Đức Khổng Tử than rằng: "Ôi, đời ta chẳng ai biết ta!" Tử Cống hỏi: "Tại sao thầy than chẳng ai biết thầy?". Khổng Tử đáp: "Ta không oán trời, ta không trách người. Còn về đạo lý thì ta khởi học từ mức thấp để đạt dần lên mức cao. Biết ta chăng chỉ có trời!".
- "Luận ngữ". Chương Hiền Vấn.
Khổng Tử nói rằng: "Phải để tâm chí vào đạo lý, phải giữ gìn đức hạnh, phải dựa vào điều nhân, vui chơi theo nghề nghiệp".
- "Luận ngữ". Chương Thuật Nhi.
Diệp Công hỏi Tử Lộ về đức Khổng Tử, Tử Lộ không trả lời. Biết chuyện, Khổng Tử nói rằng: "Ta là người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được thì vui quên cả lo, không biết cái già sắp đến vậy".
- "Luận ngữ". Chương Thuật Nhi.
Đức Khổng Tử nói: "Quân tử giữ lấy đức còn kẻ tiểu nhân thì thích đất đai, quân tử ưa hình pháp còn tiểu nhân thì thích ân huệ".
Đức Khổng Tử nói:"Người quân tử thì thẳng thắn vô tư, kẻ tiểu nhân thì vòng vo thiên thẹo". Đức Khổng Tử nói: "Quân tử đòi hỏi ở bản thân mình, còn tiểu nhân thì đòi hỏi ở người khác".
- Trích "Luận ngữ".
BỊ TRẦN, THÁI LÀM KHÓ
Lại nói, Khổng Tử khi qua hai nước Trần, Thái đã ở lại đây một vài ngày, nhưng chưa có điều kiện thực hiện dự định sửa đổi tập tục xã hội thì lại sắp phải sang nước Sở. Nhưng không ngờ ông lại bị hai vua Trần, Thái cho người bao vây làm khó dễ giữa đường, sáu, bảy ngày liền không có cơm ăn, bầu đoàn đệ tử phải chịu đói rét, ốm yếu. Duy chỉ có Khổng Tử vẫn như thường ngày, đọc kinh văn, gẩy đàn, làm bài hát. Tử Lộ nóng nảy, không chịu được liền hỏi Khổng Tử:"Lẽ nào quân tử cũng có lúc phải khốn cùng như thế này sao?".
Khổng Tử không trả lời ngay, tiếp tục gẩy đàn cho hết bài mới trả lời: "Quân tử đương nhiên có thể gặp lúc khó, nhưng giữ nghiêm kỷ cương, còn kẻ tiểu nhân gặp lúc khó thì không từ việc gì không làm".
Tử Lộ nghe rồi lặng im, nhưng Tử Cống ngồi cạnh, nghe xong trong lòng như có điều gì muốn nói mà không dám nói ra. Khổng Tử nhận ra, liền gợi ý: "Này Tứ (Tử Cống), có phải con nghĩ rằng ta học rộng biết nhiều không?"
Tử Cống trả lời ngay rằng:"Vâng. Lẽ nào lại không phải là như vậy?"
Khổng Tử biết Tử Cống chưa hiểu được ý mình, liền nói thêm: "Học rộng biết nhiều chẳng qua là vẻ bề ngoài, cái cốt lõi của học vấn của thầy là lấy một mối để làm thông suốt tất cả". Nói rồi Khổng Tử nhìn vào không gian sâu thẳm. Tử Lộ, Tử Cống lần lượt rút lui.
Nhưng Khổng Tử biết các học trò của mình học chưa tới nơi tới chốn, khi phải đối mặt với khó khăn thì chưa thể yên lòng. Ông bèn gọi Tử Lộ đến và nói rằng: "Lẽ nào chủ trương của ta sai? Vì sao ta lại đến bước này?"
Tử Lộ không trả lời mà hỏi lại Khổng Tử: "Quân tử không thể gặp hiểm nguy. E rằng thầy vẫn chưa đủ nhân ái chăng? Vì vậy gặp khó mà không giải thoát được. Trước đây con nghe thầy nói: làm điều thiện được báo phúc, làm điều ác bị báo họa. Thầy tích đức hành thiện cũng đã lâu, thế mà giờ đây lại không tránh được cảnh ngộ khó khăn, chúng con đi theo thầy giờ sắp chết đói cả. Vậy là sao?"
Khổng Tử trả lời: "Do này (Do là Tử Lộ), con cho rằng người có nhân nghĩa tất phải được người đời tin cậy, thế thì Bá Di, Thúc Tề vì sao lại chết đói ở núi Thủ Dương? Con cho rằng người trí tuệ uyên bác tất phải vượt qua mọi khó khăn hiểm nguy, thế vì sao Vương tử Cán lại phải chịu họa mổ bụng? Cần biết tao ngộ là thời cơ, phẩm hạnh bất hảo là phẩm chất. Quân tử học rộng nghĩ sâu nhưng không gặp thời đâu chỉ có mình ta! Hơn nữa, chi, lan (hai loài cỏ thơm) mọc ở rừng sâu không vì không có người đến thưởng thức mà không thơm nữa, quân tử tu đức lập thân không vì khó khăn mà làm điều xằng bậy. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chẳng phải con biết đạo lý này rồi sao?"
Tử Lộ lui rồi, Khổng Tử cho gọi Tử Cống vào gặp. Khổng Tử nêu lại vấn đề như với Tử Lộ. Tử Cống nói: "Đây là vì học thuyết tư tưởng của thầy sâu mà rộng, vì vậy thiên hạ không thể dung nạp được thầy. Thế thì thưa thầy, tại sao thầy không ứng biến, không nhượng bộ?"
Khổng Tử trả lời: "Người dân lành có thể trồng trọt nhưng chưa tất đã được thuận việc, quân tử có thể tích đức tu đạo hợp với trời đất nhưng chưa tất đã được thế tục hiểu và chấp nhận. Con không muốn tu luyện cho tinh thông hơn nữa mà lại mong thiên hạ dung nạp, điều này chứng tỏ tâm chí của con không đủ sâu rộng".
Tử Cống vừa lui, Khổng Tử bèn cho gọi Nhan Hồi vào gặp. Khổng Tử nhắc lại vấn đề của Tử Lộ một lần nữa. Nhan Hồi trả lời: "Thưa thầy, học thuyết tư tưởng của thầy tinh vi mà uyên bác, thầy đi cùng trời cuối đất gian nan vất vả vì nghĩa cả nhưng chưa được thiên hạ dung nạp, đó là do các nước chư hầu đều muốn tính toán cho riêng mình, học thuyết tư tưởng của thầy không vì thế mà bị vấy bẩn, ảm đạm; ngược lại, càng thấy thầy kiên định, vững vàng ý chí! Đây là mệnh trời sắp đặt! Quân tử sống theo mệnh trời, hà tất phải trách cứ trời đất, trách cứ người đời?".
Khổng Tử nghe xong cảm khái nói: "Rất ít người có thể hiểu được sâu sắc quan hệ giữa thiên mệnh và nhân sinh. Nhưng Nhan Hồi, con đã làm được việc này".
* Đời Đường có vị hoàng đế viết một bài thơ theo luật ngũ ngôn để ca ngợi Khổng Tử. Hai câu đầu của bài thơ viết: "Phu tử hà vi giả? Thê thê nhất đại trung!" (Khổng Tử là ai mà suốt đời long đong phiêu bạt?). Đúng vậy, cuộc đời Khổng Tử, đặc biệt là trong thời kỳ đi chu du các nước, có thể nói là bôn ba khắp nơi, thay trời hành đạo, chứa đựng triết lý về "thiên mệnh" và "nhân sinh" sâu sắc. Theo Khổng Tử thì "thiên mệnh" chính là sự sắp đặt ngay trong "nhân sinh", cái vĩ đại của "nhân sinh" được thăng hoa vào "thiên mệnh". Thiên mệnh và nhân sinh hòa hợp thành thể thống nhất, đó là "thiên nhân hợp nhất", tuy bình thường nhưng vĩ đại, thực tế mà cao xa!"
CẢM XÚC CHƠI THU
Tiết thu trong lành, trời thu xanh lồng lộng, Khổng Tử đi chơi đến một nơi sơn dã. Nghe nói năm đó Chu Công cũng từng đến nơi này du ngoạn.
Khổng Tử đứng trước gió, mắt nhìn về phía trời xa, những suy nghĩ của ông đang bồng bềnh trong gió. Khi nghĩ đến việc Chu Công cũng từng đứng ở đây, trước mắt Khổng Tử bỗng hiện lên hình ảnh của Chu Công, như trong mơ vậy! Khổng Tử nhìn cảnh vật nghĩ đến người, trong lòng thương cảm vô hạn:"Người đi không trở lại, không gian thu mênh mông!"
Chính vào giờ khắc ấy ông bỗng nhìn thấy trên ngọn núi xa xa phía trước có một chú gà rừng rất đẹp vỗ cánh bay lên rồi nhẹ nhàng sà xuống bụi cỏ hoa. Một cảnh tượng sinh động mê hồn.
