ĐẤU TRANH HÒA ĐÀM MỞ ĐẦU MỘT GIAI ĐOẠN ĐÁNH MẠNH VÀO LÒNG ĐỊCH
Về Chí Linh lần này Nguyễn Trãi bắt đầu vận dụng kế sách đấu tranh hòa đàm để mở đầu cho một giai đoạn chiến tranh mới, giai đoạn đánh mạnh vào lòng địch, kết hợp với đánh mạnh bằng quân sự và bằng sức mạnh của quần chúng nổi dậy để đánh bại hẳn quân địch.
Nghĩa quân Lam Sơn về Chí Linh lần này, cũng như hai lần trước là để củng cố lực lượng tiếp tục chiến đấu với địch. Nhưng hai lần trước, nghĩa quân ở vào thế bị động đối phó, phải chờ địch rút khỏi Chí Linh thì trở về Lam Sơn lo củng cố lực lượng. Lực lượng củng cố chưa được bao nhiêu, địch lại đến đánh, nghĩa quân lại phải rời khỏi Lam Sơn để lo đương đầu với chúng. Rồi khi đánh khi lui, khi được khi thua, cuối cùng lại chạy về núi Chí Linh ẩn náu và lo củng cố lực lượng. Lần này về Chí Linh, nghĩa quân quyết tâm khắc phục tình trạng đó. Các lãnh tụ nghĩa quân không chỉ lo củng cố lực lượng mà còn muốn phát triển lực lượng mạnh mẽ hơn nữa, tạo nên những điều kiện thuận lợi để đánh lâu dài và đánh thắng hẳn địch. Muốn làm được như vậy, muốn tập trung mọi cố gắng, mọi công sức vào việc xây dựng lực lượng, thì việc trước tiên là phải tạo được cơ hội rảnh tay đối phó với địch, có thời gian hòa hoãn với địch. Mà muốn hòa hoãn thì phải đàm phán thương lượng với địch. Đây là một việc, trong 5 năm qua, từ khi khởi nghĩa bùng nổ tới bấy giờ, nghĩa quân chưa hề làm. Đàm phán hòa hoãn với địch có thể được không, địch có chịu đàm phán, hòa hoãn không. Đàm phán, hòa hoãn như thế nào để không thương tổn đến danh dự, không nguy hiểm tới sự sống còn của nghĩa quân. Đó là những điều các lãnh tụ nghĩa quân cần tính toán, cân nhắc. Nguyễn Trãi đã được trao trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu trù liệu việc đàm phán
Muốn biết có thể đàm phán, hòa hoãn được với địch hay không, thì trước hết phải thấy được tình thế của địch. Có buộc địch phải đàm phán, hoặc khiến địch sẵn sàng đàm phán, nếu ta chủ động đặt vấn đề. Tình thế của địch thể hiện không chỉ ở trên chiến trường Việt Nam mà cả ở bên nước chúng. Tình thế đó Nguyễn Trãi đã thấy rất rõ. Địch đương gặp nhiều lúng túng, khó khăn ở ngay bên nước chúng về các vấn đề quân sự. Người Minh đương phải lo chống giữ với người Ngõa Thích ở miền biên giới phía tây và đương có chiến tranh lớn với người Thát Đát ở miền biên giới phía bắc. Trong tình hình đó, chính bọn vua tôi nhà Minh tại triều đình là bọn chủ mưu xâm lược Việt Nam, cũng muốn hòa hoãn, dụ hàng nghĩa quân Lam Sơn, hơn là tiếp tục dùng biện pháp quân sự. Vì chúng ở cái thế không thể tăng viện cho quân đội xâm lược của chúng ở Việt Nam. Từ năm 1422, chúng phải dốc lực lượng cả nước ra để đối phó với những cuộc tiến công của quân Thát Đát ở biên giới phía bắc. Tình hình thực tế đó ở bên nước Minh không cho phép triều đình nhà Minh nghĩ đến việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, nếu chưa phải rút bớt quân tướng của chúng ở Việt Nam để đưa lên chiến trường phía bắc đã là may lắm rồi. Tình thế quân Minh và triều đình nhà Minh đương bị sa lầy trong chiến tranh ở miền biên giới phía bắc và phía tây. Nguyễn Trãi biết lắm, nên trong mấy bức thư đầu tiên gửi cho tổng binh địch Trần Trí để đàm phán hòa hoãn, Nguyễn Trãi đã nhắc khéo: "...xin hoặc cho đi đánh Bắc để lập công hoặc cho theo dẹp Tây để chuộc tội". Nguyễn Trãi không những thấy rõ những khó khăn, lúng túng về quân sự của triều đình nhà Minh mà còn thấy cả những lục đục trong nội bộ của chúng. Cho nên trong những văn từ của ông trao đổi với địch sau này, ông luôn luôn nhấn mạnh cái "cơ táng loạn" của nhà Minh "bên trong có họa tiêu tường bên ngoài có giặc bắc biên, đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền, hạn hán hoàng trùng luôn năm tai họa, bốn phương đạo tặc nổi dậy như ong".
