PHONG TRÀO LAM SƠN XUẤT HIỆN
Sau mười năm đi khắp đó đây, khi có dịp về thăm Côn Sơn, Nguyễn Trãi vẫn ngậm ngùi:
Từ biệt quê nhà vừa đúng mười năm
Nay về, tùng cúc đã tiêu sơ tới nửa
Suối rừng trót hẹn, đành cam phụ
Cát bụi vùi đầu, nghĩ tự thương...
Trong khi Nguyễn Trãi chưa tìm được những người bạn chiến đấu, cùng tấm lòng, cùng ý chí, cùng tư tưởng, cùng quan điểm, để cùng nhau xả thân cứu nước, thì tại Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn xuất hiện như một bước phát triển mới của phong trào vũ trang cứu nước của thời đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dần dần lan rộng khắp nơi. Tiếng vang đó đã tới với Nguyễn Trãi và Nguyễn Trãi nhận thấy con đường cứu nước mà mình đương đi tìm chính là con đường cứu nước mà nghĩa quân Lam Sơn đang tiến bước. Theo tiếng vọng từ chiến trường đánh địch của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã lên đường, lặn lội núi rừng, đi tìm gặp nghĩa quân và Lê Lợi, người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào đó.
Khởi nghĩa Lam Sơn khi mới bùng nổ, chỉ là một phong trào nhỏ, chưa mạnh, nhưng đã có một tiếng vang rộng lớn, thôi thúc những người yêu nước có tài trí, những hào kiệt ở nhiều nơi tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn.
Từ những ngày đầu mới phát động cho tới những ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi, phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đã nổi lên trong những trang lịch sử anh hùng của dân tộc như một bức tranh lớn, rất hùng vĩ, thể hiện rực rỡ tinh thần chịu đựng gian khổ vô cùng bền bỉ và tinh thần kiên cường diệt địch, xả thân cứu nước rất cao của toàn thể nghĩa quân Lam Sơn, từ những người chiến sĩ bình thường tới người lãnh tụ tối cao của phong trào. Đặc biệt là Lê Lợi, người tổ chức ra phong trào Lam Sơn, đồng thời cũng là người nêu gương sáng chói về những tinh thần cao cả đó. Trong mười năm đánh giặc, ông đã gặp rất nhiều gian nguy khổ cực, nhưng lúc nào ông cũng bền lòng vững chí, chịu đựng gian khổ, ăn đói nhịn khát, dũng cảm chiến đấu, quên thân mình vì nghĩa lớn, hy sinh hạnh phúc riêng, tình cảm riêng vì lợi ích chung của phong trào, của dân tộc. Chính những đức tính cao đẹp ấy của ông đã lôi cuốn mọi người trong cả nước hướng theo ông để cùng đánh giặc. Cũng chính những đạo đức cao đẹp ấy của ông đã đoàn kết được tướng sĩ, đoàn kết được quân dân, động viên mạnh mẽ mọi người quyết tâm đánh giặc, bền lòng chiến đấu lâu dài với giặc cho đến ngày toàn thắng.
Ông vốn là một hào trưởng yêu nước và có chí lớn. Khi giặc Minh vào cướp nước, Lê Lợi mới 22 tuổi. Nhưng ông đã là người có uy tín ở vùng Lam Sơn. Biết tiếng ông, giặc Minh, sau khi chiếm đóng nước ta, đã nhiều lần mua chuộc dụ dỗ ông. Ông kiên quyết từ chối, không chịu làm tay sai cho giặc, không vì danh lợi, không vì cầu an, sợ chết, không vì những phù hoa giả tạo trong một lúc, để đi vào con đường hại dân bán nước. Ông thường nói: "Trượng phu ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thuở. Đâu lại xun xoe đi làm đày tớ người”. Rồi từ đó, ông nuôi chí cứu nước, chuyên tâm học tập binh thư thao lược và mưu lo "rửa sạch nhục cũ, khôi phục cõi xưa" (Tư tuyết tiền sỉ, dĩ phục cố cương). Từ năm 1418, giặc Minh tăng cường bóc lột, thi hành nhiều thủ đoạn vơ vét, cướp đoạt rất tàn nhẫn. Vùng Thanh Hóa quê ông cũng bị bóc lột nghiêm trọng. Đủ các thứ thuế và đủ các cách đánh thuế, thuế bằng gạo, thuế bằng vàng, thuế bằng tơ, thuế bằng muối, v.v... Chỉ tính mấy thứ thuế chính, như thuế gạo, riêng phủ Thanh Hóa hàng năm phải nộp 4.088 thạch 6 đấu 1 thăng, đứng hàng thứ 6 trong 21 phủ, châu, thuế vàng hàng năm phải nộp 180 lạng, đứng hàng thứ 2 trong 21 phủ, châu. Cả nước căm hờn giặc. Tình hình đó và khí thế đấu tranh của nhân dân khắp nước, đặc biệt là miền quê hương Lê Lợi, từ Thanh Hóa trở vào, càng nâng cao quyết tâm của ông, thôi thúc ông mau chóng thực hành chí lớn của mình. Phù hợp với lòng dân, chí lớn của ông dần dần bao trùm khắp vùng Lam Sơn. Anh em, thân thích, họ hàng của ông cho tới nhân dân vùng Lam Sơn và nhiều vùng gần Lam Sơn, đều hướng theo ông, một lòng nổi lên cứu nước. Đầu năm 1416, giặc Minh tiến hành bắt lính trong cả nước, cứ 3 suất đinh thì 1 người phải ra làm lính cho chúng. Từ Thanh Hóa trở vào, giặc mượn cớ dân cư thưa thớt, chúng bắt cứ 2 suất đinh thì 1 người phải ra lính. Sự thật, Thanh Hóa lúc ấy là một phủ đông dân bậc nhất nhì trong nước, số đinh (nam) nhiều, đứng hàng thứ hai trong 21 phủ, châu, và bao gồm một phần bảy số đinh của cả nước. Không thể để cho giặc tự do hoành hành, hết vét của lại vét người như thế mãi, phải cứu lấy dân, phải, chặn bàn tay bóc lột của giặc, đó là nhiệm vụ của các phong trào khởi nghĩa lúc ấy. Cho nên cũng năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người thân tín lập hội thề ở Lũng Nhai, một địa điểm trong vùng Lam Sơn, cùng nhau gắn bó quyết tâm đánh giặc, sắp đặt kế hoạch và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Lê Lợi đem hết tư gia, tài sản ra tổ chức khởi nghĩa, nuôi dưỡng nghĩa quân, nghĩa sĩ, sắm sửa voi ngựa, khí giới. Công việc vận động khởi nghĩa của Lê Lợi có thể có nhiều thuận lợi vì nhân dân cả nước ta lúc ấy đã kinh qua hơn 10 năm liên tục chiến đấu chống giặc, tinh thần yêu nước của nhân dân ngày càng cao, ý chí chiến đấu ngày càng mạnh. Nhân dân từ Thanh Hóa trở vào lại có truyền thống quật cường, có kinh nghiệm chiến đấu; từ Thanh Hóa trở vào đã là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa trong nhiều năm, người dân từ Thanh Hóa trở vào đã sống trong một tình thế liên tục chiến đấu với giặc trong nhiều năm, nên lúc nào cũng nhiệt tình đấu tranh, lúc nào cũng ở tư thế đón chờ những ngọn cờ khởi nghĩa phất lên là sẵn sàng cầm khí giới lên đường giết giặc cứu nước. Đó là một thuận lợi cơ bản nhất đã đem lại cho cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi vận động một khí thế mạnh mẽ, sôi nổi ngay từ những ngày đầu.