Khổng Tử bỗng xúc động buột lời:"Chú gà rừng trên núi kia thật đắc thời, đắc lạc!".
Tử Lộ đứng bên cạnh liền chắp tay nhìn về phía có chú gà rừng và kêu lên:"Ồ!".
Sau đó Khổng Tử và Tử Lộ đi đến bên một dòng sông lớn. Khổng Tử nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn chảy, tức cảnh sinh tình, xúc động nói: "Dòng sông cuộn chảy suốt ngày đêm miệt mài không nghỉ, vạn vật trong vũ trụ lẽ nào lại không giống như vậy!"
* Thời gian là kẻ đa tình nhưng cũng rất vô tình! Bạn xem câu "Trường Giang cuồn cuộn chảy về phía đông, dòng nước xóa đi các sự tích anh hùng. Thất bại, thị phi bỗng chốc biến thành hư không". Đây chẳng phải quá vô tình sao? Nhưng "Non xanh vẫn còn đó như ngày nào, mặt trời nhuộm hồng trời chiều bao độ" thì chẳng phải quá đa tình sao? Cho dù Khổng Tử cảm xúc trước chú gà rừng chốn sơn dã hay với dòng nước miệt mài cuồn cuộn chảy thì trên thực tế, ông đều nói đến thời gian, nói tới cuộc đời! Từ đây ta thấy, việc nắm thời cơ như thế nào là một nghệ thuật kỳ diệu!"
CHUYỆN VỀ CÁI Y KHÍ
Khổng Tử dẫn mấy đồ đệ đến thăm miếu thờ Lỗ Hoàn Công. Ở đó có một chiếc bình trông rất đơn giản nhưng được thiết kế đặc biệt khiến Khổng Tử chú ý. Bề ngoài của bình rất bình thường, nhưng Khổng Tử biết rằng trong đó chứa đựng một triết lý sâu xa.
Để gây chú ý cho các học trò, Khổng Tử cố ý hỏi người coi miếu: "Cái bình này rất đặc biệt, thực ra nó là gì vậy?".
Người coi miếu trả lời:"Ở đây người ta gọi nó là y khí, người xưa thường đặt nó gần bên phải bàn học để nhắc nhở và cổ vũ mình".
Khổng Tử nói tiếp: "Ồ, tôi nghĩ ra rồi! Nghe nói Chu Công năm đó để nó lại có phải không? Cũng có thể nói là lâu rồi. Chỉ tiếc để nó ở lại đây lâu không dùng, hằng ngày ít người nhìn thấy nó nên cái ý nghĩa chứa đựng trong đó ít ai biết đến, lâu dần cũng bị người ta lãng quên!"
Các học trò nghe ông nói đều cảm thấy lạ, liền hỏi: "Thưa thầy, đây là một vật dụng bình thường, có thể mang được ý nghĩa gì đặc biệt trong đó?"
Khổng Tử nghiêm mặt nói: "Hãy chú ý quan sát! Cái bình này không đựng gì, đang để không nên nó đứng không vững, cứ nghiêng về một phía. Nếu đổ đầy nước vào, nó bị lật nhào, chỉ khi để nó chứa nước ở mức độ vừa phải thì nó mới có thể đứng vững trên bàn được"
Khổng Tử nói xong liền nhờ người coi miếu làm thử để cho các học trò cảm nhận được sâu sắc lời nói của mình. Người coi miếu đồng ý, liền lấy nước đổ vào bình. Quả nhiên khi bình đựng nước vừa phải thì nó đứng rất vững, khi nước đầy thì bị lật, không có nước thì nghiêng. Khổng Tử nói với học trò của mình: "Cái y khí này giống như một người lập thân xử thế vậy. Nếu không có học vấn thì giống như cây không có gốc rễ, chỉ là trống rỗng, nghiêng ngả. Nếu kiêu ngạo tự mãn coi thường hết thảy, tự cho mình là ghê gớm, ở trên tất cả thì người ấy sẽ ngã lộn nhào. Chỉ có khiêm tốn, không tự mãn thì mới đứng vững trong xã hội!"
* Tục ngữ có câu "Khiêm tốn thì có ích, tự mãn thì có hại", đây là triết lý trong câu chuyện kể trên! Trong xã hội hiện nay, những người không có học vấn, không có gốc, nghiêng ngả... thật sự không ít! Loại người kiêu ngạo cho mình là giỏi giang hơn người cũng thấy ở mọi nơi! Người biết làm theo lời dạy của cổ nhân "Khiêm tốn thì có ích, tự mãn thì có hại" lại không nhiều! Thật buồn!"
CÁC HỌC GIẢ XƯA VÀ NAY
Lúc này, thầy trò Khổng Tử lại tập trung để đàm đạo về sự khác nhau giữa những người đọc sách xưa và nay.
Khổng Tử nói: "Các học giả xưa học hành là để nâng cao học vấn đạo đức của mình, còn ngày nay, các học giả học hành là để thỏa mãn, thích ứng với nhu cầu của người khác".
Tử Cống phụ họa theo: "Ngày nay có một số người có học tự cho rằng học hành là để tìm chân lý, nhưng vừa gặp chút khó khăn đã cảm thấy mất thể diện, không vừa lòng rồi. Như vậy họ có đáng nói đến chân lý không?".
Khổng Tử nói:"Quân tử ngày xưa ăn không cần no, ở không cần nhà đẹp, làm việc cần cù chịu khó, ăn nói thì thận trọng, họ thường đến các bậc tiên sinh có học vấn để học hỏi, không ngừng phấn đấu tiến bộ. Như thế mới xứng đáng là người ham học hỏi. Ngày nay Nhan Hồi cũng là một tấm gương tốt. Mọi người đều không chịu nổi cuộc sống thanh đạm, nghèo khó như của Nhan Hồi, nhưng Nhan Hồi vẫn sống vui vẻ với cuộc sống của mình!".
Tăng Tử nói: "Thưa thầy, thầy cũng là tấm gương sáng của chúng con! Thầy chẳng đã nói: ăn ngô ăn khoai, uống nước trắng, lấy tay mình làm gối đầu, niềm vui cũng có từ đó! Nếu làm điều bất nghĩa để có được phú quý, thì loại phú quý này, như thầy nói, có khác gì đám mây trôi trên trời, không đáng nói!".
Khổng Tử nói: "Nếu đất nước đã thái bình mà cá nhân vẫn cứ nghèo khó thì đây là điều đáng xấu hổ. Nhưng nếu đất nước đang suy yếu, loạn lạc, mà cá nhân lại giàu có, cao sang thì đây cũng lại là điều sỉ nhục. Hiện nay ta chưa có được cuộc sống phú quý giàu sang nhưng ta hãy cứ làm những công việc mà ta thích đi!".
Nói đến đây Khổng Tử quay sang nói với Tích Điêu Khai: "Khai con, học vấn của con bây giờ cũng đủ để ra làm quan rồi đấy!".
Tích Điêu Khai trả lời: "Thưa thầy, con không có lòng tin để làm quan, xin hãy cứ để con tiếp tục được theo thầy để tích đức tu nghiệp!".
Khổng Tử nghe nói rất vui mà khen rằng: "Học ba năm rồi mà vẫn chưa nghĩ đến việc ra làm quan để hưởng lộc, thật là hiếm thấy!".
* Khổng Tử nói: "Học giả xưa vì mình, học giả nay vì người", đây là câu danh ngôn dễ làm cho người học ngày nay hiểu nhầm. Thực ra, "vì mình" (vị kỷ) ở đây là chuyên lo làm vừa lòng người khác để mưu cầu công danh lợi lộc của cá nhân mình, mục đích vì "cái tôi nhỏ hẹp" của cá nhân và gia đình. Ngoài ra Khổng Tử còn dạy: "Ăn ngô ăn khoai, uống nước trắng, lấy tay mình làm gối đầu, vẫn thấy vui vẻ, còn kẻ bất nghĩa mà phú quý, chẳng khác gì đám mây trôi". Có thể nói đây là sự tinh thần lãng mạn của Khổng Tử! Thử so sánh với câu nói của một nhà triết học phương Tây, Rousseau: "Đồng tiền trong tay chúng ta là một công cụ bảo đảm cho tự do, nhưng mọi đồng tiền mà chúng ta theo đuổi (tức là ý muốn theo đuổi) lại là công cụ biến ta thành nô lệ". Ai hiểu được câu nói này thì người đó sẽ thoát khỏi vòng quay của đồng tiền.
MỖI NGÀY TỰ XÉT MÌNH VỀ BA ĐIỀU
Sau khi Khổng Tử mất, Tăng Tử bắt đầu làm thầy dạy học trò. Một lần, có một học sinh thỉnh giáo Tăng Tử: "Thưa thầy, một người phải làm như thế nào để tự xem xét bản thân, đúc rút những bài học kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình?"
Tăng Tử trả lời: "Con hỏi rất tốt! Ta mỗi ngày đều tự xem xét mình về ba điều để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân: Một là, ta có hết lòng giúp đỡ người khác không?"
