Lê Thái Tổ tên húy là Lê Lợi, là người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh, trở thành vị vua đầu tiên của vương triều nhà Hậu Lê, triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam.
Lê Thái Tổ tên húy là Lê Lợi, là người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh, trở thành vị vua đầu tiên của vương triều nhà Hậu Lê, triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam (tính cả Lê sơ và Lê Trung Hưng). Ông sinh năm 1385 và mất năm 1433, ở ngôi gần 6 năm, thọ 49 tuổi.
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú,... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 19 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416), chính thức phất cờ khởi nghĩa (khởi nghĩa Lam Sơn). Đồng thời ông tự xưng là Bình Định Vương và kêu gọi dân Việt, đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Minh cứu nước.
Trong thời gian đầu, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Hoạt động trong thời gian này chủ yếu ở vùng núi Thanh Hóa. Có những lúc Lê Lợi và quân Lam Sơn phải trốn chạy.
Ngoài quân Minh, Lê Lợi và quân Lam Sơn còn phải đối phó với một bộ phận các tù trưởng miền núi tại địa phương theo nhà Minh và quân nước Ai Lao (Lào) bị xúi giục hùa theo. Dù gặp nhiều gian nan, quân Lam Sơn mấy lần đánh bại quân Ai Lao. Tuy nhiên do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi thường cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng núi, nhiều lần phải ăn rau củ và măng tre lâu ngày; có lần ông phải giết cả voi và ngay cả con ngựa đang cưỡi của mình để cho tướng sĩ cùng ăn.
Theo kế của Nguyễn Chích, năm 1424 Lê Lợi quyết định đưa quân vào đồng bằng Nghệ An. Tháng 6 năm 1425, Lê Lợi lại sai Đinh Lễ đem quân ra đánh Diễn Châu, quân Minh thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Lê Lợi một mặt siết vòng vây quanh thành Nghệ An và Tây Đô, mặt khác sai Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân, Lê Nỗ… đem hơn 1000 quân theo đường bộ đường biển tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá. Như vậy đến cuối năm 1425, cả vùng rộng lớn từ Tân Bình – Thuận Hóa đến Thanh Hóa đã thuộc về nghĩa quân Lam Sơn.
Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lý Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị, Lê Nanh ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí tiến thẳng ra phía nam thành Đông Quan. Đinh Lễ, Nguyễn Xí đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nhân biết Vương Thông định chia dường đánh úp Lý Triện, hai tướng bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan. Lê Lợi được tin thắng trận liền sai Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị chia hai đường thủy bộ tiến ra gần Đông Quan.
Sau khi cắt đứt giảng hoà, Lê Lợi sai các tướng đi đánh chiếm các thành ở Bắc bộ như Điêu Diêu (Thị Cầu, Bắc Ninh), Tam Giang (Tam Đái, Phú Thọ), Xương Giang (phủ Lạng Thương), Kỳ Ôn, không lâu sau đều hạ được.
Đầu năm 1427, ông chia quân tiến qua sông Nhị, đóng dinh ở Bồ Đề, sai các tướng đánh thành Đông Quan. Ông đặt kỷ luật quân đội rất nghiêm để yên lòng nhân dân. Do đó quân Lam Sơn đi đến các nơi rất được lòng dân. Tướng Minh là Thái Phúc nộp thành Nghệ An xin hàng. Lê Lợi sai Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Trãi viết thư dụ đối phương ở các thành khác ra hàng. Nhân lúc quân Lam Sơn vây thành có vẻ lơi lỏng, quân Minh ở Đông Quan ra đánh úp. Lê Triện tử trận ở Từ Liêm, Đinh Lễ và Nguyễn Xí bị bắt ở Thanh Trì. Sau Đinh Lễ bị giết, Nguyễn Xí trốn thoát được.
Cuối năm 1427, vua Minh Tuyên Tông điều viện binh cứu Vương Thông. Nghe tin có viện binh, nhiều tướng muốn đánh để hạ gấp thành Đông Quan. Tuy nhiên, theo ý kiến của Nguyễn Trãi, Lê Lợi cho rằng đánh thành là hạ sách vì quân trong thành đông, chưa thể lấy ngay được, nếu bị viện binh đánh kẹp vào thì nguy; do đó ông quyết định điều quân lên chặn đánh viện binh trước để nản lòng đối phương ở Đông Quan. Ở cửa ải Pha Lũy, các tướng Trần Lựu, Lê Bôi, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Lê Liệt... đem 1 vạn quân tinh nhuệ mai phục ở ải Chi Lăng. Ở cửa ải Lê Hoa, các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Khuyển, Lê Tung lợi dụng địa bàn hiểm trở, làm nhiệm vụ kiềm chế đạo quân Mộc Thạnh.
