tôi lên Đông Kinh, cụ Tây Hồ cũng đi với tôi, thăm qua khắp các học đường, và khảo sát khắp những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản. Cụ bảo tôi rằng : «Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ sao được ! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông. Từ nay nên lưu Đông yên nghỉ, chăm việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng Dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được ».

Từ đó luôn 10 ngày hơn, tôi với cụ bàn bạc, ý kiến rất trái nhau : cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Đương lúc đánh với Pháp phải lợi dụng quân chủ.

Chính kiến của hai người rất phản đối nhau, Cụ với tôi đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau. Cụ thì muốn dựa Pháp đánh đổ quân quyền mà tôi thì bài Pháp phục Việt, mâu thuẫn là thế. Tuy chính kiến vẫn trái nhau, mà ý kiến rất ưa nhau».

Ở trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu cho biết có lần Phan Châu Trinh nói với ông : «Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ Bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc, mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lo».

Vin vào lời này của Phan Châu Trinh, nhiều người vẫn yên trí là hai ông đã phân công cho nhau một cách sòng phẳng và như thế thì họ vẫn là đồng chí của nhau, chỉ khác vài ý kiến tuy vẫn chung mục đích.

Sự thật nói thế là mơ hồ. Ở trên có nói rõ là Phan Châu Trinh, chỉ đồng ý việc đưa du học sinh xuất ngoại mà thôi. Còn cái chương trình của hội Duy Tân (tức Quang Phục Hội trá hình) ông lặng thinh, không nói gì rồi sau này bảo riêng với Phan Bội Châu «bất tất bài Pháp làm gì» khi ta còn đang ở tình trạng gần như tê liệt. Cần tuyên bố dân quyền, dân đã có quyền thật sự thì việc gì mà họ chả làm được (kể cả việc đánh Pháp). Vậy cái quan hệ là tạm thời dựa Pháp để diệt quân chủ, chặt tay bọn quan lại để trao quyền cho dân. Lúc bấy giờ Dân đứng lên duy tân mọi phương diện rồi thì lẽ tất nhiên họ sẽ phải sống chết bảo vệ các quyền lợi của họ mà chiến đấu chống thực dân là mục tiêu thiết yếu. Cũng qua cuộc trao đổi này, ta thấy rõ ràng là Phan Châu Trinh, Huỳnh thúc Kháng, Trần Quý Cáp (?) chỉ chơi với Sào Nam và Nguyễn Thành ở bề ngoài, chứ chưa bao giờ là đồng chí của nhau, chưa bao giờ ! Thậm chí cái chương trình của hội Duy Tân, đến bây giờ, ra nước ngoài Phan Châu Trinh mới thấy.

Họ vẫn có thể hỗ trợ nhau, liên kết nhau, nhưng chính kiến hoàn toàn khác biệt nhau như, chính Phan Sào Nam công nhận. Mà cho đến đồng nhân của ai thì chỉ người ấy biết, người ấy giao thiệp chứ ít khi có sự lẫn lộn, ngoại trừ trường hợp đặc biệt nào đó. Ngay trong lúc hai ông Phan chia tay, Sào Nam cũng vô tình cho ta thấy sự phân biệt sâu xa, tách bạch ấy.

Lần ấy là tiễn biệt lúc cuối cùng. Cụ (PCT) có nói với tôi rằng : «Ông hết sức trân trọng, Quốc Dân hy vọng chỉ nơi mình ông, Kỳ ngoại hầu không cần gì đâuTôi kính vâng lời đinh ninh tái hội và cậy nói với các ngài như cụ Thạnh Bình, Thái Xuyên, Tập Xuyên hết sức mở trí dân, kiết tập đoàn thể sẽ làm hậu thuẫn ».

Rõ ràng trong mắt Sào Nam, phái Duy Tân do Phan Châu Trinh lãnh đạo đã được mặc nhiên công nhận, đã tách bạch với Phục quốc hội. Và những Thạnh Bình (Huỳnh thúc Kháng) Thái Xuyên (Trần Quý Cáp) Tập Xuyên (Ngô đức Kế) đều là những lãnh tụ của Phái Duy Tân ấy mà ông gửi lời thăm chung, không lẫn lộn với đồng nhân của mình.

Phan Châu Trinh cũng công nhận Phan Bội Châu, sẽ giúp du học sinh phong trào Đông Du và sẽ đạp đổ Cường Để bằng cách công bố Dân quyền.

«Theo Huỳnh thúc Kháng thì khi Sào Nam đi rồi tiếp Phan Châu Trinh Đông độ, người trong nước nhao nhao không biết làm gì, chỉ nhón chân, ngóng cổ, chống cho mắt mà trông ra ngoài, lộn xộn cả ngày mà không lo chuyện gì cả. Thoạt nghe tin tiên sinh về, kẻ nhát gan thì bưng tai, le lưỡi, người dạn thì trợn mắt giương mày, tiếng tăm rầm lên, lấy cái tâm lý người nước đối với tiên sinh Đông độ trở về, nửa mừng, nửa sợ, phần nghi ngờ, phần sai trác, không biết đâu vào đâu, thành ra một cái quái tượng có đủ mấy vẻ».