Chúng ta phải chú ý đến sự tận tâm phục vụ! Chỉ có phục vụ người khác vô điều kiện thì tâm hồn của ta mới phong phú, phẩm đức mới cao thượng được. Điểm này trên thực tế chính là tinh thần của chữ "trung" trong "trung thứ" mà đức Khổng Tử đã dạy ("trung" là hết lòng hết dạ, thành tâm thành ý; "thứ" là suy bụng ta ra bụng người khác, việc gì mình không thích thì đừng đẩy cho người khác).
Hai là, kết giao với bạn bè ta có thực sự thành thật không? Đức Khổng Tử từng nói rằng: "Người ta không trọng chữ tín thì không thể biết mình như thế nào". Vì thế khi kết giao nhất định phải thành thật và giữ lòng tin, có như vậy thì mới có thể biết mình.
Ba là, đối với đạo lý do thầy truyền dạy ta có chuyên tâm ôn luyện không? Đức Khổng Tử thường dạy chúng ta:"Học phải ôn luyện, ôn cũ để biết mới". Đúng là như vậy.
Đối với những đạo lý do thầy truyền dạy hoặc những kiến thức học được trong sách vở, chỉ có qua ôn luyện và thực hành thường xuyên thì chúng ta mới tiếp thu được, cuối cùng mới biến nó thành kiến thức cho cuộc sống của mình, loại kiến thức này không giáo điều, không trói buộc mình.
Người học trò nọ nghe rồi nói:"Con xin ghi nhớ lời dạy của thầy! Làm theo cách làm của thầy dạy, tự xem xét, đánh giá mình hàng ngày".
* Tử Cống nói: "Ngô nhật tam tỉnh ngô thân". Ở đây "tam" (ba) có thể giải thích là ba lần, cũng có thể giải thích là ba mặt. Dù với cách giải thích nào thì câu nói này cũng đã trở thành câu cách ngôn về tu dưỡng, giúp chúng ta nâng cao phẩm chất tư tưởng và hoàn thiện nhân cách của mình.
THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ THÔNG ĐẠT
Tử Trương thỉnh giáo Khổng Tử: "Thưa thầy, người đọc sách như thế nào mới được gọi là thông đạt?"
Khổng Tử chưa trả lời ngay mà hỏi lại:"Chữ "đạt" mà con nói ý là thế nào?".
Tử Trương trả lời: "Con nói "đạt" ý là làm quan ở bang quốc nhất định, có được danh vọng, làm việc ở chỗ các khanh tướng quan lại nhất định có được uy tín".
Khổng Tử nhắc nhở rằng: "Con nói như vậy là danh vọng chứ không phải là thông đạt! Thông đạt là chất phác chính trực, lại yêu đạo nghĩa, hiểu sâu đạo lý, về mặt tư tưởng tự xem xét chỗ bất cập và tìm cách bổ sung vào chỗ yếu kém của bản thân. Làm được điểm này thì làm quan ở bang quốc, làm việc ở chỗ các khanh tướng quan lại nhất định thông đạt. Còn cái gọi là danh vọng kia bề ngoài hợp với nhân nghĩa nhưng nếu không tự xem xét mình, không biết mình, thì chỉ là loại người lừa được danh vọng mà thôi.
Tử Trương nghe xong lại hỏi thầy về việc làm thế nào để lập thân trong xã hội.
Khổng Tử nói: "Người đọc sách nếu nói chuyện trung thực, hành vi thẳng thắn nghiêm túc thì dù có đi đến nước khác xa xôi hành sự cũng vẫn thông đồng bén giọt; ngược lại, nếu không trung thực, không nghiêm túc thì dù làm việc ở ngay địa phương mình ở cũng không xong. Người đọc sách cần phải làm được một việc như sau: Khi đứng thì nhìn thấy bóng dáng các con chữ "trung thực", "nghiêm túc" phía trước, lúc ngồi trên xe kéo (ý chỉ khi làm quan) thì thấy các con chữ "trung thực", "nghiêm túc" treo trên thành xe trước mắt, như vậy thì bản thân mới lập nên thân thế trong xã hội và hành sự trong thiên hạ được".
Tử Trương nghe xong liền ghi lại những lời đức Khổng Tử dạy lên đai đeo lên người.
* "Thông đạt chi đạo" mà Khổng Tử nói có chút gì như là "mọt sách" vậy. Trong sự cạnh tranh khốc liệt của trào lưu kinh tế thị trường, "tính chất mọt sách" đã bị lung lay không còn đất sống trong những người đọc sách nữa rồi. Thực ra, "tính chất mọt sách" tuy có những nhược điểm riêng nhưng lại chứa đựng một loại nhân sinh chất phác, đôn hậu, có triết lý sâu xa nên vẫn có cái đáng quý!"
NỖI ÂU LO CỦA TƯ THỊ
Tư Mã Ngưu là học trò của Khổng Tử, ông ta có một người anh trai tên là Hoàng Khôi. Hoàng Khôi là người xảo quyệt độc ác và rất hay gây sự với Khổng Tử. Vì vậy Tư Mã Ngưu rất buồn phiền.
Có lần Tư Mã Ngưu thỉnh giáo thầy:"Thưa thầy, như thế nào mới xứng là bậc quân tử?".
Khổng Tử hiểu tâm trạng của Tư Mã Ngưu, ông trả lời một cách vắn tắt: "Quân tử không ưu phiền cũng không sợ hãi".
Tư Mã Ngưu chẳng những không hiểu ngụ ý của Khổng Tử mà lại càng cảm thấy lo phiền, bèn hỏi Khổng Tử:"Không ưu phiền không sợ hãi thì xứng đáng là một quân tử sao?".
Khổng Tử trả lời: "Một người tự biết kiểm điểm lại mình, thấy mình trong sáng thế thì làm sao còn ưu phiền, sợ hãi gì nữa?".
Tư Mã Ngưu hiểu ra: Chỉ cần ta ngồi ngay, đứng thẳng, thấy mình trong sáng là đủ, còn anh trai làm gì là việc của anh ấy, ta không a dua với anh ấy thì có gì phải lo lắng?"
Từ đó Tư Mã Ngưu vạch rõ ranh giới với anh trai mình, không đi lại với Hoàng Khôi nữa. Chỉ có điều, vì thế mà Tư Mã Ngưu cảm thấy cô độc và vắng vẻ, có anh em cũng như không vậy! Thế là khi nói chuyện với Tử Hạ, bạn học của mình, Tư Mã Ngưu than phiền rằng:"Ôi! Người ta đều có anh em, còn tôi thì không!"
Hiểu hoàn cảnh của Tư Mã Ngưu, Tử Hạ an ủi bạn: "Ta từng nghe hiền nhân nói, sống chết đều do số phận an bài, phú quý do mệnh trời sắp đặt. Chỉ có quân tử làm người sống đàng hoàng, không làm việc ác, sống khiêm nhường lễ độ với mọi người, thế thì người trong thiên hạ đều là anh em của mình! Quân tử hà tất phải lo lắng?".
* Trong câu chuyện này có hai câu danh ngôn: Một là Khổng Tử nói"Kiểm tra mình thấy không có lỗi thì lo sợ gì". Hai là Tử Hạ nói: "Bốn biển đều là anh em". Đây đều là những điều đáng để chúng ta nỗ lực phấn đấu thực hiện! Ngay cả câu "Sinh tử có số, phú quý tại trời" cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Chỉ có điều, nếu chúng ta làm được điều "Bốn biển đều là anh em" thì hà tất phải lo lắng đến sự giàu nghèo?"
KHỔNG TỬ HỌC NHẠC
Khổng Tử mời nhạc sư Lỗ Sư Tương dạy nhạc cho mình, học mười ngày mà vẫn chỉ luyện một khúc nhạc. Lỗ Sư Tương nói với Khổng Tử: "Ngài đã học được khúc nhạc này rồi, có thể học sang khúc nhạc mới".
Khổng Tử đáp: "Tuy khúc điệu của nhạc đã học được những kỹ xảo chơi nhạc vẫn chưa học được".
Được ít ngày Lỗ Sư Tương lại nói: "Kỹ xảo đã học được rồi, có thể chuyển sang khúc nhạc mới"
Khổng Tử đáp: "Tôi vẫn chưa thể nhận được ra tác giả khúc nhạc là ai và phong cách của tác giả!".
Một lúc sau Khổng Tử ngẩng đầu lên nói: "A, tôi nhận ra phong cách của tác giả! Ngoài Chu Văn Vương, ai có thể viết được thế này nữa!".
Sư Tương vội vàng đứng dậy vái Khổng Tử mà rằng:"Đúng rồi, khi dạy tôi bản nhạc này, thầy giáo nói tên bản nhạc là "Văn Vương thao".
Tiếp đó Khổng Tử nói lên cảm nhận của mình về âm nhạc: "Nhạc chính là một loại cảm xúc của con người, là tình cảm tự nhiên, không thể ép buộc hoặc xóa bỏ. Vì vậy, một nhạc khúc chân chính là sự bộc lộ nội tâm của tác giả.
Vì là tình cảm nội tâm của con người nên âm nhạc có thể lay động được lòng người, cảm hóa con người và có tác dụng giáo dục tự nhiên. Một người quân tử chân thành có trình độ thì lời nói việc làm của bản thân người ấy giống một khúc nhạc có giai điệu hay, có thể thầm lặng ảnh hưởng đến người khác, cảm hóa được người khác! Chu Văn Vương chẳng phải là vị quân tử như vậy sao!".