Còn bọn tướng địch ở Việt Nam, bản thân chúng cũng muốn tạm thời hòa hoãn với nghĩa quân. Nguyễn Trãi đã nhìn thấy tình thế đó của chúng và ông đã nói rõ trong Lam Sơn thực lục: "Giặc bị ta đánh thua luôn, ý cũng muốn lấy mưu dụ nhà vua". Đúng là như vậy. Từ cuối năm 1406, khi quân Minh bắt đầu đặt chân lên đất nước Việt Nam tới đầu năm 1423, hơn 16 năm ròng rã, quân Minh luôn luôn bị nhân dân ta đánh phá, khởi nghĩa liên tục nổ ra khắp nơi. Quân đội xâm lược không được một phút nghỉ ngơi, ngày đêm phải cầm vũ khí để lo đối phó với các cuộc nổi dậy của nhân dân ta. Khi chúng đỡ đàng đông, khi chúng chạy đàng tây, khi chúng vào Nam khi chúng ra Bắc. Không chỗ nào là không có nghĩa quân đánh chúng. Trong 16 năm chúng đã bị tổn thất nặng nề về người và của. Riêng đối với nghĩa quân Lam Sơn, trong năm năm qua, quân Minh đã nhiều lần tiến hành đàn áp, nhưng chúng đều thất bại trước đội quân bé nhỏ mà anh hùng. Từ cuối năm 1420, nhiều cuộc khởi nghĩa bị tạm thời dập tắt, địch có thể tập trung lực lượng đàn áp nghĩa quân Lam Sơn, và trong hơn hai năm, từ cuối năm 1420 tới đầu năm 1423, địch đã mấy lần đem đại quân đánh phá nghĩa quân, lần nào cũng điều động hàng chục vạn quân, nhưng lần nào cũng thất bại trước sự phản công quyết liệt của nghĩa quân Lam Sơn. Trong thực tế chiến đấu như vậy, bọn xâm lược cũng mệt mỏi lắm. Muốn tiếp tục những cuộc đàn áp mới thì phải tăng cường lực lượng, phải xin thêm viện binh. Mà xin thêm viện binh sang Việt Nam, trong lúc nước chúng đương phải dốc hết sức người, sức của lên chiến trường phía bắc, thì là việc không thể được. Cho nên sau những thất bại ở huyện Khôi, quân địch ở vào cái thế không thể mở ngay được những cuộc đàn áp mới. Chúng cũng muốn nhân tình hình đó được nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng nghỉ ngơi như thế nào cho được an toàn, không bị nghĩa quân tiến công bất ngờ. Do đấy quân địch sẵn sàng hòa hoãn với nghĩa quân, để có thể vừa tranh thủ nghỉ ngơi vừa tiến hành dụ hàng nghĩa quân. Chúng hy vọng làm được như vậy thì vừa không bị chết thêm nhiều quân lại vừa dập tắt được phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta.
