Thân thế và sự nghiệp

Làm dân chài

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyên Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Thuở nhỏ, ông còn có tên là Chơn.

Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, Thị Trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thăng hoặc Trường), mẹ là bà Lê Kim Hồng.

Khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo (ông nội của Nguyễn Văn Lịch) chạy giặc vào Nam định cư tại thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông.

Làm Quản cơ

Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên tại xóm nghề thôn Bình Nhật. Được học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Đặc biệt năm 1858 – 1859, ông đoạt giải quán quân võ đài tại Cai Tài, phủ lỵ Tân An. Võ sinh các môn phái tham gia võ đài đều tôn Nguyễn Văn Lịch làm thủ lĩnh Dân quân tham gia đánh giặc Pháp.

Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lượNguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương nhưng không được trọng dụng nên ông lui về Tân An. Tại quê nhà xóm nghề thôn Bình Nhựt, phủ Tân An, ông tuyên thệ xuất quân ngày 10 tháng 3 năm Canh Thân (1860), đầu quân tại thành Kỳ Hòa dưới quyền chỉ huy của Trương Định và được phong là quyền sung Quản binh đạo, và khi thành Kỳ Hòa thất thủ, ông lại lui về phủ Tân An chống giặc.

Sau đó ông chỉ huy đốt cháy tàu L'Espérance của Pháp, nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch:

Lửa bừng Nhựt Tảo râm trời đất

Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

Hỏa hồng Nhựt Tảo

Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ ngày 25 tháng 2 năm 1861, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Đến ngày 12 tháng 4 năm 1861, thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mĩ Tho, thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động. Một trong số đó là chiếc tiểu hạm L'Espérance (Hi Vọng), án ngữ nơi vàm Nhật Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).

Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực) cùng quyền sung Phó Quản binh đạo Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, quản toán Nguyễn Học, và hương thôn Hồ Quang Chiêu (Đại Nam thực lục chép là lương thân Hồ Quang)...tổ chức đám cưới giả phục kích đốt cháy chiến hạm L'Espérance.

Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có tám người trốn thoát (2 lính Pháp và 6 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní) (bên ta có 4 chiến sĩ hy sinh được triều đình truy tặng và làng Nhật Tảo được trợ cấp vì bị quân địch đốt cháy).

Lúc đó, viên sĩ quan chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait không có mặt, nên sau khi hay tin dữ, Parfait đã dẫn quân tiếp viện đến đốt cháy nhiều nhà cửa trong làng Nhựt Tảo để trả thù.

Theo sau chiến thắng vừa kể, nhiều cuộc tấn công quân Pháp trên sông, trên bộ đã liên tiếp diễn ra.

Kiếm bạc Kiên Giang

Sau lần đốt được tàu L’Espérance của Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực không rời 3 tỉnh miền Đông, phối hợp với lãnh binh Trương Định đánh giặc Pháp. Kỉ niệm 3 năm chiến thắng Nhựt Tảo (ngày 11/12/1864) ông Nguyễn tổ chức lễ tế nghĩa sĩ tại Tam Bình, Cần Giuộc (Long An), đọc văn tế nghĩa sĩ của cụ Nguyễn Đình Chiểu nhằm tố cáo tội ác của quân lang sa, mã tà cướp nước. Sau khi Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định hi sinh, triều đình hối thúc rời 3 tỉnh miền Đông nên ông Nguyễn đem quân về miền Tây lập căn cứ nhiều nơi chống Pháp.

Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úybđể trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm mất vào ngày 24 tháng 6 năm 1867. Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) kháng Pháp với danh hiệu Dân chúng tự vệ và đổi tên thành Nguyễn Trung Trực (từ đây ông Nguyễn không còn liên quan gì tới triều đình nhà Nguyễn nữa). Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lập thêm căn cứ kháng Pháp.

Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng (trong số đó có cả hương chức, nhân dân Việt – Hoa –Khmer); vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang), do Trung úy Sauterne chỉ huy.

Kết thúc trận, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền

Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin Chủ tỉnh Rạch Giá cùng vài sĩ quan khác bị giết ngay tại trận, George Diirrwell gọi đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique).

Hai ngày sau (ngày 18 tháng 6 năm 1868), Thiếu tá hải quân A. Léonard Ausart, Đại úy Dismuratin, Trung úy hải quân Richard, Trung úy Taradel, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương nhận lệnh Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm kình chống đối phương lâu dài.