* Câu chuyện này có hai điều gợi ý: Thứ nhất là, có một số người bất kể học cái gì cũng không chịu nghiên cứu. So sánh với tinh thần học tập khúc nhạc không biết mệt mỏi của Khổng Tử, họ sẽ suy nghĩ thế nào? Hai là, có câu thành ngữ "Cao sơn lưu thủy", nói cái cao sang tuyệt vời hoặc là tri âm hiếm có của nhạc khúc. Có thể nói Khổng Tử là tri âm của Chu Văn Vương!" "Nhạc khúc" và "tri âm" gắn với nhau, chứa đựng một triết lý sâu sắc, khiến người đời muốn được thưởng thức. Triết lý gì vậy? Đó chính là điều Khổng Tử đã nói đến: "Nếu một người làm cho thiên nhiên và sự chân thành hòa quyện vào nhau thì cuộc đời người ấy chính là một khúc nhạc tuyệt mỹ!"
ĐỂ MƯU VIỆC LỚN PHẢI BIẾT ỨNG BIẾN LINH HOẠT
Khổng Tử muốn sang nước Vệ, đường đi phải qua đất Bồ thuộc nước Vệ. Tướng sĩ trong thành định làm phản, họ bèn vây chặt đoàn thầy trò Khổng Tử, không cho đến quốc đô của nước Vệ để bái kiến Vệ Linh Công.
Trong số đệ tử của Khổng Tử có một người tên là Công Lương Nhũ, cũng như Tử Lộ, thường ngày một lòng đi hộ vệ Khổng Tử, nổi danh vũ dũng. Lần này Công Lương Nhũ đem theo 5 cỗ binh xa của mình để tăng cường lực lượng hộ vệ. Bị bao vây, Công Lương Nhũ than rằng: "Trước nay con đi theo thầy, đầu tiên là bị gây khó ở đất Khuông, sau lại bị Hoan Khôi tư mã vô lễ gây rối ở nước Tống, đến nay lại bị vây chặt ở đây. Đây là mệnh hệ chăng? Thà rằng để con quyết chiến với chúng chứ không chịu đứng nhìn thầy phải rơi vào cảnh khó khăn này! Dù có chết cũng phải để thầy thoát vây". Thế là Công Lương Nhũ cầm kiếm, tập trung quân sĩ lại, chuẩn bị đánh quân Bồ".
Không ngờ, người Bồ thấy vậy sợ và cho người tới gặp Khổng Tử để giảng hoà. Họ đưa ra điều kiện: Chỉ cần thầy trò Khổng Tử không đến quốc đô nước Vệ nữa thì họ sẽ thả đoàn.
Các đệ tử của Khổng Tử đều cho rằng yêu cầu này không thể chấp nhận được, vì Khổng Tử dẫn họ đến quốc đô nước Vệ để gặp Vệ Linh Công. Nhưng đúng lúc các đệ tử đang bàn cách từ chối và tìm kế sách khác thì Khổng Tử lại đồng ý điều kiện đó, còn ký với nước Bồ một minh ước sẽ không đi đến quốc đô nước Vệ nữa.
Nhờ vậy các tướng sĩ coi thành của đất Vệ không bao vây đoàn người nữa. Đợi khi rời khỏi đất Bồ, Tử Cống mới hỏi Khổng Tử:"Thưa thầy, bây giờ chúng ta đi về đâu?".
Khổng Tử cười mà đáp rằng:"Còn phải hỏi nữa sao?"
Đương nhiên là đi đến nơi chúng ta đã định từ trước".
Tử Cống kinh ngạc hỏi: "Chẳng phải chúng ta đã ký minh ước rồi? Lẽ nào chúng ta lại không giữ chữ tín, dễ dàng bội ước thế sao?".
Khổng Tử trả lời nghiêm túc:"Đó gọi là minh ước sao?"
Đây chẳng qua là lệnh cưỡng ép mà thôi. Là người quân tử quyết không thể phản bội minh ước chính nghĩa, nhưng đối với hiệp ước cưỡng bức vừa rồi cần phải biết ứng biến".
* Con người phải giữ uy tín cho lời nói và việc làm của mình, những điều đã hẹn với người khác thì không được tùy tiện thay đổi, đây chính là "kinh" - những nguyên tắc thông thường. Nhưng nếu gặp những tình huống hoặc những thay đổi bất ngờ thì cần nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp, đó là "quyền", tức là phải tùy cơ ứng biến. Khổng Tử cho rằng, con người không những phải giữ vững nguyên tắc mà còn phải giỏi ứng biến, như vậy mới có thể nắm chắc và phát huy được thời cơ một cách hiệu quả.
SỞ CHIÊU VƯƠNG MỜI TRỌNG NI VỀ
Khổng Tử chu du nhiều nước, tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ. Sở Chiêu Vương muốn dựng nghiệp bá, biết Khổng Tử là vị thánh hiền liền cho người mời ông về giúp. Lúc này Khổng Tử đang ở vùng biên giới giữa nước Trần và nước Thái, cũng đang chuẩn bị đến bái kiến Sở Chiêu Vương.
Quan lại của hai nước Trần và Thái được tin này tỏ ra lo ngại: "Khổng Tử là một vị thánh hiền, hiểu các nước chư hầu trong thiên hạ như lòng bàn tay, biết rõ điểm yếu của từng nước. Giờ đây Khổng Tử đã có một thời gian tương đối dài sống ở khu vực giữa Tần và Thái, rất am hiểu chính sự của hai nước này. Hơn nữa Khổng Tử lại tỏ ra không hài lòng đối với các việc làm của quan lại hai nước. Nếu bây giờ nước Sở hùng mạnh mời Khổng Tử về giúp việc triều chính và trọng dụng Khổng Tử thì hai nước Trần và Thái sẽ bị động, khi đó quyền lợi thiết thân của quan lại hai nước sẽ bị đe dọa". Thế là hai nước Trần, Thái cho người bao vây Khổng Tử, không cho đi.
Sở Chiêu Vương biết tin này đã phái quân đi giải vây và đón Khổng Tử về nước Sở. Để tỏ lòng trọng dụng Khổng Tử, Sở Chiêu Vương dự định tặng Khổng Tử 700 lý đất. Tể tướng nước Sở là Doãn Tử Tây khuyên vua: "Đại vương, ngài biết Khổng Tử có đệ tử Tử Cống là một người có tài ngoại giao xuất chúng, Đại vương có sứ giả ngoại giao nào có thể sánh được với Tử Cống không?"
Sở Chiêu Vương nói:"Không có!"
Tể tướng lại nói: "Đại vương, ngài có biết Khổng Tử có đệ tử Nhan Hồi có tài phò tá không, Đại vương có được nhân tài nào có thể sánh với Nhan Hồi không?"
Sở Chiêu Vương trả lời:"Không có!"
Tể tướng lại nói: "Đại vương, ngài có biết Khổng Tử có đệ tử Tử Lộ là một võ tướng kiệt xuất không, Đại vương có tướng sĩ nào sánh với Tử Lộ không?"
Sở Chiêu Vương trả lời:"Không có!"
Tể tướng lại nói: "Đại vương, ngài có biết Khổng Tử có đệ tử Tể Dư có năng lực làm việc xuất sắc không, Đại vương có vị quan chính trị nào sánh được với Tể Dư không?"
Sở Chiêu Vương trả lời:"Không có!"
Cuối cùng tể tướng khuyến cáo Sở Chiêu Vương rằng: "Khi tiên tổ của nước Sở được phong tước vào thời kỳ đầu của nhà Chu, lúc đó nước Sở là một chư hầu, đất đai chỉ có 50 lý, ngày nay nước Sở đã trở thành một nước lớn, đất đai mở rộng vài ngàn lý. Mà Khổng Tử về mặt chính trị lại chủ trương khôi phục, chấn hưng lễ nghi đời Chu. Nếu Đại vương để Khổng Tử nắm việc chính trị thì đất đai rộng lớn mà nước Sở chinh phạt được sẽ phải trả nước khác, như vậy nước Sở còn có thể có được đất đai rộng lớn cho muôn đời nữa không? Lại còn chuyện Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương lúc đầu chỉ dựa vào một trăm lý đất ở Phong, Hạo mà thống nhất thiên hạ. Nếu cho Khổng Tử bảy trăm lý đất, ông ấy cùng các đồ đệ của mình có thể dựa vào đó để phát triển thành một cường quốc mạnh ngang với nước Sở, rồi tiến tới thống nhất thiên hạ.
Sở Chiêu Vương nghe xong liền từ bỏ ý định của mình.