Nắm vững tình hình và tâm trạng địch như trên, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã thấy được cái thế buộc địch phải sẵn sàng hòa hoãn với mình, không những hòa hoãn mà địch sẽ còn tìm cách giao hảo, lấy lòng, mua chuộc để mong dụ hàng nghĩa quân. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh quyết định tiến hành đàm phán với địch. Nhưng Lê Lợi còn do dự, chưa quyết: đã thề không đội trời chung với giặc, đã đổ bao xương máu với giặc, ông không muốn có lúc lại tay bắt mặt mừng với giặc. Các tướng sĩ nghĩa quân, thấy được cái lợi của việc hòa hoãn đã nhất trí yêu cầu Lê Lợi nên kịp thời đàm phán với địch. Hòa hoãn không những để có điều kiện củng cố lực lượng, tính kế sau này, mà trước mắt để chấm dứt những khó khăn rất lớn nghĩa quân đương gặp phải. Đã hơn hai tháng nghĩa quân không có lương ăn. Về Chí Linh lần này cũng như hai lần trước, nghĩa quân Lam Sơn hàng ngày phải sống bằng măng dang, măng nứa, bằng rau rừng, quả dại và bằng những con vật săn bắt được trong rừng. Đã có những lúc, nghĩa quân phải giết cả ngựa chiến, voi chiến, là những phương tiện chiến đấu rất cần thiết, để làm lương ăn. Mấy tháng liền chịu đựng cảnh sống ngặt nghèo như thế, trong hàng ngũ nghĩa quân không tránh khỏi có người dao động. Một viên tướng nghĩa quân là Khanh đào ngũ, các lãnh tụ nghĩa quân phải bắt, đem làm tội, để răn giữ tinh thần bền bỉ chịu đựng gian khổ. Nhưng, dù sao, tình trạng sống như thế cũng không thể kéo dài, phải có phương kế giải thoát ra khỏi khó khăn. Hòa hoãn với địch cũng là một cách để chấm dứt những khó khăn trước mắt đó. Trước những yêu cầu chủ quan và khách quan của tình hình, Lê Lợi cũng nhận thấy việc đàm phán, hòa hoãn với địch lúc này là đúng và cần thiết, ông chấp nhận đề nghị của các tướng sĩ. Nguyễn Trãi bắt tay vào việc tiến hành đàm phán. Ông viết bức thư đầu tiên gửi tổng binh địch Trần Trí. Hai tướng thân cận của Lê Lợi là Lê Trăn và Trần Vận, anh vợ Lê Lợi, được cử đem thư và lễ vật gồm 5 đôi ngà voi đi tiếp xúc và đàm phán với địch. Chưa có tài liệu nói rõ cách thức và thời gian đàm phán giữa nghĩa quân và quân Minh, nhưng căn cứ vào mấy sự việc: nghĩa quân Lam Sơn rút về núi Chí Linh từ tháng 12 năm Nhâm Dần, tức đầu năm 1423, nghĩa quân thiếu lương ăn trong hơn hai tháng, thì cuộc đàm phán có thể đã tiến hành trong nửa cuối tháng 3 hoặc những ngày đầu tháng 4 năm Quý Mão (1423). Cuộc đàm phán đã thành công nhanh chóng. Một thời kỳ tạm hòa hoãn với địch bắt đầu
Dùng đàm phán để tạm thời hòa hoãn với địch. Hòa hoãn để có thời gian chuẩn bị điều kiện đánh lâu dài với địch đi đến càng đánh càng được. Đó là hai thành công lớn của Nguyễn Trãi mở đầu cho một giai đoạn chiến đấu mới của nghĩa quân Lam Sơn. Nguyễn Trãi đã làm hai việc đó với tầm mắt của một nhà chiến lược xuất sắc. Kinh nghiệm chiến đấu chống xâm lược của dân tộc ta trong mấy nghìn năm đã cho thấy: "Kháng chiến phải trường kỳ, vì đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài và phải có sự chuẩn bị về toàn diện của toàn dân" và "Ta cũng phải tranh thủ thời gian chuẩn bị. Đó là một điều kiện để thắng đối phương trong quân sự, thời gian rất là quan trọng, có tranh thủ thời gian mới bảo đảm được yếu tố thắng địch...".