Nhưng khởi nghĩa tổ chức ở vùng Lam Sơn cũng có những điều không thuận lợi lắm, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tổ chức và phát triển của phong trào, ngay từ khi phong trào mới bắt đầu xây dựng. Một điều không thuận lợi chủ yếu là vùng Lam Sơn ở gần thành Tây Đô, một căn cứ quân sự mạnh của địch. Tây Đô vốn là một thành trì kiên cố, nhà Hồ dựng lên tại Thanh Hóa năm 1397, làm căn cứ quân sự vững chắc hàng đầu, để chuẩn bị chiến đấu lâu dài với quân Minh xâm lược. Sau khi đánh bại nhà Hồ và tạm thời dẹp yên những phong trào khởi nghĩa từ Thanh Hóa trở vào, giặc Minh đã lấy thành Tây Đô kiên cố của nhà Hồ lập thành một căn cứ quân sự lớn của chúng để kiểm soát và khống chế cả một vùng rộng lớn, từ Thanh Hóa, Nghệ An vào tới Tân Bình, Thuận Hóa. Do đấy, Tây Đô trở thành căn cứ quân sự quan trọng của giặc ở nửa phía nam nước ta. Căn cứ quân sự Tây Đô chỉ cách Lam Sơn theo đường chim bay khoảng trên dưới ba mươi ki-lô-mét. Giặc ở Tây Đô lúc nào cũng có thể đem quân tới đàn áp phong trào ở Lam Sơn một cách dễ dàng và chúng có thể huy động những lực lượng lớn, có ngay tại Tây Đô để tiêu diệt phong trào Lam Sơn lại nằm lọt trong một mạng lưới ngụy quân, ngụy quyền đắc lực của giặc. Ngay từ khi khởi nghĩa chưa bùng nổ, hoạt động của những người yêu nước ở Lam Sơn đã bị bọn này khám phá. Cho nên trong lúc khí thế đấu tranh ở vùng Lam Sơn đương ngày càng dâng cao, một lực lượng vũ trang yêu nước đương hình thành, thì từ cuối năm 1417 trở đi, những cuộc đàn áp dã man của giặc cũng bắt đầu dồn xuống Lam Sơn.
Trước không khí đấu tranh sôi sục của nhân dân vùng Lam Sơn, bọn ngụy tay sai của giặc ở xung quanh Lam Sơn đã làm công việc đê hèn nhục nhã của chúng là báo cáo tình hình với giặc và đưa giặc về đàn áp. Hai tên ngụy quan cầm giữ chính quyền địch ở địa phương là tham chính Lương Nhữ Hốt và tri huyện Đỗ Phú tự chúng không dám ra mặt khủng bố, phải kêu xin giặc Minh đem quân tới. Đầu năm 1418, giặc Minh quyết định đưa một lực lượng quân sự lớn về Lam Sơn hòng bóp chết phong trào yêu nước ở đây ngay từ khi chưa bùng nổ. Biết rõ âm mưu của địch và trước tình hình khẩn trương như vậy, Lê Lợi thấy giờ hành động đã đến, không thể kéo dài thời gian chuẩn bị. Ngày Canh Thân, mồng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất, tức 13 tháng 2 năm 1418, Lê Lợi tuyên bố khởi nghĩa, công khai vũ trang chống đối quân thù. Nhưng lực lượng nghĩa quân lúc ấy còn non yếu. Tổng số nghĩa quân gồm có 200 thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 35 quan võ, một số quan văn, 14 con voi và khoảng 2.000 người là những người già yếu đi hộ vệ và những người làm việc vận chuyển lương thực. Lực lượng đó chưa thể đánh tan một cuộc tiến công của địch vào Lam Sơn. Mà tại Lam Sơn, thành lũy, hầm hào chưa có gì kiên cố, vài ba ngọn đồi nhỏ như Đồi Đá, núi Dầu (núi Lam hay Lam Sơn), không đủ tạo thành một căn cứ vững chắc cho nghĩa quân. Với lực lượng vũ trang như vậy, với địa thế Lam Sơn như vậy, nên sau khi tuyên bố khởi nghĩa, ngay ngày hôm đó Lê Lợi quyết định tạm thời rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Lam Sơn. Nhưng nghĩa quân không bỏ hẳn Lam Sơn, vì, tuy có những nhược điểm trên, vùng Lam Sơn lại có những thuận lợi rất quan trọng cho bước đầu khởi nghĩa.
- Một là Lam Sơn là cửa ngõ đi vào miền núi rừng trùng điệp chiếm cả phần phía tây đất Thanh Hóa. Từ Lam Sơn, nghĩa quân có thể tung hoành hoạt động khắp vùng rừng núi bao la ấy, quân địch dù đông mạnh cũng không thể đàn áp dễ dàng.
- Hai là Lam Sơn ở gần biên giới Việt Nam - Ai Lao, có thể tiếp xúc với Ai Lao dễ dàng, có khả năng tranh thủ được sự đồng tình giúp đỡ của Ai Lao, vì Ai Lao cũng bị giặc khống chế và uy hiếp nghiêm trọng, hoặc khi cần thiết, nghĩa quân có thể tạm rút sang đất Ai Lao.
- Ba là Lam Sơn là nơi giáp giới các khu vực cư trú của nhiều dân tộc ở Thanh Hóa. Người Việt, người Mường, người Tày, người Dao... đều ở quây quần xung quanh Lam Sơn. Họ còn ở xen lẫn với nhau ngay trong vùng Lam Sơn. Đó là điều thuận lợi hàng đầu để phong trào Lam Sơn, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, có thể động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc trong địa phương, cùng nhau đồng lòng cứu nước, hợp thành một khối đoàn kết vững chắc để đánh thắng quân thù. Những dân tộc ở đây lại sẵn có những mối liên lạc khăng khít với các dân tộc Ai Lao, hoặc vì quan hệ chủng tộc hoặc vì quan hệ láng giềng, nên họ có điều kiện dễ dàng tranh thủ sự hỗ trợ của các dân tộc Ai Lao trong công cuộc đánh giặc, cứu nước của mình.
- Bốn là Lam Sơn nằm liền con đường thượng đạo (đường núi) là một con đường chiến lược thiên nhiên rất xung yếu, rất kín đáo. Với con đường thượng đạo ấy khi cần, nghĩa quân có thể rút vào thủ hiểm, khi mạnh, có thể tỏa vào Nam, có thể tiến ra Bắc, nhanh chóng dễ dàng.