* Tể tướng phân tích, thuyết lý như thế nào, chúng ta đều đã rõ. Qua đây ta thấy Khổng Tử chu du khắp đất nước, tới đâu cũng gặp tường chắn rào ngăn. Khổng Tử đã học tập cách làm của Thang, Vũ: đi theo con đường "cách mạng vũ trang", không dựa vào bất kỳ nước nào, nhưng cuối cùng Khổng Tử không chọn con đường đó, vậy là vì lẽ gì? Đây là điểm khác biệt của Khổng Tử, ông coi trọng việc truyền bá lịch sử, văn hóa nhân loại, suốt đời phụng sự sự nghiệp giáo dục văn hóa tư tưởng!" Theo Khổng Tử thì đây mới là thiên chức của ông!"
KHỔNG TỬ KÉN RỂ
Khổng Tử có một người anh em cùng cha khác mẹ tên là Bá Ni. Bá Ni mất sớm, để lại một người con gái cho Khổng Tử nuôi dưỡng. Khổng Tử cũng có một người con gái. Thời gian trôi đi, cháu gái và con gái đã trưởng thành, trở thành các thiếu nữ xinh đẹp. Một ngày nọ Khổng Tử cảm thấy đã đến lúc phải lo việc trăm năm cho họ.
Chính lúc đó Khổng Tử nghe phía ngoài cổng có người ngâm nga "Thi kinh" (thuộc Kinh thi): "Thận nhĩ xuất thoại, kính nhĩ uy nghi, vô bất nhu giã. Bạch khuê chi điếm, bất khả vi giã". Ý câu này là: Nói năng cử chỉ phải thận trọng, lễ độ, mềm mại và duyên dáng. Ngọc trắng có vết còn có thể dùng sức để mài giũa, nếu lời nói cử chỉ có vết nhơ thì không thể thu lại được.
Khổng Tử nghe biết là Nam Dung, học trò của mình ngâm bài thơ để tự răn, trong bụng thầm khen ngợi!"
Ngày thứ hai Nam Dung bái kiến Khổng Tử, thỉnh giáo một việc: "Hậu Nghệ nhờ có vũ dũng và tài bắn tên mà làm vua Hữu Cùng, sau muốn xưng bá vương nhưng không thành, bị giết chết. Ngạo có sức khỏe phi thường, một tay nhấc được một chiếc thuyền đang chạy dưới nước lên bờ và kéo lê nó trên mặt đất nhưng kết cục người này cũng bị giết. Còn Hạ Vũ và Hậu Tắc đều là những người bình thường, thật thà chất phác, chỉ biết chăm chỉ cày cấy, cuối cùng đều giành được thiên hạ. Tại sao lại như thế?"
Khổng Tử nghe rồi chỉ mỉm cười không trả lời, ông cho rằng Nam Dung đã tự trả lời được câu hỏi này. Còn Nam Dung cũng nhận được sự đồng tình từ trong nụ cười của Khổng Tử, bèn lui ra.
Khổng Tử thấy Nam Dung có một ưu điểm: Khi nước nhà chính cục ổn định, ông biết phát huy tài năng. Khi nước nhà có động loạn, ông biết tự giấu mình, tránh khỏi bị hại. Bây giờ xã hội tuy đang trong thời kỳ hỗn độn, nhưng Nam Dung nguyện làm một người bình thường chứ không hùa theo những thay đổi trong xã hội hay lợi dụng để làm điều bất nghĩa. Vì thế Khổng Tử đã gả cháu gái cho Nam Dung.
Khi Khổng Tử đang nghĩ nên gả con gái cho ai thì bỗng nghe tin học trò Công Dã Trường bị bắt tống lao. Ý nghĩ đầu tiên của Khổng Tử là nếu Công Dã Trường bị ngồi tù thực, thì đây chắc chắn không phải do anh ta phạm sai lầm gì, mà vì một nguyên nhân khác
Quả nhiên mấy ngày sau Công Dã Trường bình an vô sự trở về. Ngay cả duyên cớ gì bị bắt mấy ngày, Khổng Tử cảm thấy cũng không cần tìm hiểu. Điều mà Khổng Tử thấy được là trong thời gian Công Dã Trường ngồi trong nhà giam, anh ta vẫn bình thản ung dung như không có việc gì xảy ra vậy. Dựa vào điểm này, cộng thêm những điều đã biết về Công Dã Trường, Khổng Tử cho rằng Công Dã Trường tự biết mình, không tham lam vô độ, bèn quyết định gả con gái cho anh ta.
* Những điều ghi chép trong "Luận ngữ" về Nam Dung, Công Dã Trường không nhiều. Điều này chứng tỏ họ là những người bình thường. Thế thì tại sao Khổng Tử lại chọn họ làm con rể? Việc này chứa đựng những triết lý về nhân sinh đáng phải suy nghĩ. Mỗi người chỉ có tự giác, biết giác ngộ thì mới có thể có được nhân sinh thực sự. Trong thế gian, loại nhân sinh quan này không tỏa hào quang lấp lánh, nhưng chính nó lại có được nội dung nhân sinh chân chính.
THẦN LINH Ở ĐÂU?
Khổng Tử ốm, bệnh rất nặng, mãi vẫn không thấy có chuyển biến gì. Tử Lộ rất lo lắng, xin với thầy:"Thưa thầy, xin thầy cho con đến miếu cầu thần linh bảo vệ cho thầy."
Khổng Tử nói:"Có thần linh thật sao?"
Tử Lộ trả lời: "Có ạ, văn tế cổ đại chẳng đã nói, người cần phải cầu các thần linh trên trời dưới đất."
Nghe xong Khổng Tử gợi ý cho Tử Lộ:"Thật vậy à?"
Nếu vậy ta hàng ngày vẫn cầu xin thần đấy! Kết quả vẫn ốm đau, thế là vì sao?"
Tử Lộ nghe có phần hiểu ra nhưng vẫn còn ngơ ngác
Ông vẫn muốn hỏi thêm Khổng Tử, nhưng vì Khổng Tử đang ốm nên đành phải chờ dịp khác
Về sau, khi Khổng Tử đã khỏi bệnh, Tử Lộ lựa dịp hỏi Khổng Tử rằng: "Thưa thầy, con người cần phải tế lễ quỷ thần như thế nào? Giao tiếp với quỷ thần như thế nào?"
Vẫn bằng cách gợi ý, Khổng Tử nói với Tử Lộ: "Nếu một người vẫn chưa làm tốt được bổn phận của mình thì làm sao có thể giao tiếp được với quỷ thần?"
Tử Lộ mạo muội hỏi Khổng Tử rằng:"Thế thì cuối cùng người ta chết đi sẽ như thế nào?"
Khổng Tử trả lời: "Cũng tương tự như trên, nếu trong cuộc sống ta vẫn chưa thực hiện tốt được bổn phận làm người, không nhận thức được mình, sống hồ đồ, uổng phí, thì khi đến điểm chót của cuộc đời làm sao tỉnh táo được?"
Làm sao có thể giác ngộ, làm sao có thể nhận thức được mặt kia của cuộc đời?".
* Cái gọi là "thần" cuối cùng nằm ở đâu? Khổng Tử nói hàng ngày ông đều "cầu" thần là thế nào? Kỳ thực "thần" tức là "thành" (thành thực), nằm ngay trong lòng mỗi người. Chỉ cần lúc nào cũng khiêm tốn, thành thực thì bạn đã có thần rồi!" Đây chính là "nhân", "thần" hòa hợp làm một. Chỉ cần đạt được mức độ tu dưỡng như vậy thì người ta có thể nhận thấy âm dương không khoảng cách, sinh tử quan hệ mật thiết với nhau.
TĂNG TỬ HỎI VỀ CHỮ TÍN
Tăng Tử hỏi Khổng Tử: "Thưa thầy, người ta làm thế nào mới có được lòng tin của người khác và đặt niềm tin của mình vào người khác?"
Khổng Tử không trả lời mà hỏi lại Tăng Tử:"Vì sao con lại hỏi như vậy? Nhất định con có tâm sự gì phải không?"
Khổng Tử nói đúng! Trước đây Tăng Tử từng sống trên đất Phí của nước Lỗ. Đất Phí có một người trùng tên trùng họ với Tăng Tử, người này phạm tội giết người. Có người chạy tới nhà nói với mẹ Tăng Tử là "Tăng Sâm giết người!"
Mẹ Tăng Sâm trả lời:"Con tôi không bao giờ giết người!" Nói rồi bà tiếp tục dệt vải.
Một lúc sau, lại có một người chạy đến nói với bà: "Tăng Sâm giết người!" Mẹ của Tăng Sâm vẫn tiếp tục dệt vải.
Sau đó lại có người đến nói rằng: "Tăng Sâm giết người!" Mẹ Tăng Sâm bắt đầu lo sợ, vội vã ném con thoi dệt vải, hốt hoảng trèo tường chạy trốn.
Khổng Tử nghe xong câu chuyện không bình luận lẽ đúng sai, nhưng ông cũng kể câu chuyện khó quên của mình khi đi chu du các nước.
Đó là vào lúc Tăng Tử và các học trò bị vây ở giữa nước Trần và nước Thái, sáu, bảy ngày không được ăn cơm. Đến ngày thứ tám, khó khăn lắm Tử Cống mới lấy được một ít gạo từ ngoài vào, giao cho Nhan Hồi nấu cơm.
Nhan Hồi nấu được cơm liền mở vung cho đỡ nóng.