PHÁT ĐỘNG CHIẾN TRANH NHÂN DÂN, VŨ TRANG DÂN CHÚNG: "GIƠ GẬY LÀM CỜ, BỐN PHƯƠNG DÂN CÀY TẬP HỢP"
QUAN ĐIỂM KHỞI NGHĨA CỦA NGUYỄN TRÃI
Từ khi còn bôn tẩu tìm đường cứu nước, Nguyễn Trãi đã suy nghĩ nhiều về khởi nghĩa vũ trang đánh địch, và trong tư tưởng ông đã hình thành một quan điểm khởi nghĩa khá rõ ràng, khởi nghĩa nhân dân, vì dân và dựa vào dân để đánh thắng giặc.
Nguyễn Trãi chủ trương trước hết phải vì dân mà khởi nghĩa. Khởi nghĩa nhằm đem lại an ninh, hạnh phúc cho dân, đó là mục đích cao cả và duy nhất của khởi nghĩa. Nguyễn Trãi khẳng định:
Dấy quân nghĩa cốt để yên dân
(Nghĩa sư chi cử vụ tại an dân)
Làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân
Dấy quân đánh dẹp trước tiên trừ bạo
(Bình Ngô đại cáo)
Nếu không xác định được mục đích khởi nghĩa là vì dân, không trước sau như một, vì lợi ích của nhân dân mà chiến đấu thì khởi nghĩa không có lý do tồn tại và không thể thành công. Cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng là cuộc khởi nghĩa lớn mạnh nhất trước khởi nghĩa Lam Sơn, đã tồn tại khá lâu dài, đã làm cho địch phải nhiều phen lao đao, khốn đốn, đã đánh cho địch thất bại nhiều lần, vậy mà cuối cùng, khởi nghĩa phải tan rã, cũng chỉ vì những người lãnh đạo phong trào đã không giữ vững được mục đích vì dân chiến đấu, để cho tư tưởng địa vị, quyền lợi riêng chi phối và đi tới nghi kỵ, chém giết, đánh phá lẫn nhau. Như thế, cuộc khởi nghĩa tự bản thân nó đã không thể đứng vững được, chưa nói tới bị địch đánh.
Điểm thứ hai trong quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi là khởi nghĩa phải dựa vào dân, phải được nhân dân ủng hộ, khởi nghĩa phải tranh thủ được sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng nhân dân.
- Một khi nghĩa binh đã dấy, bốn phương kéo đến như mây.
- Một khi cờ nghĩa mới phất, bốn phương nổi dậy như ong.
- Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương dắt díu nhau mà đến.
Có thế, khởi nghĩa mới có sức sống, mới có khả năng làm tròn nhiệm vụ lịch sử đánh giặc cứu nước.
Nếu khởi nghĩa không được nhân dân đồng tình ủng hộ thì dù có 100 vạn quân như Hồ Quý Ly cũng thất bại. Trái lại nếu Hồ Quý Ly có được sự đồng lòng chiến đấu của nhân dân thì tướng Minh Trương Phụ dù có 80 vạn quân hay hơn nữa cũng không thể thực hiện được mưu đồ xâm lược của chúng, về thất bại của Hồ Quý Ly và thắng lợi của Trương Phụ, Nguyễn Trãi đã nhận định:
"...họ Hồ thoán đoạt, người cả nước coi tựa kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly, Trương Phụ chỉ may nhân chỗ hở ấy mà nên công đấy thôi".
Nguyễn Trãi cũng sớm nhận thức được rằng: trong chiến tranh, có vũ khí và phương tiện chiến tranh là điều rất cần thiết, nhưng con người mới thật là mạnh hơn cả, sức dân như nước, nhân dân là vô địch, nhân dân quyết định thắng lợi của chiến tranh. Để đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã làm nhiều vũ khí tốt và cắm cọc chăng dây la liệt ở các cửa biển dòng sông, vậy mà vẫn thua. Nguyễn Trãi đã phê phán việc làm của Hồ Quý Ly và nhấn mạnh quan điểm đánh giặc giữ nước của ông:
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền
Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên
Phúc chu thủy tín dân do thủy
(Quan hải)
Dịch:
Cọc cắm hết lớp này đến lớp khác trước sông biển
Dây sắt dăng ngầm khóa sông lại cũng luống công thôi
Lật thuyền, mới rõ dân như nước...