Sau những bàn tán nào mang viện binh Nhật về, nào không dám về Trung Kỳ… lại đến những người trong đảng Sào Nam gởi thư sang Nhật, bảo Phan Châu Trinh về không có lợi cho những hoạt động của Phong trào Đông Du, vì ông xướng chủ nghĩa Dân chủ, Phan Sào Nam có gởi cho Phan Châu Trinh một bức thư trong có đoạn :

«Gần đây, được tin đại huynh cùng các anh em đồng chí với những nghị luận ý chí mới mẻ, tẩy trừ những não cổ hủ để hấp dẫn tư tưởng mới, làm cho tinh thần tôi vô cùng dũng dược (…). Nhưng than ôi ! Trình độ nhân dân Việt Nam hiện còn ấu trĩ như răng chưa cứng, chân chưa mạnh, nếu sử dụng thì sao đang nổi. Nhân dân Việt Nam ta so với Tây Âu hãy còn kém họ xa lắm, như người còn đau, đang đâu nổi gánh nặng. Nhân dân ngu muội đói khổ, nay mình đem những lý luận cao siêu mà áp dụng không sao tránh khỏi những việc lảo đảo ngả nghiêng.

Nay đem ra một lý thuyết mà người ta chưa biết đầu đuôi, rõ phía Nam, phía Bắc (…). Rồi sẽ vì ý kiến xung đột, hành động mâu thuẫn nhau. Thù ngoài chưa diệt, nội bộ chống nhau. Ôi dân chủ, Dân không còn nữa thì chủ vào đâu ? Lúc bấy giờ, nếu Đại Huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa (…). Vậy tôi đề nghị với Đại huynh với tình trạng nước ta, hãy chờ ít lâu nữa, Đại huynh xướng thuyết Dân chủ thì cử quốc đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, trong đó có tôi».

Muốn cho rõ hơn cái lý do khiến Sào Nam và Tây Hồ phải chống đối nhau, tôi dẫn thêm ra đây một đoạn khá dài trích trong Thi Tù Tùng Thoại do Huỳnh thúc Kháng viết về cuộc đối thoại giữa Tây Hồ với Thống Soái Sài-Gòn và sau đó Tây Hồ gởi thơ thuật lại cho Huỳnh thúc Kháng nghe :

« Quan Thống Đốc hỏi : «Ông có tư tưởng phản đối nước Pháp nữa không?»

Cụ trả lời : «Bản tâm tôi không có tư tưởng đó. Tôi phản đối cái chánh sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi, chớ không phản đối nước Pháp».

- Có quen biết Phan Bội Châu không ?

- Chính anh em bạn.

- Vậy, thì anh cũng đảng bài Pháp chớ gì ?

- Phan Bội Châu hiệu Sào Nam là một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng. Ngày tôi ở kinh đô Huế thường qua lại luôn, đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi với Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái nhau hẳn.

- Trái nhau thế nào ?

- Phan quân nhận hẳn rằng người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam nên nói việc khai hóa, trước phải tìm cách đánh đổ Chánh phủ Pháp, mà muốn đánh đổ Chánh Phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay nước mạnh duy Nhật Bản là nước đồng văn, đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản.

Tôi bác cái thuyết trên của Sào quân đi, lấy lẽ rằng người nước Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài chỉ diễn cái trò «đổi chủ mà làm đầy tớ lần thứ hai» không có ích gì. Vả lại, nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ cả nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí, trị sanh các việc thực dụng, dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy. Còn theo chính kiến «cậy sức nước ngoài» thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình, Triều Tiên, Đài Loan cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp

Sào quân không nghe, cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi, làm theo ý kiến mình.

- Vậy thì ông sang Nhật Bản là ý gì ?

- Chính kiến của tôi, trái với chính kiến của Sào quân, Sào quân sang Nhật có chỗ đứng chân, bèn phát biểu chính kiến của mình, làm sách, làm báo gởi về trong nước, người nước Nam phần khổ với ngược chánh của quan lại, gia dĩ xâu cao thuế nặng, không biết kêu van vào đâu. Đương giữa lúc người đau cần thuốc, co lâu muốn duỗi, được sách của Sào quân cổ xúy, gãi nhằm chỗ ngứa, cả nước đều hưởng ứng, một kẻ xướng, muôn ngàn người họa, cái chính kiến «tự lực khai hóa» của tôi bị phong trào «đông học» che át, không xuất đầu ra được, không ai thèm nghe, thực sự trăm phần thiếu thốn, mà cái tiếng trống kêu dội sẽ gây ra mối nguy hiểm cho đường tương lai của quốc dân, không thể tránh được.

Bất đắc dĩ tôi mới băng mình vượt biển thẳng sang Nhật Bản, thuật rõ tình hình phù tháo và cảnh tượng nguy hiểm trong nước cho Sào quân nghe, khuyên Sào quân chăm lo đào tạo bạn thiếu niên du học mà gác tư tưởng hành vi «bạo động» đợi thời hội khác. Nhưng Sào Nam nhứt vị cố chấp, lấy lẽ rằng một nước êm đềm trong giấc ngủ như người bệnh gần chết, nếu không gióng trống to, trương cờ lớn, thổi kèn, gõ mỏ, làm như giông sấm thì không sao đánh thức giấc ngủ kia được.

Tôi ở Nhật vài tháng cùng Sào quân biện cãi nhiều lần rút cuộc Sào Nam không nghe, tôi bèn từ về, ấy là khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1906…  » (Thi Tù Tùng Thoại (TTTT) 104, 105, 106. Huỳnh thúc Kháng. Tân Việt xuất bản).