Căn cứ vào những thuận lợi đó, Lê Lợi và nghĩa quân đã quyết định rút ra khỏi căn cứ Lam Sơn, bắt đầu tiến vào miền núi rừng phụ cận. Sau này, trong quá trình khởi nghĩa, nghĩa quân đã từng nhiều năm hoạt động ở miền tây Thanh Hóa, và khi phong trào phát triển, đã nhanh chóng tiến vào Nam, đã dồn dập đánh ra Bắc, chính vì Lê Lợi và nghĩa quân đã biết vận dụng những thuận lợi quan trọng của nơi căn cứ ban đầu, tức vùng Lam Sơn quê hương của khởi nghĩa.
Cũng trong ngày 8 tháng Giêng, đồng thời với việc tuyên bố khởi nghĩa và rút quân khỏi Lam Sơn, Lê Lợi quyết định cử mấy tướng là Trịnh Khả, Trịnh Đồ, Trương Lôi sang giao thiệp với Ai Lao, đề nghị giúp đỡ lương thực, khí giới, voi ngựa và cùng phối hợp đánh giặc Minh.
Đi với nghĩa quân rút khỏi Lam Sơn có thể có một số gia đình nghĩa quân và một số đồng bào ở Lam Sơn. Lê Lợi và nghĩa quân tiến lên đóng ở Lạc Thủy, trên con đường sang Ai Lao, để tiện liên lạc với Ai Lao, và khi cần thiết, có thể rút lên phía gần biên giới Ai Lao để hoạt động.
Lê Lợi và các tướng lĩnh đã đoán trước quân Minh thế nào cũng đuổi theo lên địa điểm mới của nghĩa quân, nên tới Lạc Thủy, Lê Lợi cho bố trí ngay một trận địa mai phục để sẵn sàng đối phó với địch. Quả nhiên, nghĩa quân vừa rút lên Lạc Thủy ngày hôm trước thì ngày hôm sau, mồng 9 tháng Giêng Mậu Tuất, tức 4 tháng 2 năm 1418, giặc điều quân tới đàn áp. Quân địch gồm hơn 4 vạn 5 nghìn tên, đông gấp mấy chục lần nghĩa quân, nên việc nghĩa quân rút khỏi Lam Sơn là rất đúng và kịp thời.
Không gặp nghĩa quân ở Lam Sơn, tướng địch Mã Kỳ đem đại quân đuổi theo lên Lạc Thủy. Ngày 18 tháng 2 năm 1418, địch tiến vào giữa trận địa mai phục của nghĩa quân. Các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý cùng phục binh xông ra đánh giết rất hăng. Địch tuy đông hàng vạn, nhưng bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, bắt buộc phải tháo chạy trở lại. Hơn 3.000 quân giặc bỏ xác tại trận. Nghĩa quân thắng lớn, thu được nhiều lương thực, khí giới. Trận Lạc Thủy là một thắng lợi đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn và cũng là lần ra quân đầu tiên, nhưng rất xuất sắc, một trận đánh mai phục tài tình của nghĩa quân. Chỉ có 500 - 600 người chưa quen chiến trận, nhưng với tinh thần chiến đấu rất cao, với chiến thuật mai phục tài giỏi, nghĩa quân Lam Sơn đã đẩy lùi được cuộc tiến công lớn của hơn 4 vạn quân địch và giết chết hơn 3.000 tên. Đánh mai phục là một chiến thuật lợi hại của quân ít đánh quân nhiều. Đó là kinh nghiệm chiến thuật đầu tiên và cũng là kinh nghiệm rất quý của nghĩa quân Lam Sơn. Sau này, trong suốt mười năm chiến đấu với giặc Minh, nghĩa quân Lam Sơn thường vận dụng chiến thuật mai phục để đánh thắng địch. Ngay cho tới khi quân số đã đông, quân thế đã mạnh, nghĩa quân Lam Sơn vẫn coi trọng chiến thuật mai phục, vẫn lấy nó làm một chiến thuật cơ bản để đánh thắng những trận quyết liệt cuối cùng với địch.
Sau trận thua ở Lạc Thủy, để trả thù và buộc Lê Lợi, lãnh tụ nghĩa quân, phải đầu hàng, tướng địch Mã Kỳ cho hai tay sai là tên Ái, phụ đạo sách Nguyệt Ân, cạnh Lam Sơn và tên tri huyện Đỗ Phú đem quân tới xứ Phật Hoàng đào phá mồ mả nhà Lê Lợi. Ngày 21 tháng 2 năm 1418, địch lại tiến đánh Lạc Thủy. Chúng đem hài cốt cha Lê Lợi, đào được ở Phật Hoàng, treo ở đầu thuyền, hòng làm cho Lê Lợi, vì tình phụ tử, vì xót thương cha, phải bỏ vũ khí nộp mình, cho được yên phần mộ của cha. Nhưng, hành động dã man của địch không khuất phục được người anh hùng, lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn. Vứt bỏ những cảm xúc mềm yếu, vượt qua đạo hiếu tầm thường của lễ giáo phong kiến, Lê Lợi quyết tâm vì nghĩa lớn, vì nước, vì dân, đánh giặc đến cùng. Tình phụ tử là thiêng liêng, nhưng không thể vì hài cốt của người cha đã chết mà ông hàng giặc, và không bao giờ ông có thể đội trời cùng giặc, ông đã từng nói với mọi người: "Ta sở dĩ cất quân đánh giặc, không phải là có lòng tham phú quỷ, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược thôi".
Địch thấy những thủ đoạn man rợ của chúng không làm lay chuyển được ý chí kiên cường của Lê Lợi, chúng liền tiến công nghĩa quân vào chính diện, mặt khác cho một cánh quân do tên tay sai Ái chỉ huy, đi theo lối tắt, đánh úp doanh trại ở phía sau lưng nghĩa quân. Tại doanh trại nghĩa quân, nhiều thân thuộc, gia đình của nghĩa quân, của các tướng lĩnh và Lê Lợi, đã bị địch bắt. Trong số những người bị bắt có vợ Lê Lợi và một con gái nhỏ của Lê Lợi mới lên 9 tuổi. Bắt được vợ con Lê Lợi, địch nắm chắc lần này Lê Lợi nhất định phải đầu hàng. Nhưng trước cảnh tan tác đau lòng ấy, trước nguy cơ vợ con và thân thuộc sẽ bị địch hành hạ dã man và giết chết, trước tình hình địch bao vây bốn phía, đánh rát cả trước mặt lẫn sau lưng, Lê Lợi và nghĩa quân vẫn không nhụt chí chiến đấu. Lê Lợi và nghĩa quân quyết tâm hy sinh tình cảm riêng, hy sinh gia đình riêng, hạnh phúc riêng, để làm tròn nghĩa lớn đối với nước, với dân. Thù nhà, nợ nước sôi sục trong lòng, nghĩa quân Lam Sơn kiên quyết đánh giặc đến cùng. Căm thù giặc lên cao độ, các tướng Đinh Lễ, Phạm Vấn, Nguyễn Xí, Bùi Bị, v.v... dũng mãnh xung phong, cùng Lê Lợi và nghĩa quân đánh mở đường vượt ra ngoài vòng vây của địch. Trước khí thế lẫm liệt, quyết tử của nghĩa quân, quân Minh hoảng sợ, không chặn đánh nổi và cũng không dám đuổi theo. Lê Lợi và nghĩa quân bí mật rút về núi Chí Linh, gần căn cứ Lam Sơn.
