Phan Bội Châu là một trong số các trí sĩ Việt Nam yêu nước hết mình tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Tháng 6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc khi ông đang trên đường rời Thượng Hải qua Khu nhượng địa Pháp để về Quảng Châu và từ ngày 29/08/1925, Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ tiến hành thẩm vấn để luận tội Phan Bội Châu, khi đó ông 59 tuổi.

Tiếu sử Phan Bội Châu

Phan Bội Châu là một trong những nhà yêu nước lớn ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867, tại làng Đan Nhiễm ( nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho.  Cha ông là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn, được thừa hưởng nguồn kiến thức Nho học uyên bác từ người cha, một thầy đồ có danh tiếng ở xứ Nghệ. Từ bé ông đã nổi tiếng thông minh, 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết “Tam Tự Kinh”, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách “Luận Ngữ”, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện.

Phan Bội Châu vốn tên là Phan Văn San,vì chữ “San” trùng với tên húy vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Ông có hiệu là Hải Thụ, về sau đổi là Sào Nam. Phan Bội Châu còn có nhiều biệt hiệu và bút danh khác như Thị Hán, Phan Giải San, Sào Nam Tử, Hạo Sinh, Hiếu Hán…

Thuở thiếu thời, ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi, ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội "Sĩ tử Cần Vương" (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị địch khủng bố nên phải giải tán.

Mặc dù tài năng, tài hoa, nhưng con đường thi cử của Phan Bội Châu lận đận so với các bạn bè đồng trang lứa ở cùng quê. Một lần, sau khi thi trượt, ông vào Huế, kinh đô của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn. Ông đã tham dự kì thi thơ ở Huế dưới sự chủ tọa của Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh. Bài thơ Bái thạch vi huynh (Lạy đá làm anh) đã bộc lộ rõ chí làm trai và tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu. Ông được Khiếu Năng Tĩnh để ý tới sau sự kiện này. Bằng sự nỗ lực của mình, Phan Bội Châu cuối cùng đã thi đỗ Giải nguyên để thỏa niềm đam mê đèn sách. Tuy nhiên, sau khi đỗ đạt Phan Bội Châu không làm quan để hưởng vinh hoa, phú quý như nhiều người khác. Ông đi khắp trong Nam, ngoài Bắc liên kết với các văn thân, sĩ phu cả nước cùng nhau đồng tâm, hiệp lực chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Đỗ đạt cao, không ra làm quan và tinh thần yêu nước dạt dào làm cho danh tiếng của Phan Bội Châu lan tỏa khắp cả nước.

Trong cuộc đời hoạt động yêu nước, chống Pháp sôi nổi của mình, Phan Bội Châu luôn chú trọng đến thanh niên, coi thanh niên là một lực lượng cách mạng đặc biệt quan trọng. Ngược lại thanh niên Việt Nam thủa đó cũng dành những tình cảm đặc biệt cho Phan Bội Châu. Họ tích cực ủng hộ, hưởng ứng và tham gia những hoạt động yêu nước, chống Pháp do Phan Bội Châu khởi xướng, tiêu biểu như phong trào Đông Du (1905 - 1909) và tổ chức Việt Nam Quang phục Hội (1912 - 1917). Khi Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt năm 1925, thì tầng lớp thanh niên, với lực lượng chủ công là học sinh, sinh viên, trí thức đã tích cực xuống đường đấu tranh đòi chính quyền thực dân ở Việt Nam phải trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Kết quả là thực dân Pháp buộc phải giảm án từ tử hình xuống chung thân khổ sai, sau đó đưa ông về an trí ở Huế cho đến khi ông qua đời (năm 1940).    

Năm 1884, Phan Bội Châu đã hưởng ứng các hoạt động yêu nước, chống Pháp của các văn thân, sĩ phu quê nhà bằng bài “Hịch đánh Tây”. Nhất là sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam kết giao với các nhà yêu nước thời bấy giờ như: Phan Chu TrinhHuỳnh Thúc KhángTrần Quý CápNguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên CẩnNgô Đức KếĐặng Thái ThânHồ Sĩ KiệnLê HuânNguyễn QuyềnVõ HoànhLê Đại,...

Năm 1905, ông cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp. Tại Nhật, ông gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Quốc, và được khuyên là nên dùng thơ văn (nghe lời Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử) để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Lại nghe hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Ōkuma Shigenobu (Bá tước Ôi Trọng Tín) và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị) khuyên là nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này về giúp nước.

Tháng 8/1905, Phan Bội Châu về nước để tổ chức vận động thanh niên xuất dương. Tại Nghệ Tĩnh ông đã kết giao với Lê Văn Huân (Giải Huân) ở Ngu Lâm (Đức Thọ), Trần Sĩ Dực ở Đan Hải (Nghi Xuân), Hoàng Minh Kha ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), và Vương Thúc Oánh ở Nam Đàn... nhằm vận động thanh niên ra nước ngoài học tập để mai sau cứu nước. Thế hệ Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Hoàng Ngọc Ân, Trương Vân Lĩnh…lần lượt xuất dương qua Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm rồi từ đó sang Trung Quốc hoạt động.

Với sự dẫn dắt của Phan Bội Châu đã làm nên một làn sóng nô nức ra đi tìm đường cứu nước và chính họ là nòng cốt của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng  chí Hội sau này.

Hầu hết các thanh niên du học sinh sang Nhật Bản được Phan Bội Châu gửi vào học tại trường Đồng Văn thư viện, chỉ có vài ba người được gửi vào học tại trường Chấn Võ học hiệu. Các du h ọc sinh ở Nhật Bản đều gắng sức học tập mong thành tài để về cứu dân, cứu nước. Phan Bội Châu luôn ân cần chăm sóc các du học sinh, bởi họ là những người trẻ tuổi, giàu lòng yêu nước, nhưng sống cảnh xa nhà trên đất khách quê người nên không khỏi có những bỡ ngỡ và khó khăn.

Năm 1906, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có cuộc gặp gỡ tại Nhật Bản. Sự phát triển của nước Nhật Bản trên con đường Âu hóa đã giúp hai nhà yêu nước Việt Nam được mở rộng tầm mắt. Tuy nhiên, hai người đi theo hai khuynh hướng khác nhau. Phan Châu Trinh cho rằng Việt Nam chưa đủ lực chống Pháp bằng con đường bạo lực, nên cần tiến hành các hoạt động khai dân trí, chấn dân khí, duy tân để làm cho dân cường, nước thịnh. Trong khi đó Phan Bội Châu quyết tâm đi theo con đường bạo lực cách mạng. Phan Châu Trinh chủ trương chống phong kiến, thực hành chế độ dân chủ, thì Phan Bội Châu chủ trương chống Pháp, giải phóng dân tộc. Mặc dù con đường đi của hai nhà yêu nước này khác nhau (Phan Châu Trinh – ôn hòa và Phan Bội Châu – bạo động), nhưng họ không bài xích nhau, mà tương trợ cho nhau. Ở trong nước, Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Duy Tân; ở Nhật Bản Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du. Hai phong trào này không phát triển biệt lập mà có sự tương hỗ lẫn nhau, bởi có chung một động lực là tinh thần yêu nước. Cả hai phong trào này có một điểm chung là lôi cuốn được sự tham gia đông đảo của tầng lớp thanh niên trong cả nước.

Phan Bội Châu sang Nhật Bản với mục đích là cầu viện chính phủ Nhật Bản, một nước đồng chủng, đồng văn ở châu Á, giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp. Sau khi tiếp xúc với giới cầm quyền của Nhật Bản, Phan Bội Châu nhận thấy không thể cậy nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Một số chính khách Nhật Bản khuyên ông chuyển từ cầu viện sang cầu học. Năm 1906, Phan Bội Châu và những nhà nho có tư tưởng tiến bộ đã phát động phong trào Đông Du trên phạm vi cả nước. Một số trung tâm xuất dương lớn là Hà Nội, Thái Bình - Nam Định, Nghệ An - Hà Tĩnh, và Sài Gòn. Các nhà nho cấp tiến, nhà khá giả, giàu có đã tích cực quyên góp tiền của để ủng hộ phong trào Đông Du. Đã có gần 200 thanh niên (số thanh niên Bắc Kỳ và Trung Kỳ khoảng gần 100 người, Nam Kỳ gần 100 người) đã rời Việt Nam sang Nhật Bản du học theo lời kêu gọi thống thiết, ngập tràn tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu.

Năm 1907, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Cống Hiến Hội, một phong trào với sự tham gia của hơn 100 học sinh du học ở Nhật. Việc này có ý nghĩa tượng trưng vì những học sinh có được cơ hội để cộng tác với nhau với tư cách là những người Việt, (không phải người Bắc Kì, Nam Kì hay Trung Kì mà người Pháp đã cố tình chia ra). Tuy nhiên, dưới áp lực của chính phủ Pháp, Nhật Bản đã trục xuất họ trong năm sau.

Năm 1909, Phan Bội Châu rời Nhật Bản đến Trung Quốc. Nhiều du học sinh từ Nhật Bản đến Trung Quốc theo Phan Bội Châu. Năm 1912, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã thành lập tổ chức yêu nước mới là Việt Nam Quang phục Hội. Biết tin này, nhiều thanh niên yêu nước rời Việt Nam đến Trung Quốc để gia nhập tổ chức. Phan Bội Châu trọng dụng những thanh niên từng tham gia phong trào Đông Du cử họ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội. Năm 1913, thực dân Pháp cử người đến Quảng Đông "mặc cả" với Tổng đốc Long Tế Quang yêu cầu bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân của hội. Ngày 24 tháng 12 năm 1913, Phan Bội Châu bị bắt. Nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không thể giao nộp ông cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, mãi đến tháng 2 năm 1917, ông mới được giải thoát. Mặc dù bị giam giữ, nhưng sức hút của Phan Bội Châu với thanh niên còn rất lớn.

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải rồi bí mật đưa về nước để thủ tiêu nhưng trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, và nhờ sự can thiệp của Toàn quyền Varenne, ông bị thực dân Pháp kết án chung thân khổ sai và đưa về an trí tại Huế. Trong những ngày sống ở Huế, Phan Bội Châu vẫn một nỗi niềm đau đáu về sự nghiệp cứu nước chưa thành. Thế hệ những nhà nho cấp tiến phất cao ngọn cờ yêu nước của ông bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Người thì bị xử chém trên pháp trường, người bị đày ải nơi xứ người, người chịu cảnh tù đày. Tuy nhiên, thế hệ Phan Bội Châu đã kịp gieo khát vọng và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc vào trong lòng thế hệ trẻ. Vì vậy, trong những ngày sống ở Huế, ông luôn đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ.

Đầu xuân 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ 60 tuổi của Phan Bội Châu. Trong lời đáp từ của nhà chí sĩ, có bài thơ "Bài ca chúc Tết thanh niên". Báo "Tân thế kỉ" số ra ngày 3-2-1927 đã giới thiệu toàn văn bài thơ. Viết theo thể hát nói đôi khổ, giọng thơ vừa bồi hồi tha thiết, vừa mạnh mẽ hùng hổn, bài ca đã động viên và khích lệ thanh niên lên đường cứu nước. “Bài ca chúc Tết thanh niên” là những lời tâm huyết của Phan Bội Châu gửi gắm đến thế hệ thanh niên, thanh niên phải “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. 

(Theo “Trang thông tin điện tử Bảo tàng XVNT”)

“Cơ duyên” của Phong trào Đông Du

Năm 1868 thời kỳ Minh Trị (Meiji) ở Nhật Bản bắt đầu. Thời kỳ này là thời kỳ đổi mới của Nhật bản với việc tiến hành thử nghiệm nền chính trị thực dụng để tái định nghĩa thể chế Hoàng Đế.

Nhật mở cửa toàn diện và đặc biệt đã khuyến khích việc học tiếng Anh. Nhưng cũng trong thời kỳ này, Nhật Bản đứng trước sự đe doạ của phương Tây. Vì vậy, việc cách tân toàn bộ đất nước cũng nhằm mục đích chống lại các thế lực bên ngoài. Nhưng trước sự ngoan cường của nhân dân Nhật Bản, lần lượt Trung quốc, Sa Hoàng (Nga) đều bị thảm bại. Thắng lợi đó của Nhật Bản ảnh hưởng sâu rộng tới toàn thế giới.

Ở Việt Nam vào thời kỳ này các phong trào khởi nghĩa của nhiều nhà yêu nước bị thất bại liên tiếp, dân ta lại phải tiếp tục sống trong cảnh nô lệ, lầm than.

Nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) sáng lập ra đã sáng lập ra Duy Tân Hội nhằm thúc đẩy phong trào yêu nước trong nước. Tuy nhiên, để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng nhân dân lại là một việc khó khăn.

Lúc này cũng là thời kỳ các tài liệu tân văn liên quan tình hình thế giới, các phong trào yêu nước được tuyên truyền rộng rãi. Phan Bội Châu cũng không ngoài ảnh hưởng của các tài liệu này. Khác với những nhà yêu nước khác ông đã chọn cho mình con đường đi riêng, con đường giải phóng dân tộc kiểu Phan Bội Châu.

Phan Bội Châu với một niềm tin sẽ dựa vào Nhật Bản để kháng chiến chống Pháp đã lập ra phong trào Đông Du (đi về phía Đông). Với mục đích học tập Nhật Bản, tháng 1/1905, lần đầu tiên một số sĩ phu Việt Nam do Phan Bội Châu đứng đầu sang Nhật. Từ lời giới thiệu của Lương Khải Siêu, sĩ phu Việt Nam đến gặp một số nhà yêu nước, ủng hộ Việt Nam như Okumura, Kashiwabara Buntaro, bác sĩ Asaba Sakitaro.

Trong các cuộc gặp gỡ với những nhà yêu nước Nhật Bản, Phan Bội Châu có lẽ đã không mấy “thỏa nguyện” khi họ không có ý muốn giúp Việt Nam về mặt quân sự, mà họ chỉ hứa lấy danh nghĩa dân Đảng Nhật, giúp học sinh Việt Nam ăn học.

Phan Bội Châu cũng đã đồng ý với đề nghị của các bạn Nhật, thực hiện việc gửi học sinh Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản, tạo dựng phong trào cách mạng sau này.

Đông Du và tư tưởng giải phóng dân tộc

Từ năm 1906, phong trào Đông Du đi vào hoạt động ngày càng rầm rộ trên cả ba miền đất nước, hàng loạt các tác phẩm của Phan Bội Châu được dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ, gửi về nước. Từ năm 1907-1908 là thời kỳ phong trào Đông Du phát triển mạnh nhất với trên 200 lưu học sinh.

Cũng trong lúc này hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, Okuma Shigenobu và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi khuyên Phan Bội Châu nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này về giúp nước. Từ sự ủng hộ này mà các thanh niên Việt Nam rất chú tâm vào việc học tập, hy vọng sau này cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chương trình học tập ở đây khá đa dạng, sáng và trưa dạy tiếng Nhật, “học tri thức phổ thông”, buổi chiều dạy “tri thức quân sự”, đặc biệt là “tập luyện thao tác quân sự”. Khi học sinh Việt Nam vào học trong các trường của Nhật Bản, thì chương trình, quy tắc học ở trường đều do người Nhật quy định, còn ngoài trường đều do ta tự quản lí. Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã lập ra Hội Việt Nam Công Hiến (tháng 10/1907) có chương trình riêng.

Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc và Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Chủ tịch Hội. Dưới quyền hành chung của Ban lãnh đạo, Hội được chia ra thành 4 Bộ, mỗi Bộ đảm nhiệm từng mặt hoạt động của lưu học sinh.

Các ủy viên của Bộ kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu vào, chi ra và các việc trù bị. Đồng thời, họ cũng là những người giỏi vận động, tranh thủ sự giúp đỡ cả trong và ngoài nước. Việt Nam Công Hiến rất chú trọng tổ chức những buổi “sinh hoạt chính trị” giúp học sinh rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng.

Tại các chương trình nghị sự, có mặt đông đủ học viên thì Hội trưởng và Tổng lý huấn thị trước như khuyến cáo các vấn đề có liên quan đến sinh hoạt, học tập, có khi bình giảng nội dung một cuốn sách, nhắc nhở nhiệm vụ của các thành viên trước Tổ quốc. Sau đó, mọi người tự do trao đổi, góp ý các vấn đề đặt ra, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Hệ thống tổ chức bố trí nhân sự và điều hành hoạt động ở đây tựa như một “Chính phủ lâm thời”.

Phan Bội Châu đã từng bộc bạch: “Tôi nghiễm nhiên như một quan Công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức Đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham. Đồng thời, chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam Công Hiến bắt chước như một Chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm”.

Cũng chính vào lúc này, thực dân Pháp đã tìm ra nhiều manh mối của phong trào, chúng cấu kết với Nhật để xúc tiến đàn áp. Tháng 9/1908, khi các học sinh Trường Chấn Võ đang làm lễ tốt nghiệp thì Bộ Nội vụ Nhật hạ lệnh giải tán tổ chức học sinh Việt Nam, tịch thu các văn kiện, đuổi học sinh ra ngoài nước Nhật. Tháng 2/1909, Phan Bội Châu, Cường Để cũng bị trục xuất khỏi nước Nhật.

Trước tình hình đó, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông phải về lánh nạn ở Trung Quốc, qua Xiêm hoạt động một thời gian với mục đích chờ đợi những cơ hội mới.

Tình hình lúc này rất khó khăn, kinh phí để cho lưu học sinh về nước trở thành vấn đề lớn đối với Phan Bội Châu. Đúng lúc này, bác sĩ Asaba Sakitaro đã ủng hộ 1700 yên. Số tiền này đã cưu mang nhiều học sinh Việt Nam. Không chỉ lúc này, trước đó bác sĩ Asaba cũng đã giúp đỡ rất nhiều về mặt vật chất đối với việc tạo dựng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu

Chính sự giúp đỡ vô tư và trong sáng này mà sau đó khi “trời yên biển lặng”, Phan Bội Châu cùng một số anh em khác đã sang tận quê hương của Asaba (lúc này đã qua đời) để dựng bia tưởng niệm vị ân nhân này. Văn bia có đoạn viết: “Hảo hớn xưa nay, nghĩa đầy trong ngoài. Ông giúp như trời, Tôi chịu như bể, chí Tôi chưa thành, Ông không chờ Tôi. Lòng này đau thương, đến ức vạn năm. Tất cả người của Hội Việt Nam Quang phục xin nghi lại”.

Tấm bia này vừa thể hiện tấm chân tình của Phan Bội Châu đối với những người đã giúp mình, vừa thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Năm 2003 nhân kỷ niệm 85 ngày Phan Bội Châu dựng bia tưởng niệm, Hội yêu nước của tỉnh OWA đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm này. Một số nhà khoa học Việt Nam cũng sang dự lễ. Năm 2010 nhân kỷ niệm 105 phong trào Đông Du, phía Nhật Bản, Hội Asaba Việt Nam tổ chức kỷ niệm Phan Bội Châu và tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phù điêu và mô hình tấm bia Asaba.

Hội hữu nghị Asaba Việt Nam là một Tổ chức phi Chính phủ của Nhật Bản được thành lập nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền kỳ về tình bạn giữa cụ Phan Bội Châu và Bác sĩ Asaba. Chủ tịch Hội là ông Yukiho Amma.

Hội đã có những hoạt động tích cực như phối hợp tổ chức các lễ kỉ niệm 100 năm phong trào Đông Du tại Việt Nam, quyên góp xây dựng các lớp học cho tỉnh Quảng Nam, giới thiệu về phong trào Đông Du cho học sinh các trường tiểu học ở thành phố Fukuroi, Tỉnh Shizuoka (nơi có bia tưởng niệm Cụ Phan Bội Châu), giúp đỡ các du học sinh Việt Nam tại thành phố Fukuroi… Sắp tới trong năm 2017, Hội sẽ có những hoạt động thiết thực nhằm tổ chức kỉ niệm 150 ngày sinh của Phan Bội Châu và Asaba.

Để tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của Hội, năm 2015, ông Amma đã lập ra một trang facebook riêng thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Tại đây, những thông tin liên quan đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức, lãnh đạo hai nước đến viếng thăm, tìm hiểu về lịch sử bia Tưởng niệm Sakaba của Cụ Phan Bội Châu được chia sẻ. Thông quá đó, thế hệ trẻ hai nước hiểu thêm về cội nguồn lịch sử quan hệ hai nước, càng thêm tin tưởng gắn bó.

Trong thời gian ở tại Nhật Bản, Phan Bội Châu ngoài những bức thư thể hiện tình cảm của bản thân đối với Nhật Bản, kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Nhật Bản đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngoài ra ông đã viết rất nhiều tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước, sự khâm phục đối với các bạn Nhật Bản.

Có thể liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu sau:

Ai Việt điếu Điền viết năm 1906, nêu lên những lợi ích của tình đoàn kết Việt Nam với các tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc. Tác phẩm này được viết ra nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của lưu học sinh và các nhà hoạt động tỉnh Vân Nam đối với hoạt động của người Việt Nam ở Nhật.

Hải ngoại huyết thư (Sơ biên, Tục biên) viết năm 1906, in ở Tỉnh Yokohama. Vào năm 1908, tác phẩm này được tái bản, với mục địch tuyên truyền tư tưởng yêu nước, phản đối thực dân Pháp. Đáng tiếc tác phẩm bị cảnh sát Nhật tịch thu, đem đốt vì bị liệt vào tác phẩm “kích động nguy hiểm”.

Tác phẩm Kính cáo toàn quốc phụ lão viết năm 1906, kêu gọi các bậc phụ lão trong nước tích cực vận động ủng hộ du học sinh Nhật Bản. Tác phẩm này cũng sớm được chuyển về tuyên truyền trong nước.

Tân Việt Nam viết năm 1907, nói về Mười điều sung sướng và Sáu điều hy vọng đối với nước Việt Nam mới. Hình ảnh nước Việt Nam mới được miêu tả trong tác phẩm này là hình ảnh Nhật Bản đương thời. Đây là tác phẩm được viết với tinh thần lạc quan nhất của Phan Bội Châu.

Đề tỉnh quốc dân hồn viết năm 1907, kêu gọi các tầng lớp: sĩ, nông, công, thương noi gương Nhật Bản, hiểu biết vai trò bổn phận của mình cống hiến cho nước nhà.

 Việt Nam quốc sử khảo viết vào cuối năm 1908, được Soransha, Tokyo phát hành vào đầu năm 1909. Đây là cuốn lược khảo viết theo cách mới về lịch sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, Phan Bội Châu đưa ra nhiều khái niệm mới về quốc gia-quốc dân, dân quyền, văn minh… phản ánh một bước phát triển mới trong nhận thức và tư tưởng của ông.

Tất cả những tác phẩm của Phan Bội Châu trong thời kỳ này ngoài việc lên án chế độ thực dân Pháp, còn tuyên truyền mạnh mẽ tư tưởng, con đường giải phóng dân tộc, khích lệ tầng lớp thanh niên học tập. Đồng thời, thể hiện mối thâm tình giữa những người yêu nước Nhật Bản đối với những người yêu nước Việt Nam.

Phong trào Đông Du tuy thất bại, nhưng đó là quá trình đổi mới tư duy của các nhà cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, trong lịch sử phát triển quan hệ Việt-Nhật, đây là giai đoạn thể hiện sự gắn bó của những con người “đồng chủng”, “đồng tông”.

(Nguồn: la34.com.vn)