Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 1491 – 1585), tên huý là Văn Đạt (文達), tự là Hanh Phủ (亨甫), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ (白雲庵居士), được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử (雪江夫子), là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” (程國公) mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Dưới thời quân chủ của Việt Nam, ông là một trong số hiếm "văn nhân thuần túy" (tức là những người không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận) và lại cũng không phải là công thần khai quốc lẫn người thân thích với hoàng tộc nhưng được phong tới tước Công ('Quận công' hay 'Quốc công') ngay từ lúc còn sống. Trình Quốc công là tước phong chính thức cao nhất của vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 20 năm trước khi ông mất. Sự thật lịch sử này căn cứ vào 3 tấm văn bia do chính ông soạn lúc đã cáo quan về quy ẩn tại quê nhà Trung Am ở độ tuổi ngoài 73 và hiện còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại 2 huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình

Ông cũng được sử sách coi là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược. Những lời cố vấn của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê-Trịnh, Nguyễn đã có tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của khu vực Đông Nam Á trở về sau.

Tuổi thơ

Trạng Trình tên lúc nhỏ là Nguyễn Văn Đạt. Mẹ ông bà Nhữ Thị Thục là người làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Người đời cho rằng bà là người có ảnh hưởng lớn lao đến sự trưởng thành của Văn Đạt – người mà sau này là danh nhân đất Việt: Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời bà có dòng dõi khoa bảng, tự bản thân lại thông minh học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, tường lý số, biết thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu. Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà Nhữ Thị Thục là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ – nữ Tiến sĩ đầu tiên của nước ta, Quận công Nhữ Thị Thuận, và phu nhân Nhữ Thị Thục). Dân gian kể bà còn là bậc nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ, khi trẻ tuổi thì ngao du sơn thuỷ, thờ ơ với ông nghè ông tổng, bởi chí bà cho rằng những người đó cũng chỉ thi đỗ rồi làm công hầu mà thôi.

Thế rồi chỉ một lần gặp gỡ với ông đồ Nguyễn Văn Định, bà đã tự nguyện gá nghĩa. Bà đến với ông Định chỉ vì nhận thấy ở ông có tướng sinh quý tử, chồng bà nếu không phải là vua thì sinh con ra cũng phải làm vua! Bà cũng đoán trước ngay từ thời nhà Lê còn cực thịnh rằng bước đường suy vong của triều Lê chẳng còn bao xa. Nhưng rồi thực tế không như bà mong muốn, con bà sau này chỉ là trạng nguyên, vì thế mà vợ chồng cũng thường xích mích.

Chuyện kể có lần bà Nhữ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà trông con. Ông buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và nói:
– Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!

Tưởng con không biết gì, chẳng ngờ Đạt nói:
– Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung.

Khi bà Thục về, Văn Định khoe chuyện ấy bảo là con trai họ thông minh. Không dè, bà Thục nói:
– Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong thành vua thành chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì.

Lần khác khi vợ đi vắng, Văn Định lấy sách của vợ tìm một câu để dạy con, thấy câu:
– Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng

Văn Định hoảng sợ, cho là ý kiến phản nghịch, có thể bị tội chém đầu, bèn chữa chữ “tựa” thành “vịn”. Bà Thục về đến, biết chuyện này bực lắm.
– Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm tôi, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.

Vì nhiều quan niệm bất đồng nên bà Thục đã bỏ nhà ra đi. Tương truyền khi còn sống với Văn Định, có lần bà Thục ra Đồ Sơn, gặp một người dân chài oai vệ, cao to, sắc sảo, vừa thi trúng võ cử, sắp đi làm lính túc vệ thì giật mình than rằng: “Người này mới thật là người mà ta mong ước. Lúc trẻ chẳng gặp, ngày nay tới đây làm gì!” Người ấy sau này cướp ngôi nhà Lê, lên làm vua lập ra nhà Mạc (1527), chính là Thái tổ nhà Mạc – Mạc Đăng Dung.

Lại có truyền thuyết kể rằng bà Thục sau này đã đi thêm bước nữa, hạ sinh thêm 1 trạng nguyên cho đời, đó là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Về sau Phùng Khắc Khoan theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông coi như em ruột. Có thể thấy bà Thục tuy là nữ lưu nhưng chí lớn, lại luôn cất công mài giũa, bà có hai người con đều đỗ đạt và nổi tiếng, đáng là chuyện vinh danh ngàn xưa hiếm gặp vậy 

Còn về Nguyễn Văn Đạt thuở nhỏ đã thông minh lạ thường. Đầy thôi nôi đã biết nói, lên bốn được mẹ dạy cho học thuộc lòng kinh truyện cùng với thơ Nôm. Tương truyền một hôm, bà Thục đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê ngoại thăm gia đình, dọc đường gặp một thầy tướng số Trung Hoa. Thấy Khiêm có tướng mạo lạ thường, ông bèn nói:
– Đứa trẻ này về sau có thể làm tới ngôi vương.

Nhưng rồi sau khi xem kỹ lại, ông than:
– Da khô quá, thật là đáng tiếc! Cùng lắm chỉ là trạng nguyên mà thôi.

Đường công danh của ông sau này đúng là chỉ ở mức Trạng Nguyên  Khi mất ông được vua Mạc truy phong tước Thái phó Trình Quốc công, do đó mà đời sau gọi ông là là Trạng Trình.

Sự nghiệp

Cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm cho con theo học quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, cũng là 1 danh nhân văn hoá nước ta. Ông người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá; đã từng đỗ đạt làm quan công thần nhà Lê. Ông cũng là người thảo “Trị bình thập tứ sách” gồm 14 đề mục cho việc trị nước an dân nhưng không được dùng nên đã cáo quan về quê dạy học. Khiêm sau này là học trò mà ông yêu quý nhất.

Đến khi Lương Đắc Bằng ốm nặng, biết rằng mình không sống lâu được nữa bèn gọi Khiêm lại, đưa cho ông 1 cuốn sách mà dặn rằng:

– Khi xưa thầy đi sứ qua Tàu, lúc trở về nước, có một cụ khách già trao cho thầy quyển sách. Thầy tưởng cho thầy nhưng sau đó, cụ ấy nói: “Ta không cho ngươi, ta chỉ nhờ người đem về giao lại cho một người An Nam”. Thầy rất ngạc nhiên khi không nghe cụ già ấy nói đến tên họ người mà cụ muốn gửi gắm. Cụ già liền xua tay: “Không cần. Chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần”. Nói xong, ông cụ ấy bỏ đi mất, chừng đó thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân. Nay thầy giao quyển sách này lại cho con, ấy là con có phần.

Bộ sách ấy chính là bộ Thái Ất Thần Kinh mà thầy Bằng để lại cho người học trò cừ khôi của mình. Nhờ quyển sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông lý số, hiểu quá khứ vị lai, đoán biết tương lai, lại biết được sự xoay vần của thế cuộc. Chẳng thế mà vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải đã phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học nước nhà – công như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa vậy. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình Quốc Công.

Ông không hữu duyên với nghiệp quan trường lại ra đời vào thời loạn lạc. Mãi đến năm 45 tuổi ông mới đỗ Trạng nguyên thời Thái Tông Mạc Đăng Doanh. Làm quan được bảy năm, ông dâng sớ xin trảm 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542. Từ đây Nguyễn Bỉnh Khiêm xa rời cửa quan, lánh về điền viên, nhưng cuộc đời của ông thì chưa bao giờ nguôi nỗi niềm đau đáu về vận nước nghiệp nhà.

Tiên tri

Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn gọi là "Sấm Trạng Trình" là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính trong khoảng 500 năm. Sấm ký ở bản A có 262 câu, gồm 14 câu "cảm đề" và 248 câu "sấm ký". Đây là bản trích ở bộ "Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" (tập 2) của Trịnh Văn Thanh – Sài Gòn – 1966. Ngoài bản A còn có ít nhất ba dị bản về sấm Trạng Trình. Tài liệu liên quan hiện có 20 văn bản, trong đó bảy bản là tiếng Hán Nôm lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội (trước đây là Viện Viễn Đông Bác Cổ) và Thư viện Quốc gia Hà Nội và 13 tựa sách quốc ngữ về sấm Trạng Trình xuất bản từ năm 1948 đến nay. Bản tiếng quốc ngữ phát hiện sớm nhất có lẽ là Bạch Vân Am thi văn tập in trong Quốc Học Tùng Thư năm 1930 mà hiện nay vẫn chưa tìm được