(Đóng cửa biển)
Cho nên sự đồng tình ủng hộ của nhân dân là điều kiện tiên quyết để đánh thắng giặc. Có nhân dân ủng hộ thì "Binh tượng nhiều, tâm lực đều, dù có trăm bọn Trương Phụ củng chẳng làm gì nổi".
Một điểm nữa trong quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi là những người khởi nghĩa phải có tinh thần quên mình vì dân vì nước, không ngại hy sinh, không nề gian khổ, phải biết "sinh nhục tử vinh" (Phú núi Chí Linh), lấy chết vinh hơn sống nhục, thì mới thực hiện được mục đích khởi nghĩa vì dân, mới thu hút được sự tin cậy, hưởng ứng và đồng lòng chiến đấu của nhân dân. Chính vì thế, Nguyễn Trãi luôn luôn động viên mọi người phải có tinh thần chịu đựng, hy sinh gian khổ, phải tìm thấy cái vui, cái lạc quan trong gian khổ, và từ trong gian khổ mà tin tưởng ở thắng lợi:
"Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước
Lắm lo toan là gốc nên tài
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu xa
Lo trước mọi việc thì thành công kỳ lạ"
(Phú núi Chí Linh)
Nguyễn Trãi coi sự chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn như một đạo lý làm người để vươn lên những đỉnh cao của hoài bão, của lý tưởng, nên ông thường khuyến khích mọi người:
Khó khăn mới phải người quân tử
Mạnh gắng thì nên kẻ trượng phu
…
Khó khăn thì mặc có màng bao
Càng khó bao nhiêu chí mới hào
Quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi rất trong sáng, sâu sắc và tiến bộ. Đó là một quan điểm khởi nghĩa xây dựng trên cơ sở một tấm lòng yêu dân yêu nước tha thiết, một sự tin tưởng vững chắc vào sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân và một ý chí sắt đá xả thân cứu nước, vượt mọi gian khổ hy sinh để đánh thắng giặc xâm lược. Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn là những người yêu nước rất mực và dũng cảm vô hạn, nên ngay từ thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa, đã có những chủ trương và hành động phù hợp với quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi. Điểm nổi bật hàng đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và quán xuyến toàn bộ quá trình 5 năm chiến đấu ở Lam Sơn, Chí Linh và miền tây Thanh Hóa là tinh thần chiến đấu kiên cường và dũng cảm tuyệt vời của nghĩa quân Lam Sơn. Từ lãnh tụ tới quân sĩ, ai cũng một lòng xả thân cứu nước, không nề gian khổ, không ngại hy sinh, đặt nghĩa lớn của dân tộc lên trên tình cảm gia đình, trên tính mạng và hạnh phúc riêng của bản thân, quyết chiến quyết thắng, đánh giặc đến cùng. Trong 5 năm chiến đấu gian khổ, nghĩa quân Lam Sơn đã phải nhiều phen sống cảnh "nằm đất ngủ sương", "lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ làm nhà cửa", "cơm ăn sớm tối không đủ hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một manh" như Nguyễn Trãi thường nhắc lại. Nghĩa quân cũng đã mấy lần hết lương, mỗi lần hết lương hàng tháng, hàng mấy tháng, nghĩa quân vẫn kiên trì chịu đựng, đào củ rừng, kiếm củ nâu, lấy rau dại, bẻ măng, hái quả, bắt chim muông mà ăn. Đói, nhưng vẫn vui vẻ "lấy rễ rau làm lương ăn" để duy trì sức chiến đấu của mình. Khốn khó, gian khổ cực độ, nhưng nghĩa quân Lam Sơn "trong cảnh khốn vẫn bền lòng, vững tin ở ngày hưng vượng". Sự bền lòng trong cảnh khốn khó của nghĩa quân đã tạo thành sức mạnh để chiến thắng và lòng tin vững chắc không gì lay chuyển nổi của nghĩa quân ở thắng lợi cuối cùng đã truyền cảm mạnh mẽ và sâu rộng trong nhân dân, động viên mọi người cùng lên đường đánh giặc.
