Không có những tài liệu thật rõ để biết những ngày tháng, năm, đích xác từng công việc của phái Duy Tân. Nhưng chắc chắn là từ năm 1905 đến năm 1906, những công cuộc lớn nhất đã hoàn thành.

Có thể nói năm 1905 là năm phát động một cách ồ ạt không chỉ riêng trong tỉnh Quảng Nam mà cả trong tỉnh Nam Trung Việt. Hẳn nhiên từ năm 1904, ta đã thấy có những cuộc cổ động của bộ ba lên đến những vùng rừng sâu, nước độc, những nơi xa xôi, hiểm trở như Đèo Le, Tý, Sé. Nhưng thời ấy chỉ là thời tuyên truyền và đôi khi còn lẫn lộn với phái Đông Du – nhưng lãnh tụ Phan châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng thì nhất thiết không có sự lẫn lộn ấy – vậy tôi tạm lấy năm 1905 là năm Phong Trào đã được quảng bá hết sức sâu rộng làm năm khởi sự.

Công cuộc bắt đầu như thế nào sau khi các ông ở Nam về ? Các ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng có thực sự đứng ra để hoạt động hay chính các sĩ phu được giác ngộ, tư nhiệm công tác, tự lo liệu hoạt động và các ông chỉ là cố vấn ? Tôi đoán là do các sĩ phu tự nhiệm, tự hoạt động trước ít nhất cũng về phần đất nay thuộc Quảng Tín. Vì Huỳnh Thúc Kháng ghi rất rõ, khi trình bày tiểu sử Lê Cơ : Công cuộc sắp đặt trong làng gặp lúc Phong trào tân học (1905-1906) (Lê Cơ là một lãnh tụ ở một xã, can đảm phi thường, tôi sẽ dành riêng một mục để nói tới ông). Cũng trong tự truyện thì Huỳnh Thúc Kháng lại công nhận nửa đầu năm 1906 ông dạy học, kế đó mới lập thương cuộc tại Hội An, hội nông, trồng quế, lập trường học… (Tự truyện trang 28) và cũng vào năm này 1906, các cơ sở lớn nhất của vùng đất nay thuộc Quảng Nam cũng đã được khai phá, mở mang ồ ạt và nhiều nơi có qui mô rất lớn. Nhưng chắc công việc cũng đã khởi đầu từ 1905 vì ông Trần huỳnh Sách viết : (Nam Du) về tỉnh nhà, tiên sinh (TQC) cùng các bậc thân hào trong tỉnh xướng lập hội thương, trường học. Tiên sinh có làm bài « Chiêu hồn nước » và bài ca « khuyến thương » Bài ca Chiêu Hồn nước cũng gọi khuyến học, sẽ đọc ở trường Diên Phong, mở dạy Tân Thơ năm 1906. Vì nó tóm tắt phần lớn tư tưởng Duy Tân nên tôi trình bày ra trước để bạn đọc theo dõi mọi diễn tiến đã được ghi như chương trình hành động bao gồm trong đó :

Đấng làm trai đứng trong trời đất,

Phải làm sao mở mặt non sông,

Kìa kìa, những bậc anh hùng,

Cũng vì buổi nhỏ học không sai đường.

Cuộc hoàn hải liệt cường tranh cạnh

Mở trí khôn giàu mạnh dường bao.

Nước ta học vấn thế nào,

Chẳng lo bỏ dại, lẽ nào đặng khôn ?

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,

Phải đem ra tỉnh trước dân ta,

Sách Âu Mỹ, sách Chi Na,

Chữ kia chữ nọ, dịch ra tinh tường

Nông, công cỗ trăm đường cũng thế,

Hiệp bằng nhau thì dễ toan lo,

Á Âu chung lại một lò,

Đúc nên tư cách mới cho rằng người.

Một người học, muôn người đều biết ;

Trí đã khôn, trăm việc phải hay.

Lợi quyền đã nắm trong tay

Có ngày tấn hóa, có ngày văn minh.

Chuông tự lập vang đình diễn thuyết

Trống hoan nghênh dội bể Đông Dương

Nghểnh xem khoa cử mấy chàng,

Kia vì khôn dại, rõ ràng chẳng sai.

Bài này quan trọng vì nó sẽ làm căn bản cho nhận thức về thực chất duy tân và chương trình hành động mà đến nay đối với chúng ta vẫn còn quá mới mẻ :

a) Trước tiên phải đặt vấn đề chánh giáo tức là một nền giáo dục đúng, hợp tình, hợp lý và toàn diện để đào tạo những con người, những bậc anh hùng. « Học không sai » mới theo đúng đường. Học đã sai thì còn mong gì mở mặt non sông mà chỉ dìm thêm non sông vào bóng đêm những trang thảm sử !

b) Nên đặt cho đúng vị trí quốc gia ta trong một thế giới cạnh tranh kịch liệt của liệt cường : mạnh thắng, yếu thua. Muốn không thua tất phải mạnh, phải giàu mà đạt được sự giàu mạnh thì trước hết phải khôn. Khôn là kết quả của học vấn.

c) Học cần phải có chuyển ngữ, chuyển ngữ Hán là của Tàu, chuyển ngữ Pháp là của Pháp. Việt Nam phải có chuyển ngữ riêng : chữ nôm hay quốc ngữ. Các cụ chọn quốc ngữ vì thấy nó rất thuận lợi. Nhận định về chuyển ngữ như thế là nhận định tiến bộ. Dù chữ quốc ngữ vẫn còn các khuyết và nhược điểm trầm trọng, nhưng trong cái thế muốn quảng bá cho đại chúng, quảng bá những bài học đơn giản, quốc ngữ có thể đóng trọn vai trò chuyển ngữ ít nhứt trong những buổi đầu. Trần Quý Cáp đã vượt qua dư luận nặng nề đương thời, cho quốc ngữ là của Tây, của cố đạo, nhiều người tự trọng vẫn cấm con em dòm ngó, vì họ nghĩ nó là thứ chữ phản quốc, thế mà Trần Quý Cáp dám gọi nó là « hồn trong nước ». Chỉ chừng đó cũng cho biết ông thật gan dạ đầy mình. Phải dạy nó trước cho dân ta, nhưng chưa đủ, vì nền học vấn của ta quá thiếu sót mà thế giới đang bước tới bằng những bước khổng lồ. Vậy cần phải phiên dịch các sách Âu Mỹ, Trung Học (Mà lạ lùng, ông dám gọi là Chi Na theo phiên âm đúng nhất). Khoa học, kỹ thuật, triết học là những cánh cửa để mở vào một thế giới mới. Nhưng không phải chỉ có thế giới hiện đại mà cả thế giới cổ điển đã thành truyền thống của Á Châu :

Á, Âu chung lại một lò,

Đúc nên tư cách mới cho rằng người.

d) Cái học của ta xưa nặng từ chương, không để ý gì đến các hoạt động khác như kinh tế, thương mãi. Do đó, sĩ phu ta tự cách biệt hẳn với đời sống xã hội và nước ta cứ nghèo mãi. Vậy nay cần hô hào, tán dương nông, công, cổ (buôn bán) và cần nhất là bỏ lối làm việc cá nhân mà nhất thiết phải tiến tới «hiệp bày» là lập đoàn thể, công ty để hùn vốn, hùn trí khôn, hùn kinh nghiệm mà tính những công tác qui mô, lâu bền. Có như thế mới chắc chắn nắm được quyền lợi của quốc dân, của đất nước trong tay. Nếu không nắm được lợi quyền ấy thì người Âu Mỹ, người Trung Hoa sẽ đè đầu, cưỡi cổ mãi dân ta như thế làm sao :

Có ngày tấn hoá, có ngày văn minh !

Vậy cần có óc tự lập trước đã. Có óc tự lập cho cá nhân, đoàn thể, quốc gia. Bắt đầu từ đây, những cuộc diễn thuyết về dân quyền, tự lực, tự cường sẽ vang khắp các mái đình «vương quốc» của xôi thịt và nơi đó ầm ầm vang dậy :

Trống hoan nghênh dội bể Đông Dương !

Tư Tưởng Duy Tân sẽ không chỉ vượt Quảng Nam ra Bắc vào Nam mà còn tràn lan khắp bờ cõi Đông Dương nơi thực dân đang đặt ách đô hộ, nơi con người sống như cầm thú.

Vậy, còn chờ đợi gì mà không vứt cái học khoa cử ngu dại để bước lên một bước khổng lồ theo ngọn cờ Duy Tân để dẫn quốc dân nhập vào thế giới ngày nay. Theo gương Nhật Bản, Nhật Bản mới thắng trận, biết bao nhiêu bài vè, bài ca phát xuất từ sĩ phu, từ chính dân chúng để ca ngợi để thúc đẩy Phong trào.

Cả sĩ phu, cả dân chúng đều thấy Duy Tân là cần. Vấn đề tư tưởng, chí hướng, phương pháp và «địa lợi nhân hoà» đã có, các chiến sĩ hăng hái đi từ hoạt động này tới hoạt động khác. Theo Phan châu Trinh trong «Trung Kì dân biến thỉ mạt ký» có nhiều tổ chức khác nhau : Thương hội, nông hội, trường học, hội mặc đồ tây, hội diễn thuyết… Chúng ta lần lượt nhìn qua các hội, các đợt sóng của tân trào.