Đề phòng địch lùng sục, càn quét, nghĩa quân Lam Sơn quyết định tạm lánh ở núi Chí Linh một thời gian. Đây là một khu núi rừng hiểm trở, đất đai khô cằn, nhân dân thưa thớt, việc tiếp tế lương thực hết sức khó khăn. Gần hai tháng không có lương ăn, nghĩa quân phải đào củ rừng, hái rau dại, lấy măng dang, măng nứa và bắt chim muông trên rừng để ăn cho qua ngày. Tới nay, nhân dân vùng xung quanh Lam Sơn - Chí Linh còn truyền tụng câu "măng dang, gà thui" để nói những bữa ăn no đủ ngon lành nhất của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày sống kham khổ ở núi Chí Linh.
Sau hai tháng ở Chí Linh, biết chắc quân Minh đã rút hẳn về căn cứ của chúng, Lê Lợi và nghĩa quân trở lại Lam Sơn quê nhà. Kiểm điểm lực lượng, nghĩa quân chỉ còn khoảng hơn 100 người. Lần đầu tiên giao tranh với địch hai trận, tuy có bị tổn thất nghiêm trọng, nhưng nghĩa quân cũng đã làm cho địch phải thất bại nặng nề, giết chết hàng nghìn tên địch. Chiến thắng Lạc Thủy đã cho nghĩa quân thấy rõ: quân ít có thể đánh thắng quân nhiều và chiến thuật "nhử địch đến mà đánh" và đánh bằng "mai phục" là một chiến thuật lợi hại trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Với kinh nghiệm chiến đấu đã có, với sự tin tưởng vững chắc ở khả năng đánh thắng giặc, tin tưởng ở khả năng chịu đựng gian khổ, ăn đói mặc rét, khả năng chịu đựng mọi thử thách ghê gớm về tình cảm, tâm tư, về gia đình, hạnh phúc, về người và của như đã trải qua, và với thù nhà, nợ nước nóng bỏng trong lòng, Lê Lợi và nghĩa quân vẫn sôi sục ý chí tiếp tục đánh giặc đến cùng. Ở lại Lam Sơn, nghĩa quân được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân về người và của, về quân lương, vũ khí, cho nên chỉ trong vòng 5 - 6 tháng, lực lượng nghĩa quân được củng cố mau chóng, khí thế nghĩa quân phấn chấn hẳn lên.
MỘT SỨC HỖ TRỢ CHO PHONG TRÀO LAM SƠN PHÁT TRIỂN
DÂN CHÚNG NHIỀU NƠI LIÊN TIẾP KHỞI NGHĨA
Trong những phong trào khởi nghĩa năm 1419 - 1420, có phong trào đã tồn tại từ hàng chục năm hoặc 7 - 8 năm trước. Có phong trào đã hoạt động từ 1417 - 1418 và có nhiều phong trào khá mạnh làm cho địch phải lo ngại. Đáng lo ngại nhất lúc ấy khiến địch phải tập trung ngay lực lượng để đối phó kịp thời là phong trào binh biến ở Nghệ An, nếu không phong trào binh biến có thể lan rộng sang hàng ngũ ngụy quân các nơi khác. Không chịu nổi sự đè nén, cực nhọc và những bóc lột tàn nhẫn của địch, binh lính trong ngụy quân ở Nghệ An làm khởi nghĩa do một quan ngụy là tri phủ Phan Liêu và một tướng ngụy là thiên hộ Trần Đài cầm đầu. Binh lính khởi nghĩa đánh chiếm huyện Nha Nghi (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), rồi tỏa ra tiến công các cơ sở của địch ở các châu huyện và vây hãm thành Nghệ An. Được tin cấp báo, Lý Bân phải đem đại quân từ Đông Quan, gấp đường vào giải vây Nghệ An và cho viên tướng ngụy là chỉ huy Lộ Văn Luật đi tiên phong. Nhưng Lộ Văn Luật cùng đội quân tiên phong làm phản chiến, không hành quân, bỏ doanh trại ra đi. Lộ Văn Luật đưa quân về quê nhà ở Thạch Thất (thuộc Hà Tây ngày nay) phát động nhân dân địa phương làm khởi nghĩa. Lý Bân đành phải bỏ qua việc này, để đem quân tiến mau vào cứu nguy cho Nghệ An. Tháng 8 năm 1419, đại quân của Lý Bân giải được vây cho thành Nghệ An. Phan Liêu rút quân lên Ngọc Ma. Tri châu châu Ngọc Ma là Cầm Trách hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Phan Liêu, chiếm giữ châu Ngọc Ma và đem quân cùng Phan Liêu chống lại quân Minh. Lý Bân tiến đánh châu Ngọc Ma. Phan Liêu và nghĩa quân rút lên miền rừng núi cầm cự. Địch tiến đánh mạnh, Phan Liêu và nghĩa quân tránh sang đất Ai Lao. Quân địch rút đi, Phan Liêu và nghĩa quân lại trở về chiếm đóng châu Ngọc Ma. Trong khi cuộc binh biến của Phan Liêu chưa dập tắt và Lý Bân đương hành quân ở Nghệ An thì ngay tại những vùng xung quanh nhiều cuộc binh biến và khởi nghĩa của nông dân lại nổ ra.
- Tại huyện Kiệt Giang (vùng huyện Nam Đàn, Nghệ An) binh lính khởi nghĩa do bách hộ Trần Trực Thành và em là Trần Chân cầm đầu.
- Tại châu Nam Linh (vùng bắc Quảng Trị) binh lính khởi nghĩa do thiên hộ Trần Thuận Khánh cầm đầu.
- Tại huyện Phù Lưu (vùng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) Vũ Công và một cụ già là Hoàng Nhữ Điển phát động nhân dân khởi nghĩa.
- Tại Thanh Hóa, trong khi nghĩa quân Lam Sơn hoạt động mạnh ở vùng Lỗi Giang, thì tại miền Nga Lạc (Ngọc Lặc) Phạm Nhuyến nổi lên, đóng căn cứ tại sách Cự Lặc.
Trước tình hình rối ren đó, Lý Bân phải cho các tướng và quan ngụy Nguyễn Huân, Trần Nguyên Khôi chia nhau đi đối phó với các phong trào nghĩa quân ở Ngọc Ma, Nghệ An, Thanh Hóa, còn bản thân mình thì đem đại quân gấp rút lên đường ra Bắc, vì tình hình ngoài Bắc còn nguy cấp hơn nữa, nhiều toán nghĩa quân đương tiến đánh thành Đông Quan, thủ phủ đô hộ của chúng.
Tại miền Bắc, từ khi phần lớn lực lượng địch phải đưa vào Nam để đối phó với các phong trào khởi nghĩa ở Thanh Hóa, Nghệ An thì các phong trào khởi nghĩa ở miền Bắc càng hoạt động mạnh.
Nghĩa quân áo đỏ tăng cường hoạt động ở miền Thái Nguyên, Tuyên Quang, lan rộng xuống miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và trực tiếp giúp sức cho phong trào binh biến của Trần Trực Thành ở Nghệ An và phong trào binh biến của Phan Liêu ở Ngọc Ma.