Không ngờ có một ít bụi rơi từ trên tường xuống, trúng nồi cơm. Nhan Hồi vội vã bốc bỏ nắm cơm bị bụi bẩn rơi vào, đang định ném bỏ, nhưng thấy không đành liền đưa nắm cơm vào miệng và nuốt đi.
Đúng lúc đó Tử Cống ở ngoài bước vào. Tử Cống ngạc nhiên, cho rằng Nhan Hồi ăn vụng!"
Tử Cống đến trước mặt Khổng Tử hỏi rằng: "Người quân tử lúc khó khăn có thay đổi khí tiết không?
Khổng Tử trả lời:"Thay đổi khí tiết còn gọi gì là quân tử nữa?"
Tử Cống liền nói: "Nhan Hồi từ trước đến nay chẳng phải vẫn nổi tiếng là người đức hạnh? Thế nhưng con vừa nhìn thấy Nhan Hồi bốc trộm cơm ăn!"
Nghe vậy Khổng Tử lúc đầu không tin, nhưng sau đó lại nghĩ rằng Tử Cống cũng không dám nói đùa như vậy. Thế là Khổng Tử bán tín bán nghi, cho gọi Nhan Hồi đến nói: "Đêm qua thầy ngủ mơ thấy tiền nhân hiện về muốn giúp thầy trò ta nhanh thoát hiểm. Bây giờ con nấu cơm được rồi hãy để chúng ta khấn tổ tiên trước đã, sau đó hãy ăn!".
Nhan Hồi nghe rồi liền trả lời:"Cơm tuy đã nấu xong nhưng vừa rồi bị bụi bẩn trên tường rơi vào, con bốc định ném đi nhưng thấy tiếc nên đã ăn rồi. Như vậy mà tế thì không được tinh khiết!"
Khổng Tử kể câu chuyện trên cho Tăng Tử nghe, tự trách rằng: "Bản thân ta lẽ ra không nên nghi ngờ và gọi Nhan Hồi đến hỏi như vậy mới phải! Người ta muốn có được niềm tin vào người khác thì trước hết phải tin vào bản thân, tin vào niềm tin của mình đối với người khác!"
* Muốn đặt niềm tin vào người khác, điều mấu chốt là phải dựa vào phẩm chất con người của mình, mọi người đều nghĩ được như vậy; nhưng việc tin tưởng vào người khác cũng lại do mình quyết định, chứ không phải quyết định bởi người mà mình tin. Đây chính là đặc điểm của tư tưởng "yêu cầu ở chính mình" của Khổng Tử. Một người chỉ có niềm tin ở mình thì mới có thể tin ở người! Nếu bản thân mình không đủ niềm tin, thế thì dựa vào cái gì để mình hoàn toàn tin tưởng vào người khác? Ngoài ra, cái gọi là tin tưởng chung chung vào người khác đều là có ý hy vọng. Nhưng sự tín nhiệm sâu sắc và thuần khiết phải là "tin nhi bất kỳ", tức là tin chứ không phải là hy vọng hay kỳ vọng. Loại niềm tin này được bắt nguồn từ phẩm chất đúng đắn tốt đẹp tự nội tâm của mỗi người, là niềm tin của trời đất!"
BUỒN VUI HÒA QUYỆN
Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Thưa thầy, nguyên tắc lập thân xử thế của thầy, hay nói cách khác, cơ sở quan điểm sống của thầy là gì?".
Khổng Tử trả lời: "Nói một cách tổng quát thì đó là: chí ở đạo, giữ lấy đức, dựa vào thân, vui với nghề nghiệp."
Tử Cống thưa:"Thầy có thể giải thích rõ hơn không ạ?"
Khổng Tử giải thích: "Đạo lý ở đời rất cao rộng sâu xa, "chí" ở đạo có nghĩa là đặt chí hướng vào đạo lý cao rộng.
"Đức" là bản chất nội tại của con người, giữ lấy đức tức là luôn giữ vững bản chất của con người, sống và làm việc một cách chân thực, nếu tách rời điểm này thì đời người sẽ mất gốc."Nhân" tức là lòng tốt của con người, được bộc lộ tự nhiên, cũng là sự tu dưỡng tự nguyện của con người."Dựa vào thân" tức là đòi hỏi ở bản thân, tích cực giúp đỡ người khác, trở thành người hoàn thiện, thành đạt đúng như điều mong ước, nếu không có nhân nghĩa thì hành động không còn mang ý nghĩa xã hội nữa; còn "nghề nghiệp" được tổng kết thành sáu mặt là lễ, nhạc, săn bắn, đánh xe cưỡi ngựa, sách học sinh, toán số."Vui với nghề nghiệp" tức là hiểu rộng biết nhiều, thông thạo nhiều ngành nghề, nếu không thì không thể nên người."
Tử Cống nói thêm: "Thưa thầy, riêng thầy đã giữ được đức và vui với đạo, vậy thì đối với xã hội và thời buổi chúng ta đang sống, thầy có thấy phải lo nghĩ điều gì không?
Khổng Tử trả lời: "Câu hỏi của trò rất hay, xã hội chúng ta đang sống đang trong giai đoạn quá độ, rất nhiều người không còn chú ý tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ tư tưởng mà chỉ chăm lo cuộc sống trước mắt, chạy theo cái lợi nhìn thấy, theo đuổi công danh phú quý mà bỏ qua học vấn và đạo đức chân chính. Cho dù họ có nghe người khác đưa ra lý lẽ đúng đắn thì cũng chẳng muốn sửa đổi hoặc không thể sửa đổi, đành chấp nhận và hứng chịu mọi sức ép do hoàn cảnh xã hội gây ra, gò mình vào khuôn phép lề thói cũ hoặc phó mặc cho nước chảy bèo trôi. Đó là tất cả những điều khiến thầy phải lo nghĩ!"
* Phạm Trọng Yêm có câu nói: "Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", đây quả là câu danh ngôn thấu tình đạt lý, từ xưa tới nay đã khích lệ biết bao người có nhân có chí vươn tới ước mơ cao đẹp. Khổng Tử được coi là bậc thánh nhân đạt đến trình độ tư tưởng vĩ đại và thế giới tinh thần phong phú, bởi vậy, mối lo và niềm vui của ông cũng rất trọn vẹn. Ông vui với đạo đức cao cả và tâm hồn trong sáng của mình, đồng thời lo lắng trước những thói hư tật xấu mang tính thời đại đang tồn tại trong xã hội đương thời. Giả thiết rằng Khổng Tử sống trong thời đại ngày nay và chúng ta hỏi ông đang lo lắng điều gì, có lẽ chúng ta vẫn nhận được câu trả lời như thế.
RÙA THẦN KHÔNG THIÊNG
Khi giữ một chức quan đứng đầu địa phương tại nước Vệ, Tử Lộ có nghe dân trong vùng kể một câu chuyện nhưng mãi vẫn chưa hiểu được hàm ý ẩn chứa trong đó.
Một hôm, nhân lúc Khổng Tử đến du ngoạn ở đó, Tử Lộ bèn đem câu chuyện hỏi thầy: "Thưa thầy, trò nghe được câu chuyện do nhân dân trong vùng kể lại, nhưng mãi vẫn chưa hiểu ý nghĩa sâu xa của nó."
Khổng Tử nói:"Trước hết trò hãy kể lại câu chuyện đó cho thầy nghe đã."
Tử Lộ thuật lại câu chuyện như sau: Vệ Linh Công một đêm ngủ mơ thấy có một con rùa thần nằm ở khe cửa nhìn trộm, nó nói: "Thưa Vệ Linh Công, rùa tôi vốn sinh sống tại một đầm thiêng trong hẻm ở gần đây. Mấy hôm vừa rồi trời nóng bức, có mấy đứa trẻ trong vùng đến chơi ở đó, tôi sơ suất bị chúng tóm được, hiện chúng đang nhốt tôi trong một cái chậu rửa mặt, nghe đâu trưa mai sẽ đem giết thịt tôi. Xin đức vua cử người đến cứu mạng!"
Sáng hôm sau, khi ngủ dậy, Vệ Linh Công liền bảo thầy bói bói cho một quẻ về giấc mơ đêm qua. Thầy bói trả lời:"Quả đúng, đó là một con rùa thần."
Vệ Linh Công lập tức sai người đến khu vực được rùa chỉ, tìm thấy mấy đứa trẻ, gạn hỏi thì được biết, có mấy đứa trẻ hôm qua bắt được một con rùa lớn. Vệ Linh Công liền cho người đem kẹo bánh và đồ chơi thưởng cho bọn trẻ và bảo các cháu về nhà mang con rùa dâng lên vua.
Khi rùa được mang đến, Vệ Linh Công xem kỹ thấy đúng như con rùa đã nhìn thấy trong giấc mơ. Vua băn khoăn khó nghĩ, vừa muốn nuôi con rùa đó lại vừa muốn giết thịt để thưởng thức vị thơm ngon mát bổ của thịt rùa.
Vua đành nhờ thầy bói xem quẻ, thầy bói nói: "Rùa này không nên nuôi mà cũng chẳng nên giết thịt, nên giết làm vật bói toán, như thế mới nghiệm được điều tốt lành".
Vua bèn hạ lệnh giết rùa thần để bói, quả nhiên rất linh nghiệm.
Nghe xong câu chuyện này, Khổng Tử liền răn dạy: "Thật đáng tiếc, rùa thần đã thác mộng cho Vệ Linh Công, mà vẫn không thoát khỏi trò đùa của lũ trẻ, vì trí thông minh của nó có thể bói đúng mọi sự trên đời, thế mà lại không biết trước để tránh tai họa cho mình. Thế mới biết rằng, kẻ khôn ngoan cũng có lúc gặp nguy biến, thần linh vẫn có những điều bất cập. Thứ quý nhất đối với con người chính là tự biết mình!"
* Chúng ta thường nghe thấy người ta ca tụng ai đó rất tài, việc gì cũng biết, nhưng người quân tử thiếu sự hiểu biết về chính bản thân mình, thì cái gọi là "điều gì cũng biết" chẳng qua cũng chỉ là thiếu sáng suốt (theo cách nói nhà Phật). Đó cũng là nỗi bất hạnh lớn!"
MỘT MÌNH ĐI VỀ THIÊN CỔ
Khổng Tử lại bị ốm khá nặng. Tử Lộ hết sức lo lắng, trong bụng nghĩ: "Thầy ta hoàn toàn đủ tư cách và năng lực để trở thành một vị hoàng đế anh minh! Bây giờ chính là lúc thu xếp để thầy lên ngôi hoàng đế". Nghĩ vậy, Tử Lộ liền hô hào, tổ chức mọi người, đưa Khổng Tử lên ngôi hoàng đế hoặc lãnh tụ của một tổ chức xã hội, còn đám học trò thì được bố trí vào các chức vụ đại thần cai quản các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, v.v...
Một thời gian sau, bệnh tình của Khổng Tử bắt đầu thuyên giảm, khi biết chuyện, ông liền bảo Nhan Hồi đang túc trực bên giường bệnh gọi Tử Lộ vào để hỏi chuyện.
Tử Lộ vào phòng liền thưa ngay:"Thưa thầy, chúng ta hãy thành lập một tổ chức chính trị!"
Khổng Tử nói:"Có cần thiết làm chuyện đó không?"
Trong cuốn Thư kinh có đoạn nói rằng: Hiếu đạo mới là điều căn bản nhất! Chỉ cần ai đó hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh em, hòa thuận với bạn bè thì sẽ dần dần gây được ảnh hưởng và tác dụng với chính trị xã hội. Chính vì vậy, "tề gia" và "trị quốc" gắn liền với nhau, nền chính trị xã hội được thể hiện trong từng gia đình lại ảnh hưởng và tác động trở lại đối với nền chính trị xã hội. Nếu đã như vậy thì mỗi người hãy làm tròn bổn phận của mìmh, như vậy là đã tham gia chính sự, việc gì phải trực tiếp tham dự vào một cơ cấu chính quyền nào đó?
Tử Lộ tỏ vẻ sốt sắng: "Thưa thầy, chúng con đã cùng nhau tổ chức thành một chính thể nhà nước mà thầy sẽ làm vua, chúng con chia nhau làm đại thần."\
Nghe xong Khổng Tử nói trong tiếng thở dài, vừa như trách mắng Tử Lộ, lại có vẻ như trách mình:"Không thể ngờ rằng, khi thầy ốm nặng, trò lại làm những điều lừa dối như vậy! Ta chẳng qua cũng chỉ là một người dân bình thường, làm sao bên ta lại có các vị đại thần? Sự việc đã đến nước này, lẽ nào lại bắt ta tiếp tục lừa dối thiên hạ, lừa dối cả trời cao? Là do ta chưa dạy dỗ trò đến nơi đến chốn nên mới xảy ra chuyện này!"
Nói đến đây giọng Khổng Tử trở nên chậm rãi, ông nhìn các học trò Nhan Hồi, Tử Lộ với ánh mắt trìu mến và nói tiếp:"Nói nhẹ nhàng hơn một chút, nếu để thầy chết trong tay các đại thần với mối quan hệ vua tôi thì chẳng bằng để thầy chết trên tay các trò trong mối quan hệ thầy trò! Có phải các trò cho rằng sau khi thầy chết sẽ không được hưởng nghi thức trọng thể không? Điều đó chẳng sao. Nếu có ý bày đặt phúng viếng linh đình một cách giả tạo, thì thà ta chết bên đường, lặng lẽ rời khỏi thế gian này còn hơn!"
* Có người nhận xét rằng: Trong cuộc đời mình, Khổng Tử hay cố làm những việc mà tự biết sức mình không làm nổi, nên cuối cùng thường chuốc lấy thất bại. Nhận xét này có thể đúng với thực tế. Nhưng đó chỉ là một cách nhìn nhận của người đời. Trong thực tế, mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của ông đều không vượt ra khỏi khả năng thực sự, tất cả đều mang ý nghĩa nhân sinh chân thực. Hãy thử so sánh với các bậc vua chúa, quan lại sống cùng thời với ông và bao kẻ mải chạy theo danh lợi, ăn chơi, liệu có ai để lại dấu vết trong sử sách? Hay tất cả sẽ trôi qua như mây khói ảo ảnh? Ai cũng phải thừa nhận rằng chỉ có một mình Khổng Tử có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử văn hóa Trung Quốc.
NGUYÊN HIẾN VỀ SỐNG ẨN DẬT
Nguyên Hiến tên chữ là Tử Ân, là học trò của Khổng Tử, từng giữ chức Tổng quản trong nhà Khổng Tử. Khổng Tử cấp cho ông ta bổng lộc, nhưng Nguyên Hiến từ chối không nhận. Khổng Tử nói với Nguyên Hiến: "Trò không nên từ chối, nếu trò không tiêu hết số tiền đó thì hãy đem cứu tế cho bạn bè thân thích đang sống trong cảnh nghèo khổ."
Một hôm, Nguyên Hiến hỏi Khổng Tử: "Thưa thầy, điều gì được cho là sỉ nhục đối với người quân tử?"
Khổng Tử nói:"Khi đất nước và xã hội bình yên, chính trị ổn định, người quân tử đứng ra làm những việc thiết thực cho xã hội, cho đất nước. Ngược lại, khi tình hình chính trị đất nước không ổn định, xã hội loạn ly, nếu người quân tử vẫn hưởng bổng lộc mà chẳng làm được gì thì đó chính là điều sỉ nhục".
Sau khi Khổng Tử qua đời, Nguyên Hiến ghi nhớ lời dạy bảo của thầy, cho rằng thiên hạ đang gặp thời loạn lạc chính là lúc người quân tử không nên đứng ra gánh vác, vì thế ông lui về sống ẩn dật
Nguyên Hiến dựng túp lều trong bụi cỏ lau, mái lợp tranh, cửa liếp đan bằng cọng cỏ dại, lấy chum vỡ làm cửa sổ. Khi trời mưa thì nước dột từ nóc xuống làm nền nhà ẩm ướt. Bất chấp mọi thứ, Nguyên Hiến hàng ngày vẫn ca hát không ngừng, sống vui vẻ trong lều tranh.
Tử Cống cho rằng cách sống của bạn học cũ Nguyên Hiến chẳng có gì đáng ca ngợi, tuy nhiên trong lòng vẫn cảm phục. Một hôm, Tử Cống thu xếp đi thăm Nguyên Hiến, ông mặc tấm áo khoác trắng tinh, cưỡi trên lưng con ngựa lớn, sau lưng cho một đám tùy tùng oai vệ theo hầu.
Có người mách trước cho Nguyên Hiến biết, ông liền đội mũ lá sờn rách, đi giày cỏ cũ nát, chống gậy cành lê ra đón ở cửa.
Tử Cống đến trước lều, thấy bộ dạng của Nguyên Hiến như vậy, trong lòng thấy đắc ý, cười đùa rằng:"Coi kìa, ông bạn cũ hình như đang bị ốm phải không?".
Nguyên Hiến trả lời không chút khách sáo: "Ngày trước tôi được thầy của chúng ta dạy rằng: Người không có tiền của thì gọi là nghèo, kẻ có học mà không biết vận dụng vào thực tế thì đáng gọi là bệnh hoạn. Như vậy hiện nay tôi đúng là kẻ nghèo nhưng không phải là bệnh, còn ông mới là người đang mắc bệnh trầm trọng đấy!"
Tử Cống nghe xong cảm thấy hổ thẹn, tự biết vừa rồi mình có câu nói đùa quá vô duyên. Từ đó Tử Cống càng kính nể Nguyên Hiến hơn.
* Vì sao Nguyên Hiến lại lui về ở ẩn? Hiển nhiên hành động đó trước hết được quyết định bởi nhận thức tư tưởng của ông và hoàn cảnh lịch sử lúc đó, nhưng điều này cũng có mối quan hệ với lời dạy bảo của Khổng Tử. Trong thực tế, Khổng Tử ít nhiều cũng theo suy nghĩ của người ẩn sĩ. Về điểm này xưa nay phần lớn giới học giả có xu hướng phủ nhận hoặc không muốn chỉ ra. Sở dĩ họ muốn phủ nhận là do ngay từ đầu họ đã nhận định Khổng Tử là con người "biết rõ không làm được mà vẫn làm", còn vì sao lại không muốn chỉ ra, là vì sợ làm sứt mẻ hình tượng Khổng Tử. Nói cho cùng thì hai điều né tránh này đều không cần thiết. Tính cách của con người vốn dĩ hết sức phong phú và phức tạp! Vậy thì tại sao chúng ta lại không chấp nhận và thưởng thức điều đó?"
BA NGƯỜI HỌC TRÒ BÀN VỀ LỄ
Tử Hạ và Tử Du đang nói chuyện về lễ nhạc thì Tử Trương dắt theo một người bạn tới giới thiệu. Sau khi người bạn đó ra về, Tử Hạ liền nói với Tử Trương: "Bạn của anh có ba điều thất thố: Vừa nhìn thấy tôi đã vui cười không giữ ý, làm mất vẻ nghiêm túc, đó chính là biểu hiện của thói nông nổi; phát biểu quan điểm mà chẳng trích dẫn lời dạy của các bậc thầy như thế là thiếu tôn sư trọng đạo, đó là biểu hiện của thói ngạo mạn khinh người; vừa mới gặp nhau lần đầu, chưa quen biết mà đã nói đủ mọi chuyện, như vậy là chẳng hiểu gì phép tắc lễ nghĩa thông thường, đó là biểu hiện của tính bỗ bã."
Tử Trương biện bạch rằng: "Bạn tôi cười với các anh chính là muốn bày tỏ tình hữu hảo; nói chuyện không cần trích dẫn lời dạy của thầy, chứng tỏ là người uyên bác; không cần phân biệt thứ bậc sang hèn, mới gặp nhau lần đầu đã nói đủ mọi chuyện, đó chính là thể hiện lòng tin cậy chân thành.
Dạo đó, tất cả các anh đều chưa họp mặt, chỉ có tôi và Tử Lộ cắp tráp theo hầu thầy. Trên đường đi, thầy gặp một vị quân tử người nước Tề tên là Trình Bản Tư, mới gặp nhau lần đầu mà đã thân thiết như bạn cũ lâu ngày, mải vui câu chuyện, bất giác nửa ngày trời đã trôi qua.
Thầy cảm thấy đã muộn, liền quay đầu bảo Tử Lộ đang đứng bên cạnh: "Tử Lộ, hãy lấy ra mười tấm lụa để biếu Trình tiên sinh nhé".
Tử Lộ giả bộ như không nghe thấy.
Thầy cũng chẳng nói gì thêm, tiếp tục trao đổi với ông Trình. Một lúc sau, thầy quay lại nhắc Tử Lộ:"Tử Lộ mau lấy ra mười tấm lụa để biếu Trình tiên sinh!"
Tử Lộ trả lời thẳng thừng: "Ngày trước con nghe thầy dạy rằng: Người quân tử không tiếp khách trên đường, cũng như lấy vợ mà không thông qua mối lái."
Thầy giải thích rằng: "Trong "kinh thi" chẳng phải đã có câu này rồi sao: "Cỏ thơm lan khắp cánh đồng, giọt sương long lanh đón tia nắng sớm". Nếu bỗng nhiên xuất hiện một cô gái đẹp từ xa đi đến, mặt mày sáng sủa, dáng điệu thướt tha, chẳng hẹn hò gì chỉ gặp nhau tình cờ, nhưng anh cũng ưa mà tôi cũng mến, có phải không! Hơn nữa, Trình tiên sinh đây là một bậc hiền tài nổi tiếng trong thiên hạ, xứng đáng là người quân tử đức độ hơn người.
Nếu thầy bỏ lỡ mất cơ hội này thì sau này đâu dễ gặp lại.
Trò hiểu không, không có gì quý hơn tình cảm chân thành!"
Ta không nên vi phạm vào quy tắc lớn, nhưng cũng đừng câu nệ vào các chi tiết lễ nghĩa nhỏ nhặt.
* Sự bộc lộ tự nhiên của tình cảm chân thành chính là lễ nghĩa cao nhất, nếu chỉ chạy theo những lễ giáo khuôn sáo cứng nhắc thì chẳng khác gì gọt chân cho vừa giày. Hơn nữa, từ đó còn sinh ra một thứ lễ nghĩa giả tạo, không thực sự chân thành. Khi người ta quen dần với những lề thói đó, không ai nghĩ đến chuyện xem xét sửa đổi nữa thì sẽ đến lúc thật giả lẫn lộn, đến mức những lời chân thành, những việc làm đúng đắn lại bị người đời nghi hoặc cười chê, thật đáng buồn thay!
QUÂN TỬ NGHỈ NGƠI RA SAO
Tử Cống theo học Khổng Tử nhiều năm, tự đánh giá về kiến thức và đức độ đều có bước tiến bộ đáng kể.
Nhưng theo nhận xét của Nhan Hồi, thì Khổng Tử thuộc hàng vĩ nhân càng tìm hiểu càng thấy sâu, càng chiêm ngưỡng càng thấy đáng kính, dạy bảo học trò không biết mệt mỏi, luôn cuốn hút người khác. Vì vậy, Tử Cống cảm thấy học hành tu dưỡng không có giới hạn, học bao nhiêu cũng chưa đủ, nhưng bản thân có phần mệt mỏi, lực bất tòng tâm. Thế là nảy ra ý định xin Khổng Tử cho nghỉ một thời gian để xả hơi.
Hôm đó, nhân lúc Khổng Tử rảnh rỗi, Tử Cống đến xin: "Thưa thầy, con theo học thầy đã nhiều năm, được thầy chỉ bảo, con đã có bước tiến bộ nhất định, đến nay, con cảm thấy tài trí của mình đã đến một hạn độ không thể tiến triển thêm được nữa. Vì vậy, con muốn xin thầy cho nghỉ ngơi một thời gian."
Khổng Tử nói:"Con muốn nghỉ ngơi ư? Vậy con định nghỉ ngơi như thế nào?"
Tử Cống thưa:"Con muốn đi theo đức vua để được nghe sai khiến."
Khổng Tử gay gắt:"Muốn phụng sự đức vua thì phải cần mẫn chăm chỉ, ví như trượt trên một lớp băng mỏng, chuyện đó đâu phải dễ, làm sao con có thể nghỉ ngơi được?"
Tử Cống lại nói:"Vậy thì cho con về quê phụng dưỡng cha mẹ".
Khổng Tử lại nói: "Muốn phụng dưỡng cha mẹ thì một mặt phải vất vả làm giàu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất của cha mẹ, mặt khác phải cung kính hiếu thuận, làm cha mẹ cảm thấy thoải mái. Như thế thì con nghỉ ngơi vào lúc nào?"
Tử Cống nài xin:"Cho con về nhà vui thú với vợ con được không?"
Khổng Tử nói: "Cuộc sống gia đình muốn được hạnh phúc mỹ mãn thì vợ chồng phải hòa thuận ăn ý, con cái ngoan ngoãn chăm học, xem ra cũng chẳng dễ dàng gì!"
Liệu con có nghỉ ngơi được không?"
Tử Cống đành phải xuống nước: "Thôi thì cho con về quê cày ruộng vậy, những việc khác con không làm nữa."
Khổng Tử bảo: "Thế con tưởng làm ruộng nhẹ nhàng lắm sao? Này nhé, phải kịp cày bừa cho tơi đất, rồi bón phân, gieo cấy đúng thời vụ, tiếp đó là thu hoạch, năm này qua năm khác, vụ tiếp vụ, mùa nối mùa, gian khổ cực nhọc lắm, con còn xả hơi vào lúc nào?"
Tử Cống cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt, đành chất vấn lại thầy: "Như lời thầy nói, thì người quân tử sẽ được nghỉ ngơi vào lúc nào?"
Khổng Tử nói giọng thâm thúy: "Con có thấy dòng sông chảy mãi không ngừng, bất kể ngày đêm, theo tận cùng năm tháng đó không? Sự nghỉ ngơi của người quân tử đại thể cũng giống như vậy!"
Tử Cống tỏ ra vô cùng cảm kích: "Quả là vĩ đại, sự sống không ngừng sinh sôi, phấn đấu không biết mệt mỏi, chỉ đến khi xuôi tay nhắm mắt thì người quân tử mới coi là thực sự nghỉ ngơi."
* Gia Cát Lượng có câu nói nổi tiếng được truyền tụng muôn đời: "Cúc cung tận tụy cho đến chết mới thôi." Khổng Tử là một triết gia như thế. Lương Thấu Minh đã nói câu cuối cùng trước khi chết: "Tôi mệt lắm. Tôi cần được nghỉ ngơi". Ông Trương Đại Niên bình luận về câu nói này như sau: "Câu đó phản ánh sự nghỉ ngơi của người quân tử." Câu này rất khớp với Khổng Tử: "Sống là lo nghĩ, chết là yên vui." Khi còn sống thì vì dân vì nước, lo cho thiên hạ, đến phút lâm chung mới có thể yên lòng nhắm mắt vì không có điều gì phải ân hận.
(Nguồn: Trí tuệ Khổng Tử)