Trên đây, lẽ tất nhiên Phan Châu Trinh chỉ nói với đại diện thực dân những điều có thể nói được. Còn những chủ thuyết Dân quyền, sự ám trợ du học sinh, với chủ trương gần như gây phong trào dân kiện quan lại khắp nơi, để tăng uy thế cho dân, đẩy tới việc gây chia rẽ nội bộ thống trị tiến tới chặt lần tay chân Pháp để dân chủ hóa nền cai trị và chủ trương xa… mà hẳn nhiên một nhà cách mạng phải dự liệu, lẽ tất nhiên ông không nói. Tuy nhiên, qua cuộc đàm thoại ấy, ta cũng biết sơ lược nội dung chính kiến hai phái và lý do của sự chia rẽ trầm trọng lúc bấy giờ, sự chia rẽ khó cản lại được như mọi chia rẽ tất yếu của lịch sử.

Đối với Phan Châu Trinh, trong chỗ sâu xa nhất của niềm tin, giá lúc ấy Nhật Bản có thật lòng mang quân qua giúp, chưa chắc ông tán thành. Ông đang say mê chủ thuyết Dân quyền chắc không tránh phần cuồng tín – huống chi ông sành lịch sử thế giới xem cái gương Triều Tiên, Đài Loan sờ sờ ra đấy mà trước ông cả chục năm, Nguyễn lộ Trạch cũng đã tiên liệu một nước Nhật Bản đế quốc rồi. Cường Để cũng cho biết : «Ông Phan Châu Trinh về nước đi diễn thuyết khắp nơi, đại khái nói sự trông cậy vào sự viện trợ của Nhật là một hy vọng viễn vông». Theo Phan Châu Trinh, không chỉ viển vông mà còn nguy hiểm là khác. Suốt thời kỳ ở Nhật, ông chưa tìm thấy ở đâu có dấu hiệu của một quốc gia Dân chủ mà trái lại, đó là chính thể độc tài, quân phiệt, tha thiết thực hiện giấc mộng cuồng tín xâm lăng thi đua cùng đế quốc thực dân Âu Mỹ.

Bởi thế, là người của Dân quyền, nên đối với công cuộc của Phan Bội Châu ở Hải ngoại, chỉ biết nhắm mắt nhắm mũi để đánh, không chịu nhìn gần thấy xa, hẳn nhiên ông cho chỉ là phụ, có cũng được, không cũng được vì sẽ thất bại. Ông hoàn toàn không tin cậy gì ở sự thành tâm thiện chí của tân đế quốc Nhật Bản. Chính chỗ đó là chỗ hết sức sáng suốt của ông đúng như sau này Nhật đã lợi dụng phần nào Phong Trào Đông Du để thi hành hiệp ước có lợi với Pháp bằng cách nhẫn tâm đuổi du học sinh của ta, ấy thế mà khi họ xướng lên chủ nghĩa Đại Đông Á, xâm lăng trá hình, mà nhiều nhà chính trị của ta vẫn không chịu rút bài học cũ, bài học xương máu cũ, sẵn sàng hợp tác với họ để mang nhục thì thật thiếu kiến thức lịch sử. Phan Châu Trinh đã tỏ ra quan điểm chính trị cao, có óc quan sát sâu sắc và lý tưởng tiến bộ, hợp lý khiến sau này Phan Bội Châu khi bị tân đế quốc Nhật đuổi ra khỏi nước, chợt giật mình tỉnh ngộ…

Thời kỳ ở Nhật đã thấy tinh thần sĩ phu vọng ngoại, về nước lại thấy óc trông mong người ngoài giúp đỡ cao gấp trăm lần, Phan Châu Trinh đâm lo cho tiền đồ dân tộc : «Ngày nay không có quốc dân nội lực thì làm chi cũng không có lương kết quả (kết quả tốt) được. Người mình không lo khai thông dân trí, liên lạc đoàn thể để làm cơ sở mà chỉ ngồi trông người ngoài : cái bệnh dục tốc kiến tiểu đó không ích gì mà lại có hại. Không những thế học hội dân đoàn là cần nhất không có không được và nên tổ chức đầu tiên cả… »

Kể ra, thời đó mà nói nào quốc dân nội lực là chủ yếu, nào dân trí, nào liên lạc đoàn thể nào học hội dân đoàn là cần nhất và nên tổ chức đầu tiên cả và chống cái bệnh ngồi trông người ngoài thì tôi thiết tưởng Phan Châu Trinh không chỉ đáng làm lãnh tụ thời đó mà ở Miền Nam ta, ông còn mới quá, mới hơn người của «hôm nay». Ôi ! Cái óc vọng ngoại, cái óc khốn nạn, cái óc khốn nạn ! Chỉ vì mi mà dân tộc mấy phen điêu linh và hết đi từ sỉ nhục này lại tới sỉ nhục và thất bại khác !