Nghĩa quân Nông Văn Lịch tiếp tục hoạt động ở Khâu Ôn (Lạng Sơn). Trần Mộc Quả khởi nghĩa ở Vũ Định (có thể là miền Định Hóa, Thái Nguyên), Lộ Văn Luật chiếm giữ Thạch Thất (Hà Tây).
Tại miền đồng bằng, phong trào lại càng sôi nổi. Phạm Thiện khởi nghĩa ở Tân Minh (vùng Tiên Lãng, Hải Phòng). Lê Hành khởi nghĩa ở Hạ Hồng (miền Hải Hưng). Nguyễn Đặc khởi nghĩa ở Khoái Châu (Hải Hưng). Nguyễn Đa Cấu, Trần Nhuế khởi nghĩa ở Hoàng Giang (khúc sông Hồng ở mạn Thái Bình). Và lớn hơn cả là mấy cuộc khởi nghĩa của Trịnh Công Chứng ở Hạ Hồng, Đào Cường ở Thiện Tài (vùng Gia Lương, Hà Bắc), Phạm Ngọc ở An Lão (Hải Phòng) và Lê Ngã ở Đơn Ba (khoảng giữa huyện Lộc Bình thuộc Lạng Sơn và huyện Tiên Yên thuộc Quảng Ninh)
Trịnh Công Chứng có hơn 1.000 nghĩa quân hoạt động mạnh ở miền Đồng Lợi, Tứ Kỳ, Đa Dực (vùng Ninh Giang, Tứ Kỳ thuộc Hải Hưng, và Phù Dực thuộc Thái Bình) bắt giết các quan lại địch, đánh phá các đồn trại địch ở miền này. Cuối năm 1419, Trịnh Công Chứng phối hợp hành động với các toán nghĩa quân của Lê Hành, Phạm Thiện, Nguyễn Đặc, Nguyễn Đa Cấu, Trần Nhuế cùng tiến đánh thành Đông Quan. Nghĩa quân của Trần Công Chứng tiến tới cầu phao, sát thành Đông Quan, bị địch chặn đánh ác liệt, nghĩa quân tan vỡ. Sau đó ít lâu, Trịnh Công Chứng bị địch đánh bắt tại miền Đồng Lợi. Một tướng của Trịnh Công Chứng là Lê Điệt tiếp tục khởi nghĩa, hoạt động mạnh ở vùng Diên Hà, Kiến Xương (Thái Bình). Sau nhiều lần bị địch tiến công, tới giữa năm 1420, cuộc khởi nghĩa của Trịnh Công Chứng và Lê Điệt mới bị dập tắt hẳn
Tại vùng Thiện Tài, nghĩa quân của Đào Cường cũng hoạt động mạnh. Địch ở Đông Quan phải đem một đạo quân khá lớn đi đàn áp, nhưng bị nghĩa quân mai phục đánh cho đại bại. Nghĩa quân truy kích địch tới tận bờ sông Hồng, phía trước thành Đông Quan, định vượt sông Hồng đánh vào Đông Quan. Địch phải cho một đạo quân sang sông chống cự rồi sau cho một toán kỵ binh sang tăng viện mới đẩy lùi được cuộc tiến công của nghĩa quân.
Tháng 3 năm 1420, tổng binh Lý Bân từ Nghệ An ra tới Đông Quan, phải lo đối phó ngay với phong trào khởi nghĩa lan rộng ở miền Bắc, và trước hết phải đàn áp bằng được những phong trào ở vùng đồng bằng gần Đông Quan. Phong trào khởi nghĩa do Phạm Ngọc lãnh đạo là mối lo ngại nhất của chúng lúc ấy. Lý Bân đem đại quân đi đàn áp phong trào này.
Phạm Ngọc là một nhà sư yêu nước tu ở chùa Đồ Sơn (vùng Hải Phòng ngày nay) phát động khởi nghĩa từ khoảng cuối năm 1419, được nhân dân địa phương hưởng ứng rất đông. Nhiều lãnh tụ khởi nghĩa ở các vùng xung quanh như Phạm Thiện, Lê Hành, Đào Thừa, Ngô Trung, v.v... cũng đem quân gia nhập phong trào. Cho nên khí thế phong trào khá mạnh. Quân số có tới hàng vạn. Nghĩa quân Phạm Ngọc liên kết với nghĩa quân Đào Cường ở Cẩm Giàng (Hải Hưng) và hoạt động khắp vùng từ phía đông Hải Hưng tới Hải Phòng ngày nay. Lý Bân đem đại quân đi đánh phá ráo riết trong mấy tháng liền. Nghĩa quân dần dần tan rã. Các tướng lĩnh nghĩa quân lần lượt bị bắt hoặc bị giết chết.
Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa do Phạm Ngọc lãnh đạo, tháng 5 năm 1420, Lý Bân đưa đại quân sang đánh Lộ Văn Luật ở Thạch Thất. Lộ Văn Luật không chống lại được phải chạy sang Ai Lao. Nhân dân tham gia khởi nghĩa chạy vào ẩn trong hang động núi Phật Tích và núi An Sầm. Lý Bân một mặt lùng bắt mẹ già, gia thuộc cùng một người anh em của Lộ Văn Luật là Văn Phi, đồng tri châu châu Tam Đái, một mặt cho dỡ nhà dân đánh hỏa công vào những hang động có nhân dân ẩn náu. Nhân dân trong hang động bị khói lửa hun chết rất nhiều. Người nào ra khỏi hang động đều bị giặc giết chết. Phụ nữ, trẻ nhỏ bị chúng bắt làm nô lệ.
Đàn áp và tàn sát dã man nhân dân ta như vậy, nhưng địch không sao dập tắt được lòng yêu nước của nhân dân ta, không sao dẹp tan hết những phong trào đấu tranh cứu nước của nhân dân ta. Địch đã mất ăn mất ngủ và hao binh tổn tướng rất nhiều để đối phó với phong trào khởi nghĩa của ta. Những sử cũ của đối phương cũng phải thừa nhận rằng: "Lý Bân phải đánh đông dẹp bắc, không một ngày nào được nghỉ ngơi" hoặc "Bân đánh đông đánh tây không xuể" (Minh sử). Bọn xâm lược Minh phải điều thêm quân từ Vân Nam, Tứ Xuyên sang tăng viện cho những lực lượng chiếm đóng của chúng ở Việt Nam và tháng 4 năm 1420 cho thêm tên tả tham tướng Trần Trí sang giúp sức Lý Bân đàn áp phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta. Với những lực lượng được tăng cường, Lý Bân cất đại quân đi đàn áp một phong trào khởi nghĩa lớn ở miền Đông Bắc do Lê Ngã lãnh đạo
Đây là một cuộc khởi nghĩa có quy mô. Quân số tới vài vạn người. Có địa bàn hoạt động khá rộng. Thiết lập triều chính, có vua có quan và đúc tiền để chi dùng trong nhân dân. Lê Ngã, người lãnh đạo khởi nghĩa, vốn là một gia nô, có chí cứu nước. Ông là người vùng Thủy Đường (thuộc Hải Phòng ngày nay), đổi họ tên là Dương Cung, đã đi nhiều nơi để vận động cứu nước. Khi Trịnh Công Chứng, Phạm Thiện dấy quân đánh giặc thì Lê Ngã cũng lên Đơn Ba mưu đồ khởi nghĩa. Chí lớn của ông được một tù trưởng người Tày là Bế Thuấn, phụ đạo Đơn Ba hưởng ứng và giúp sức. Chỉ trong vòng một tháng, Lê Ngã và Bế Thuấn đã có được vài vạn nghĩa quân. Từ Đơn Ba, nghĩa quân tiến xuống chiếm cứ vùng Yên Bang (ven biển Quảng Ninh) và đóng bản doanh ở trại Hồng Doanh. Khi các lãnh tụ khởi nghĩa như Trịnh Công Chứng, Phạm Thiện, Phạm Ngọc, v.v... đã thất bại thì nghĩa quân của những cuộc khởi nghĩa này đều tham gia phong trào Lê Ngã, nên lực lượng của phong trào Lê Ngã càng lớn mạnh. Lê Ngã xưng vua, định niên hiệu, đặt quan lại, đúc tiền riêng và mở rộng thêm địa bàn hoạt động. Nghĩa quân đã tiến đánh đồn Bình Than và đốt phá thành Xương Giang là những cứ điểm quan trọng của quân Minh tại vùng Hà Bắc ngày nay. Quân Minh nham hiểm, trong khi chưa thể đối phó ngay được với phong trào Lê Ngã, đã xúi giục bọn quý tộc nhà Trần mộ quân chống lại những cuộc nổi dậy của gia nô là những đày tớ cũ của chúng. Tên quý tộc Trần Thiện Lại, người xưa kia đã nuôi Lê Ngã làm gia nô, được đưa ra làm cuộc vận động chống khởi nghĩa của Lê Ngã. Trần Thiện Lại cùng bọn quý tộc cũ nhà Trần tập hợp lực lượng, tổ chức thành một đạo quân, tiến đánh Lê Ngã. Lê Ngã và nghĩa quân phải đối phó với bọn phản động Trần Thiện Lại trong một thời gian, cuối cùng đã đánh tan bọn phản động và giết chết Trần Thiện Lại. Nhưng lực lượng nghĩa quân cũng bị suy giảm. Lợi dụng tình hình đó, Lý Bân đem đại quân, chia mấy đường thủy bộ tiến đánh nghĩa quân. Không đối phó nổi, nghĩa quân bị tan. Lê Ngã và Bế Thuấn đều chạy đi nơi khác, và không rõ tung tích nữa.
Được tin cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã đã bị dập tắt, nhưng vẫn lo ngại thế lực và ảnh hưởng của Lê Ngã, triều đình nhà Minh hạ lệnh cho Lý Bân phải bắt cho bằng được Lê Ngã. Lý Bân đã tổn nhiều công sức nhưng không làm được việc đó, tới cuối 1421 phải bắt một người khác, gán cho là Lê Ngã, để giải sang triều đình nhà Minh.
Cuộc khởi nghĩa do Lê Ngã lãnh đạo bị đánh bại vào mùa thu năm 1420, nhưng phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta vẫn còn nhiều. Nguyễn Thuật, Phạm Công Trịnh, Đinh Tôn Lão, Cấn Sư Lỗ, Nguyễn Đa, Nguyễn Gia, Đàm Hưng Bang, Vi Ngũ vẫn hoạt động ở các vùng Thái Bình, Nam Hà, Hà Tây ngày nay. Nguyễn Thuật đã tiến công đồn Hoàng Giang, giết chết tên hữu tham chính địch là Hầu Bảo. Nguyễn Đa thiết lập triều chính, xưng là Khai Thánh vương, có Vi Ngũ làm thái sư, Nguyễn Gia làm tư đồ, Đàm Hưng Bang làm bình chương quân quốc trọng sự. Tại miền núi, nghĩa quân Nông Văn Lịch vẫn hoạt động ở vùng Đông Bắc, nghĩa quân áo đỏ hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Lộ Văn Luật và Phan Liêu chạy sang Ai Lao, hợp tác với nhau và liên kết với Ai Lao, mưu đồ trở về nước hoạt động.
Sau khi dẹp tan những cuộc khởi nghĩa tương đối lớn ở miền Bắc, mối lo ngại nhất của quân Minh vẫn là phong trào Lam Sơn, đương có cơ phát triển mạnh tại Thanh Hóa. Cho nên Lý Bân để các tướng đem quân đi tiếp tục đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc, còn chính hắn lo đối phó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lý Bân dự định cuối năm 1420, đem đại quân vào Thanh Hóa, mở cuộc tiến công mới vào nghĩa quân Lam Sơn.
PHONG TRÀO LAM SƠN, TRUNG TÂM ĐÁNH GIẶC CỦA CẢ NƯỚC, MỐI LO LỚN NHẤT CỦA QUÂN XÂM LƯỢC
Từ tháng 9 năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn có thêm quân đội Ai Lao sang giúp sức, đã tiến xuống hoạt động ở miền Lỗi Giang. Nhưng khi có quân Minh tiến lên thì nghĩa quân lại rút về Mường Thôi. Rồi từ cuối năm 1419 tới gần hết năm 1420 nghĩa quân vẫn luôn luôn hoạt động ở miền Lỗi Giang. Quân Minh ở Tây Đô và Thanh Hóa không sao đàn áp nổi.
Với sự khiển trách và mệnh lệnh của vua Minh "Giặc phản là bọn Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch đến nay chưa bắt được, thì binh bao giờ mới được nghỉ, dân bao giờ mới được yên? Phải dùng mọi phương lược để chóng dẹp yên", bọn Lý Bân quyết định phải tiêu diệt cho bằng được nghĩa quân Lam Sơn, như chúng đã tiêu diệt những phong trào khởi nghĩa tương đối lớn ở miền Bắc. Chúng tổ chức một đạo quân lớn, gồm hơn 10 vạn quân, do Lý Bân trực tiếp chỉ huy và có tên ngụy quan Cầm Lạn, đồng tri châu Quỳ Châu (nay thuộc Nghệ An) đem ngụy quân đi giúp sức.
Tháng 11 năm 1420, Lý Bân đem đại quân tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn. Mở đầu cuộc tiến công, địch cho một đạo quân từ Tây Đô tiến lên miền bắc Thanh Hóa, đánh vào căn cứ của nghĩa quân ở Mường Thôi. Sau hơn một năm không có giao tranh lớn với địch, và đương lúc sung sức, nghĩa quân Lam Sơn quyết định bắt buộc địch phải bị động đối phó và phải thất bại nặng nề trong mưu đồ phản công của chúng. Nghĩa quân tiến lên bố trí một trận mai phục ở bến Bổng để đón đường địch. Một buổi quá trưa, địch tiến vào giữa trận địa mai phục, nghĩa quân từ bốn phía xông ra đánh giết. Quân địch không kịp trở tay, bị tổn thất nặng nề, phải tháo chạy, bỏ lại rất nhiều xác chết. Nghĩa quân bắt được trên 100 ngựa và thu nhiều vũ khí. Sau chiến thắng, nghĩa quân rút lên Mường Ninh, rồi trở về Mường Thôi.
Trong khi đó, đạo quân lớn của địch do tổng binh Lý Bân và đô đốc Phương Chính chỉ huy, theo tên ngụy quan Cầm Lạn dẫn đường, đương từ Quỳ Châu theo đường núi tiến lên Mường Thôi. Được tin này, các tướng nghĩa quân là Lý Triện, Phạm Vấn, Lê Lý đem mấy nghìn khinh binh, tới mai phục sẵn ở Bồ Mộng, trên đường tiến quân của địch. Khi đại quân của địch tới Bồ Mộng, nghĩa quân từ các vị trí mai phục xông ra đánh phá, tiêu-diệt hơn 3.000 tên. Quân địch vẫn tiến. Nghĩa quân ở Mường Thôi cho bố trí sẵn một trận phục kích mới ở Bồ Thi Lang để chặn đánh địch. Trận mai phục Bồ Thi Lang đã giết thêm hơn 1.000 địch, buộc chúng phải bỏ dở cuộc phản công lớn này. Địch càng tiến càng thấy vùng núi rừng tây bắc Thanh Hóa là vô cùng hiểm trở, đi sâu vào đó chỉ là đi sâu vào chỗ chết, nên sau hai lần thất bại ở Bồ Mộng và Bồ Thi Lang, quân địch khiếp sợ không dám tiến quân hơn nữa và phải rút về Tây Đô. Nghĩa quân đem toàn lực truy kích. Địch tuy đông hàng vạn, nhưng cả tướng lẫn quân, cả Lý Bân lẫn Phương Chính đều phải cắm đầu chạy để "thoát lấy thân". Nghĩa quân thừa thắng đuổi đánh sáu ngày đêm liền.
Nhân đà thắng lợi to lớn đó, tháng 12 năm 1420, Lê Lợi và toàn thể nghĩa quân tiến xuống Lỗi Giang, đóng đại bản doanh tại Ba Lẫm. Quân Minh ở trong vùng này phải rút về đóng đồn ở Quan Du để cố thủ. Nghĩa quân nhiều lần tới khiêu chiến, địch không dám ra khỏi đồn. Nghĩa quân quyết định đánh đồn Quan Du. Một trận tập kích mãnh liệt do các tướng Lê Sát, Lê Hào chỉ huy, đã tiêu diệt đồn này, chém chết hơn 1.000 tên địch và thu nhiều khí giới. Bọn tàn quân Minh phải bỏ Quan Du chạy về Tây Đô.
Từ sau chiến thắng Quan Du, thanh thế nghĩa quân Lam Sơn càng vang dội khắp nơi. Lê Lợi truyền hịch chiêu phủ nhân dân các miền trong nước, đâu đâu cũng nhiệt liệt hưởng ứng. Trong dịp này, nhiều người yêu nước ở các miền khác, xa Thanh Hóa, đã tìm tới Lỗi Giang để tham gia hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Có thể thời kỳ này cũng là thời kỳ Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Theo sử sách và những ghi chép của Lê Thánh Tôn và Trần Khắc Kiệm, là hai người sống gần thời đại Nguyễn Trãi, có quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi, thì Nguyễn Trãi đã tìm tới nghĩa quân Lam Sơn, tại bản doanh của Lê Lợi ở Lỗi Giang, và Nguyễn Trãi đã được trọng dụng. Từ đây, đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sẽ đem hết sức mình ra chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc, dần dần trở thành một lãnh tụ lỗi lạc của phong trào, đứng bên cạnh Lê Lợi và cùng Lê Lợi lãnh đạo công cuộc đánh giặc cứu nước của nhân dân đến toàn thắng.
Có thể cũng trong thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở Lỗi Giang, các đội quân Ai Lao sang giúp nghĩa quân từ trước cũng rút hết về nước. Vì từ khoảng giữa năm 1420, sau khi thất bại, Lộ Văn Luật chạy sang trú ngụ ở Ai Lao đã tìm cách tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Ai Lao để mưu đồ trở về nước tiếp tục hoạt động. Nhận lời giúp đỡ Lộ Văn Luật, Ai Lao thôi không viện trợ và cũng không giao thiệp với nghĩa quân Lam Sơn nữa.
Trước khí thế mạnh mẽ của nghĩa quân Lam Sơn và sau những thất bại liên tiếp trong hai tháng cuối năm 1420, quân Minh thấy cần phải có thời gian tăng cường lực lượng mới mong áp đảo được nghĩa quân. Mặt khác, vì trong cả mùa hè và mùa thu năm 1421, có lụt lớn do nước sông Hồng và sông Đáy tràn ngập, chúng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, về lương thực, về chuyển quân, nên trong gần cả năm 1421, quân Minh đã tránh mọi cuộc giao chiến, đụng độ với nghĩa quân Lam Sơn, để có điều kiện chuẩn bị một cuộc phản công mới. Đồng thời chúng tìm cách đe dọa và bắt buộc Lão Qua phải đem quân phối hợp với chúng, tham gia vào những cuộc tiến công nghĩa quân Lam Sơn, kẻ đánh trước mặt kẻ đánh sau lưng nhằm tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn. Về sự có mặt của quân Lão Qua trên chiến trường Thanh Hóa chống nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày sau này, Minh sử (quyển 321) ghi: "Mùa thu năm sau (năm Vĩnh Lạc 19, tức 1421) giặc bị dẹp hết, chỉ còn Lê Lợi là chưa dẹp được... Bân tâu rằng Lợi trốn sang Lão Qua. Lão Qua xin quan quân đừng vào đất họ. Họ xin đem hết binh của họ bắt Lợi, nhưng đến nay lâu rồi mà vẫn không thấy gì. Vua (vua Minh) ngờ Lão Qua giấu giặc, hạ lệnh cho Bân đưa sứ thần của họ đến kinh để cật vấn. Lão Qua bèn đuổi Lợi". Lão Qua bị nhà Minh khống chế từ lâu và đặt thành "Lão Qua tuyên úy ty" từ năm 1405, coi Lão Qua như một bộ phận đất đai của nước Minh. Lý Bân đánh lâu không thắng được Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, phải tâu đối về triều là Lê Lợi trốn sang Lão Qua, vừa để tránh quở trách, vừa để có cớ đe dọa và buộc Lão Qua đem quân giúp Lý Bân.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lực lượng, ngày 14 tháng 12 năm 1421, Lý Bân cho tham tướng Trần Trí đem 10 vạn quân, vừa quân Minh vừa quân ngụy, tiến lên vùng tây bắc Thanh Hóa, đóng quân ở ải Kình Lộng, phía dưới Ba Lẫm, đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn, chừng 50 dặm
Không cho địch nghỉ ngơi, nghĩa quân Lam Sơn quyết định mở trận tiến công mạnh ngay vào doanh trại địch ở Kình Lộng. Nửa đêm, nghĩa quân tiến sát trại địch, đánh trống hò reo, xung phong đánh vào. Bốn trại địch bị tiêu diệt, hơn 1.000 địch bị giết. Nghĩa quân thu được nhiều quân lương, khí giới. Mặc dầu bị thiệt hại, mười vạn quân địch vẫn phá núi mở đường cố sức tiến lên. Nghĩa quân bố trí mai phục ở đèo Ông để chờ địch. Địa thế đèo Ông rất hiểm trở, phải trèo lên cao mới vượt qua được. Trưa ngày hôm sau, quân Trần Trí tới đèo Ông. Chúng bám vào nhau như đàn kiến để leo lên. Trong khi đó, phục binh của nghĩa quân từ các đường núi xông ra giáp chiến. Quân địch bị thua lớn. Tướng địch Trần Trí phải lui quân.
Nhưng quân Minh vừa rút khỏi thì một tù trưởng Lão Qua là Bồ Sát (hoặc Mãn Sát) đem 3 vạn quân và 100 con voi chiến đã vượt qua biên giới, tiến vào sau lưng nghĩa quân, phao tin sang giúp nghĩa quân đánh giặc Minh, để nghĩa quân không chú ý đề phòng, và tới nửa đêm, họ tập kích doanh trại nghĩa quân. Trước tình hình đó, nghĩa quân Lam Sơn vẫn bình tĩnh đối phó. Nhiều toán nghĩa quân lập tức được lệnh đi vòng ra phía sau lưng quân Lão Qua. Rồi nghĩa quân, từ trong doanh trại đánh ra, từ phía sau lưng địch đánh vào. Ba vạn quân Lão Qua bất ngờ rơi vào thế bị bao vây chặt chẽ, lúng túng bị động, không đối phó nổi. Hơn một vạn địch bị giết tại trận, 14 voi chiến bị nghĩa quân bắt sống. Quân Lão Qua tháo chạy. Nghĩa quân truy kích liên tiếp bốn ngày đêm. Cùng đường, hoảng sợ, Bồ Sát phải cho người tới gặp Lê Lợi cầu hòa. Nghĩa quân nhận lời và quyết định quay trở về. Trong khi đó, tướng tiên phong của nghĩa quân là Lê Thạch vẫn ráo riết truy kích địch và bị chết vì giẫm phải chông.
Chiến thắng quân Minh, quân ngụy ở Kình Lộng, đèo Ống và trận tiêu diệt quân Lão Qua đã phá tan cuộc tiến công lớn gồm hàng chục vạn quân của địch.
Sau thất bại này, địch lại phải để một thời gian dài nữa mới có thể tổ chức được một cuộc tiến công khác, vì trong năm 1422, chúng gặp nhiều khó khăn trong nội bộ của chúng ở Việt Nam và ở cả nước chúng. Tháng 3 năm 1422, tống binh Lý Bân chết. Việc này phải đưa tin về triều và chờ lệnh của vua Minh cử người khác thay. Đưa tin từ Đông Quan đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh) tới khi có người thay Lý Bân không phải là việc nhanh chóng. Và ngay tại nước Minh tình hình cũng đương rối ren bề bộn. Tại Sơn Đông và Phúc Kiến đương có những cuộc khởi nghĩa lớn do Đường Trại Nhi và Đặng Mậu Thất lãnh đạo mà triều đình nhà Minh phải lo đối phó. Nhất là trong năm 1422, nhà Minh lại có chiến tranh lớn với người Thát Đát. Chính vua Minh phải thân chinh chỉ huy. Riêng việc vận chuyển quân lương, vũ khí ra chiến trường đã phải sử dụng tới gần 18 vạn cỗ xe, 34 vạn con lừa và gần 24 vạn dân phu. Bao nhiêu quân tướng đều thu hút vào cuộc chiến tranh này cả. Cho nên, trong tình hình đó, triều đình nhà Minh không thể quan tâm đến chiến trường Việt Nam, không thể cử những tướng lĩnh cao cấp sang Việt Nam như các lần trước, mà phải cử Trần Trí, một phó tướng đương ở Việt Nam lên thay Lý Bân.
Vì địch gặp những khó khăn như vậy nên trong cả năm 1422, không có trận giao tranh nào đáng kể giữa nghĩa quân và quân Minh. Nghĩa quân vẫn hoạt động ở vùng Lỗi Giang. Đại bản doanh của nghĩa quân đóng ở Ba Lẫm, rồi tiến xuống đóng ở Quan Du
Sau khi nhận nhiệm vụ tổng binh, Trần Trí quyết định tổ chức một cuộc tiến công mới vào nghĩa quân Lam Sơn, vẫn có sự phối hợp tác chiến của quân Lão Qua. Đầu năm 1423, cuộc tiến công bắt đầu. Lần này, quân Lão Qua tiến sang Mường Kiệt (thuộc Quan Hóa). Quân Minh do Trần Trí và Mã Kỳ chĩ huy, theo dọc sông Mã tiến lên. Hai đạo quân phối hợp với nhau, lập thành hai gọng kìm tiến đánh nghĩa quân. Ngày 5 tháng 2 năm 1423, địch từ hai mặt tiến công Quan Du. Thế địch rất mạnh. Nghĩa quân đã chiến đấu rất anh dũng, nhiều nghĩa quân đã hy sinh oanh liệt nhưng vẫn không đẩy lùi được địch, nghĩa quân quyết định rời khỏi Quan Du, tiến lên phía huyện Khôi (khoảng huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày nay) với ý định tránh cuộc vây hãm lớn của địch và tìm một địa thế hiểm trở thuận lợi cho việc phá vỡ cuộc tiến công của địch.
Nghĩa quân tới huyện Khôi chừng 7 ngày thì quân Minh và quân Lão Qua cũng kéo tới, vây chặt lấy nghĩa quân. Trước tình thế quân địch ào ào kéo tới hòng tiêu diệt quân ta, nghĩa quân quyết tâm chiến đấu một sống một còn với địch. Toàn quân lăn xả vào địch mà đánh. Các tướng Lê Lĩnh, Phạm Vân, Lê Hào, Lý Triện xung phong phá vây, tập trung đánh mạnh vào một phía để giải vây. Trong cuộc giao tranh ác liệt, tham tướng địch là Phùng Quý và hơn 1.000 quân địch bị giết tại trận. Tinh thần chiến đấu dũng mãnh ngoan cường của nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển bại thành thắng, buộc địch phải rút chạy. Quân Minh trở về Đông Quan. Quân Lão Qua cũng chạy về nước.
Chiến thắng huyện Khôi đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm hy sinh của nghĩa quân Lam Sơn. Nhưng với chiến thắng huyện Khôi, nghĩa quân cũng bị hy sinh nhiều. Lực lượng vũ trang chiến đấu của nghĩa quân như Nguyễn Trãi đã nói không còn đầy một lữ, tức chưa được 500 người. Nghĩa quân cần phải có thời gian củng cố lực lượng mới có thể tiếp tục chiến đấu với địch. Mà huyện Khôi không phải là nơi an toàn để nghĩa quân đóng lại lâu. Tại đây, lúc nào nghĩa quân cũng có thể bị quân địch ở Đông Quan, Tây Đô và Lão Qua, từ ba mặt đánh khép lại, dồn nghĩa quân vào thế hoàn toàn bất lợi. Miền Lỗi Giang, Cẩm Thủy, cũng như huyện Khôi, không còn có những điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của nghĩa quân như những ngày trước. Cho nên nghĩa quân Lam Sơn quyết định theo đường núi tạm thời rút về vùng rừng núi Chí Linh xưa để định một kế hoạch hoạt động mới, làm cho phong trào ngày càng lớn mạnh hơn.