Ra Phú Quốc và bị bắt

Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp thất điên bát đảo, điên cuồng truy sát ông và nghĩa quân. Chúng tàn sát 700 người dân Rạch Giá để trả thù trận tấn công đồn đó. Các tên Việt gian Tấn, Lộc, Phương tìm đủ mọi cách bắt ông. Chúng treo giải thưởng 500 đồng và quan chức cho ai bắt được ông hoặc dâng thủ cấp. Độc ác hơn, chúng bắt mẹ ông Nguyễn, đồng bào và trẻ con mà mỗi ngày chúng đem bắn mấy người, bắn cho đến khi nào Nguyễn Trung Trực ra hàng mới thôi. Trong lúc này, vợ ông bị bệnh hậu sản qua đời. Chôn cất vợ xong, lúc đầu nhân dân còn cho con ông bú thép, sau giặc Pháp khủng bố, họ bỏ chạy vào rừng. Đứa bé chưa đầy tháng tuổi, không sữa nên đã chết. Trong phút cuối cùng nơi rừng sâu, tay ôm xác con, mẹ bị chúng bắt, nhân dân thì bị tra khảo tàn sát, nghĩa quân đang bị núng thế, thuốc súng không còn, thế giặc lại mạnh; ông quyết định chọn lấy sự hi sinh nộp mình cho giặc vào ngày 19 tháng 9 năm 1868, hầu cứu lấy nghĩa quân và nhân dân khỏi bị tàn sát. Bọn Pháp hí hửng vì bắt được ông, chúng giở trò đối xử tử tế, rút quân và đưa ông từ Rạch Giá về Sài Gòn bằng tàu Hải Âu. Suốt chặng đường một ngày một đêm, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn cố hết sức khuyên ông theo Pháp để hưởng vinh hoa phú quý, chức tước, lợi lộc nhưng ông gác ngoài tai và khẳng khái nói:" Tôi muốn làm một chức thôi, chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây xâm lược... ".

Nhà sử học Phạm Văn Sơn thuật chuyện:

Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn dọa phải theo và phụ lực với hắn để bao vây bọn ông Trực. Sau hai trận ghê gớm, bọn ông Trực phải trốn vào trong núi. Đội Tấn rượt theo, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp. Cùng đường, bọn ông Trực phải ra hàng...

Giám đốc Sở nội vụ Paulin Vial viết:

Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc

Nhưng có người lại cho rằng để bảo toàn lực lượng nghĩa quân, nhân dân trên đảo và lòng hiếu với mẹ (Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp), Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp và đã bị đưa về giam ở Sài Gòn.

Nhưng theo lời khai ít ỏi của Nguyễn Trung Trực khi ông bị giam cầm ở Khám Lớn Sài Gòn với Đại úy Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ, thì sự việc như thế này, trích biên bản hỏi cung:

...Tôi cho biết rõ rằng tôi đã tự ý quy thuận lãnh binh Tấn. Vì hắn đến đảo, hắn bảo viết thơ yêu cầu tôi quy hàng, vì chúng tôi bị bao vây trong núi không có gì để sống, tôi bảo một người dân trói tôi và dẫn tôi đến Tấn. Nếu tôi muốn tiếp tục chiến đấu, hắn không bắt tôi được dễ dàng như thế...

Rất tiếc bản cáo của lãnh binh Tấn gửi cho thống đốc Nam kỳ về "việc bắt Nguyễn Trung Trực và Tống binh Cân" đã bị thất lạc từ ngày 23 tháng 5 năm 1950, vì thế sự việc chưa được tường tận.

Thọ Tử

Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông lên giam ở Khám Lớn Sài Gòn để lấy khẩu cung. Theo Việt sử tân biên, mặc dù Lãnh binh Tấn đã hết sức can thiệp để Pháp tha mạng cho ông Trực, nhưng Thống đốc Nam Kỳ G. Ohier không chịu. Vì cho rằng không thể tha được "một người đã không coi luật quốc tế ra gì, đã hạ một cái đồn của chúng ta và giết chết 30 người Pháp!" Và rồi ngày 27 tháng 10 năm 1868 (nhằm ngày 12/9 Mậu Thìn 1868), nhà cầm quyền Pháp đã đưa ông Trực ra pháp trường tại Rạch Giá và sai một người khmer trên Tưa (người dân thường gọi ông là Bòn Tưa) đưa ông ra hành hình, hưởng dương khoảng 30 tuổi.

Người ta kể rằng:

Vào buổi sáng ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhân dân Tà Niên nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Ông Trực yêu cầu Pháp mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương trước phút "ra đi". Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt ông, đã trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ "thọ"(chữ Hán) màu đỏ tươi thật đẹp cho ông bước đứng giữa. Ông hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào… 

Tương truyền, trước khi bị hành quyết Nguyễn Trung Trực đã ngâm một bài thơ:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,

Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.

Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.

Anh hùng gặp phải hồi không đất,

Thù hận chang chang chẳng đội trời.

(Nguồn: Wikipedia)