Cũng vì không tin ở phương pháp của Ám Xã, của tổ chức chuẩn bị lực lượng võ trang đánh Tây vội vàng trong khi chưa kịp sửa soạn đó nên Phan Châu Trinh khi về nước, ngay năm 1906, đã cực lực bài xích vọng Nhật, cực lực thúc đẩy những tổ chức đoàn thể, học hội dân đoàn để gây một quốc dân nội lực. Ông đã khôn khéo, uyển chuyển công khai hóa cái tổ chức của phe mình (thật ra chỉ là tự giác chứ không có cương lĩnh, nội qui gì) để tự phân biệt với tổ chức bí mật của Phan Bội Châu. Điều này, chúng ta có thể hiểu ngầm chứ chả có văn kiện nào lưu lại chính thức, vì ông không muốn dẫn phong trào Duy Tân đến chỗ chết chùm với ám xã. Ở đây nẩy ra một dấu hỏi : phải chăng Phan Châu Trinh còn có dụng ý tránh tiếng phản bạn một cách khôn khéo ? Vì ngay từ đầu, ông đã chia sẻ (tuy vẫn luôn bất đồng ý) với Phan Bội Châu và Nguyễn Thành ở điểm cứu nước mà sau này cả điểm đưa học sinh du học (Đông Du) nghĩa là đi khai hóa. Nhưng khi sang Nhật biết rõ sự nóng nảy đánh Pháp, ông tiên liệu việc sẽ thất bại, có hại lớn cho mục đích ông đang theo đuổi mà ông biết có nhiều hứa hẹn tồn tại và phát triển, thích hợp với nội tình, ngoại thế nên ông quả quyết cắt đứt các liên hệ tình cảm, lãnh đạo các đồng nhân dấn bước vào lý tưởng của mình. Kể từ đó, tự nhiên phát xuất lồ lộ hai luồng tư tưởng, hai tổ chức đối lập hẳn nhau trên ý thức hệ, trên chủ nghĩa, trên hoạt động, trên đối tượng. Sở dĩ họ không dùng lời búa bổ chống đối nhau kịch liệt là vì còn phải dữ thế liên lập mặc nhiên trên mục đích cứu quốc chứ hai lãnh tụ ấy đã thành đối lập. Ở đây, nẩy ra lần đầu tại Việt Nam sự đối lập không phải vì con người, vì chân nhân như kẻ theo phò Lưu Bị, kẻ phò Tào Tháo theo truyền thống tàu hoặc kẻ theo Nguyễn Nhạc theo truyền thống ta. Mà chính là đối lập chủ nghĩa : Quân chủ với con đường cứu nước theo phương thức cũ vẫn đặt nặng vai trò cá nhân, sĩ phu, một nhóm người rời rạc, vẫn tin ở lực lượng ngoại viên là chính yếu, vẫn thích làm việc bằng cảm tình hơn lý trí, nặng chính trị quân sự hơn giáo dục, kinh tế – Dân chủ với con đường cứu nước theo phương thức mới đặt nặng vai trò quần chúng, đoàn kết quốc dân, tổ chức đoàn thể, tin ở nội lực quốc gia cho là chính yếu, thích làm việc theo phương pháp mới, theo lý trí và đặt giáo dục, kinh tế ngang hàng chính trị.

Hiển nhiên, đó là những mục tiêu khác nhau mà Phan Bội ChâuPhan Châu Trinh quyết tâm theo không lùi vì ông ý thức trách nhiệm vai trò lịch sử của mình. Ông nhất định thực hiện :

a) Công khai hóa và hợp pháp hóa tư tưởng và hành động cá nhân cũng như tổ chức.

b) Thúc đẩy thực hiện Duy Tân toàn dân, toàn diện.

Ông bắt đầu bằng cách kiện toàn tư tưởng của người trong nội bộ. Thời kỳ này Trần Quý Cáp, người đã từng hợp tác lâu dài với Tiểu La Nguyễn Thành, càng ngày càng nghiêng theo tư tưởng Phan Châu Trinh, cũng nhận thấy tư tưởng vọng ngoại có những hậu quả hết sức nguy hại cho quốc dân nội lực nên có bài luận sĩ phu tự trị rất xúc tích, được Phan Châu Trinh và «phái tân học hoan nghênh, phái cựu học không vừa ý, tuy hai phái công kích nhau mà tiên sinh vẫn giữ lập trường». (Tiểu sử TQC trang 15)

Bài Luận :

Luận viết : Quốc chi tư cửu hỉ

Nhi nhất luyện chi sanh cơ thượng tồn giả

Hà tai hồ, tai hồ ?

Độc thơ minh lý, sở vi sĩ phu dã, tồn dã

Hà nãi nhất ban cổ học.

Mai đầu ư bác cổ tàn biên, tứ gia lạn chỉ

Dĩ tự khoa yêm bác

Nhi Đông kinh, Tây Cống bất tri vi hà xứ địa phương

Đa số tân thời,

Túy tâm ư ngũ châu cẩm tú, tam bảo thần tiên.

Đô cạnh thương phù hiệu

Ư khai trí trị sinh, vô bổ nhất hào thiệt sự

Y dân khí tiêu trầm

Dĩ phi nhứt nhựt, phong trào sổ cập

Đại mộng vị tinh thương mang tứ vọng

Ngô tương trù y, cập kim bất phân

Chủng loại kỳ nguy !

Dịch : Nước chết đã lâu

Mà một máy sinh cơ hãy còn chỗ nào ?

Ở nơi đọc sách minh lý của Sĩ phu mới còn được

Vì sao một lớp học cũ.

Cặm cụi nơi văn chương tám vế của người Tàu,

Sách vở mục nát của nhà nho.

Sự khoe rộng biết nhiều.

Mà hỏi đến Đông Kinh, Tây Cống thì không biết ở địa phương nào.

Nhiều bạn tân thời.