Tháng 10 năm 1427, đạo quân do Liễu Thăng chỉ huy gồm 10 vạn quân từ Quảng Tây kéo sang. Với cách đánh thông minh, tài giỏi, các tướng lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn đã mưu trí nhử Liễu Thăng sa vào trận địa phục kích ở ải Chi Lăng. Trên sườn núi Mã Yên, Liễu Thăng bị giết chết cùng hàng vạn quân lính. Được tin đạo quân của Liễu Thăng bị nghĩa quân đánh bại, Liễu Thăng chết, đạo quân viện binh của Mộc Thạnh hốt hoảng rút lui. Chiến dịch diệt viện binh cuối năm 1427 của nghĩa quân Lam Sơn với chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang đã chôn vùi hy vọng cuối cùng của quân Minh ở thành Đông Quan. Vương Thông phải xin giảng hòa rút quân về nước. Tháng chạp, Vương Thông rút quân về nước. Các tướng muốn giết họ để trả thù tội ác đối với người dân trong suốt thời gian đất nước dưới ách đô hộ của triều Minh, Lê Lợi không đồng tình vì muốn giữ hòa khí hai nước, cấp thuyền và ngựa cho quân Minh về.
Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo bài Bình Ngô đại cáo để báo cáo cho thiên hạ biết về việc đánh quân Minh. Đây là áng văn chương nổi tiếng, rất có giá trị đời Lê, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài thơ Nam quốc sơn hà.
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428, chính thức dựng lên vương triều nhà Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430).
Thời kỳ dựng lại quốc gia Đại Việt của Lê Lợi thật khó khăn, do hậu quả tận diệt Văn hóa Việt Nam của nhà Minh trước đó. Các tài liệu, thư tịch, văn học, nghệ thuật bị tàn phá nặng nề; các học giả và người tài của Đại Việt bị bắt đem về Trung Quốc,… Nhưng sức bật của một nền văn minh có gốc rễ sâu bền là đáng kinh ngạc. Ngoài xây dựng kinh tế, nhà Lê còn phải đối phó với bạo loạn trong nước. Năm 1430, Lê Thái Tổ sai Thái tử Lê Tư Tề đi dẹp loạn tù trưởng Đèo Cát Hãn. Cát Hãn và con trai là Đèo Mạnh Vượng ra hàng.
Khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã chia nước ra làm bốn đạo, nay lại đặt thêm một đạo nữa gọi là Hải Tây đạo, gồm cả Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa. Trong các đạo, đạo nào cũng có quan Hành khiển để giữ sổ sách về việc quân-dân. Còn như các xã-thôn thì cứ xã nào có hơn 100 người trở lên, gọi là đại xã, đặt ba người xã quan; xã nào có 50 người trở lên, gọi là trung xã, đặt hai xã quan; xã nào có 10 người trở lên gọi là tiểu xã, đặt một người xã quan để coi việc trong xã.
Về việc học hành, trường Quốc Tử Giám ở đất kinh đô để cho con cháu các quan viên và những người thường dân có khả năng vào học tập; mở nhà học và đặt thầy dạy nho học ở các phủ và các lộ. Rồi lại bắt các quan văn vũ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi Minh kinh khoa, nghĩa là quan văn thì phải thi kinh sử, quan vũ thì phải thi vũ kinh. Ở các lộ cũng mở khoa thi Minh kinh để cho những người ẩn dật ra ứng thí mà chọn lấy nhân tài.
Những người theo đạo Phật, đạo Lão cũng phải thi kinh điển những đạo ấy; hễ ai thi đỗ thì mới được làm sư hoặc làm đạo sĩ, ai thi trượt thì phải về quê làm ăn.
Về luật pháp, Lê Thái Tổ cho đặt ra bộ luật mới theo như hình luật của nhà Đường: có tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tội tử.
Về kinh tế, bấy giờ thường những người không công lao thì lắm ruộng nhiều nương, mà những kẻ phải đánh đông dẹp bắc, lúc về không có đất. Vì thế ông định ra phép quân điền để lấy công điền, công thổ mà chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng, khiến cho sự giàu nghèo ở trong nước khỏi chênh lệch.
Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua đời vào ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch năm 1433, hưởng dương 49 tuổi. Vì nhớ công Lê Lai chết thay cho mình ở núi Chí Linh trước kia, ông dặn lại đời sau phải giỗ Lê Lai trước khi giỗ ông một ngày. Bởi thế đời sau truyền lại câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Lê Thái Tổ được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn. Thái tử Lê Nguyên Long 11 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông.
Thụy hiệu do Lê Thái Tông đặt cho ông là Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoàng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao Hoàng Đế.
(Ảnh: nhà bia Vĩnh Lăng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân,Thanh Hóa)
(Nguồn: Bảo tàng Thanh Hóa)