Kiên trì chịu đựng gian khổ thì càng ngoan cường chiến đấu, anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn. Chính tinh thần hy sinh chiến đấu đó của nghĩa quân đã đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của giặc. Khi khởi nghĩa bùng nổ được ít ngày, vợ con Lê Lợi và gia đình nhiều nghĩa quân bị giặc bắt, giặc muốn lấy đó làm kế buộc Lê Lợi và nghĩa quân phải buông khí giới đầu hàng. Nhưng Lê Lợi và nghĩa quân đã nén đau thương, hy sinh gia đình, hạnh phúc, cương quyết chiến đấu đến cùng và đã đánh thắng cuộc vây hãm đầu tiên của giặc đầu năm 1418. Sau khi rút về Chí Linh lần thứ hai vào giữa năm 1419, những hành động anh dũng hy sinh của Lê Lai và 500 nghĩa quân quyết tử đã giải vây được cho nghĩa quân, đẩy lùi được cuộc tiến công lớn của giặc. Trong nhiều trường hợp, tinh thần ngoan cường chiến đấu của nghĩa quân, xông thẳng vào quân thù mà đánh, đã chuyển bại thành thắng, lấy quân tinh thắng quân đông, lấy chất lượng khắc phục số lượng, đánh tan những đạo quân địch đông hơn mình gấp bội phần như những trận đánh ở Quan Du, ở huyện Khôi đầu năm 1423.
Bền bỉ chịu đựng gian khổ, anh dũng hy sinh, ngoan cường chiến đấu là những yếu tố tinh thần có sức mạnh hơn vũ khí, đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng rực rỡ của nghĩa quân Lam Sơn trong năm năm chiến đấu gian khổ kiên cường ở miền tây Thanh Hóa.
Những cảnh:
Vợ con lưu lạc, quân sĩ lìa tan,
Trong cảnh khốn vẫn bền lòng vững tin ở ngày hưng vượng
Lấy giáp sắt làm áo mặc, lấy rễ rau làm lương ăn
(Chí Linh sơn phú)
Khi Linh sơn lương cạn mấy tuần
Lúc Khôi huyện quân không một lữ
(Bình Ngô đại cáo)
của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã chinh phục được lòng người, động viên được tinh thần yêu nước của nhân dân, thúc đẩy mọi người hăng hái tham gia chiến đấu, đánh giặc đến cùng. Nguyễn Trãi đã tới với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng chính vì tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh và đường lối tiến hành khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phù hợp với quan điểm khởi nghĩa của ông.
Thực tế chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn cho thấy quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi là rất đúng đắn. Nhưng quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi không dừng lại ở đó. Qua thực tế chiến đấu, quan điểm khởi nghĩa của Nguyễn Trãi còn phát triển lên cao hơn nữa.
TỪ KHỞI NGHĨA ĐỊA PHƯƠNG, TIẾN LÊN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN CẢ NƯỚC ĐÁNH GIẶC
Trong năm năm hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa, phong trào khởi nghĩa Lam Sơn có ưu điểm rất lớn là vì dân chiến đấu, biết dựa vào dân mà chiến đấu nhưng nhận thức về dân còn ở mức thấp, chưa thấy hết được sức mạnh của dân, chưa phát huy được sức mạnh như nước của nhân dân để đánh giặc. Cho nên trong suốt quá trình năm năm chiến đấu, lực lượng nghĩa quân lúc nào cũng nhỏ bé, phong trào chưa thật lớn mạnh. Cho nên phát triển lực lượng là vấn đề sống còn của nghĩa quân, cần được giải quyết tốt. Nhưng giải quyết bằng cách nào.