Say mê sự gấm vóc của năm châu, thế giới, thần tiên của ba đảo Á Đông.

Tranh đua phù tháo.

Nói đến việc khai trí, trị sanh, không có một mảy may nào bổ ích cho thiệt sự.

Than ôi ! dân khí chìm đắm,

Không phải một ngày sóng gió đưa đến.

Mà còn ngủ say mênh mông bốn phương,

Ta dựa đâu này, nếu không thức dậy,

Nòi giống nguy thay !

Bàn luận ấy lẽ tất nhiên chỉ làm cho Trần Quý Cáp xa rời thêm ám xã mà ông vốn có và vẫn còn nhiều cảm tình. Nhưng càng làm nổi bật vai trò của phái Duy Tân và nội bộ của phái ấy càng được kiện toàn hơn.

Cũng vào thời kỳ này, Phan Châu Trinh quyết định liên lạc với chính quyền Pháp để công khai hóa và hợp pháp hóa phần nào tư tưởng và hoạt động của phe phái mình. Ta biết ông có niềm tin xâu xa chủ thuyết Dân quyền nên ông vẫn nghĩ người Pháp chưa đến nỗi tán tận lương tâm khi họ «đẻ ra» dân quyền cho thế giới, làm tiền đạo cả phương Tây, nay lại bảo hộ ta, đương thời cuộc ngọn triều Âu hóa toàn khắp phương Đông, các nước mạnh láng giềng lại dòm ngó như thế này mà cứ để cho dân thuộc địa mình đã ngu lại nghèo, thì chắc cũng không phải là lợi cho nước bảo hộ (…) Nếu có người chỉ rõ cuộc nguy hiểm ra thế này, nguồn tệ hại ra thế kia, mà bàn bạc một cách lưỡng lợi lâu dài, lại biết đâu chánh sách bảo hộ người ta không thay đổi lại. Nghĩ thế mới làm một bài điều trần gởi ngay cho toàn quyền, khâm sứ cùng các nhà báo, đại khái nói tình trạng nguy cấp bên Đông dương này, cùng tệ trạng quan lại, làm cho tình ý hai nước không liên hiệp nhau, mà kết cuộc xin cải lương chính sách bảo hộ. (GNKN LII và LIII)

Đó là nguyên nhân Đầu Pháp chính phủ thư cái tên mà thiên hạ dùng để gọi bức thư nổi tiếng đó gởi cho Pháp ngày 15-8-1906.

Đây cũng được xem như Tuyên Ngôn của Phong Trào Duy Tân đối với chính quyền thực dân. Các điểm yêu cầu của tuyên ngôn công khai này lẽ tất nhiên phải hiểu chỉ là tối thiểu của một thực chất tiềm ẩn lớn lao. Lời bằng Hán văn rất thay đổi có khi hùng tráng, có khi bi đát, có khi uất nghẹn trình bày :

A) Thực trạng quốc dân dưới sự thống trị của Pháp và quan lại Nam triều.

- Thực trạng rất thảm thương đáng phải phát ra những tiếng kêu cứu, nhưng «những người có trí thức thấy cái thảm trạng như thế, lo đến nòi giống tiêu diệt, cũng muốn rung chuông gõ mõ đánh thức nhau dậy, để lo phương cứu vớt lấy nhau, nhưng mà kẻ nào mạnh bạo thì trốn tránh ra nước ngoài, chỉ kêu gào, than khóc mà không dám về, kẻ nhút nhát thì chịu vùi đầu ở chỗ hương thôn đành giả đui, giả điếc mà không dám nói đến. Chưa từng có người nào dám đến trước cửa quan bảo hộ phơi gan nhỏ máu, kể rõ cái thủ đoạn tàn ngược của quan trường, cùng là cái tình trạng thảm khổ của cùng dân, khiến cho cái tội ác của quan lại, và cái khổ cảnh của quốc dân trong mấy mươi năm nay, lọt vào trong tai các quan Bảo hộ. Đến nỗi nước Nam bấy giờ gần thành như một người ốm nặng gần chết, khó có thuốc mà cứu chữa được nữa, đó thật là tội tại sĩ phu nước Nam, đã gây nên tội thì cũng bởi hiểu lầm rằng Chính phủ bảo hộ dùng cái chính sách ngược đãi người Nam làm cái chính sách hay tốt nhất».

- Ông cố ý đề cao tự ái người Pháp để ly gián họ với quan lại Nam Triều và mượn hệ cái tệ trạng của Nam Triều để chửi khéo, để gián tiếp chỉ trích kịch liệt người Pháp : «Hiện nay, người Nam trừ những người trong quan trường không kể, còn ra thì không thuận người khôn, người ngu, trăm miệng một lời, đều nói rằng Chính phủ ngược đãi người Việt Nam. Thấy quan lại nước Nam không săn sóc tới dân mà lại tàn ngược với dân thì đều nói rằng đó là chính phủ dung túng khiến cho cắn nuốt lẫn nhau cho nòi giống mòn mỏi, đó tức là cái kế thực dân của chính phủ. Trong mấy năm nay, suốt cả trong Nam, ngoài Bắc, khắp thành thị cho đến hương thôn, ý tưởng của nhân dân đều như thế cả. Lại xét biết trí mình không chống lại được thì nghển cổ giương mắt trông mong các nước mạnh đến đâu đâu họa may họ đến cứu mình chăng. Chao ôi ! Một dân tộc đến 20 triệu người, kẻ có học thức cũng đến vài vạn mà tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn, không đủ sức bênh vực được nhau, để liệu cách sinh tồn, lại ù ù, cạc cạc, không biết rằng mình ở vào cái thế giới cường quyền thịnh hành «hơn được thua kém» này, mà còn có cái mơ tưởng hão huyền như thế, dân trí thực đáng thương vậy. Nhưng đã bao nhiêu năm nay, người Nam ở dưới bóng cờ nước bảo hộ mà đến bây giờ nòi giống ngày một yếu hèn, không có kế gì cứu vớt lấy nhau, đến nỗi nóng nảy điên khùng, theo cái kế sách đê mạt, chỉ trông mong vào nước khác, thế thì vì ai mà nên nỗi thế ?».

Chỉ một đoạn văn ấy, thiết tưởng cũng khá đủ để trình bày sự uyển chuyển, linh hoạt của một chính trị gia ! Mà không chỉ ly gián Pháp với Nam Triều bằng cách đề cao Pháp để mắng Pháp bằng cách mắng tay sai của Pháp mà còn dọa Pháp, cho Pháp biết rõ là hễ khi nào Nhật tới – tất nhiên họ sẽ tới – thì dân Việt không chờ gì mà không bỏ Pháp, nếu Pháp không lấy tình loài người đối đãi, mà vẫn dùng cái kế thực dân để nòi giống một ngày yếu hèn.

Với đoạn khai mào đó, chúng ta cũng có thể đoán được nội dung của bản điều trần lừng lẫy này.

Rồi ông trình bày các nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy :

1) Một là tại Chánh phủ bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam thành ta cái tệ «cô tức» . Ông nói những tình trạng xấu xa, bỉ tiện của quan lại mà Pháp chỉ dùng để đàn áp, moi móc tiền bạc sưu thuế, chỉ chuộng những kẻ hèn kém, tham nhũng để tiện sai khiến, nghĩa là lật tẩy mưu mô sâu độc của Pháp trong chính sách dùng người Việt trị người Việt với thâm ý là tiêu diệt ý chí dân tộc Việt.

2) Hai là Chính phủ khinh rẻ dân Việt Nam : Hễ miễn là người Pháp thì ai cũng có quyền khinh rẻ người Việt Nam. «Những người nghèo đi làm thuê, những dân phu đi làm việc quan, bị người Tây đánh đau hay là đạp chết cũng thường thấy luôn (…). Hiện bây giờ quan lại nước Nam, không cứ quan lớn quan nhỏ, khi tiếp kiến quan Tây, đều run sợ, rụt rè, chỉ sợ thưa thốt sai lầm làm cho quan Tây nổi giận. Ở các chốn hương thôn, những kẻ thân sĩ khi đi ở ngoài đường ngẫu nhiên gặp người Tây không cứ là quan Tây, Tây lính hay là Tây buôn, thì phải cúi đầu, cụp tai rảo bước mà đi cho mau, chỉ sợ tránh không xa mà bị nhục.»

Ông cũng cho biết sở dĩ nay có những sĩ phu bỏ qua Nhật (lẽ tất nhiên họ chuẩn bị đánh Tây) là vì uất hận không giải tỏ cùng ai được. Họ không còn con đường khác để chọn.

3) Ba là quan lại Việt Nam nhân cái sự xa cách ấy mà thành ra cái lệ hà hiếp dân. Điểm này mới nhìn qua, tưởng giống điểm một. Thật ra, điểm một là phơi trần dã tâm của Pháp khi dùng quan lại để trị dân, còn điểm này là hậu quả của cả hai điểm trên và thực dân tham nhũng, đê tiện, tàn ác của quan lại. Phan Châu Trinh viết nhiều điều tỏ ra thông hiểu rất sâu sắc cái tệ hại ấy. «Cái điều Chính phủ (Pháp) thích thì họ hết lòng, hết sức làm cho được việc. Tuy lột da dân, hút máu dân, chẻ xương dân cũng không cần. Các quan tỉnh, quan phủ, quan huyện, ỷ quyền thế để dọa nạt dân ngu và đè nén sĩ phu, lại sợ dân hoặc có tức giận mà chống cự lại chăng, họ lại nhân điều chính phủ ghét mà vu oan, hoặc nói rằng cậy giàu có làm ngăn trở việc quan, hoặc là nói rằng họp tập thân sĩ sợ có ý gì khác chăng. Một câu mơ hồ, không có chứng cớ gì cả. Chính phủ không hiểu cái mưu gian của họ, lại cứ tin họ vì thế mà có người phải lụy đến thân gia, mắc vào tù tội.»

Nhấn mạnh điểm này, ông muốn khéo léo vừa chặt chân tay (quan lại) của Pháp vừa dọn đường cho các hoạt động của phe mình ra công khai và hợp pháp hóa. Chỗ này ta thấy Phan Châu Trinh quả nhiên giàu thủ đoạn chính trị hơn bất kỳ những kẻ đồng thời nào. Ông dừng lại, kể lể hết cái xấu xa, khốn nạn của quan lại gián tiếp hay trực tiếp, tiếp tay cho thực dân để bần cùng hóa dân. «Đến bây giờ dân cùng của hết, người giàu người nghèo đều khốn khổ cả, người nào cũng oán thán ; trộm cướp nổi lung tung, sự thể thật là nguy cấp. Thân sĩ trong nước, người thì xướng ra học chữ Tây, người thì xin bỏ khoa cử, người thì góp vốn để mở hiệu buôn, ý cũng muốn cứu vớt lấy một vài phần trong trăm phần. Quan lại ghét rằng làm thế là có ý muốn chống chọi với mình thì lại bảo là điên cuồng, cho là âm mưu, những lời vu oan, giá họa, chắc là ngày nào cũng nói đến tai các quan Bảo hộ».

Vậy Phong Trào Duy Tân sở dĩ có là… không phải để chống Pháp… mà là giúp cho dân khỏi bần cùng để… cứu vớt cho chính quyền Pháp ! Nếu Pháp không để cho Phong trào ấy bành trướng, cứ nghe bọn quan lại bắt các cán bộ và lãnh tụ của nó, dân sẽ oán thán nổi lên chống Pháp, sĩ phu sẽ bỏ sang Nhật tìm lối đánh Pháp. Vừa tố điều khổ, vừa dọa mối nguy, vừa gia ân cho Pháp. Nhún nhường mà trịch thượng, ra bề ngoài thật thà nóng nảy mà bên trong mưu cơ tỉnh táo, Phan Châu Trinh quả là kỳ nhân của trường chánh trị ở đầu thế kỷ này. Đồng thời, qua các lời biện luận ấy, ta cũng biết thêm là nhiều cơ sở của Phong Trào Duy Tân thực sự được thiết lập trước 15-8-1906.

B) Sau ba điều tệ hại của cấp trên, ông trình bày nỗi khốn khổ đến cùng cực của dân mà nặng nhất, hãi hùng nhất là thuế. Ông dành nhiều trang để trình bày rất kỹ điều mà ông cho là tối độc hại này. Cho đến nỗi «Nghề làm ăn thì (chính phủ) không dạy bảo, mối lợi thì không mở mang, chỉ biết sưu thuế thì tăng cho nhiều, bây giờ cùng khốn đến thế này, tại quan làm hại dân mười phần độ năm sáu, mà vì sưu thuế nặng nề thì mười phần đến ba bốn.» Lối thâu thuế tàn ác của Pháp ông thẳng thắn gọi «tát hết nước mà bắt cá» vì tuyệt nhiên không làm lợi gì cho dân, chỉ biết đánh thuế cho nặng, rồi quan lại, cường hào nhân vụ thuế mà vơ vét thêm. Cho đến nỗi «ông chủ bút báo nọ ở Hải Phòng là người Pháp, bàn việc Đông Dương, dài đến mấy vạn lời, cái tệ sưu thuế nói cũng đã hết mà cái việc quan lại nước Nam thì lại nói rằng : «không theo cái phép cũ nước Nam, thì không trị được dân Nam». Ý kiến sai lầm như thế, thật cũng lạ lùng thay ! Nay chính phủ Bảo hộ dùng quan lại để áp chế dân Nam cũng đã lâu rồi, quan lại làm cho Chính Phủ (Pháp) kết oán với dân cũng đã lâu rồi… »

Ông lớn tiếng thống thiết : «Bấy giờ dân nước Nam đã sắp chết đến sau lưng, mà quan lại thì trừ việc truyền lệnh thu thuế, không còn biết việc gì nữa, các quan Bảo hộ cưỡng bách họ thi hành tân chánh, họ không làm qua loa cho xong chuyện, thì họ nhân dịp để kiếm tiền, đã không có công hiệu gì mà lại thêm nhiễu dân nữa ».

Tình trạng như thế, dân oán hận, lại thêm thiên tai, thủy họa, sinh kế khó khăn, dân chỉ còn nhẫn nhục chờ đợi nước mạnh khác tới đánh là nổi lên bạo động, quan lại chờ chủ nào mạnh thì theo, « bỏ chủ này làm đầy tớ chủ khác họ cùng can đảm mà làm còn như bảo người Nam vì chính phủ Bảo hộ đi chống giặc ngoài là cái nghĩa vụ (…) sợ người Nam không ai chịu đâu ».

Dọa đi ! Dọa lại như thế và đả đảo quan trường như thế, không phải không có mục đích. Mục đích của ông là đặt cho Pháp một tân chánh sách, đó cũng là yêu sách khẩn thiết của Phong Trào Duy Tân trên đường hợp pháp hóa các hoạt động của họ : «Nếu chính phủ thật lòng đổi chính sách của họ, kén chọn người hiền tài trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi trừ hại, ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng quyền ăn nói cho thân sĩ, báo quán cho mở rộng, để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm minh để khuyên răn quan lại, còn đến những việc đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở trường học, đặt tòa tu thư, dạy lớp sư phạm cho đến học công thương, học mỹ nghệ, và các ngạch sưu thuế đều cải lương dần dần, thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, còn ai mưu việc chống cự nữa.»

Để kết thúc, ông vẽ ra cái viễn tượng hãi hùng, một khi Pháp không thỏa mãn nguyện vọng của dân để họ «cứ lo ngày đêm, tìm cách nọ kế kia (chờ khi Nhật tới) ném đi mấy vạn cái đầu, chảy ra mấy mươi vạn vũng máu, vất đi bao nhiêu cái xác ruồi không thèm bâu, cáo không thèm ăn, để mua lấy cái địa vị nô lệ mấy trăm đời không thay đổi».

Nguời Việt Nam có muốn như thế không ? Chỉ có kẻ điên mới khoái chuyện ấy, nhưng cùng đường, họ còn biết tính sao ngoại trừ khi họ : « …Còn xem cái chính sách của Chính Phủ Bảo hộ đãi người Nam như thế nào ». 

Thực dân ! Quan lại ! Thuế má !

Ba điểm tàn hại căn bản mà chỉ có một cuộc cải cách toàn diện mới giải quyết được.

Nếu không giải quyết được, Dân phải chết. Dân không muốn chết mòn chết lần nên đứng lên theo ngọn cờ lãnh đạo của Phan Châu Trinh để tự động Duy Tân.

Trong công cuộc tự động Duy Tân của toàn dân, Phan Châu Trinh còn tiến được một bước xa trên đường đoàn kết dân tộc. Trước đó, Phan Bội Châu và Cường Để vẫn có kết nạp một số hội viện là người Công Giáo. Nhưng chỉ những cá nhân đã được giác ngộ hoặc hận thù Pháp vì lý do nào đó. Còn ở Quảng Nam, Nguyễn Thành vốn cựu đảng viên Bình Tây sát tả nên vấn đề này không thấy đặt ra.

Nhưng với Phan Châu Trinh, ông đặt vấn đề giáo dân nói chung chứ không phải riêng cá nhân nào trong cộng động quốc gia rất rõ ràng.

Sự thật, lúc mới qua, các cố đạo thừa sai cũng có nâng đỡ phần nào giáo dân như đưa các con chiên ưu tú ra ngoại quốc học (Nguyễn trường Tộ, Trương vĩnh Ký) làm cho trí thức Việt Nam quan tâm thời cuộc để ý. Nhưng khi Pháp chiếm Việt Nam rồi, một số người Việt được học thẳng với Tây ở trong nước hay ngoại quốc, trí thức công giáo không làm ai ngạc nhiên nữa thì đời sống giáo dân bày rõ ra cảnh xơ xác, chả còn có gì khiến dân lương phải ao ước mà chỉ khiến cho nhà ái quốc đem lòng thương hại. Bởi thế, Phan Châu Trinh đã nói thẳng nhân cuộc gặp gỡ cố đạo M… ở Phước Kiều để nhờ giới thiệu với Công sứ Pháp cho ông trình bày những việc lợi hại, vì ông không muốn đi thẳng tìm gặp, sợ Công sứ khinh. Mới gặp Phan Châu Trinh, ông cố hỏi ngay việc ông đi Nhật Bản có không ?

Và nghe Phan Châu Trinh trả lời hàng hai, ông hỏi tiếp : «Đi Nhật Bản thì đi đàng nào?»

Phan Châu Trinh liền nghiêm nghị chỉnh : «Thế giới giao thông này, đàng nào lại không đi được ; vả tôi nghĩ như giáo sĩ các ngài đều là người nước văn minh bên Tây, nay sang bên này, ôm một lòng bình đẳng bác ái, dìu dắt nhơn loại, rõ xét thời cuộc, nghĩ việc tương lai, nên tôi muốn hầu chuyện, đặng tỏ tấm lòng uất ức một đôi chút, không ngờ ngài lại hỏi những câu, không khác chi hơn giọng quan trường An nam thế ?»

Ông Cố biết tiên sinh có ý khích mình, trả lời một cách lạt lẽo rằng : «Nhà tôn giáo chỉ quản bên phần hồn mà thôi».

«- Tôi vẫn biết rồi, song xác đã không còn, hồn dựa vào đâu ? Tôi xem dân nước Nam theo đạo Gia Tô có ba phần trong mười, nhà thờ khắp nơi, dân giáo thành chợ, lại có mấy đức giáo sĩ văn minh làm cha, làm thầy, chuông sớm, trống chiều, không ngày nào không giảng dạy, thế mà xét nghĩ trong dân đó, thì phong tục hủ bại, thật nghiệp sơ sài, sinh kế khốn đốn, không khác gì dân ngoài, thỉnh thoảng cũng có trường học, chẳng qua về phần ít mà những kẻ ở trường ra, thì cũng làm công việc phiên dịch thường thường chưa thấy có người nào mở mang nền học thức, làm ra công lợi cho công chúng, để làm tiêu biểu cho dân giáo, làm gương tốt cho người An Nam ; có lẽ dân An Nam không phải là con chung của Chúa Trời, nên dầu có theo giáo, chỉ có sớm chiều đọc mấy câu kinh, đến ngày lễ tới nhà thờ quỳ nghe giảng mà thôi hay sao ?»

Những lời ấy hẳn nhiên làm ông Cố đạo M… giật mình. Và cũng từ đấy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tranh đấu sử Việt Nam, lương giáo sát cánh nhau dưới ánh sáng hướng dẫn của Phong Trào Duy Tân tự lo việc nước với nhau để cùng tiến bộ với nhau. Làng Phước Kiều ấy sẽ có cơ sở giáo dục Quảng Phước tiếng tăm do một vị nhà dòng dạy và giáo dân Phước Kiều cũng hăng hái góp phần công nghệ đồ đồng mà họ vốn chuyên môn vào sự thịnh vượng chung của Phong Trào. Rồi sau đó, vào năm 1916, khi vua Duy Tân khởi nghĩa, tất cả ấn dấu đều do ông xã Mãi chế tạo tại chính làng này.

Nguồn bài viết: Phong Trào Duy Tân - Nguyễn Văn Xuân