Hòa hoãn với địch đã thành, điều kiện và thời cơ để củng cố hàng ngũ nghĩa quân và phát triển lực lượng đã hiện ra nghĩa quân phải bắt tay ngay vào việc "Thu nhặt tàn quân" củng cố hàng ngũ nghĩa quân đã có sẵn là một việc cần, nhưng không đủ để đương đầu với giặc. Công việc quan trọng nhất lúc này là phải phát triển lực lượng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng phát triển lực lượng bằng cách nào? Có thể và có nên làm như các lần trước không? Các lần trước, từ Chí Linh nghĩa quân lại trở về Lam Sơn, quê hương của khởi nghĩa và cũng là quê hương của Lê Lợi và của phần lớn các tướng lĩnh và nghĩa quân, để vận động bà con thân thích của nghĩa quân và đồng bào những vùng gần Lam Sơn tham gia hàng ngũ chiến đấu. Tuyển quân hạn chế trong một phạm vi nhỏ hẹp như vậy nên lực lượng không thể đông mạnh. Trước đây, Lê Lợi cũng có nghĩ tới việc chiêu tập những người yêu nước từ các phương xa tới, và những người yêu nước đây, phải là những hào kiệt. Ngay từ khi mới dấy nghĩa ở Lam Sơn, Lê Lợi đã chú trọng nhiều đến việc tập hợp hào kiệt bốn phương và coi việc đón mời hiền tài là một việc quan trọng. Nhưng trong năm năm chiến đấu đã qua, với quan điểm "tập hợp hào kiệt bốn phương" này, Lê Lợi đã phải nhiều lần phàn nàn:
Chính khi cờ nghĩa phất lên
Là lúc thế giặc đương mạnh
Vậy mà tuấn kiệt lưa thưa như sao sớm
Nhân tài lác đác tựa lá thu
Bôn tẩu đó đây, ít kẻ đỡ đần
Mưu mồ bàn bạc thiếu người giúp giập
Một niềm lo cứu nhân dân, những bực tức miền đông muốn tới
Tha thiết đón xe hiền giả, hằng ngóng trông bên tả vẫn không
Mong người hiền như trông biển cả mịt mùng...
(Bình Ngô đại cáo)
Hoặc:
Khi nghĩa quân mới dấy là lúc thế giặc đương hăng
Anh hào cả nước, lưa thưa như lá thu gặp sương
(Chí Linh sơn phú)
Mặt khác, Lê Lợi và nghĩa quân ít chú trọng phát động quần chúng nhân dân cùng đánh giặc cứu nước. Trong quá trình chiến đấu, nghĩa quân đã nhiều lần quân tàn lương hết, và mỗi lần như vậy lại trở về quê hương Lam Sơn mộ quân trong những người thân thích, họ hàng và nhân dân vùng Lam Sơn, mà không chú trọng vận động nhân dân các nơi khác gia nhập nghĩa quân, cho nên lực lượng nghĩa quân chưa lúc nào đông mạnh. Trong khi nghĩa quân Lam Sơn hoạt động tại miền tây Thanh Hóa, nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra liên tiếp ở nhiều nơi, ngay tại Thanh Hóa, nghệ An, tiếp cận với phong trào Lam Sơn, cũng có nhiều phong trào khá mạnh. Nhưng nghĩa quân Lam Sơn đã hoạt động riêng lẻ một mình, không liên kết với các phong trào đó, không thống nhất hành động với họ, cho nên nghĩa quân Lam Sơn không gây được cho phong trào yêu nước lúc ấy một khí thế tiến công sôi nổi ở nhiều nơi, để đẩy địch vào thế bị động đối phó trên các chiến trường và không tạo được cho mình một sức mạnh ngày càng to lớn
Rút kinh nghiệm đã qua, lần này, để phát triển lực lương nghĩa quân làm theo một phương thức khác, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn chủ trương:
"Giơ gậy làm cờ, bốn phương dân cày tập hợp"
(Bình Ngô đại cáo)
Giơ gậy làm cờ là dùng gậy tày, đòn xóc để vũ trang dân chúng. Bốn phương dân cày tập hợp là tập hợp quần chúng nhân dân cả nước làm lực lượng đánh giặc cứu nước. Chủ trương này phản ánh quan điểm chiến tranh nhân dân cả nước đánh giặc của Nguyễn Trãi, một quan điểm chiến tranh rất tiến bộ mà chỉ những người hiểu thấu sức mạnh của nhân dân mới có thể có được
"Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính ở dân". Nhất là trong hoàn cảnh nước ta, khi có chiến tranh chống xâm lược:"Nước ta vốn là một nước nhỏ, đất không rộng người không đông... Nhưng bọn xâm lược thường là những lực lượng lớn hơn ta gấp bội. Trong hoàn cảnh phải lấy nhỏ đánh lớn như vậy, để giữ vững mảnh đất quê hương để chiến thắng những kẻ thù hung bạo, dân tộc ta phải phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả nước, không thể chỉ cậy vào quân đội". Đó là một nguyên lý rút ra từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta mà tổ tiên từ bao đời trước đã nhận thức được và vận dụng có sáng tạo. Nhìn lại bao nhiêu thế hệ đánh giặc, cứu nước, Nguyễn Trãi càng thấy rõ vai trò to lớn của dân cày, nhất là dân cày nghèo, trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Cho nên Nguyễn Trãi lấy việc vận động nông dân tham gia khởi nghĩa làm điều kiện tiên quyết để xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng. Đưa chủ trương "tập hợp dân cày bốn phương" lên hàng đầu, đặt lên trước phương thức cổ truyền "tập hợp hào kiệt bốn phương" của vận động khởi nghĩa trong thời phong kiến, chính là một bước tiến bộ quan trọng trong tư tưởng của những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nói như vậy không phải là Nguyễn Trãi không coi trọng vấn đề cầu hiền. Có nhiều người hiền tài, mới có nhiều tướng lĩnh giỏi, mới có một đội ngũ cán bộ tốt, cần thiết cho phong trào. Chính Nguyễn Trãi đã nhiều lần thay Lê Lợi làm chiếu, truyền hịch cầu hiền. Nhưng quan điểm dùng người của Nguyễn Trãi rất rộng rãi. Người tài cao cũng dùng, người tài thấp cũng dùng. Bất cứ ai, dù có tài hay không có tài, đã có tinh thần yêu nước, đã đến với nghĩa quân, là đều được dùng một cách thích đáng. Sau này, khi về già, Nguyễn Trãi đã có lần nói rõ quan điểm dùng người của ông như sau:
Chọn người hiền không cứ loại nào
Dùng tài người xem như mình có
Kén người thì rau phỉ, rau phong đều hái
Đúc tài thì đồ thô đồ méo không quên
Người tài hay người không tài, người giỏi hay người không giỏi, Nguyễn Trãi đều coi trọng, ông thường nói: "Người giỏi là thầy dạy người không giỏi, người không giỏi là bạn giúp người giỏi". Cho nên, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Trãi đã động viên và sử dụng được mọi lực lượng, mọi khả năng để cùng đánh giặc, cứu nước.
Chủ trương vận động dân cày nghèo tham gia khởi nghĩa và quan điểm dùng người một cách rộng rãi chính là sự thể hiện đường lối phát động dân chúng đứng lên đánh giặc, cứu nước của Nguyễn Trãi. Với đường lối này, lực lượng nghĩa quân, từ sau khi tạm thời hòa hoãn với địch, đã phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh, đủ sức đánh bại quân thù.
Đi đôi với việc tăng cường lực lượng nghĩa quân, Nguyễn Trãi chủ trương tích cực vận động dân chúng nổi dậy, vũ trang dân chúng và liên kết, thu hút các phong trào yêu nước khác vào phong trào Lam Sơn để cùng đánh giặc cứu nước, tạo thành một khí thế tiến công sôi nổi, toàn dân đánh giặc, đánh đâu thắng đấy, đánh địch ở khắp nơi, đánh bằng mọi cách, đánh trên mọi mặt, làm cho địch không sao đủ sức đương nổi,"đành bó tay chờ chết" (thúc thủ đãi vong - Binh Ngô đại cáo). Có thể nói kế sách kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận, cùng với kế sách phát động dân chúng đứng lên đánh giặc, cứu nước là hai kế sách rất quan trọng mà Nguyễn Trãi đã cống hiến vào sự hoạt động của phong trào Lam Sơn để mau tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
(Nguồn: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước)